‘‘Chuỗi cung ứng” IPEF: Mỹ và 13 nước hợp tác tránh phụ thuộc Trung Quốc

Đại dịch Covid và cuộc xâm lăng Ukraina của Nga đã phơi bày một thực tế: Tính dễ tổn thương của nền kinh tế toàn cầu. Nhiều nền kinh tế lâm vào tình trạng thiếu hụt nặng nề các loại hàng hóa thiết yếu. Một nguyên nhân căn bản được chỉ ra: Phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc.

Đăng ngày: 05/06/2023

Bộ trưởng 14 nước tham dự Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế Ấn Độ -Thái Bình Dương (IPEF) chụp ảnh ở Los Angeles, California, ngày 8/9/2022. AFP – FREDERIC J. BROWN

Trọng Thành

Chủ động về ‘‘các chuỗi cung ứng hàng hóa’’ ngày càng được nhiều quốc gia coi như một vấn đề an ninh quốc gia. Chính quyền Mỹ thời tổng thống Joe Biden đã xác định từ sớm việc chủ động ‘‘các chuỗi cung ứng hàng hóa’’ là một trụ cột trong chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương. ‘‘Các chuỗi cung ứng’’ là một trong nội dung chính của IPEF, Khuôn Khổ Kinh Tế Ấn Độ-Thái Bình Dương vì Thịnh vượng (IPEF là, tên gọi tắt của Indo-Pacific Economic Framework for Prosperity). Tham gia IPEF có 14 quốc gia đối tác, gồm Úc, Brunei, Fiji, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan, Hoa Kỳ và Việt Nam. IPEF cũng thường được gọi với tên rút gọn là ”Khuôn Khổ Kinh Tế Ấn Độ-Thái Bình Dương”.

Nhóm IPEF đã đạt được một thỏa thuận sơ bộ về ‘‘Các chuỗi cung ứng’’ hôm 23/05/2023, sau gần một năm chuẩn bị. Đối với một số chuyên gia, đây là một ‘‘thỏa thuận về chuỗi cung ứng đa phương quy mô lớn đầu tiên trên thế giới’’.

***

Chuỗi cung ứng suy sụp kéo dài : Thách thức an ninh kinh tế toàn cầu

Chuyên gia về an ninh và chiến lược người Ấn Độ, bà Rajeswari Pillai Ralagopalan, trong một bài viết trên The Diplomat, lưu ý trước hết đến tình trạng chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn nghiêm trọng trở thành thách thức kéo dài đối với kinh tế toàn cầu. Hồi tháng 12/2021, gần 2 năm kể từ đầu đại dịch, tuần báo kinh tế The Economist dự báo ‘‘kỷ nguyên của những điều không thể đoán trước được sẽ không chấm dứt’’. Theo báo cáo của Loadstar, đăng tải trên trang mạng Maersk, của tập đoàn vận tải biển Đan Mạch lớn nhất thế giới, ”tính đến ngày 21/10/2022, khối lượng vận chuyển bằng đường biển trung bình trong 14 ngày tại cảng Thượng Hải đã giảm 15%, Thâm Quyến giảm 21% và Ninh Ba-Chu San giảm 29%. Điều này đã dẫn đến một loạt gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu và tình trạng tắc nghẽn cảng vẫn là mối lo lớn với các cảng Bắc Âu.” Tình hình gián đoạn, tắc nghẽn nói trên của Bắc Âu cũng là tình hình của nhiều nơi trên thế giới, bao gồm cả ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự gián đoạn, tắc nghẽn của các chuỗi cung ứng toàn cầu, như chiến tranh Ukraina, đặc biệt gây gián đoạn chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm, hay tình hình kinh tế suy thoái, cùng các bất trắc về khí hậu. Tuy nhiên, sự phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc đã được giới chuyên gia chỉ ra như một nguyên nhân hàng đầu. 

Bảo vệ chuỗi cung ứng: Phục hồi, phát hiện và phòng ngừa

‘‘Xây dựng khả năng phục hồi chuỗi cung ứng’’, ‘‘phát hiện kịp thời’’ sự gián đoạn của chuỗi cung ứng, hợp tác để khắc phục, cũng như dự đoán và phòng ngừa ‘‘các rủi ro’’ là điều mà nhiều quốc gia mong muốnCách đây ít năm, ba nước Úc-Nhật Bản-Ấn Độ đã đưa ra Sáng kiến phục hồi chuỗi cung ứng, nhưng quy mô hợp tác với 14 quốc gia, chiếm hơn 40% GDP toàn cầu nói trên là điều chưa từng có.

