Đặng Phương Việt: Người đi tìm màu vẽ sen ở đất Phật

Việt Sen đã bốn lần đến Tây Tạng để học hỏi giáo lý Phật giáo và tìm chất màu cho tranh của anh
Chụp lại hình ảnh,Việt Sen đã bốn lần đến Tây Tạng để học hỏi giáo lý Phật giáo và tìm chất màu cho tranh của anh

  • Tác giả,Phạm Cao Phong
  • Vai trò,Gửi cho BBC từ Paris, Pháp
  • 10 tháng 6 2023

Mỹ thuật hội họa không có nhiều họa sĩ vẽ chuyên về một chủ đề tranh. Thành danh lớp trước có Bùi Xuân Phái (1920-1988), người họa sĩ độc ẩm, phiêu lãng với phố phường Hà Nội.

Mông lung mờ ảo ngõ vắng, phố phường Thăng Long qua nét vẽ Bùi Xuân Phái đi vào thiên thu. Bùi Xuân Phái thành ‘Phái phố’.

Tiếp bước Bùi Xuân Phái là một cái tên mới: Đặng Phương Việt.

Bùi Xuân Phái đi vào phố cổ, Phương Việt xuôi ngược với sen.

Đặng Phương Việt chủ yếu vẽ tranh hoa sen, nên Sen chén mất cả họ và tên đệm, Việt trở thành ‘Việt Sen’.

Có một chuyện thật thế này: Một quan chức ngoại giao mua được một bức tranh ở nước ngoài về Hà Nội khoe với Việt:

‘Anh mới kiếm được bức này khá lắm!’

‘Tranh của ai vậy anh?’

‘Đặng Phương Việt!’

‘Anh không biết thằng đứng trước mặt anh là ai?’

Những bức vẽ chuyên đề về hoa sen của họa sĩ Đặng Phương Việt-Việt Sen
Chụp lại hình ảnh,Những bức vẽ chuyên đề về hoa sen của họa sĩ Đặng Phương Việt – Việt Sen

Chủ đề chung thủy của Việt là những bức tranh sơn dầu, tranh sơn mài về hoa sen. Chỉ sen, sen và sen.

Vẽ riêng về một chủ đề rất khó, gian truân như “vẽ núi mà trèo”, để bức tranh ra sau không phải là thói quen vô vị, những lặp lại nhàm chán, vô hồn.

Con đường độc đạo ấy khó khăn, dốc đứng: “Một đèo, một đèo, lại một đèo. Khen ai khéo đặt cảnh cheo”; lốc cốc leo lên, chưa kịp thở lại thấy sừng sững núi khác chắn ngang tầm mắt.

Tôi lấy một hình ảnh để bạn đọc dễ nhận ra cái khó trong sáng tác. Điều đó như thể kẻ lỏng chữ, tham vọng viết một cuốn sách về chân dung các danh thủ bóng đá.

Hắn tả đến danh thủ thứ ba thì cạn vốn, nhai như nhại người đọc với câu ‘kèo trái vờn như chân mèo, kèo phải tung lên sút bóng bay như sét nổ’.

Ai không vứt toẹt sách loại ấy xuống đất cũng là người khó tìm.

Việt lại chơi bạo, thường vẽ những bức khổ lớn như màn ảnh rộng về sen, sen trao duyên với nắng, tâm tình, hy vọng. Người non tay không ai liều thế, họ ẩn mình trong những bức thủ thỉ góc nhỏ, để ẩn dáng đứng chưa thể thẳng lưng trước những cặp mắt cú của vô vàn Thánh soi.

Đặng Phương Việt - Việt Sen

Việt thành công khá sớm, 28 tuổi đã có giải thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam, 29 tuổi, đoạt giải triển lãm Châu Á – Thái Bình Dương, Giải thưởng Mỹ thuật ASEAN năm 29. Tranh của anh có mặt tại các triển lãm tại Bắc Kinh, Thái Lan, London, Malaysia, Italy, Romania, Thuỵ Điển, UNESCO…

Chẳng thành công nào là ngẫu nhiên. Chỗ Việt đứng hôm nay dưới ánh mặt trời vì anh lắng nghe trái tim mình, chọn sống thật, thật với mình, thật với đời.

Việt say mê vẽ từ nhỏ. Song cha Việt lại nhờ cậy một cây đa, cây đề là cụ Võ An Ninh dìu dắt Việt theo con đường nhiếp ảnh của cụ, với giá là chiếc máy Leica cho thầy.

Nhưng chỉ một thời gian, Việt chán thầy Võ An Ninh. Anh luyện thi với họa sĩ Trần Lưu Hậu để vào trường Mỹ thuật Công Nghiệp.

Học xong, Việt lại làm trái ý cha, không theo nghề thiết kế nội thất, cắp sách đi học Đại học Mỹ thuật. Lần này thì đúng đường.

Đặng Phương Việt - Việt Sen

Ra trường, mang tranh triển lãm lần đầu ở Sydney, Việt bán được bức tranh đầu tiên với giá 10 000 USD. Một khởi đầu thuận lợi để Việt lên đường tìm câu trả lời ‘Tôi là ai’.

