Nhiều vụ vi phạm đăng kiểm xe: do Việt Nam quản trị tồi?

10/01/2023


Các đăng kiểm viên tạ một trung tâm đăng kiểm tỉnh Bắc Ninh đang nghe công an đọc lênh bắt tạm giam 
Các đăng kiểm viên tạ một trung tâm đăng kiểm tỉnh Bắc Ninh đang nghe công an đọc lênh bắt tạm giam 

Hệ thống đăng kiểm xe Việt Nam làm ăn gian dối khắp nơi là do kết quả của sự lơi lỏng trong quản lý Nhà nước và nhiều khả năng có sự hối lộ, móc ngoặc giữa tư nhân và các quan chức nhà nước, một nhà quan sát từ Hà Nội nhận định.

Trong vòng chưa đến một tháng qua, hàng chục lãnh đạo các trung tâm đăng kiểm xe ô tô trên khắp cả nước đã bị khởi tố bắt tạm giam về các tội đưa, nhận và môi giới hối lộ, giả mạo công tác, báo chí trong nước đưa tin.

Các lãnh đạo này bị cáo bị cáo buộc đã nhận tiền bôi trơn của các khách hàng đem xe đến đăng kiểm để nhắm mắt cho qua lỗi kỹ thuật, lỗi an toàn và lỗi môi trường, thu lợi hàng chục tỷ đồng, tờ Thanh niên dẫn nguồn từ cơ quan điều tra của Bộ Công an cho biết.

Chỉ riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, công an đã khởi tố 43 bị can. Theo thống kê của công an thành phố được tờ Thanh niên dẫn lại thì đã có hơn 70.000 phương tiện cơ giới được kiểm định sau khi đã chung chi với hơn 52.000 giấy chứng nhận đã kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường được cấp ra.

Cá biệt, có giám đốc một trung tâm đăng kiểm ở huyện Nhà Bè bị phát hiện là ‘không biết đọc, không biết viết’ và chỉ mới học xong lớp Ba. Người giám đốc này đã bị khởi tố về tội ‘nhận hối lộ’.

Giải thích về vấn đề này, Phòng đăng kiểm xe cơ giới thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam, cho rằng trung tâm đăng kiểm ở Nhà Bè là ‘của tư nhân’ và việc đưa ai lên làm giám đốc là ‘quyền của tư nhân’.

Việt Nam từ lâu đã thực hiện ‘xã hội hóa’ việc đăng kiểm, tức là giao công việc này cho các đơn vị tư nhân thực hiện còn chính quyền chỉ làm công tác quản lý. Trong số 280 trung tâm đăng kiểm xe trên cả nước thì có đến 196 đơn vị nằm trong tay của tư nhân, 84 trung tâm còn lại trực thuộc các sở Giao thông-Vận tải và Cục Đăng kiểm Việt Nam, theo trang mạng VnExpress.

Nhà nước-tư nhân móc ngoặc?

Trao đổi với VOA, Tiến sỹ Nguyễn Quang A, một nhà bất đồng chính kiến và là nhà quan sát chính trị ở Hà Nội, nhận định rằng do khu vực tư nhân ‘chạy theo lợi nhuận’ nên ‘việc họ làm bậy là điều rất dễ hiểu’.

“Đăng kiểm phương tiện thực sự là việc mà Nhà nước phải làm,” ông A nói. “Do Nhà nước không đủ nguồn lực nên mới phải xã hội hóa.”

“Nguy cơ là có sự móc ngoặc giữa quan chức Nhà nước với khu vực tư nhân để làm bậy,” ông nói thêm.

Theo giải thích của nhà bất đồng chính kiến này một khi các đơn vị tư nhân chạy theo lợi nhuận và bên chính quyền buông lơi quản lý thì ‘sẽ có sự móc ngoặc giữa hai bên’. “Bên tư nhân sẽ chủ động đưa hối lộ, các quan chức Nhà nước sẽ nhận (để tư nhân tùy ý muốn làm sao thì làm),” ông cho biết.

Tuy nhiên, cho dù hệ thống đăng kiểm có nằm trong tay Nhà nước hoàn toàn đi nữa thì vẫn sẽ xảy ra những bê bối như trên, ông A phân tích, vì theo ông ‘đó là lỗi hệ thống’.

Do đó, ông cho rằng mặc dù giao cho tư nhân thực hiện đăng kiểm nhưng nhà nước không thể buông xuôi trách nhiệm quản lý.

“Bây giờ cái này giao cho cơ quan đăng kiểm thì họ hoàn toàn chịu trách nhiệm thì như thế cơ quan quản lý Nhà nước đã không làm hết sức mình trong việc giám sát các cơ quan đăng kiểm tư nhân có làm đúng hay không,” ông A nói.

Đơn cử trường hợp vị giám đốc trung tâm đăng kiểm không biết chữ, ông cho rằng đó là do cơ quan đăng kiểm không thực hiện đúng quy trình tuyển dụng và bổ nhiệm nhân sự. “Có tiêu chuẩn, có tổ chức sát hạch thế này thế kia hết, nếu làm đúng thì người không biết chữ chắc chắn phải trượt,” ông lập luận.

Vai trò xã hội dân sự

Theo ông A thì những sai phạm trong công việc đăng kiểm xe cơ giới ‘sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội’. “Tai nạn giao thông sẽ nhiều hơn, gây thiệt hại đến tính mạng và tài sản của người dân. Xe không đủ tiêu chuẩn sẽ phát ra khí thải nhiều hơn, gây ô nhiễm môi trường,” ông phân tích.

Vụ việc này đặt ra bài học về quản trị tốt, ông A nói và chỉ ra bài học của Singapore, quốc gia cũng theo mô hình nhà nước độc tài nhưng quản trị tốt.

“Quản trị tốt cần luật pháp nghiêm minh, cần con người được đào tạo, cần có sự minh bạch, cần có sự giám sát của xã hội dân sự,” ông nói.

Nhà bất đồng chính kiến này nhấn mạnh vai trò của xã hội dân sự trong việc giám sát các cơ quan nhà nước, chống tham nhũng thay cho người dân với tư cách là các đơn vị chuyên nghiệp, có chuyên môn và hoạt động có tổ chức.

“Tuy nhiên, những hoạt động dân sự như thế lại không được khuyến khích ở Việt Nam,” ông A nói.

Cổng thông tin điện tử của Cục Đăng kiểm Việt Nam cuối năm ngoái đưa tin rằng Cơ quan này mới có văn bản gửi các Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố và đơn vị kiểm định xe cơ giới trên toàn quốc, trong đó yêu cầu “tiếp tục quan tâm, tăng cường hơn nữa công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực kiểm định xe cơ giới theo thẩm quyền”.

Tin cho hay, Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng yêu cầu Phòng Kiểm định xe cơ giới ‘xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định, quy trình kiểm định, tiêu cực, nhũng nhiễu, tham nhũng tại các đơn vị kiểm định’.

Bài Liên Quan