Các giai đoạn ủ mưu và tham chiến của đồng nhân dân tệ nhằm soán ngôi USD (Kỳ 1)

 Bình luậnThanh Đoàn •  09/06/23

“Đồng nhân dân tệ (CNY) sẽ nhanh chóng thay thế vị trí của USD?” là thảo luận tràn ngập trên các phương tiện truyền thông. Tốc độ “quốc tế hoá” chóng mặt của CNY trong thời gian này khiến báo chí tốn nhiều giấy mực, đánh thức gã khổng lồ Mỹ đang say ngủ. Nhưng chính tốc độ quốc tế hoá quá nhanh của CNY trên nền tảng kinh tế bất ổn, nhiều sai lầm đang khiến CNY phải trả giá: nó đang trượt dốc…

Sự thất vọng của thế giới với đồng bạc xanh

Kể từ khi đồng bạc xanh của Mỹ không còn được đảm bảo bằng vàng cũng như nợ nần của các chính phủ bị phình to bởi chiến tranh, đồng USD buộc phải mất giá để cân bằng thương mại, để trả nợ,… nó đã tạo ra vô số thất vọng cho những người tin tưởng nó. Để có thêm thông tin về con đường xuống dốc của đồng bạc xanh, bạn có thể đọc thêm ở đây.

Sự thao túng của chính trị, của các tài phiệt tài chính (các ông chủ siêu ngân hàng toàn cầu, các quỹ đầu tư lớn nhất toàn cầu) đối với đồng bạc xanh ngày một lớn khiến ngày càng có nhiều người bất bình với quyền lực thống trị của đồng tiền này.

Mỗi lần đồng bạc xanh lạm phát, Cục dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed) tăng lãi suất, tiền USD trên khắp toàn cầu lại đổ về Mỹ tìm nơi trú ẩn. Sau khi lãi suất tăng, các khoản đầu cơ tài chính của Phố Wall và khắp toàn cầu lại bị mất giá và thậm chí là nổ bong bóng trên thị trường chứng khoán, tài chính. Kết quả là vỡ nợ và dòng tiền giải cứu từ chính quyền Hoa Kỳ, nơi in ra đồng bạc xanh, lại đổ vào cho các tài phiệt với lý do “họ quá lớn để có thể đổ vỡ” và bởi vì sự đổ vỡ của họ có thể tạo ra làn sóng đổ vỡ domino tồi tệ hơn cho nền kinh tế của Mỹ và toàn cầu. Cứ như vậy, sau mỗi khủng hoảng, các tài phiệt tài chính giàu có hơn; lý do là họ đã kịp làm giàu trước khủng hoảng, khi khủng hoảng diễn ra thì các khoản đầu tư lỗ của họ được cứu trợ bởi chính phủ, sau khủng hoảng lại được “hỗ trợ” bởi chính sách ưu đãi.Tiền rẻ – Lạm phát – Fed tăng lãi suất – Khủng hoảng đã trở thành chu kỳ kiếm tiền của Phố Wall (Ảnh: tổng hợp)

Mà lạm phát của đồng bạc xanh lại được tạo ra bởi chính Fed, nơi luôn cố gắng duy trì chính sách tiền rẻ (lãi suất thấp), không hạn chế đầu cơ, đánh bạc trên thị trường tài chính Phố Wall cho tới khi đồng bạc xanh mất giá, lạm phát bùng phát và chính sách thắt chặt tiền tệ bắt đầu tạo ra một chu kỳ đổ vỡ mới.

Với tâm lý thất vọng về giá trị thực của đồng bạc xanh khi các chu kỳ khủng hoảng lặp đi lặp lại như vậy, thế giới manh nha hy vọng vào sức mạnh của một đồng tiền khác, có thể thay thế USD, công bằng hơn và không thể tạo ra lạm phát.

Bắt lấy cơ hội này, những kẻ xảo biện và có khả năng hùng biện đã tạo ra câu chuyện về tiền kỹ thuật số, ví dụ như đồng Bitcoin. Bitcoin và các đồng tiền tương tự được ca ngợi hết lời như một loại tiền tệ không thể truy ngược dấu vết giao dịch (vốn phù hợp với buôn lậu, giao dịch tội ác), một loại tiền tệ “không thuộc về chính phủ nào”, “không bị mất giá trị vì số lượng giới hạn của nó”. Nhưng không một ai trong số những kẻ hùng biện về Bitcoin và các loại tiền ảo khác nói sự thật rằng công nghệ tạo ra Bitcoin và tiền ảo lại không hề ưu việt, càng không phải là duy nhất. Tức là, thứ “tiền tệ” tương tự Bitcoin có thể tạo ra bởi vô số tay lập trình, công ty công nghệ trên khắp toàn cầu. Điều đó có nghĩa là loại tiền ảo này thực tế dễ dàng bị thao túng, dễ dàng bị lạm phát và mất giá chỉ trong một đêm. Một loại công cụ như thế không cách nào trở thành “tiền tệ”.

