Toàn quyền Úc thăm Việt Nam: ‘Nhân quyền sẽ không được bàn thảo’

Toàn quyền Úc, David Hurley và Chủ tịch nước VN Võ Văn Thưởng
Chụp lại hình ảnh,Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng hội đàm với Toàn quyền Úc David Hurley vào hôm nay tại Hà Nội

“Chuyến thăm lần này là một cơ hội để tăng cường mối quan hệ đối tác gần gũi giữa hai quốc gia”, theo thông cáo từ Đại sứ quán Úc tại Hà Nội vào hôm 04/04.

Toàn quyền Úc, David Hurley bắt đầu chuyến thăm Việt Nam từ ngày 03 đến 06/04. Hôm nay, ông David Hurley đã có cuộc hội đàm với Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng tại Phủ Chủ tịch.

Theo thông cáo chính thức, ông David Hurley sẽ gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Tổ chức Human Rights Watch thứ Ba 03/04 kêu gọi Toàn quyền Úc đề cập đến vấn đề vi phạm nhân quyền trong tất cả các cuộc họp với giới lãnh đạo Việt Nam.

‘Ôn hòa’ trong nhân quyền

Tù nhân chính trị ở Việt Nam
Chụp lại hình ảnh,Các tù nhân chính trị ở Việt Nam (từ trái sang phải, hàng trên): Đỗ Nam Trung (10 năm tù), Cấn Thị Thêu (8 năm tù), Trịnh Bá Tư (8 năm tù), Lê Trọng Hùng (5 năm tù), Trịnh Bá Phương (10 năm tù); (từ trái sang phải, hàng dưới) Nguyễn Thị Tâm (6 năm tù), Phạm Đoan Trang (9 năm tù), Lê Văn Dũng (5 năm tù), Bùi Văn Thuận (8 năm tù)

Bình luận về chuyến thăm của người đứng đầu nhà nước Úc đến Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải từ Đại học Queensland cho rằng vì mang tính chất biểu tượng, nên những vấn đề nhạy cảm sẽ không được đề cập tới.

“Vấn đề bàn thảo chủ yếu là làm thế nào để thúc đẩy sự nồng ấm và tin cậy chính trị tiếp tục giữa hai nước. Vì thế tôi nghĩ vấn đề nhạy cảm trong quan hệ hai nước ví dụ như nhân quyền… sẽ không được đề cập và đưa ra bàn thảo. Có thể vấn đề nhân quyền sẽ được đưa ra trong những cấp mang tính kỹ thuật trong đối thoại nhân quyền thường niên giữa hai nước.”

Đối thoại nhân quyền thường niên lần thứ 18 giữa Việt Nam và Úc sẽ diễn ra tại Hà Nội vào cuối tháng Tư.

Về vấn đề Biển Đông, theo Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải cũng sẽ không phải là vấn đề trọng tâm được đưa ra bàn luận trong chuyến thăm này.

“Nếu có, chỉ là nói chung về vấn đề khu vực và quốc tế, có thể kêu gọi các bên tuân thủ luật pháp quốc tế, trật tự khu vực dựa trên luật lệ, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ Tuyên bố ứng xử trên Biển Đông (DOC),” ông bình luận.

Vào hôm thứ Ba 03/04, Human Rights Watch lặp lại lời kêu gọi chính phủ Úc sử dụng các cuộc đối thoại để thúc đẩy đạt được “những bước tiến rõ ràng, cụ thể và có thể đo lường được” trong vấn đề Việt Nam vi phạm nhân quyền, xâm hại quyền tự do tôn giáo, sách nhiễu và giam giữ các nhà hoạt động, đồng thời phải đề ra “những hậu quả trong mối quan hệ song phương” nếu những vi phạm nghiêm trọng từ phía Việt Nam không được giải quyết.

Nhận xét về cách tiếp cận về nhân quyền của Canberra, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải cho rằng Úc có cách tiếp cận vấn đề nhân quyền “khá ôn hòa so với rất nhiều quốc gia Phương Tây khác”.

“Theo quan sát của tôi, từ trước đến nay, Úc luôn có cách tiếp cận ôn hòa trong vấn đề nhân quyền, chưa bao giờ gây áp lực mạnh lên phía Việt Nam cả, trừ những trường hợp trước đây Úc đã phải dừng viện trợ nhân đạo cho Việt Nam khi tất cả các nước Phương Tây đều lên án Việt Nam liên quan đến điều họ gọi là “Việt Nam gửi quân sang xâm lược Campuchia”.

“Tôi muốn nhấn mạnh duy nhất chỉ có lần như vậy. Tôi nghĩ đây là cách tiếp cận phù hợp trong một thế giới mà đối thoại ôn hòa mang tính xây dựng, có sự hiểu biết thì sẽ hiệu quả rất nhiều so với đối đầu và căng thẳng. Úc đã hỗ trợ Việt Nam rất nhiều trong lĩnh vực nhân quyền, như tài trợ về giáo dục nhân quyền, nâng cao nhận thức quyền con người…”, ông nói.

