Chiến tranh Ukraina: Nhiều câu hỏi chưa có giải đáp sau chuyến thăm Mỹ của Zelensky

Đăng ngày: 23/12/2022

Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky được nhiệt liệt hoan hô trước Quốc Hội Lưỡng Viện Mỹ, Washington, Hoa Kỳ ngày 21/12/2022. AP – Jacquelyn Martin

Trọng Nghĩa

Chuyến thăm nước Mỹ bất ngờ của tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky ngày 21/12/2022 có thể được xem là một thành công, tuy nhiên cũng để lại một số câu hỏi quan trọng chưa có câu trả lời: Trợ giúp quân sự từ phía Mỹ sẽ đến mức nào, hậu thuẫn của Quốc Hội Mỹ cho cuộc kháng chiến của Ukraina liệu có bền vững hay không và – quan trọng hơn cả – cuộc chiến sẽ kết thúc ra sao.

Viện trợ quân sự Mỹ sẽ đến mức nào?

Về câu hỏi đầu tiên liên quan đến viện trợ quân sự mà Ukraina đang rất cần, vào lúc các cơ sở hạ tầng của nước này liên tục bị tên lửa Nga phá hủy, các thiết bị phòng không, đặc biệt là hệ thống lá chắn chống tên lửa Patriot được cho là rất hiệu quả chống lại máy bay, tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình, hiện đứng đầu danh sách hàng viện trợ mà chính quyền Kiev mong muốn.

Trên vấn đề này, Ukraina đã bước đầu thành công khi được Mỹ đồng ý cung cấp cho một khẩu đội Patriot. Tuy nhiên, vấn đề được chính các quan chức Mỹ đặt ra là một hệ thống Patriot duy nhất sẽ không thay đổi được cục diện cuộc chiến, và liệu Washington có đồng ý cấp thêm vũ khí này hay không.

Mặt khác, Ukraina cũng muốn được chi viện các loại vũ khí tiên tiến khác, như chiến xa hiện đại và tên lửa tầm xa ATACMS, có tầm bắn 300km và có thể tấn công các mục tiêu ở xa đường chiến tuyến, cũng như sâu bên trong nước Nga.

Thế nhưng, cho đến lúc này, Hoa Kỳ và phương Tây vẫn chưa sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của Ukraina. Hãng tin Anh Reuters đã trích lời Rachel Rizzo, một chuyên gia cấp cao thuộc cơ quan nghiên cứu Hội Đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council), khẳng định rằng, với mục tiêu là vừa hỗ trợ Ukraina, vừa đảm bảo là Mỹ và NATO không bị kéo vào một cuộc chiến rộng lớn hơn với Nga, Washington sẽ “tiếp tục ngăn chặn việc cung cấp cho Ukraina các loại vũ khí mà Zelensky thực sự muốn có”.

Hậu thuẫn của Quốc Hội Mỹ

Nguồn chi viện chính cho Ukraina trong cuộc chiến chống Nga cho đến nay chủ yếu đến từ Hoa Kỳ, với 50 tỷ đô la đã được tháo khoán và 44,9 tỷ đô la khác sắp được thông qua.

Cho đến nay, việc chi viện cho Ukraina diễn ra rất suôn sẻ với một Hạ Viện trong tay đảng Dân Chủ của tổng thống Biden, và với cả phe Dân Chủ lẫn Cộng Hòa đều đồng ý trên sự cần thiết phải giúp đở Ukraina.

Thế nhưng, với cuộc chiến đã vượt qua mốc 300 ngày từ hôm 20/12, nhiều tiếng nói phê phán xu hướng viện trợ vô tội vạ cho Kiev đã xuất hiện, đặc biệt là trong hàng ngũ của đảng Cộng Hòa, vốn sắp nắm quyền kiểm soát Hạ Viện Mỹ từ ngày 03/01/2023 tới đây.

Vài tiếng đồng hồ trước lúc tổng thống Zelensky tới Washington hôm 21/12, dân biểu Andy Biggs thuộc đảng Cộng Hòa đã kêu gọi trên mạng Twitter: “Đừng trao séc khống cho Ukraina nữa”.

Theo giới quan sát, hầu hết các dân biểu Cộng Hòa chiếm đa số sắp tới trong Hạ Viện đều ủng hộ viện trợ quân sự cho Ukraina, nhưng họ sẽ yêu cầu giám sát chặt chẽ hơn cách Ukraina sử dụng vũ khí Mỹ và đòi chính quyền Biden giải thích rõ ràng hơn về các quyết định của mình.

Kết thúc chiến tranh

Mặt khác, chuyến thăm Mỹ của ông Zelensky vẫn chưa làm rõ được vấn đề là chiến tranh sẽ kết thúc như thế nào, và liệu Ukraina và Nga có mở được đàm phán hòa bình hay không.

Trên vấn đề này, tổng thống Ukraina nói rằng ông Biden đã tán thành “kế hoạch hòa bình 10 điểm” của ông, trong đó có 2 điểm bị Nga thẳng thừng bác bỏ: Kêu gọi triệt thoái hoàn toàn quân đội Nga ra khỏi lãnh thổ Ukraina và thành lập một tòa án đặc biệt để truy tố các tội ác chiến tranh của Nga.

Phát biểu tại Washington hôm 21/12, ông Zelensky nhấn mạnh một nền “hòa bình đúng đắn” với Nga không đồng nghĩa với việc thỏa hiệp về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina.

Tổng thống Zelensky trước đây đã nhắc đến mục tiêu thu hồi cả vùng Crimée đã bị Nga sáp nhập từ năm 2014, điều khiến cho phương Tây dè dặt. Tháng 10 vừa qua nhóm G7 – trong đó có Mỹ – đã tán thành rộng rãi tầm nhìn hòa bình của Ukraina, nhấn mạnh đến nhu cầu “toàn vẹn lãnh thổ”, nhưng lại tránh đề cập đến Crimée.

Hòa đàm dĩ nhiên phải bao gồm cả Nga lẫn Ukraina. Tuy nhiên, ngày 21/12 vừa qua, Điện Kremlin khẳng định rằng Matxcơva không thấy bất kỳ khả năng hòa đàm nào với Kiev.

Như nhận định của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres hôm 19/12, cuộc đối đầu quân sự sẽ tiếp tục tại Ukraina và phải chờ thêm một thời gian nữa thì các cuộc đàm phán nghiêm túc về hòa bình mới có thể diễn ra. 

Bài Liên Quan