Bởi vì, tiền tệ vốn là công cụ đo lường giá trị của cải. Công cụ đo lường nhất định phải bất biến, không co giãn bởi thời tiết, thời gian, không hao mòn, khó bị làm giả. Đây chính là lý do vàng vật chất là ứng cử viên duy nhất đáng tin cậy cho tới nay để trở thành kẻ hộ vệ, hay kẻ xứng danh đại diện cho đồng tiền mạnh.

Trong khi Mỹ trở nên suy yếu, các đối thủ chính trị của Mỹ bắt đầu tin rằng mơ ước soán ngôi sức mạnh thống trị tiền tệ của đồng bạc xanh có thể trở thành sự thật. Kẻ thù chính trị, hệ tư tưởng số một của Mỹ là Trung Quốc đã tận dụng tối đa cơ hội này, thúc đẩy quốc tế hoá đồng nhân dân tệ (CNY).

Cơ hội của CNY

Tham vọng soán ngôi Mỹ của chế độ Bắc Kinh chắc chắn không phải điều mới mẻ trong đầu các nhà lãnh đạo của đất nước này. Chỉ là lực bất tòng tâm.

Nhưng rốt cuộc, nhờ mở cửa, Trung Quốc nhanh chóng trở nên giàu có; dòng tiền đầu tư nước ngoài tràn Trung Quốc 1,4 tỷ dân với hy vọng tiêu dùng quốc gia này sẽ hấp thụ hết nguồn cung đang ngày một dư thừa từ Mỹ và các nền kinh tế phát triển.

Ở Trung Quốc khi đó, 1/6 dân số thế giới đang đói việc làm, đói lương thực trước tương lai bất định mà chế độ gây ra. Trước sức mạnh đàn áp và tẩy não của chính quyền, sau khi chứng kiến hàng chục triệu người chết đói sau Cách mạng văn hoáĐại nhảy vọt,… thứ người dân tha thiết muốn là có việc làm, có cái ăn và nếu có thể là chút tiền tích luỹ cho tuổi già. Bởi vậy, việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức thương mại toàn cầu WTO được ví như cá gặp nước. Trong suốt 40 năm qua, Trung Quốc như miếng xốp khô hút không mệt mỏi dòng vốn ngoại khắp toàn cầu đang thiếu nơi để đầu tư sinh lời.

Xem thêm:Phần 1: WTO và Trung Quốc lợi dụng nhau như thế nào?Phần 2: “Não bộ” của WTO chính thức bị Trump vô hiệu hóa vào ngày 11/12/2019Phần 3: Báo cáo của Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ “vạch tội” Cơ quan Phúc thẩm – não bộ của WTO

Rất nhanh, dòng vốn ngoại và sự chăm chỉ, khát vọng của người Trung Quốc đã biến Trung Quốc trở thành đại công xưởng toàn cầu. Cùng với khối lượng dự trữ ngoại hối và vàng vật chất ngày một lớn, Trung Quốc đã tích luỹ không chỉ sức mạnh ngoại tệ mà còn sức mạnh mặc cả về ngoại giao – chính trị ngày một lớn khi nguồn cung ứng hàng hoá khắp toàn cầu chủ yếu tập trung tại Trung Quốc.

Từ đây, Trung Quốc không ngần ngại bộc lộ tham vọng bá chủ toàn cầu qua “Giấc mộng Trung Hoa”, được công bố bởi ông Tập Cận Bình năm 2013. Về cơ bản, cuộc chiến này có thể chia làm ba giai đoạn.

Giai đoạn 1: Tích luỹ chờ thời

Đây là giai đoạn từ khi gia nhập Tổ chức thương mại quốc tế (WTO) năm 1997 đến trước 2012. Giai đoạn này được xem như giai đoạn chuẩn bị. Trung Quốc tăng cường hút vốn ngoại, tích luỹ USD, vàng vật chất qua thu hút vốn đầu tư nước ngoài, biến Trung Quốc thành đại công xưởng sản xuất toàn cầu. Giai đoạn này, dự trữ USD của Trung Quốc tăng từ 5 tỷ USD năm 1997 lên tới 3,3 nghìn tỷ USD năm 2012; tăng 660 lần so với 1997 và tương đương với 45% GDP của cả nền kinh tế!

