Trung lập : Thách thức của Thụy Sỹ khi giữ chức chủ tịch Hội Đồng Bảo An

Đăng ngày: 02/05/2023

Bà Pascale Baeriswyl, đại điện thường trực của Thụy Sĩ tại Liên Hiệp Quốc trong một phiên họp Hội Đồng Bảo An, ngày 23/02/2023, New York, Hoa Kỳ. AP – John Minchillo

Chi Phương

Kể từ ngày 01/05, Thụy Sỹ làm chủ tịch Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Sự thay đổi này có thể mang lại không khí yên ắng trong Hội Đồng, sau 1 tháng đầy sóng gió mà Nga giữ chức chủ tịch. Tuy nhiên quy chế trung lập của Thụy Sỹ đặt ra vấn đề, nhất là trong bối cảnh chiến tranh Ukraina vẫn chưa có hồi kết.

Vì lập trường trung lập, mãi đến năm 2002, Thụy Sỹ mới gia nhập Liên Hiệp Quốc. Đến tháng 01/2023, lần đầu tiên Thụy Sỹ trở thành thành viên không thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Từ ngày 01/05, Berne giữ chức chủ tịch hội đồng có nhiệm vụ bảo vệ hòa bình và an ninh thế giới và đó là một thách thức đối với Thụy Sĩ.

Từ Geneva, thông tín viên RFI Jérémie Lanche cho biết thêm: 

Điều này giống như là việc đề nghị trùm mafia làm chủ tịch Tòa án Hình sự Quốc tế vậy ! » Đó là nhận định của cựu chủ tịch Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc Joseph Deiss khi nói về Nga. Thụy  Sĩ có quy chế trung lập và vẫn có thể có những lời lẽ cứng rắn, nhất là khi nói đến chức chủ tịch của Nga tại Hội Đồng Bảo An. Thay Nga nắm vị trí này, Thụy Sỹ, với quy chế trung lập truyền thống, tỏ ra không kém phần hăng hái. Đó có thể là một là chủ bài trong tình hình hiện tại. Ông Joseph Deiss cho rằng « trong các cuộc xung đột, Hội Đồng Bảo An đóng vai trò như một trọng tài, vậy ai có thể làm tốt hơn khi một nước trung lập làm trọng tài ?

Cựu tổng thống Liên Bang Thụy Sĩ khẳng định rằng tính trung lập không có nghĩa là lùi lại phía sau. Cuộc xâm lăng của Nga ở Ukraina buộc Thụy Sỹ phải vượt lên trên một chút bản chất trung lập của mình. Ông nói : « Khi luật pháp quốc tế bị chà đạp, không được tôn trọng thì một nước trung lập không được có thái độ việc coi hành động vi phạm này không liên can gì đến mình. »

Thụy Sỹ chắc chắn sẽ phải chịu áp lực từ đồng minh phương Tây, những nước chỉ trích Berne không lên án mạnh mẽ Matxcơva. Dẫu sao chức chủ tịch Hội Đồng Bảo An mang tính biểu tượng và ít thực quyền hơn. Tuy nhiên, Thụy Sỹ hy vọng thành công giải tỏa bế tắc trong một số hồ sơ khi giữ vị trí này, đặc biệt là việc gia hạn hai hành lang hỗ trợ nhân đạo giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.

Bài Liên Quan