Đăng ngày: 29/11/2022
Trong những ngày cuối tuần qua, cư dân nhiều nơi tại Trung Quốc đã biểu tình phản đối chính sách zero Covid nghiêm ngặt. Phong trào phản kháng đặc biệt lan rộng sau một vụ hỏa hoạn chết người hôm 24/11/2022 tại Urumqi, thủ phủ vùng Tân Cương, nơi mà chính sách phong tỏa khắc nghiệt được áp dụng liên tục. Theo các quan sát viên phương Tây, dù không rầm rộ, nhưng làn sóng phản đối đang diễn ra thuộc loại nghiêm trọng nhất đối với chế độ Bắc Kinh kể từ phong trào Thiên An Môn năm 1989.
Theo ghi nhận của tạp chí Mỹ Foreign Policy ngày 28/11, tại Trung Quốc, các cuộc biểu tình không phải là không có, nhưng hiếm khi có quy mô toàn quốc vì một lý do duy nhất. Hầu hết các cuộc biểu tình ở Trung Quốc cho đến gần đây đều nhằm vào những mục tiêu cục bộ, giới hạn ở cấp địa phương, tránh thách thức chế độ về mặt ý thức hệ.
Các cuộc biểu tình công khai phản đối đảng Cộng Sản Trung Quốc thậm chí còn hiếm hơn, nhất là ở Bắc Kinh, nơi vụ một người trương biểu ngữ kêu gọi phế truất chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 10 vừa qua đã trở thành một tin tức quan trọng.
Thế nhưng trong những ngày cuối tháng 11 này, một số người biểu tình đã công khai kêu gọi Tập Cận Bình từ chức, với những tấm biển trống hay tờ giấy trắng được giương lên đã trở thành biểu tượng phản đối kiểm duyệt, trong lúc các đoạn video về các cuộc biểu tình được lan truyền trên mạng xã hội.
Theo giới quan sát, trong một chế độ sẵn sàng đàn áp thẳng tay những người bất đồng chính kiến và áp dụng một chế độ kiểm duyệt nghiêm ngặt, những người phản kháng tại Trung Quốc đã sáng tạo ra vô số cách thức để bày tỏ nỗi bất bình, tố cáo chính sách zero Covid, và thể hiện sự ủng hộ đối với các cuộc biểu tình.
Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP ngày 28/11, một trong những hình thức được người biểu tình sử dụng phổ biến là phô trương những tờ giấy trắng, những tấm biển trống trong các cuộc tập hợp hay trên mạng. Bên cạnh đó, là hiện tượng chơi chữ nở rộ.
Giấy A4 trắng: Biểu tượng chống kiểm duyệt
Tại nhiều thành phố, kể cả ở Bắc Kinh hôm 27/11 vừa qua, người ta thấy một số người biểu tình giơ cao những tờ giấy trắng khổ A4 để thể hiện sự đoàn kết và tỏ thái độ chống lại tình trạng thiếu tự do ngôn luận ở Trung Quốc. Trên mạng xã hội WeChat, nhiều người đã cho đăng những ô vuông màu trắng trên tài khoản của họ. Ai cũng ngầm hiểu là những tấm biển trống hay tờ giấy trắng biểu thị cho việc không ai được quyền viết gì trên đó.
Trên internet cũng lan truyền nhiều bức ảnh cho thấy các sinh viên trường đại học Thanh Hoa (Tsinghua) hàng đầu tại Trung Quốc giơ cao các tấm biển trên ghi phương trình Friedmann – được chọn vì sự tương đồng giữa tên của nhà vật lý và cụm từ “freed man”, nghĩa là “người được giải phóng”, “người được tự do”, hay từ “freedom”, tức là “tự do”.
Và sau khi chính quyền cho chặn các từ khóa và địa danh rõ ràng hơn trên các công cụ tìm kiếm trên internet, nhiều bài đăng vô nghĩa đã xuất hiện trên ứng dụng WeChat và Vi Bác, bao gồm các ký tự mang nghĩa “tích cực” được lặp đi lặp lại, chẳng hạn như “đúng, đúng, đúng, đúng, đúng” hay “tốt, tốt, tốt”. Ngay hôm sau, các bài đăng vô nghĩa đó, cũng như những bài đề cập đến tờ “giấy A4” đã bị xóa khỏi các trang xã hội, mặc dù các bài đăng tương tự vẫn tiếp tục lan truyền theo cách khác.