Trong giai đoạn này, ngoài tích luỹ ngoại tệ và vàng vật chất để đảm bảo cho sức mạnh CNY, Trung Quốc sử dụng rất hiệu quả công cụ “thao túng tiền tệ”, không ngừng hạ giá trị CNY so với USD để tạo ra hàng hoá Trung Quốc giá rẻ, xâm lược thị trường tiêu dùng toàn cầu bằng công cụ phá giá CNY. Quyền lực của quốc gia nắm chuỗi cung ứng toàn cầu ngày một gia tăng.Một giao dịch viên ngân hàng đếm những xấp tiền CNY (nhân dân tệ) và USD tại một ngân hàng ở Thượng Hải, Trung Quốc, vào ngày 22/07/2005. (Ảnh: STR/AFP/Getty Images)

Đây là thời gian mà Trung Quốc dư thừa tiền đến mức tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thương mại tại PBoC lên tới 20%; một tỷ lệ dự trữ mơ ước của bất kỳ nền kinh tế nào trên thế giới. Tỷ lệ dự trữ bắt buộc tiền đồng của các NHTM tại NHNN Việt Nam là 3% đối với khoản tiền gửi không kỳ hạn và dưới 12 tháng; 1% đối với khoản tiền gửi trên 12 tháng.

Giai đoạn 2: Bắt đầu quốc tế hoá CNY – Thò chân cáo vào cuộc chơi tiền tệ toàn cầu

Được xác định từ năm 2012 đến năm 2022, giai đoạn tăng tốc quốc tế hoá CNY nhằm thực hiện soán ngôi USD. Đây là 10 năm trong hai nhiệm kỳ Chủ tịch nước kiêm Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đầu tiên của ông Tập Cận Bình.

Đây cũng là giai đoạn mà dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đạt đỉnh vào tháng 6/2014, lên tới gần 4 nghìn tỷ USD. Nếu không có cuộc chiến tranh thương mại của tổng thống Donald J. Trump cũng như cuộc “đảo chính tài chính năm 2015″, rất có thể, dự trữ ngoại tệ của Bắc Kinh đã thiết lập một kỷ lục mới.

Giai đoạn này, đồng CNY không còn “ẩn mình chờ thời”. Với 80% các hợp đồng thương mại toàn cầu được ký với Trung Quốc, Trung Quốc vạch chiến lược biến lợi thế này thành sức mạnh để nhanh chóng soán ngôi USD.BẮC KINH, TRUNG QUỐC – 13 THÁNG 1: (CHINA OUT) Toàn cảnh tòa nhà Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á (AIIB) vào ngày 13 tháng 1 năm 2016 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Lễ khai trương Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á (AIIB) sẽ được tổ chức tại Bắc Kinh vào ngày 16 tháng 1. (Ảnh của VCG qua Getty Images)

Họ thuyết phục thế giới Ả – rập niêm yết giá dầu bằng CNY (dù chưa thành công), thành lập ngân hàng toàn cầu đóng vai trò như ngân hàng trung ương và ngân hàng đầu tư do Trung Quốc đứng đầu (AIIB) với đồng CNY là trung tâm để thay thế Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) vốn đang dẫn dắt bởi Mỹ và đồng USD. Trung Quốc cũng tăng cường cho vay bằng đồng CNY để phát triển hạ tầng qua Sáng kiến Vành Đai – Con đường các rất nhiều nền kinh tế khắp Á -Âu – Phi trên khắp toàn cầu.

Thành công lớn nhất trong giai đoạn quốc tế hoá này của CNY là đồng tiền đã tham gia vào rổ các tiền tệ quyền rút vốn đặc biệt của IMF (SDR), bước một chân đầu tiên vào quốc tế hoá. Đây cũng là giai đoạn Trung Quốc tăng cường quan hệ khuyến khích các NHTW của các nền kinh tế “thân thiện với Trung Quốc” tăng cường dự trữ CNY, đảm bảo an ninh ngoại tệ cho “nước bạn” bằng cách Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) sẵn sàng ký hợp đồng hoán đổi CNY mà các NHTW khác dự trữ lấy USD. Hơn 20 NHTW của các nền kinh tế đã dự trữ CNY và ký hợp đồng hoán đổi ngoại tệ như vậy với Bắc Kinh. Lưu ý rằng, hoán đổi đồng nội tệ của các nền kinh tế lấy USD một trong những công cụ thể hiện quyền lực rất lớn của Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ (Fed); công cụ này đặc biệt quan trọng với các nền kinh tế khi khủng hoảng xảy ra và dòng vốn USD tháo chạy khỏi quốc gia.