Việt đến Tây Tạng, một lời chia tay dứt khoát với ngón tay người thầy dính bánh chưng bôi bẩn lên ống kính của mình, đoạn tuyệt với những trưởng giả học làm sang coi đồng tiền là động vật sai khiến muôn loài.

Việt tìm đến nguồn nước chảy từ Himalaya nuôi dưỡng dòng trường giang Cửu Long, dòng sông Gâm, sông Hồng. Việt tìm thấy khúc xạ ánh sáng thuần khiết nuôi dưỡng cảm hứng sáng tác. Việt như cánh đại bàng đơn côi làm bạn với vòm trời thăm thẳm nhấn trên thảo nguyên bao la, sân chơi khoáng đạt của bầy ngựa hoang phi vó.

Cuộc đời Việt như bước ra từ bài hát ‘Xa hơn cả giấc mơ’ của cô bé Valentina:

Ai trong chúng ta cũng đều có thiếu sót,

một khiếm khuyết ẩn nấp bên trong

Một điều chẳng tỏ cùng ai,

nhưng dựng trên đó những bức tường ngôi nhà tương lai

Những điều không dám tự thú

Chúng ta chỉ hùa theo đám đông

Đi lối mòn cư kỹ

Nhìn thời gian đi qua để tương lai trôi vào quá khứ

Mà không biết rằng đâu đó

Còn những dấu hiệu chỉ đường

Ở phía trên những hy vọng

Xa hơn cả những giấc mơ

Cao hơn cả bầu trời

Là khả năng sống cho một tình yêu,

Tìm thấy những điều thiết thân

Cơ hội bay cao

Xa hơn một giấc mơ…

Đặng Phương Việt - Việt Sen

Việt không chỉ vẽ tranh, anh còn làm tranh sơn mài. Thể loại này bổ khuyết cho tìm tòi về độ nông sâu cho tranh sơn dầu, nên tranh của anh không dùng hiệu quả ánh sáng, mà tranh vẫn không bị bẹt dí, đơn điệu.

Tranh của Việt thiên về nội tâm, lặng, sâu như dòng nước tịnh khiết, lạ, khó tìm ra chữ để bắc cây cầu chữ nghĩa sang miền lễ hội mầu sắc, của thanh âm viết bằng sắc xanh của trời cao, màu đỏ hồng đào chiếc áo cà sa Tây tạng, màu vàng ươm của chiếc kén vương vất mùi lá dâu non ngai ngái…

Càng xem tranh của Việt, tôi càng tò mò về mảng màu anh sử dụng, nên phải hỏi Việt về con đường hội họa của anh. Điều bất ngờ thú vị Việt cho tôi hay là anh đi tìm mầu sắc cho tranh trên đất Phật. Việt đã 4 lần đến Tây Tạng vào những năm 2001, 2005, 2009, 2019 và cuối năm nay, Việt lại dự định trở lại xứ sở tâm linh Phật giáo.

Anh hành hương đến Bhutan, hai lần đến Nepal.

Đặng Phương Việt

Câu chuyện của anh về Tây Tạng, Bhutan, Nepal đưa tôi sống lại kỷ niệm một lần ghé Lhassa. Tôi không có may mắn được như Việt, được sống dưới những mái chùa Tibet một thời gian đủ dài, chia với bằng hữu chén cơm chùa, gần gũi với các thiền sư.

Tôi đến Tibet sau lần bước vào không ra được từ những trang sách ‘Deutschen Tibet-Expedition Ernst Schäfer ’ kể về của đoàn thám hiểm Đức đến Tây Tạng năm1938, 1939. Đến vì tò mò, để biết tại sao nghệ thuật Phật giáo Tây Tạng với hội họa, điêu khắc, thêu, kiến trúc, được vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể. Đến để chiêm ngưỡng những bức Thangka, Mandala bằng vải cổ tìm thấy trong hang Mogao thời Đế quốc Tây Tạng (629-877). Đến để xem Monastère Gyantsé, ngôi chùa vĩ đại xây bằng đá trắng được phủ bằng một bức trướng khổng lồ che phủ cả mặt tiền.

Tôi nhớ về ánh mắt sinh động, tròn vo, đen như hạt nhãn của các chú tiểu nấp sau cửa sổ, hình ảnh các nhà sư niệm kinh, lần chuỗi tràng hạt bằng gỗ sưa đỏ, qua thời gian đã bóng lên như ngà, hay đang cần mẫn đãi gạo như sàng sẩy ưu tư ra khỏi tâm hồn.

Còn Việt, anh đến Tây Tạng, đến Bhutan, đến Nepal sống với các thiền sư vì Việt là một phật tử. Anh đến chiêm nghiệm các nghệ nhân xứ này vẽ những bức tranh Phật như thôi thúc tự thân, tìm hiểu những thông điệp màu sắc, những lời kinh cầu trong nét vẽ Thangka, Mandala, thiên định để mọi khổ đau biến thành giấy trắng của hư không.

