TikTok: ByteDance bị cáo buộc giúp Trung Quốc theo dõi các nhà hoạt động Hong Kong

7 tháng 6 2023

Peter Hoskins

Phóng viên Kinh doanh BBC

TikTok cho biết họ có 150 triệu người dùng tại Mỹ.
Chụp lại hình ảnh,TikTok cho biết họ có 150 triệu người dùng tại Mỹ.

ByteDance, chủ sở hữu của TikTok, bị cáo buộc cho các đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) truy cập dữ liệu của các nhà hoạt động dân quyền và người biểu tình ở Hong Kong.

Người dùng đã tải lên “nội dung liên quan đến biểu tình” cũng bị xác định danh tính và theo dõi, cựu giám đốc điều hành ByteDance Yintao Yu cáo buộc trong hồ sơ tại tòa án ở Hoa Kỳ.

Ông Yu cho biết các thành viên ĐCSTQ cũng có thể truy cập dữ liệu người dùng TikTok của Hoa Kỳ.

Người phát ngôn của ByteDance đã phủ nhận các tuyên bố và mô tả là “vô căn cứ”.

Các cáo buộc có trong hồ sơ của Tòa Thượng thẩm San Francisco được đưa ra trong tuần này như một phần của vụ kiện do ông Yu khởi kiện.

Trong hồ sơ, ông Yu tuyên bố rằng các thành viên của một ủy ban ĐCSTQ có quyền truy cập vào cơ chế “superuser”, hay được gọi là “god user”, cho phép họ xem tất cả dữ liệu do ByteDance thu thập.

Ông cũng cáo buộc rằng các thành viên ủy ban này không phải là nhân viên của ByteDance nhưng lại ngồi tại các văn phòng của công ty ở Bắc Kinh.

Ông Yu, người trong khoảng một năm kể từ tháng Tám năm 2017, là giám đốc kỹ thuật ByteDance tại Hoa K, cho biết đây là điều phổ biến trong số các chuyên viên lãnh đạo cấp cao.

Hồ sơ cũng cáo buộc rằng vào năm 2018, các thành viên ủy ban ĐCSTQ này đã sử dụng quyền truy cập của họ để “xác định và định vị những người biểu tình ở Hong Kong, các nhà hoạt động dân quyền và những người ủng hộ các cuộc biểu tình”.

Hong Kong đã chứng kiến các cuộc biểu tình lớn vào năm 2014 – phong trào được gọi là Dù vàng – nơi người dân đòi quyền bầu chọn lãnh đạo của chính họ. Sau đó, có những cuộc biểu tình nhỏ hơn của các nhà hoạt động dân quyền.

Phần lớn sự bất đồng này đã biến mất kể từ khi Bắc Kinh đàn áp bằng luật an ninh quốc gia hà khắc sau các cuộc biểu tình chống chính phủ năm 2019.

Khi BBC liên hệ, một phát ngôn viên của ByteDance đã phủ nhận mạnh mẽ các cáo buộc: “Chúng tôi dự định phản đối mạnh mẽ những gì chúng tôi tin là những tuyên bố và cáo buộc vô căn cứ trong đơn khiếu nại này.”

Họ cũng nói rằng ông Yu đã làm việc cho công ty chưa đầy một năm và trong thời gian đó ông đã làm việc trên một ứng dụng hiện đã ngừng sản xuất có tên là Flipagram.

Người phát ngôn của ByteDance nói thêm: “Thật khó hiểu là ông Yu chưa bao giờ đưa ra những cáo buộc này trong 5 năm kể từ khi ông ấy làm việc cho Flipagram bị chấm dứt vào tháng 7 năm 2018. Hành động của ông ấy rõ ràng là nhằm thu hút sự chú ý của giới truyền thông”.

Tuyên bố của ông Yu được đưa ra trong bối cảnh TikTok đang bị giám sát chặt chẽ trên toàn thế giới.

Vào tháng Ba, giám đốc điều hành của TikTok, Shou Zi Chew, đã phải đối mặt với cuộc thẩm vấn kéo dài bốn tiếng rưỡi tại một phiên điều trần của quốc hội Hoa Kỳ.

Ông Chew đã bị cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa chất vấn về các hoạt động bảo mật và bảo mật dữ liệu của ứng dụng cũng như mối quan hệ bị cáo buộc của TikTok với Bắc Kinh.

Vào tháng Nưm, Montana đã trở thành tiểu bang đầu tiên của Hoa Kỳ thông qua lệnh cấm sâu rộng đối với nền tảng chia sẻ video do Trung Quốc sở hữu.

Lệnh cấm sẽ có hiệu lực vào tháng Một năm 2024. Lệnh này qui định các app stores cung cấp TikTok là bất hợp pháp, nhưng không cấm những người đã tải TikTok rồi sử dụng nó.

TikTok đã kiện để ngăn Montana áp đặt lệnh cấm và nói rằng nó mâu thuẫn với quyền tự do ngôn luận của Hoa Kỳ.

Montana, nơi có dân số chỉ hơn một triệu người, đã cấm ứng dụng này trên các thiết bị của chính phủ vào tháng 12 năm ngoái.

TikTok cho biết họ có 150 triệu người Mỹ sử dụng. Mặc dù cơ sở người dùng của ứng dụng đã mở rộng trong những năm gần đây nhưng Tik Tok vẫn là ứng dụng phổ biến nhất với thanh thiếu niên và người dùng ở độ tuổi 20.

Bài Liên Quan