Giai đoạn 3: Tốc chiến nhờ cơ hội chiến tranh Nga – Ukraine

Chiến tranh Nga – Ukraine nổ ra đã giúp Trung Quốc trở thành kẻ hưởng lợi lớn nhất về mặt chiến lược. Trong khi đó, Mỹ chứ không phải Nga hay Ukraine mới là kẻ mất mát nhiều nhất.

Chiến tranh Nga – Ukraine đã làm đảo chiều thế giới đơn cực, dẫn dắt bởi Mỹ và phương Tây sang thế giới đa cực, nơi các thế lực của Nga – Trung Quốc và Ấn Độ đang chia lại quyền lực với Mỹ.Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình bước vào hội trường trong cuộc họp tại Điện Kremlin ở Moscow, Nga, hôm 21/3/2023. (Ảnh: Alexey Maishev/Sputnik/AFP/Getty Images)

Cuộc chiến mà quyền lực của Mỹ, thế độc tôn của “cảnh sát quốc tế” bị suy yếu, bị phân tán thực sự đã làm hài lòng Bắc Kinh; chế độ hưởng lợi từ cả kinh tế – chính trị và ngoại giao giờ chiến tranh Nga – Ukraine. Chiến tranh càng kéo dài, Trung Quốc càng hưởng lợi lớn hơn.

Gần như ngay lập tức, Trung Quốc đứng về phe của Nga và những quốc gia “thân thiện với Nga” để thành trung gian buôn bán dầu giá rẻ của Nga với chính các nước trừng phạt Nga [nhưng lại phụ thuộc vào năng lượng của Nga]. Trung Quốc thành công trong việc tăng cường tiền thanh toán quốc tế bằng CNY thay cho USD, tăng cường các cam kết với cả chục nền kinh tế về việc tham gia hệ thống thanh toán quốc tế đồng CNY, dự trữ ngoại hối bằng CNY thay vì USD (đảm bảo bằng các hợp đồng hoán đổi CNY lấy USD). Khan hiếm USD trong năm 2023 do Fed tăng lãi suất cũng trở thành cơ hội cho Bắc Kinh. Theo tổng kết của trang Lao Động, ít nhất 8 nền kinh tế khắp Á – Âu – Trung Đông đã đồng ý nhập khẩu hàng hoá bằng CNY thay vì USD như truyền thống trong năm 2023.

Trước tiến độ quốc tế hoá đồng CNY như vũ bão trong năm 2023, thế giới bắt đầu đặt câu hỏi rằng Trung Quốc mất bao lâu nữa để làm cho USD mất khả năng thống trị?

Gần như không mất thời gian đi tìm câu trả lời, đồng CNY đang lao dốc ngay cả khi USD bắt đầu suy yếu; một USD đã mua được 7,13 CNY (tỷ giá ngày 9/6/2023). Lần này, sự lao dốc của CNY có phải do Bắc Kinh cố ý để tiếp tục chiến thắng trong cuộc chiến hàng giá rẻ nữa không? Hay đơn giản là CNY đang phải trả giá vì nó đã bị quốc tế hoá quá nóng vội trong khi chưa đủ năng lực? Và sự thất bại nhìn thấy rõ của CNY trong vòng chiến tiền tệ năm 2023 này sẽ mang lại điều gì cho Trung Quốc?

Mời các bạn đón đọc “Các đòn đáp trả của USD trước CNY: Lạc đà gầy còn hơn ngựa béo (Kỳ 2)” .

Các đòn đáp trả của USD trước CNY: Lạc đà gầy còn hơn ngựa béo (Kỳ 2)

 Bình luậnThanh Đoàn •

Chẳng ai khác, chính Mỹ đã đổ tiền, công nghệ, quản trị vào Trung Quốc trong khi lờ đi các tội ác ngày một đẫm máu ở quốc gia này. Nhờ Mỹ, Trung Quốc đã tích luỹ đủ để thúc đẩy chiến lược soán ngôi USD. Mỹ biết điều đó nhưng ngoài tố cáo Trung Quốc một cách hời hợt, Mỹ không làm gì cả cho tới khi “Trung Hoa Mộng” của ông Tập ra đời. Mỹ đang suy yếu và ngày càng suy yếu sau chiến tranh Nga – Ukraine, nhưng rõ ràng Mỹ vẫn dư sức khi lao vào cuộc chiến tiền tệ với Bắc Kinh; “lạc đà gầy còn hơn ngựa béo”.

Chiến tranh tiền tệ là một xung đột kinh tế, trong đó các nền kinh tế tìm cách giảm giá tiền tệ của mình [so với ngoại tệ khác] nhằm làm tăng khả năng cạnh tranh quốc tế, làm thiệt thòi các nền kinh tế đối tác có giao dịch thương mại.

