VN: ICJ lên án việc điều tra LS Đặng Đình Mạnh vì vụ Tịnh Thất Bồng Lai

UGC
Chụp lại hình ảnh,Luật sư Đặng Đình Mạnh từng tham gia bào chữa nhiều vụ án chính trị như vụ Đồng Tâm, Tịnh Thất Bồng Lai, vụ Huỳnh Thục Vy, tù nhân lương tâm Lê Đình Lượng, nhà hoạt động Vũ Quang Thuận…

17 tháng 3 2023

Ủy ban Luật gia Quốc tế (ICJ) vừa gửi thư ngỏ tới Bộ Tư pháp và Bộ Công an Việt Nam, lên án việc điều tra đang diễn ra nhắm vào luật sư nhân quyền Đặng Đình Mạnh theo điều 331 Bộ luật Hình sự.

Cuộc điều tra, theo ICJ là liên quan đến việc thực hiện hợp pháp quyền, nghĩa vụ bào chữa và quyền tự do ngôn luận của ông Mạnh trong vụ án Thiền Am Bên bờ Vũ trụ, hay còn gọi là Tịnh Thất Bồng Lai.

ICJ thông tin rằng, ngày 2/3/2023, luật sư Đặng Đình Mạnh bị Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Long An triệu tập, thẩm vấn.

Sự việc diễn ra sau khi Bộ Công an đề nghị truy tố ông theo điều 331 BLHS với cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân” bằng hành vi đăng tải hình ảnh, có những phát ngôn, bài viết lên mạng thông qua các video

Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách Châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) bình luận trên Twitter hôm 15/3 về sự việc. Ông gọi thư ngỏ của ICJ là “sự can thiệp tuyệt vời” với vụ án của luật sư Mạnh.

Bình luận với BBC News Tiếng Việt ngày 17/3, ông Phil Robertson cho rằng:

“Việt Nam đang truy đuổi Đặng Đình Mạnh bởi lẽ họ quá mệt mỏi với việc đối mặt với ông ấy ở toà án và bị ông ấy phơi bày sự khôi hài của nền tư pháp Việt Nam. Tội lỗi thật sự của ông ấy, trong mắt của nhà cầm quyền, đó là đã dám lên tiếng thách thức những tội ác về nhân quyền trong những cuộc đàn áp ngày càng sâu rộng đối với bất kỳ sự bất đồng ý kiến nào.”

Trong thư ngỏ đề ngày 13/3 gửi đến Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thanh Long và Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, ông Ian Seiderman, Giám đốc Pháp lý và Chính sách của ICJ, nói rằng cuộc điều tra hình sự đối với Đặng Đình Mạnh dường như có liên quan đến việc của ông đại diện cho những người bảo vệ nhân quyền, những người bất đồng chính kiến ​​và các thân chủ khác trong các vụ án có vẻ nhạy cảm, bao gồm cả vụ án Tịnh Thất Bồng Lai.

Bên cạnh đó, ông Seiderman cũng nêu quan ngại về Điều 331, không đồng nhất với luật nhân quyền quốc tế về bảo vệ quyền tự do ngôn luận vì nó mơ hồ và quá rộng, đồng thời hạn chế một cách không cần thiết và không tương xứng các hoạt động hợp pháp của những người bảo vệ nhân quyền và luật sư.

Đại diện của ICJ cho biết rằng điều luật này “mơ hồ và quá mông lung áp đặt những hạn chế không cần thiết và không phù hợp đối với các hoạt động hợp pháp” của những nhà bảo vệ nhân quyền, nhà hoạt động xã hội dân sự, và các nhà hoạt động trên mạng xã hội.

Từ đó, ICJ kêu gọi Bộ Tư pháp và Công an của Việt Nam ngay lập “chấm dứt các biện pháp điều tra hình sự tuỳ tiện” đối với luật sư Đặng Đình Mạnh và những luật sư khác nhằm phương hại đến công việc và quyền tự do biểu đạt của họ với tư cách là luật sư nhân quyền.

Tờ Dân trí đưa tin, ngày 14/3, Công an tỉnh Long An đã có giấy triệu tập luật sư Đào Kim Lân và Đặng Đình Mạnh (cùng Đoàn luật sư TPHCM) liên quan đến tin báo về tội phạm từ Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05 – Bộ Công an).

Theo đó, ông Lân, Mạnh cùng 3 luật sư khác từng tham gia bào chữa cho các bị cáo trong vụ án lợi dụng quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân xảy ra tại Tịnh thất Bồng Lai.

