April 20, 2023
Ấn Độ sắp trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới, vượt qua Trung Quốc với mức chênh lệch gần 3 triệu người vào giữa năm nay, dữ liệu do Liên Hợp Quốc công bố hôm 19/4 cho thấy.
Dân số Ấn Độ ước tính sẽ là khoảng 1,428 tỷ người, so với 1,425 tỷ người của Trung Quốc trong ‘Phúc trình tình trạng dân số thế giới’ của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) năm nay.
Mỹ đứng cách xa ở vị trí thứ ba, với dân số ước tính là 340 triệu người, dữ liệu cho thấy trong phúc trình thể hiện thông tin có được tính đến tháng 2.
Các chuyên gia dân số sử dụng dữ liệu trước đây của Liên Hợp Quốc đã dự đoán Ấn Độ sẽ vượt qua Trung Quốc trong tháng này, nhưng phúc trình mới nhất của cơ quan Liên Hiệp Quốc không nêu rõ ngày tháng cụ thể.
Các quan chức dân số Liên Hợp Quốc cho biết họ không thể xác định ngày tháng cụ thể vì số liệu của Ấn Độ và Trung Quốc không chắc chắn, do cuộc điều tra dân số gần đây nhất của Ấn Độ được tổ chức hồi năm 2011 và cuộc điều tra dân số tiếp theo, dự kiến được tổ chức vào năm 2021, đã bị trì hoãn bởi đại dịch COVID-19.
Mặc dù cả hai nước sẽ chiếm hơn một phần ba dân số ước tính trên toàn cầu là 8,045 tỷ người, tăng trưởng dân số ở cả hai nước đã chậm lại, mặc dù ở Trung Quốc chậm lại hơn nhiều so với Ấn Độ.
Năm ngoái, lần đầu tiên trong 6 thập kỷ dân số Trung Quốc đã giảm, bước ngoặt lịch sử dự kiến sẽ mở ra thời kỳ dài dân số nước này suy giảm, với những tác động sâu sắc đối với nền kinh tế nước này và thế giới.
Tăng trưởng dân số trung bình hàng năm của Ấn Độ là 1,2% kể từ năm 2011, giảm từ 1,7% trong thập kỷ trước, dữ liệu của chính phủ nước này cho thấy.
Một khảo sát công chúng của UNFPA cho phúc trình năm 2023 cho thấy quan niệm phổ biến nhất ở Ấn Độ, cũng như ở Brazil, Ai Cập và Nigeria, là dân số ở từng quốc gia này ‘là quá đông và tỷ lệ sinh quá cao’, phúc trình cho biết.
“Kết quả khảo sát của Ấn Độ cho thấy những lo lắng về dân số đã ngấm vào phần lớn người dân”, Andrea Wojnar, đại diện của UNFPA ở Ấn Độ, cho biết trong một tuyên bố.
“Tuy nhiên, các con số về dân số không nên gây lo lắng hay gây báo động. Thay vào đó, chúng nên được coi là biểu tượng của tiến triển, phát triển và khát vọng nếu các quyền và lựa chọn cá nhân được đề cao”.
Ấn Độ đã làm nhiều việc đúng đắn để đối phó với việc dân số gia tăng, bà Poonam Muttreja, quan chức của tổ chức tình nguyện Quỹ Dân số Ấn Độ, nói.
“Đồng thời, chúng ta cần đảm bảo trẻ em gái và phụ nữ không bị ép kết hôn và có thai sớm, vốn hạn chế hoài bão của họ”, bà nói trong một tuyên bố.
VOA