Khi đồng tiền của một nước mất giá thì hàng hóa sản xuất trong nước khi bán ra ngoài sẽ rẻ hơn. Nhờ vậy sự xuất cảng hàng hóa nước đó sẽ gia tăng, họ có thể sản xuất nhiều hơn, do đó sẽ giảm số người thất nghiệp. Đặc điểm của một cuộc chiến tranh tiền tệ là những biện pháp trả đũa của các nền kinh tế liên hệ, nói chung là sẽ dẫn tới sự bất ổn của nền kinh tế toàn cầu. Theo nhà kinh tế người Hoa Kỳ, Joseph Stiglitz, nó dẫn tới nguy cơ, là cuối cùng các nền kinh tế liên hệ sẽ hoạt động kém hơn trước, theo Wikipedia.

Chiến tranh tiền tệ đầu tiên xảy ra khi người ta không còn áp dụng bản vị vàng trong thập niên 1930. Vương quốc Anh đã giảm giá đồng bảng năm 1931 ở mức 25%, nhiều nước khác sau đó nối tiếp theo. Đức khi đó không theo khuôn mẫu này, nhưng sau đó đã phải giới hạn việc chuyển ngoại tệ ra khỏi biên giới quốc gia và hầu như không còn tham dự vào thương mại thế giới. Năm 1933, Mỹ cũng đã phải giảm giá tiền tệ, sau đó đến các nước như Bỉ và Pháp.

‘Sai lầm’ của Mỹ: Ngây thơ hay Toan tính?

Không thể chối bỏ rằng rất nhiều thế lực ở Mỹ đã quỳ gối trước Trung Quốc và hỗ trợ cho sức mạnh đồng nhân dân tệ (CNY) trong nhiều thập kỷ. Lời bào chữa cho sai lầm này là Mỹ đã ngây thơ tin vào việc Trung Quốc sẽ thay đổi, trở nên dân chủ hơn, văn minh và quân tử hơn khi giàu có hơn.

Nhưng lịch sử chứng minh, Trung Quốc tạo ra nhiều tội ác kinh hoàng hơn, ngày càng độc tài hơn, nhất quyết không bao giờ chịu làm “kẻ quân tử”. Trung Quốc vi phạm tất cả cam kết với Tổ chức Thương mại toàn cầu (WTO) để trở thành nước duy nhất thành công công nghiệp hoá sau khi gia nhập WTO. Mỹ và phương Tây toàn toàn bất lực đứng nhìn Trung Quốc trỗi dậy theo cách tàn bạo, thiếu văn minh và xấu xí như vậy.

Chẳng lẽ Mỹ thực sự ngây thơ đến vậy? Nếu Mỹ ngây thơ như vậy, vì sao Mỹ không tin rằng Nga sẽ thay đổi khi trở nên giàu có hơn sau khi Liên Xô tan rã? Ít nhất, Nga hơn Trung Quốc ở chỗ Nga đã từ bỏ hệ tư tưởng CNXH làm Mỹ khó chịu. Mỹ cật lực thúc đẩy Nga trở thành kẻ thù số 1 của Mỹ và NATO. Mỹ không cho Nga bất kỳ cơ hội nào trở nên gần gũi với Mỹ, dân chủ hơn hoặc trở nên giàu có hơn như cách mà Mỹ đã hào phóng trao cho Trung Quốc.

Xem thêmKỳ 1: 100 năm ĐCSTQ – Hội chứng kinh tế Stockholm và nền kinh tế quái vậtKỳ 2: Cái giá cay đắng của Mỹ vì thỏa hiệp với quái vật Frankenstein Trung QuốcKỳ 3: Hậu Liên Xô: Mỹ nhận định sai kẻ thù – Thất hứa, ép Nga vào thế thù địch trong khi ưu ái Trung Quốc

Chỉ vài năm sau khi Liên Xô tan rã, Tổng thống Bill Clinton thất hứa với Nga, thúc đẩy NATO mở rộng, ngày một áp sát sườn đông của Nga. Toàn bộ tinh lực của Mỹ, vũ khí, chế tài và truyền thông, nhắm vào Nga. Trong khi toàn bộ tiền bạc, lời ca tụng dành cho Trung Quốc; một quốc gia độc tài, đàn áp đẫm máu người bất đồng chính kiến và đức tin; một quốc gia hoàn toàn đang phát triển ngược lại với giá trị thịnh vượng mà Mỹ theo đuổi.Tổng thống Mỹ Bill Clinton (phải) gặp nhà lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân vào ngày 08/09/2000 tại New York, Mỹ. (Ảnh: JOYCE NALTCHAYAN/AFP qua Getty Images)

Rõ ràng, các thế lực của Mỹ không ngây thơ, họ cần Trung Quốc tạo tiền cho họ bất chấp việc này có thể làm nước Mỹ suy yếu, tạo kẻ thù thực sự cho Mỹ và loài người trong tương lai.