Theo thông báo của đại sứ quán Mỹ tại Indonesia, quốc gia thành viên IPEF, thỏa thuận về các chuỗi cung ứng của Khuôn Khổ Kinh Tế Ấn Độ-Thái Bình Dương (IPEF) đặt mục tiêu ‘tăng cường khả năng phục hồi, tính hiệu quả, năng suất, tính bền vững, tính minh bạch, đa dạng hóa, an toàn, công bằng và tính toàn diện của chuỗi cung ứng thông qua cả các hoạt động hợp tác và các hành động riêng của từng đối tác IPEF’’.  

Những điểm quan trọng trong Thỏa thuận của 14 nước

Thỏa thuận sơ bộ về ‘‘Các chuỗi cung ứng’’ của Khuôn Khổ Kinh Tế Ấn Độ-Thái Bình Dương hiện còn chờ được các quốc gia thành viên chính thức phê chuẩnTuy nhiên, đây là mảng được hoàn thiện sớm nhất trong số 4 mảng chính, còn gọi là ‘‘bốn trụ cột’’ của Khuôn Khổ Kinh Tế Ấn Độ-Thái Bình Dương, bao gồm trụ cột thứ nhất về thương mại, trụ cột thứ hai chuỗi cung ứng, trụ cột thứ ba về kinh tế xanh và trụ cột thứ tư kinh tế công bằng/chống tham nhũng. Theo chuyên gia Ấn Độ Rajeswari Pillai Ralagopalan, chỉ riêng việc trụ cột thứ hai là trụ cột được hoàn thiện sớm nhất trong Khuôn Khổ Kinh Tế Ấn Độ-Thái Bình Dương cho thấy nhiều quốc gia mong muốn đóng một vai trò lớn hơn trong nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm định hình lại các chuỗi cung ứng trên quy mô toàn cầu.

Về thỏa thuận này, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), có trụ sở tại Washington, trong một bài giải đáp về vấn đề này, nhấn mạnh đến ‘‘ba cấu trúc’’ vừa được các bên quyết định lập ra để thực thi các mục tiêu của thỏa thuận về ‘‘Các chuỗi cung ứng’’ của IPEF. Cụ thể là ‘‘Hội đồng Chuỗi cung ứng’’ (IPEF Supply Chain Council), ‘‘Mạng lưới ứng phó khủng hoảng Chuỗi cung ứng’’ (IPEF Supply Chain Response Network), ‘‘Ban Cố vấn Quyền Lao động’’ (IPEF Labor Rights Advisory Board).

Mạng ứng phó khủng hoảng chuỗi cung ứng có nhiệm vụ thiết lập một mạng liên lạc khẩn cấp, hỗ trợ chia sẻ thông tin và hợp tác giữa các đối tác của IPEF, để “phản ứng nhanh hơn và hiệu quả hơn nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến nền kinh tế”. ‘‘Hội đồng Chuỗi cung ứng’’ có trách nhiệm xây dựng khả năng phục hồi và khả năng cạnh tranh trong một số lĩnh vực quan trọng. Hội đồng có nhiệm vụ giám sát việc phát triển “kế hoạch hành động” cho các lĩnh vực này, giúp các công ty chủ động xác định được các lỗ hổng trong chuỗi cung ứng và có cách giải quyết.

Ban Cố vấn Quyền Lao động là một cơ quan tư vấn, gồm đại diện của chính phủ, người lao động, có nhiệm vụ xác định các lĩnh vực mà các lĩnh vực mà ‘‘một số vấn đề liên quan đến quyền hạn của người lao động, đe dọa đến khả năng phục hồi và tính toàn vẹn của chuỗi cung ứng nói chung’’. Thỏa thuận Hoa Kỳ-Mêhicô-Canada đã cung cấp một mô hình về vấn đề này.

Vai trò đầu tầu của Mỹ

Trong khi chờ đợi các quốc gia phê chuẩn văn bản thỏa thuận cuối cùng, Hoa Kỳ đi đầu trong việc cam kết thực hiện một số chương trình gọi là ‘‘xây dựng năng lực và kỹ thuật mới’’. Cụ thể là một số dự án thí điểm vận chuyển kỹ thuật số, bao gồm một dự án với Cảng Singapore, mở rộng chương trình Đối tác Thương mại Hải quan chống khủng bố (CTPAT) của Hoa Kỳ ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, tổ chức các khóa đào tạo, hội nghị chuyên đề và ‘‘phái đoàn thương mại hai chiều’’ với các đối tác của IPEF.

Về phía Ấn Độ, một quốc gia trụ cột của IPEF, bộ Thương Mại và Công nghệ Ấn Độ ra một thông cáo cho biết New Delhi đánh giá cao tác động của thỏa thuận về các chuỗi cung ứng, cho phép: ‘‘thúc đẩy hội nhập sâu hơn các nền kinh tế và chuỗi cung ứng/giá trị trong khối các nuớc IPEF’’.

