9 tháng 2 2023
Các số liệu chính thức về khoản tạm ứng cho hoạt động giao tế và xuất bản của ông Boris Johnson, cựu thủ tướng Vương quốc Anh cho thấy ông có thu nhập 4,8 triệu bảng trong vòng chưa đầy nửa năm qua.
Rời Downing Street tháng 9/2022, ông Johnson đã ký một loạt hợp đồng diễn thuyết, nhận tiền tạm ứng cho hồi ký chính trị, và có một số khoản thu nhập khác.
Chỉ riêng hãng Harry Walker ở New York, chuyên tổ chức các bài diễn văn, diễn thuyết thu phí cho những nhân vật nổi tiếng, đã ký với ông Johnson và trả trước cho ông khoản tiền gần 2,5 triệu bảng, hơn 3 triệu USD.
Hợp đồng này không tiết lộ ông Boris Johnson sẽ đi diễn thuyết ở đâu, cho ai nghe và bao nhiêu lần.
Sống khoẻ bằng lời nói và ngòi bút?
Chừng 510 nghìn bảng Anh nữa đến từ tiền tạm ứng cho các hồi ký chính trị ông sẽ viết cho nhà xuất bản HarperCollins, cộng thêm một số khoản nhỏ tiền nhuận bút ông thu về từ các cuốn sách khác.
Theo BBC News, nguyên tắc của chính phủ Anh là các cựu bộ trưởng, thủ tướng, phó thủ tướng không được làm bất cứ việc gì “có ảnh hưởng đến chính quyền trong vòng hai năm sau khi thôi chức vụ”.
Thế nhưng có vẻ như những lời khai về thu nhập của ông Johnson cho thấy các cựu lãnh đạo có thể kiếm khá nhiều tiền nhờ viết sách và đọc diễn văn.
Khoản 4,8 triệu bảng Anh mà ông phải công bố theo quy định về thuế tại Anh cho thấy “chỉ trong vòng 5 tháng rời Downing Street, Boris Johnson có thu nhập gấp 50 lần khoản lương nghị sĩ Hạ viện 84.144 bảng,” BBC News viết hôm 09/02/2023.
Vẫn bài của BBC cho hay một công ty lập ra để hỗ trợ các hoạt động của cựu thủ tướng Borish Johnson nhận được 1 triệu bảng tiền tài trợ, nhưng bằng tiền ảo (crypto currency) từ doanh nhân Christopher Harborne.
Ông Harborne từng hiến tặng 15 triệu bảng cho đảng Bảo thủ, đảng Brexit Party, và đảng Reform UK ở Anh.
Tháng 7/2022, Boris Johnson bị chính các thành viên nội các gây sức ép buộc phải từ chức nhưng ông vẫn giữ ghế thủ tướng cho đến tháng 9 để bàn giao cho bà Liz Trust.
Nhiệm kỳ của bà Trust chỉ kéo dài 45 ngày, và bà bị thay bằng ông Rishi Sunak.
Được biết gần đây bà Trust, sinh năm 1978, đã “tái xuất giang hồ” và chuẩn bị có loạt công du cùng các bài diễn thuyết về kinh tế và địa chính trị quốc tế.
Cựu lãnh đạo ‘có giá’ hơn người đương chức?
Khi còn tại chức, ông Boris Johnson nổi tiếng là người nhiều nợ nần, túng thiếu.
Hồi tháng 3/2021, báo Anh nói ông Boris Johnson luôn thiếu tiền vì lương thấp.
Tình cảnh của thủ tướng Boris Johnson thật “tội nghiệp, chi phí cho gia đình đông con rất cao và ông phải tự trả tiền ăn trong Dinh Thủ tướng”.theo bài của Tom Newton Dunn trên trang Sunday Times (07/03/2021).
Nhưng thôi giữ chức ông lại dễ kiếm tiền hơn và không phải là cựu thủ tướng Anh đầu tiên có thu nhập ‘khủng’ sau khi rời chức vụ công.
Nguyên thủ tướng Tony Blair đã trở thành triệu phú, sở hữu hàng chục triệu USD, sau khi chấm dứt nhiệm kỳ hai, năm 2007.
Theo một báo Anh hồi 2016, chỉ trong năm 2015, doanh thu của các công ty tư vấn mà ông Blair làm chủ, đã nhân lên vài lần, đạt 19,4 triệu bảng, đem lại khoản lãi ròng 2,6 triệu.
Ông Blair còn từng làm cố vấn cho JP Morgan, với khoản thu nhập trước thuế lên tới 2 triệu bảng Anh/năm.
Bên Mỹ, các cựu tổng thống cũng thu những khoản khổng lồ cho diễn văn, diễn thuyết.
Ví dụ, theo các báo quốc tế trích nguồn công khai, ông Barack Obama thu tới 400 nghìn USD cho một bài diễn văn hồi 2017.
Các ông Bill Clinton và George W. Bush thu chừng 200 nghìn tới 700 nghìn USD cho một lần xuất hiện và phát biểu.