Gã khổng lồ Mỹ đã bị chính các thế lực trong lòng nước Mỹ đánh thuốc mê và ngủ một giấc dài. Dù sao, Mỹ đã thức tỉnh trước một Bắc Kinh có hai bàn tay “đẫm máu”, chẳng thay đổi gì sau khi trở nên giàu có hơn, lại còn hung hăng muốn soán ngôi đồng bạc xanh (USD) của Mỹ.

Tiền tệ luôn là biểu tượng cho sức mạnh kinh tế – chính trị hậu thuẫn sau nó… Trung Quốc hung hăng hơn vì họ nhìn thấy rõ sự suy yếu trong lòng nước Mỹ, thấy rõ tiền bạc có thể điều khiển các thế lực yêu tiền, sẵn lòng phản bội tổ quốc ở quốc gia luôn tự xưng là “cảnh sát toàn cầu” này.

Đòn phản công đầu tiên: Thương chiến – Trung Quốc bắt đầu cạn tiền

Như đề cập trong bài viết kỳ trước, trong suốt giai đoạn 1 của cuộc chiến tranh tiền tệ và tới nửa đầu của giai đoạn 2 (trước 2018), Mỹ gần như chỉ phản ứng yếu ớt, bằng các tuyên bố chung chung về gian lận thương mại, thao túng tiền tệ của Trung Quốc.

Còn Trung Quốc, vẫn luôn phản ứng “dữ dội” trước bất kỳ bất đồng chính kiến nào từ các chính phủ khác, bất chấp số liệu, bằng chứng hay luận thuyết khoa học. Trong khi đó Trung Quốc cũng đồng thời tung tiền mua chuộc và thao túng các chính trị gia của Mỹ, các tổ chức quốc tế của Liên hợp quốc, mua truyền thông dòng chính của Mỹ… Tiền bạc làm mọi phản ứng của Mỹ, của WTO… trước trò “gian lận” của Trung Quốc trở nên yếu ớt đến thảm hại. Không ai, không một chính sách nào của Mỹ thực sự ngăn chặn Trung Quốc thao túng tiền tệ, rải bẫy nợ khắp toàn cầu.

Xem thêm:Chuyên gia: Việc Bắc Kinh ‘thôn tính’ Liên Hợp Quốc tạo ra mối đe dọa đối với Hoa KỳTrung Quốc đang tái cấu trúc Liên Hợp Quốc mô phỏng theo hình ảnh của chính mình như thế nào

Mọi việc thay đổi chỉ sau khi Tổng thống Donald J. Trump bất ngờ bước chân vào Nhà Trắng năm 2016. Chỉ sau 2 năm, 2018, vị tổng thống nhiều tranh cãi này đã tiến hành cuộc chiến tranh thương mại chưa từng có tiền lệ với Bắc Kinh. Lý do Nhà Trắng đưa ra khi đó là: (1) thâm hụt cán cân thương mại của Mỹ với Trung Quốc; (2) chính sách thao túng tiền tệ của Trung Quốc để duy trì khả năng cạnh tranh, theo Guardian.

Theo một số nghiên cứu, lý do Trung Quốc thao túng tiền tệ là chưa thuyết phục. IMF thậm chí có nghiên cứu ủng hộ Bắc Kinh khi kết luận rằng đồng CNY của Bắc Kinh đang thiết lập chế độ tỷ giá phù hợp với tình hình kinh tế của Trung Quốc. Nhưng sự thật là hàng giá rẻ của Trung Quốc, hàng nhái tràn ngập thị trường do CNY định giá thấp thì không nghiên cứu nào có thể phủ nhận. Bản thân Trung Quốc chưa bao giờ dám để CNY của họ tự do hoá chuyển đổi; đây là điều khiến CNY không thể quốc tế hoá nhanh, trở thành đồng tiền thanh toán lớn ngang USD trong các giao dịch thương mại. CNY hiển nhiên nằm trong quản lý chặt chẽ, có mục tiêu rõ ràng của Bắc Kinh.

Dù lý do chiến tranh thương mại của ông Trump có gây tranh cãi đi chăng nữa thì việc chính sách thuế nhắm vào các từng nhóm mặt hàng trọng yếu của Bắc Kinh, vốn đang dư cung, như thép, vật liệu xây dựng, linh kiện điện tử,… đã thực sự khiến Bắc Kinh suy yếu. Khi sức mạnh hậu thuẫn CNY suy yếu thì CNY không thể bền vững.