Nghệ thuật đỉnh cao khó như với cầu vồng làm áo choàng. Màu đỏ Việt dùng là màu vạt cà sa Tibet cảm hóa anh mang về từ đất Phật, màu trắng là màu núi tuyết nguyên sơ từ thuở hồng hoang, màu vàng trong gió của lá bùa đẫm tiếng kinh cầu mượt mà, ấm áp, màu xanh hồ thủy chuyển sang sắc tím của mặt hồ Nam Tsong còn gọi là hồ Thiên Đàng.

Nam Tsong biếc sắc lam chàm quần tụ với gió, với mây trắng nuột nà là một trong ba hồ Thánh của Tibet, ngự ở độ caogần 5000m, chứa 78 tỷ mét khối nước, dài 70km, rộng 30km.

Màu nâu Việt vẽ trong tranh gây tò mò cho tôi là màu thiên nhiên sum vầy với những ngôi chùa có từ hàng trăm năm tuổi ở Bhutan, vương quốc cổ có chú rồng trắng vờn giữa màu vàng chanh, màu da cam trên quốc kỳ, đất nước tồn tại kỳ bí trong không gian chật hẹp, kẹp giữa dãy núi băng Himalaya và hai đế chế khổng lồ Trung Quốc, Ấn Độ.

Việt Sen (bìa trái) trong hành trình đến Bhutan
Chụp lại hình ảnh,Việt Sen (bìa trái) trong hành trình đến Bhutan

Tranh của Việt Sen bị đạo nhái, sao chép thuộc nhóm đầu không chỉ ở Việt Nam. Có thể tìm thấy tranh Việt Sen chào bán ở đủ loại chợ trong và ngoài nước.

Người chép tranh sen của Việt loại thường có, loại có tên có tuổi có, đếm không hết. Ầm lên nhiều lần trên báo chí cả rồi.

Nạn nhân tình huống thê thảm là Việt, song anh không giận. Dù tranh giả làm hư hỏng, hoen ố hình ảnh thật, giá trị thật.

“Đó là động lực để em sáng tạo thêm, bắt mình vượt lên, lao tâm khổ tứ để tranh em tiến xa hơn. Em dung nạp kiến thức, khai thác về mầu sắc, về nguyên lý của khổ đau và giải thoát để tự chuyển hóa thêm”.

Xấu xa cũng là một mặt bám rễ trong cuộc sống. Phỉ báng họ chẳng thay đổi cũng thế, cắt đầu này họ lại mọc đầu khác. Người tử tế thì hiểu ăn cắp hay vay mượn không sống lâu được. Mỗi họa sĩ đều có bản ngã và tư duy khác nhau.

Nhưng chán là, đôi khi có họa sĩ lại miệt mài theo đuổi cái của người khác, giống như tầm gửi. Họ không đánh thức bản thân mình, không tự giác ngộ.

Việt không muốn gieo một mảnh nhỏ hận thù vào suy nghĩ của mình để thế giới quan của anh trở nên thiếu thân thiện, còm cõi.

Gandhi nói: “Nếu lấy mắt phải trả bằng mắt, răng phải trả bằng rang”; thì thế giới sẽ nhanh chóng trở thành mù lòa, móm mém. Hình như đó cũng là suy nghĩ của Việt Sen?

Đặng Phương Việt - Việt Sen

Cũng dễ hiểu, vì Đặng Phương Việt trước khi trở thành họa sĩ, trước khi cầm cọ vẽ anh đã là một phật tử. Việt khai tâm trong một gia đình nhiều đời gắn bó với đạo Phật.

Trong gia đình Việt có người xuất gia, làm hòa thượng chủ trì Chùa Hương. Việt sen gắn bó với “đường mây đá cheo veo, hoa đỏ, tím, vàng leo”; của bến Thiên trù, bến Đục, núi Oản, núi Gà, núi Mâm Xôi, với thơ Nguyễn Nhượng Pháp:

Hôm qua em đi chùa Hương

Hoa cỏ còn mờ hơi sương

Cùng thầy mẹ em vấn đầu soi gương

Khăn nhỏ cái đuôi gà cao

Em đeo cái dải yếm đào

Quần lĩnh áo the mới

Tay em cầm chiếc nón quai thao

Chân em đi đôi guốc cao cao

Đò đi qua bến Đục

Mọi người ngắm nhìn em

Thẹn thùng em không nói

Nam mô A Di Đà…

Chất nâu sồng trong tâm hồn, chất thơ trong tranh của Đặng Phương Việt cho tôi trở về tuổi thơ đã đứt dây với màu xanh cốm Vòng thơm thảo lá sen Tây Hồ, của nồng nồng cay cay rượu nếp hương trong chiếc vò sành nút lá chuối khô của bà ngoại.

Hôm nay tôi nghe có con chim về gọi

Về giữa trời về hót giữa đời tôi…

Cám ơn Việt Sen.

Bài thể hiện quan điểm riêng của nhà báo tự do Phạm Cao Phong, hiện sống tại Paris, Pháp.

Bài Liên Quan