Chơi chữ đòi hạ bệ Tập Cận Bình
Theo AFP, nhiều người dùng mạng xã hội cũng chuyển sang cách chơi chữ tinh vi để nói về các cuộc biểu tình, từ việc sử dụng các từ ngữ như “vỏ chuối”, có cùng chữ cái đầu với tên của chủ tịch Tập Cận Bình trong tiếng Hoa kèm theo từ “Hà Đài (rêu tôm)”, có cách phát âm tương tự như cụm từ “hạ đài” tức là “bước xuống”.
Một cách thức phổ biến thứ hai là mỉa mai, châm biếm, tách rời hình ảnh ra khỏi bối cảnh thực để biểu thị ý phản kháng. Các video clip về Tập Cận Bình cũng như các câu nói của chủ tịch nước Trung Quốc đã được trích dẫn nhưng với mục đích ủng hộ các cuộc biểu tình, trong đó có một video quay cảnh ông Tập nói: “Bây giờ người dân Trung Quốc có tổ chức và không nên để bị coi thường.”
Cư dân mạng cũng lan truyền các đoạn video chế (meme) về World Cup đang diễn ra ở Qatar, sử dụng hình ảnh của những người hâm mộ bóng đá không đeo khẩu trang để chế nhạo chính sách zero Covid tại Trung Quốc.
Trong một video được chia sẻ rộng rãi nhưng đã bị kiểm duyệt, một cư dân mạng xã hội đã chèn thêm âm thanh của một người hét to: “Hãy đeo khẩu trang vào!” và “Hãy làm xét nghiệm Covid” vào cảnh khán giả cổ vũ World Cup.
Công khai ca ngợi tự do
Một số đám đông vào cuối tuần qua đã kêu gọi ông Tập từ chức một cách rõ ràng và hô vang những khẩu hiệu như “Xét nghiệm Covid thì không, tự do thì có”, gợi đến một tấm biểu ngữ được một người phản kháng đơn độc tại Bắc Kinh treo lên ngay trước Đại Hội đảng Cộng Sản Trung Quốc hồi tháng 10.
Và một video lan truyền đã nhanh chóng bị các nhà kiểm duyệt gỡ xuống cho thấy các sinh viên tại ký túc xá của trường đại học hát bài “Hải Khoát Thiên Không” (tiếng Anh là “Boundless Oceans, Vast Skies”) của ban nhạc pop Quảng Đông Beyond — một bài ca ngợi tự do từng được những người biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông sử dụng trước đại dịch.
Những người khác thận trọng hơn, tổ chức những cuộc biểu tình có vẻ là im lặng và dâng hoa và nến để tưởng nhớ các nạn nhân của vụ hỏa hoạn chết người ở Tân Cương tuần trước đã gây ra làn sóng giận dữ mới nhất.
Tại rất nhiều nơi ở Trung Quốc, nhiều nhóm đã hát quốc ca và Quốc Tế Ca tại các cuộc tập hợp của họ, để khỏi bị chính quyền cáo buộc rằng các cuộc biểu tình là phản quốc hoặc do các thế lực nước ngoài xúi giục.
Vượt tường lửa để phổ biến thông tin
Các mạng xã hội quốc tế như Twitter và Instagram bị Bức tường lửa của Trung Quốc ngăn chặn, nhưng những cư dân am hiểu công nghệ đã có thể công bố thông tin về các cuộc biểu tình bằng các loại phần mềm VPN đặc biệt.
Để đưa thông điệp ra ngoài biên giới Trung Quốc, các tài khoản Twitter được điều hành ẩn danh đang mở hộp thư đến của họ để gửi video từ khắp nước, trong khi một số cuộc biểu tình phản đối được trực tiếp truyền đi qua mạng Instagram.
Và nhiều du học sinh Trung Quốc cũng đã tổ chức các cuộc biểu tình tương tự trên khắp thế giới, bao gồm cả ở một số thành phố ở Bắc Mỹ và châu Âu.
Trong một video trên Instagram được AFP chứng thực, một số người biểu tình đã dựng một biển hiệu mô phỏng con đường Urumqi của Thượng Hải trên một cột đèn bên ngoài lãnh sự quán Trung Quốc ở Toronto, Canada.