Học thuyết ngoại giao mới : Nga đặt mục tiêu phá bỏ thế thống trị của Phương Tây

Đăng ngày: 01/04/2023 – 11:52

Ảnh minh họa: Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một lần phát biểu qua truyền hình ngày 29/03/2023. AP – Gavriil Grigorov

Thùy Dương

Ngày 31/03/2023, tổng thống Nga Vladimir Putin công bố học thuyết ngoại giao mới, cập nhật dựa trên phiên bản năm 2016, xem Phương tây như « một mối đe dọa cho sự tồn vong » mà Matxcơva phải phá bỏ « thế thống trị » trong bối cảnh đang có « những xáo trộn trên trường quốc tế ».

Học thuyết về chính sách ngoại giao mới của Nga đã được đăng tải trên trang web của điện Kremlin. Theo AFP, thông qua ngôn từ và nội dung, tài liệu dài hơn 40 trang gợi nhắc lại sự đối đầu giữa Liên Xô và Mỹ trong thế kỷ 20 và đặt nước Nga như thành trì ngăn cản việc phương Tây dùng mọi cách làm suy yếu thế giới Nga. Theo học thuyết mới, phương Tây là « những quốc gia không thân thiện » và Mỹ là nước « xúi giục và chỉ huy chính đường lối chống Nga » thông qua « một cuộc chiến tranh tổng hợp kiểu mới ».

Từ Matxcơva, thông tín viên Anissa El Jabri cho biết chi tiết :

« Sự đoạn tuyệt vốn đã rõ nét, nay lại được ghi thành giấy trắng mực đen trong hơn 40 trang tài liệu của học thuyết mới đã được Vladimir Putin ký ban hành ngay lập tức. Ngôn từ được sử dụng nhắc lại sự đối đầu thời Chiến tranh lạnh nhưng tài liệu này không nói tới một cuộc chiến tranh lạnh mới mà là một cuộc chiến tranh tổng hợp, mà theo Matxcơva là do phương Tây tiến hành chống lại nước Nga.

Phương Tây, mà trước hết là Mỹ, bị xem là một mối đe dọa đến sự tồn vong không chỉ vào nước Nga mà nhắm cả vào thế giới Nga. Nước Nga là thành trì chống lại mối đe dọa đó, cho nên Matxcơva nhận định cần phải chiến đấu chống thế “thống trị” của phương Tây.

Chính vì điều này, tài liệu đã chỉ rõ những nước mà Nga dự tính cùng tiến hành cuộc chiến. Đó là Trung Quốc và Ấn Độ. Có cả một chương được dành cho các nước này. Trong học thuyết mới, châu Phi cũng có một vị trí quan trọng.

Và cuối cùng, vốn dĩ tự cho mình là người đi đầu trong việc bảo vệ các giá trị truyền thống, trong cuộc xung đột với Ukraina, Nga lại càng củng cố hướng bảo thủ của họ. Có một bước mới là học thuyết này của Nga cho rằng, xin trích, cần vô hiệu hóa những nỗ lực áp đặt các nguyên tắc nhân văn và tự do giả hiệu, dẫn đến việc đánh mất các nguyên tắc đạo đức ».

Bài Liên Quan