Phản đòn trong chiến tranh tiền tệ của chính quyền Tổng thống Trump rất đơn giản: nếu Trung Quốc nhờ thao túng tiền tệ để có hàng hoá giá rẻ thì Mỹ sẽ cân bằng lại bằng thuế nhập khẩu.

Quan trọng hơn, đòn tấn công của Mỹ đã khuyến khích nhiều nhà sản xuất của Mỹ ở Trung Quốc quay trở về mẫu quốc. Nhiều nhà đầu tư ngoại ở Trung Quốc, những người phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu Mỹ, đã tính tới việc chuyển dần sản xuất khỏi Trung Quốc. Có lẽ, đây mới là mục tiêu lớn nhất trong cuộc chiến tranh thương mại của Trump. Thực tế là nhắm vào cắt đứt huyết mạch “dòng vốn ngoại” giúp Trung Quốc giầu có, xuất khẩu mô hình quản trị kiểu Trung Quốc, tư tưởng của Trung Quốc ra khắp toàn cầu. Dòng vốn ngoại và lợi ích của các nhà đầu tư ngoại tại Trung Quốc cũng khiến họ “ngậm miệng ăn tiền” trước các tội ác về dân chủ ở mức “chưa từng có” mà Trung Quốc phạm phải trong hàng chục năm qua, ví dụ như diệt chủng lạnh người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, người Tây Tạng và các học viên Pháp Luân Công.

Kết quả thương chiến của chính quyền ông Trump lên Bắc Kinh khá từ từ nhưng hết sức vững chãi. Thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc giảm dần trong 2019, 2020 và tăng trở lại sau khi ông Biden vào Nhà Trắng; từ mức 418 tỷ USD năm 2018, còn 310 tỷ USD vào năm 2020. Sau khi ông Trump rời Nhà Trắng, việc Tổng thống kế nhiệm Biden dừng lại nhiều hạng mục tấn công của cuộc chiến để “xem xét lại” đã khiến thặng dư thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tăng trở lại, năm 2022 ở mức 382,92 tỷ USD.

Về phía Trung Quốc, nền kinh tế này vừa thiếu dòng vốn dồi dào từ quốc tế, trong nước lại đối mặt với tình trạng dư cung, nợ xấu và thị trường bất động sản lao dốc đã khiến Trung Quốc liên tục phải dùng “của để dành” để cầm cự nền kinh tế trong 5 năm qua. Theo thống kê của Bloomberg, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã 14 lần cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) tại các NHTM từ năm 2018-3/2023. Đó là con số tuyên bố chính thức. Thực tế, PBOC đã cắt giảm RRR từ mức 15,5% hiện về mức 5,5%.

Theo tính toán của Reuters, số tiền cơ sở mà mỗi lần Trung Quốc cắt giảm 0,25% RRR là 500 tỷ CNY, tiền tạo ra là 4.000 tỷ CNY. Tính chung lại, Trung Quốc phải bơm vào các NHTM qua giảm RRR là 20.000 tỷ CNY (2.857 tỷ USD), tiền thực sự tràn vào nền kinh tế gấp 8 lần là 160.000 tỷ CNY (22.857 tỷ USD). Ngay cả so với GDP, đây là lượng tiền khủng khiếp mà Trung Quốc đã phải dùng của để dành để bơm vào nền kinh tế!

Tốc độ bơm tiền của Trung Quốc cho tới giờ này đã cho thấy Trung Quốc đang phải vật lộn với tình trạng thiếu tiền. Chắc chắn, một lượng tiền khổng lồ chôn ở các bất động sản ma, các thành phố ma và các cung đường rộng mênh mông không bóng người qua lại. Nhưng các năm trước đó, vấn đề này không bộc lộ rõ nét vì dòng tiền ngoại đổ vào Trung Quốc quá lớn, lớn đến mức các tài sản độc hại mà NHTM đổ vào BĐS, đổ vào các dự án hạ tầng của chính quyền địa phương đều không là gì cả.

Đòn phản công thứ hai: Tăng lãi suất đồng USD chứng minh sức mạnh thống trị

Sức mạnh thống trị của một đồng tiền thể hiện ở chỗ, chỉ cần một chính sách tiền tệ của nó thay đổi, cả thế giới thay đổi theo. Đồng bạc xanh của Mỹ, dù suy yếu và không còn dựa vào vàng vật chất để đảm bảo cho giá trị của nó, thì USD vẫn đang giữ nguyên giá trị thống trị này. Có rất nhiều lý do khiến USD trở thành kẻ thống trị mà CNY chưa có và không thể có.

Ngay khi Cục dự trữ liên bang Hoa Kỳ đảo chiều chính sách tiền tệ, tăng lãi suất 10 lần liên tiếp, dòng vốn toàn cầu đổ về Mỹ, cả thế giới khan USD.