Nâng cấp quan hệ chiến lược

Toàn quyền Úc, David Hurley và Chủ tịch nước VN Võ Văn Thưởng
Chụp lại hình ảnh,Toàn quyền Úc David Hurley cùng phu nhân và Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng và phu nhân trước cuộc hội đàm hôm nay tại Hà Nội

Năm 2023 đánh dấu 50 năm, Việt Nam và Úc thiết lập quan hệ ngoại giao (26/2/1973 – 26/2/2023).

Hai quốc gia cũng sẽ đánh dấu cột mốc 5 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào ngày 15/03 tới (2018 – 2023).

Hiện có gần 300.000 người gốc Việt sống ở Australia và tiếng Việt là ngôn ngữ được nói nhiều thứ năm ở Australia, theo chính phủ Úc.

“Nếu nhìn vào năm thập kỷ mối quan hệ ngoại giao Việt Nam và Úc thì tôi cho rằng mối quan hệ giữa hai nước là đặc biệt và phát triển nhanh chóng. Đặc biệt là bởi vì Úc là một trong số ít các quốc gia Phương Tây thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 26/02/1973, khi chiến tranh Việt Nam chưa kết thúc.”

“Là đồng minh của Mỹ, khi Úc ủng hộ Việt Nam gia nhập Liên Hiệp Quốc vào năm 1977 thì cũng khiến Mỹ không hài lòng và bị Washington phản đối. Cho đến nay Úc đã đi đầu trong quan hệ với Việt nam rất nhiều trong nhiều lĩnh vực. Tôi nghĩ điều này xuất phát từ tầm nhìn chiến lược và quyết tâm chính trị vượt thời gian của cả hai phía.”

Trong chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, Vương Đình Huệ đến Úc vào tháng 11/2022, lãnh đạo hai nước ủng hộ xem xét nâng cấp mối quan hệ giữa hai nước lên thành đối tác chiến lược toàn diện.

Nhìn nhận về cột mốc thời gian hai phía công bố nâng cấp mối quan hệ song phương, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải cho biết:

“Tôi được biết là cả hai bên đã bàn thảo xong nội hàm của mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, và hiện tại hai bên đang hoàn tất cả thủ tục để tiến tới thời điểm phù hợp chính thức thông báo nâng cấp quan hệ đó. Tôi cũng được biết là hai nước cũng đang chuẩn bị cho chuyến thăm của thủ tướng hai nước.”

Thời điểm công bố theo chuyên gia Nguyễn Hồng Hải, có thể khi Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính sang thăm Úc trước, hoặc chuyến thăm Việt Nam sau đó của Thủ tướng Anthony Albanese.

“Việt Nam nằm trong khu vực Đông Nam Á, trung tâm khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, ngày càng chứng kiến sự cạnh tranh chiến lược ngày càng lớn, chúng ta đều hiểu là giữa Mỹ và Trung Quốc.”

“Úc đã nâng cấp mối quan hệ với ASEAN lên đối tác chiến lược toàn diện rồi, và trong ASEAN thì Úc đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với ba nước, gồm Indonesia, Singapore và Malaysia. Việt Nam sẽ quốc gia thứ tư.”

Ưu tiên lĩnh vực nào?

Lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc của Việt Nam
Chụp lại hình ảnh,Việt Nam cử lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình tại South Sudan, ảnh chụp chung với Đại sứ Úc tại Việt Nam, bà Robyn Mudie trước khi lên máy bay thuộc Không lực Hoàng gia Úc tại Hà Nội vào ngày 27/04/2022

Hợp tác an ninh và công nghệ Aukus giữa Mỹ, Úc và Anh đã cho thấy sự chuyển biến địa chính trị quan trọng tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nhằm chống lại sự ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực này.

Úc sẽ nhận ít nhất ba tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân từ Mỹ, theo thỏa thuận Aukus. Từ năm 2027, Mỹ và Anh sẽ triển khai một số lượng nhỏ tàu ngầm hạt nhân tại căn cứ RAN ở Perth, Tây Úc, trước khi Úc mua ba tàu ngầm lớp Virginia của Mỹ vào đầu những năm 2030, và mua thêm hai chiếc khác nữa.

‘Trong sự cạnh tranh giữa các đại cường hiện nay, quốc gia tầm trung vững chắc như Úc, và những quốc gia tầm trung đang nổi như Việt Nam, theo tôi nghĩ cần hợp tác lại với nhau. Các bên đã nhận thức được điều đó để tạo ra một cực của những quốc gia tầm trung, nhằm bảo vệ lợi ích của mình trong một thế giới mà sự đa cực ngày càng rõ rệt.”

“Trong thời gian tới, tôi nghĩ kinh tế, thương mại, an ninh và quốc phòng đều là những lĩnh vực ưu tiên trong quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam và Úc. Nhưng chắc chắn sẽ có lĩnh vực này ưu tiên hơn lĩnh vực khác.”

Chuyên gia khoa học chính trị cho biết trong mối quan hệ Việt Nam và Úc và xu thế chung thì hai lĩnh vực kinh tế và quốc phòng sẽ được ưu tiên như nhau.

“Tôi cho rằng Việt Nam sẽ có cách tiếp cận thận trọng và khéo léo trong mối quan hệ quốc phòng với Úc. Tôi nghĩ thúc đẩy quan hệ quốc phòng và cân bằng quan hệ kinh tế sẽ có lợi cho hai nước”, ông Hải cho biết.

Bài Liên Quan