Lá thư ngỏ của ICJ về trường hợp luật sư Đặng Đình Mạnh
Chụp lại hình ảnh,Lá thư ngỏ của ICJ về trường hợp luật sư Đặng Đình Mạnh

Về ông Lê Tùng Vân và vụ Tịnh Thất Bồng Lai

Theo hồ sơ lý lịch từ công an, năm 1975, ông Lê Tùng Vân (1932) rời quê nhà ở tỉnh An Giang lên Q.6, TP.HCM lập nghiệp. Năm 1990, ông Vân tự lập ra Trại Dưỡng Lão và Cô Nhi Thánh Đức ở ấp 2, xã Phạm Văn Hai, H.Bình Chánh, TP HCM.

Năm 2007, ông Vân bán hết đất và về tạm trú tại xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tại hộ bà Cao Thị Cúc (62 tuổi), sau đó sửa chữa làm điểm tu tại gia.

2014: Lê Thanh Huyền Trân, một thành viên của Thiền Am, tham gia và giành giải Á quân The Voice Kid 2014. Lúc này Huyền Trân được giới thiệu là người tu tại gia.”

2017: Lê Thanh Hoàn Nguyên – Lê Thanh Nhất Nguyên tham gia tuyệt đỉnh song ca.

2019 : Nhóm 5 chú tiểu Bồng Lai tham gia gameshow Thách Thức Danh Hài đoạt giải quán quân. Tịnh Thất Bồng Lai (TTBL) ra đời.

2019, Võ Thị Diễm My (22 tuổi) được cho là bỏ nhà đến tu tại Thiền Am, dẫn đến các vụ việc bố mẹ đòi con, bắt con và Thiền Am đòi người

1/2020: Ông Lê Tùng Vân đổi tên Tịnh thất Bồng Lai thành Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ.

7/2020 : Các thành viên Thiền Am bị đưa đi cách ly vì bị cơ quan chắc năng cho là có tiếp xúc với người nhiễm Covid. Khi ông Tùng Vân cho xe tới đón người thân hết hạn cách ly thì ông những người ở đây bắt giữ. Các thành viên của Thiền Am sau đó lên YouTube cho hay họ bị bắt làm việc từ 7-11 giờ tối, buộc phải ký vào một tờ giấy có nội dung liên quan đến tội hình sự rồi mới được cho về.

1/2021: Truyền thông và mãng xã hội Việt Nam lan truyền kết quả kiểm tra DNA cho thấy ông Lê Tùng Vân có cùng huyết thống với nhiều người trong Thiền Am và bị nghi mắc tội ‘loạn luân’.

3/1/2022: Căn cứ tài liệu thu thập được phản ánh các đối tượng tạm trú, sinh sống tại hộ bà Cao Thị Cúc có “các hành vi có dấu hiệu lợi dụng hình thức tu tại gia, nuôi dưỡng trẻ mồ côi, cơ nhỡ để kêu gọi quyên góp từ thiện trục lợi, và lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của tổ chức, cá nhân, loạn luân…, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại địa phương”, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Đức Hòa đã ra quyết định khởi tố vụ án “lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của tổ chức, cá nhân” theo điều 331 Bộ luật hình sự.

4/1/2022: Công an Đức Hòa đã tổ chức bắt quả tang và khám xét tại hộ bà Cao Thị Cúc, sau đó mời 14 người có liên quan tại đây về trụ sở công an huyện Đức Hòa để làm việc.

21/7/2022, tại phiên sơ thẩm, TAND huyện Đức Hòa tuyên phạt: Lê Tùng Vân 5 năm tù; Lê Thanh Hoàn Nguyên (32 tuổi), Lê Thanh Nhất Nguyên (31 tuổi), Lê Thanh Trùng Dương (27 tuổi) cùng 4 năm tù, Lê Thanh Nhị Nguyên (24 tuổi) 3 năm 6 tháng tù và Cao Thị Cúc (62 tuổi) 3 năm tù.

2/11/2022, TAND tỉnh Long An xét xử phiên phúc thẩm, tuyên 6 bị cáo trên y án sơ thẩm.

Điều 331 là gì?

Theo điều 331 Bộ luật hình sự 2015

1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận; tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội; và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm; hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

Bên cạnh lên tiếng cụ thể về trường hợp của luật sư Đặng Đình Mạnh, ICJ cũng yêu cầu nhà nước Việt Nam thực hiện các biện pháp nhằm huỷ bỏ hoặc sửa đổi về thực chất điều 331 BLHS, phù hợp với luật nhân quyền quốc tế bảo vệ quyền tự do ngôn luận và thông tin.

Đồng thời, chính quyền cần thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để đảm bảo thực hiện tự do cho nghề luật sư trong mọi trường hợp để luật sư có thể thực hiện các quyền và nghĩa vụ nghề nghiệp hợp pháp của mình mà không sợ bị trả đũa hay chịu những hạn chế, kể cả sách nhiễu thông qua các thủ tục pháp lý.

Nói với BBC, ông Robertson từ HRW cũng cho rằng, Điều 331 là khoản luật tồi tệ nhất của Việt Nam, được viết một cách vô cùng mơ hồ, tựa như chỉ để nhà cầm quyền có thể truy tố bất kì hành vi nào được cho là không thuận mắt.