Trung Quốc không ngoại lệ. Khi USD tăng giá, lợi suất TPCP Mỹ tăng nhờ lãi suất đồng USD tăng đã làm đảo chiều chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu chính phủ Trung Quốc và Mỹ kỳ hạn 10 năm.Chênh lệch lợi suất trái phiếu chính phủ Trung Quốc và Hoa Kỳ kỳ hạn 10 năm đảo chiều sau khi Fed tăng lãi suất đồng USD. Đồng CNY của Trung Quốc lập tức mất giá cùng với xu hướng đảo chiều này (Nguồn: Macro Micro)

Biểu đồ ở trên biểu diễn chênh lệch lợi suất trái phiếu chính phủ Trung Quốc và Trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm từ năm 2012 đến tháng 6/2023 (phần mầu vàng). Trong cả một thập kỷ, chính sách tiền tệ lãi suất cực thấp ở Mỹ đã giúp Trung Quốc hưởng lợi. Giai đoạn này, lợi suất TPCP Trung Quốc cao hơn Mỹ đã giúp dòng tiền nhàn rỗi quốc tế đổ vào Trung Quốc để tìm kiếm lợi nhuận.

Nhưng sau khi Fed đảo chiều chính sách tiền tệ vào năm 2022 với lý do chống lại lạm phát, Trung Quốc lại không thể tăng lãi suất tiền tệ của họ tương ứng để tiếp tục cuộc chiến tranh tiền tệ với Fed. Trung Quốc gần như bất lực nhìn dòng vốn ngoại rút khỏi Bắc Kinh, đổ về Mỹ, tìm nơi trú ẩn ở đồng bạc xanh theo truyền thống.

Trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 12 năm ngoái, Trung Quốc đã chứng kiến 11,2 tỷ USD ròng được chuyển ra khỏi nước này, theo phân tích của Nikkei về dữ liệu từ Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước (SAFE) của nước này, cơ quan theo dõi dòng vốn hàng tháng thông qua các tài khoản ngân hàng. Dòng vốn chảy ra khỏi biên giới quốc gia là dòng vốn chảy ra lớn nhất kể từ quý 3 năm 2019. Tình trạng này tiếp tục trong năm 2023; mọi thứ đang xấu hơn với Trung Quốc.

Thú vị là, biểu đồ trên cho thấy tỷ giá USD/CNY có xu hướng chịu ảnh hưởng lớn bởi chênh lệch lợi suất TPCP Mỹ – Trung; đồng CNY mất giá khi chênh lệch này nhỏ hoặc âm và tăng giá khi chênh lệch này dương ở mức lớn (tức là lợi suất TPCP Trung Quốc hấp dẫn hơn nhiều so với TPCP Mỹ). Đồng CNY mất giá sốc so với USD gần như ngay lập tức sau khi chênh lệch lợi suất TPCP kỳ hạn 10 năm của hai nước đảo chiều và tháng 4/2022. Kể từ thời điểm này, CNY tiếp tục chao đảo mạnh, hiện ở mức giao dịch 7,12 CNY đổi lấy 1 USD; mức mất giá hiện tại so với thời điểm tháng 4/2022 là 11,77%.

Đáng lẽ ra, với tình trạng như vậy, Trung Quốc nên nhanh chóng tăng lãi suất đồng CNY như phản ứng chính sách của hầu hết các NHTW khác khắp toàn cầu để nhằm bảo vệ giá trị đồng nội tệ. Nhưng Trung Quốc đã không thể làm thế hoặc là không dám làm thế. Trung Quốc dường như chỉ có một lựa chọn: chấp nhận CNY mất giá để cứu lấy thanh khoản trong nước và hỗ trợ tăng trưởng đang suy giảm trầm trọng.

Không thể không thừa nhận rằng chiến lược quốc tế hoá đồng CNY để soán ngôi USD của Trung Quốc vô cùng bài bản, rất thông minh và tạo ra rất nhiều thách thức với đồng USD của Mỹ. Nhưng rốt cuộc, điều gì đang là rào cản và thậm chí sẽ tạo nên thất bại trong chiến lược này của đồng CNY? Vì sao các dự báo rằng CNY sẽ soán ngôi USD là không thể thành sự thật.

Mời các bạn đón đọc: “Lý do CNY của Bắc Kinh thất bại dù chiến lược quốc tế hoá được thiết kế hoàn hảo (Kỳ 3)” trong Chuyên đề “Toàn cảnh chiến tranh tiền tệ Mỹ – Trung” của NTDVN.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Thanh Đoàn

Bài Liên Quan