Miến Điện: Hơn 400 người chết vì lốc xoáy

Đăng ngày: 17/05/2023

Ảnh minh họa: Cơn bão Mocha tàn phá nhiều làng mạc và khu tị nạn của người Rohingya ở bang Rakhine, Miến Điện, giữa tháng 5/2023. © SAI AUNG MAIN/AFP

Thu Hằng

Tính đến ngày 17/05/2023, đã có 435 người chết vì cơn lốc xoáy dữ dội Mocha. Số nạn nhân có thể còn tăng thêm. Thiệt hại về vật chất vẫn chưa được thống kê đầy đủ. Cơn lốc đã đổ ập vào bờ tây của Miến Điện hôm 14/05, từ Sittwe, thủ phủ của bang Rakhine, đến Cox’s Bazar ở Bangladesh, nơi có nhiều người Rohingya tị nạn.

Với sức gió lên đến 195 km/giờ, Mocha được coi là cơn lốc mạnh nhất trong 10 năm trở lại đây, khiến hơn 80 người thiệt mạng ở Miến Điện, theo chính quyền một số địa phương và truyền thông được tập đoàn quân sự hậu thuẫn . Tuy nhiên, các nhóm ủng hộ dân chủ Miến Điện cho trang NHK của Nhật Bản biết, có ít nhất 435 người chết, kể cả người Rohingya tị nạn ở nước láng giềng Bangladesh.

Ngay sau hôm xảy ra lốc xoáy, tướng Min Aung Hlaing, lãnh đạo Miến Điện, đã đến thăm một số vùng bị nạn. Nhiều nhà báo cho AFP biết là thông tin liên lạc được dần dần tái lập ngày 16/05 ở Sittwe nơi có 150.000 người sinh sống, đường xá đã được dọn dẹp và internet đã được nối lại. Đại sứ quán Trung Quốc tại Miến Điện thông báo trên mạng Facebook là Bắc Kinh « sẵn sàng hỗ trợ khẩn cấp trong trường hợp thiên tai ».

Cơn lốc Mocha đã chuyển hướng, nên khi đổ vào miền nam Bangladesh, nơi có nhiều trại tập trung của người tị nạn Rohingya, đã không gây thiệt hại nặng nề như dự báo. Trả lời đài RFI ngày 16/05, ông Ahmed Sibghatullah, phụ trách hoạt động của Handicap International tại Dacca, cho biết thêm :

« Trước khi ập vào đất liền, mắt bão đã chệch hơn 50 km sang phía Miến Điện, nên tác động ít hơn chúng tôi dự đoán. Chúng tôi cũng đã chuẩn bị tốt nhất để đề phòng điều tồi tệ. Hơn 5.000 nơi ở tạm đã bị hỏng một phần hoặc bị phá hoàn toàn. Đảo Saint-Martin và địa phương Sabrang sát bờ biển chịu nhiều tổn thất năng nề. Chúng tôi đã sơ tán hơn 550 người, trong đó có nhiều người tàn tật và hiện giờ chúng tôi đã hỗ trợ cho hơn 4.500 hộ gia đình.

Những người tị nạn đã phải chịu bạo lực, phải sống trong những điều kiện tạm bợ nên họ bị chấn thương tâm thần. Cho nên một trong số nhiệm vụ của chúng tôi còn là chăm sóc tinh thần cho họ. Chúng tôi đã hỗ trợ cho 1.700 người. Tình trạng chấn thương tâm lý và sức khỏe tinh thần là những nhiệm vụ ưu tiên của chúng tôi vào lúc này và chúng tôi cố hết sức giúp đỡ người dân ».

Tổ chức phân tích khí hậu ClimateAnalytics cho rằng nhiệt độ tăng lên do biến đổi khí hậu có thể đã góp phần làm cơn lốc Mocha tăng cường độ. Cụ thể, theo ông Peter Pfleiderer, thành viên của tổ chức, « các đại dương nóng hơn đã khiến cường độ các cơn bão mạnh lên nhanh chóng hơn, gây hậu quả tàn khốc cho con người ».

Bài Liên Quan