Tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace bị cấm hoạt động tại Nga

Đăng ngày: 20/05/2023

Ảnh minh họa: Một lá cờ tại trụ sở ở Amsterdam (Hà Lan) của tổ chức phi chính phủ Greenpeace trước lễ kỷ niệm 50 năm thành lập. Ảnh chụp ngày 10/09/2021. Chính quyền Nga ngày 19/05/2023 đã liệt Greenpeace vào diện tổ chức “không được hoan ngệnh”. AFP – JOHN THYS

Thùy Dương

Sau 31 năm hoạt động tại Nga, hôm thứ Sáu 19/05/2023, tổ chức phi chính phủ Greenpeace (Hòa Bình Xanh) đã bị Matxcơva xếp vào danh sách các tổ chức « không được hoan nghênh », quyết định mà tổ chức bảo vệ môi trường này xem là « phi lý ».

Bị coi là tổ chức « không được hoan nghênh » đồng nghĩa với việc Greenpeace bị cấm mở cơ sở, bị cấm thực hiện các dự án, và cũng không được truyền bá thông tin. Nói cách khác, Greenpeace phải ngừng hoạt động ngay lập tức tại Nga, chịu chung số phận với tổ chức WWF cách nay hơn 2 tháng.

Từ Matxcơva, thông tín viên Anissa El Jabri tường trình:

« Đây hoàn toàn không phải là một điều bất ngờ. Như thường lệ, quyết định của Viện Công Tố được đưa ra sau khi có các báo cáo và đề xuất, lần này là sau các ý kiến hồi tháng 11/2022 của một nhóm các dân biểu của vùng Irkoutsk nằm bên hồ Baikal, vốn phẫn nộ trước việc tổ chức phi chính phủ Greenpeace phản đối một đạo luật dỡ bỏ lệnh cấm chặt những cây bị sâu bệnh gần bờ hồ Baikal.

Trong thông cáo, Viện Công Tố Nga chỉ trích Greenpeace đã « thường xuyên » tiến hành « các chiến dịch thông tin » để « cản trở việc thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng năng lượng có lợi cho nước Nga».  Thế nhưng, việc xếp Greenpeace vào danh sách các tổ chức « không được hoan nghênh » cũng được biện minh bằng những lý do vô cùng nghiêm trọng, chẳng hạn « tuyên truyền chống Nga » và nhất là « đe dọa nền tảng trật tự hiến định và an ninh » của Nga, âm mưu « lật đổ chính quyền một cách vi hiến ».

Một số người hiện giờ so sánh sự đàn áp ở Nga với một chiếc xe hơi chạy hết tốc lực, không gài số lùi và không có phanh ».

Bài Liên Quan