Bắc Kinh: Mỹ dựng lên một ‘‘kẻ thù tưởng tượng’’ để thúc đẩy bảo hộ mậu dịch

Thỏa thuận sơ bộ về ‘‘Các chuỗi cung ứng’’ trong Khuôn Khổ Kinh Tế Ấn Độ-Thái Bình Dương, với 14 quốc gia thành viên, do Mỹ chủ trì được thông qua hôm 23/05, tạiDetroit, Michigan (Mỹ), bên lề hội nghị khối APEC. Ít ngày trước khi bộ trưởng Thương Mại Trung Quốc Vương Văn Đào (Wang Wentao) có cuộc hội kiến với bộ trưởng Thương Mại Hoa Kỳ và trưởng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ tại Mỹ. Cuộc hội kiến được coi là của quan chức cao cấp hai bên kể từ vụ khủng hoảng khinh khí cầu Trung Quốc bị bắn hạ trong không phận Mỹ.

Tờ Hoàn Cầu Thời Báo, một cơ quan phát ngôn chính của đảng Cộng Sản Trung Quốc, trong bài ‘‘Mỹ ép đồng minh nhắm vào Trung Quốc tại IPEF’’ (ngày 28/05), đã dẫn lời một số chuyên gia Trung Quốc, lên án thỏa thuận này, khẳng định ‘‘những nỗ lực như vậy chắc chắn sẽ thất bại, vì sẽ không có gì hơn là những lời sáo rỗng’’. Ông He Weiwen, một thành viên cấp cao của Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa, cho rằng ‘‘IPEF không phải là một hiệp định thương mại cũng không phải là một cộng đồng kinh tế, mà chỉ là một Khuôn Khổ (lỏng lẻo), vì vậy sẽ không có hiệu quả thực sự’’.

Vẫn trên Hoàn Cầu Thời Báo, Chen Jia, chuyên gia độc lập về các vấn đề chiến lược toàn cầu, coi việc Hoa Kỳ cố tình tách rời các chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc là một nỗ lực nhằm ‘‘thu lợi ích chính trị và kinh tế cho nước Mỹ từ các đồng minh’’ dựa trên việc dựng lên ‘‘một kẻ thù tưởng tượng’’.

Hoàn Cầu Thời Báo gọi các nỗ lực nói trên của Khuôn Khổ Kinh Tế Ấn Độ-Thái Bình Dương, do Mỹ chủ trì, là hành động theo ‘chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ’’. Tờ báo dẫn ra ví dụ cho thấy các chuỗi cung ứng toàn cầu móc nối mật thiết, ví dụ như khoảng 40% xuất khẩu chip của Hàn Quốc là sang Trung Quốc, trong khi công nghệ và thiết bị của Mỹ là cần thiết cho các nhà sản xuất chip của Hàn Quốc như Samsung Electronics và SK Hynix. Bắc Kinh kêu gọi Washington trở lại với nguyên tắc ‘‘thương mại đa phương và thúc đẩy phát triển thương mại bền vững và toàn diện’’.

Quyết tâm hoàn tất trước tháng 11

Nhìn chung, bất luận phản ứng của Trung Quốc ra sao, mảng ‘‘Các chuỗi cung ứng’’ trong Khuôn Khổ Kinh Tế Ấn Độ-Thái Bình Dương, của 14 quốc gia Ấn Độ – Thái Bình Dương, do Mỹ chủ trì đang trên đường hoàn tất. Theo Trung tâm CSIS, các đối tác của dự án này hy vọng kịp hoàn tất thỏa thuận này trước tháng 11, cùng với ba trụ cột khác của Khuôn Khổ Kinh Tế Ấn Độ-Thái Bình Dương. Tháng 11 sẽ là thượng đỉnh của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), do Mỹ chủ trì.

Các chuyên gia Trung tâm CSIS cũng ghi nhận một số thách thức lớn với dự án bảo vệ ‘‘Các chuỗi cung ứng’’ của Khuôn Khổ Kinh Tế Ấn Độ-Thái Bình Dương vì Thịnh Vượng, vốn ‘‘không phải là một thỏa thuận thương mại truyền thống, có nghĩa là các cam kết của Hoa Kỳ đưa ra sẽ không được Quốc Hội đưa vào luật pháp Hoa Kỳ và các cam kết với nước ngoài sẽ không có hiệu lực thực thi đầy đủ’’. Tình hình sẽ thêm khó khăn, nếu không có các ưu đãi hoặc cơ chế tài chính cụ thể trong hiệp định.

Bài Liên Quan