“Chúng ta không mấy ngạc nhiên khi họ đang viện dẫn điều luật đó để hạ bệ LS Mạnh.”

Ông kiến nghị các cơ quan chức năng nên hủy bỏ ngay lập tức và vô điều kiện những cáo buộc không có thật này đối với luật sư quả cảm này.

Trước đó, bảy tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam và 79 trí thức đồng soạn thảo một kiến nghị yêu cầu bãi bỏ ba điều luật trong Bộ luật Hình sự năm 2015.

Bản Kiến nghị 117 có nội dung yêu cầu nhà nước bãi bỏ hoặc sửa ba điều luật trong BLHS 2015, gồm điều 109 “Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, điều 117 “Tội phán tán tài liệu nhằm chống nhà nước”; và điều 331 “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước”.

Một số trường hợp bị khởi tố, kết án theo điều 331

Trong vụ án Tịnh Thất Bồng Lai, hồi tháng 11/2022, 5 bị cáo đều cùng bị tuyên án theo Điều 331 BLHS.

Cụ thể, toà phúc thẩm đã tuyên phạt ông Lê Tùng Vân 5 năm tù; các đệ tử của ông gồm Lê Thanh Hoàn Nguyên (32 tuổi), Lê Thanh Nhất Nguyên (31 tuổi), Lê Thanh Trùng Dương (27 tuổi) cùng mức án 4 năm tù; Lê Thanh Nhị Nguyên (24 tuổi) 3 năm 6 tháng tù và bị cáo Cao Thị Cúc (62 tuổi) 3 năm tù.

Ngày 24/3/2022, nữ doanh nhân Nguyễn Phương Hằng (tổng giám đốc Công ty CP Đại Nam) bị khởi tố, bắt tạm giam theo Điều 331 BLHS 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Theo Cơ quan CSĐT – Công an tỉnh Bình Dương, bà Nguyễn Phương Hằng đã công khai xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của nghệ sĩ, nhà báo trong các buổi livestream.

Bà Nguyễn Phương Hằng, 51 tuổi, không chỉ được biết đến là một doanh nhân, bà còn nổi tiếng trên mạng xã hội với việc tạo nên kỉ lục livestream. Có thời điểm như ngày 25/5/2021, buổi livestream của bà hút tới gần nửa triệu người xem trực tiếp đồng thời trên các nền tảng YouTube và Facebook.

Trong chuỗi livestream của mình, bà Hằng cáo buộc một số diễn viên, ca sĩ, người dẫn chương trình có tiếng như Hoài Linh, Đàm Vĩnh Hưng, Thủy Tiên là ăn chặn tiền ủng hộ đồng bào bão lụt miền Trung trong các đợt quyên góp thiện nguyện hồi 2020, bà cũng ra các cáo buộc nặng nề về đời tư đối với một số người khác, như với ca sỹ Vy Oanh.

Facebooker nổi tiếng, đồng thời là cựu nhà báo Trương Châu Hữu Danh, hồi 17/12/2020 đã bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra hành vi “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, theo Điều 331, Bộ luật Hình sự 2015.

Ông Danh (38 tuổi, ngụ xã An Vĩnh Ngãi, TP Tân An, tỉnh Long An) từng làm phóng viên tại báo Long An, Nông Thôn Ngày Nay, Lao Động, điện tử Làng Mới.

Trước khi bị bắt, ông Danh nổi tiếng trên mạng xã hội sau khi tham gia phong trào phản đối các BOT ‘bẩn’ cùng nhiều tài xế Việt Nam. Ông cũng có những bài viết phản biện nhưng bị xem là “chống phá” trong mắt chính quyền. Ông góp tiếng nói về các vấn đề nóng bỏng như Đồng Tâm, Thủ Thiêm, Hồ Duy Hải, và nhiều vụ việc thời sự khác.

Ngày 12/4/2022, cựu đại úy công an Lê Chí Thành bị truy tố trước tòa về theo điều 331 bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017).

Theo cáo buộc, từ tháng 7 đến tháng 10/2020, ông Thành đã đăng tải lên Facebook nhiều video, bài viết xuyên tạc, sai sự thật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của Thứ trưởng Công an, lãnh đạo Trại giam Z30D, ngành công an và tòa án nhân dân, trang VNExpress đưa tin.

Trang này viết, trong nhiều video đăng tải trên các trang mạng xã hội của ông Thành, người ghi hình có hành vi và lời nói công kích, thách thức cảnh sát.

Ngày 22/6/2022, ông Thành bị tuyên 3 năm tù theo điều 331.

LS Đặng Đình Mạnh cũng là người bào chữa cho ông Thành trong vụ án này.

Bài Liên Quan