Vì sao tổng thống Erdogan bật đèn xanh cho Thụy Điển gia nhập NATO ?

Một ngày trước khi thượng đỉnh khối NATO khai mạc tại Vilnius, Litva, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã bất ngờ thay đổi lập trường, sẵn sàng mở đường cho Thụy Điển gia nhập NATO. Lý do gì khiến Ankara, vốn vẫn kiên quyết phản đối từ gần một năm nay, đơn xin gia nhập Liên minh quân sự của Stockholm, lại nhanh chóng chuyển hướng?

Đăng ngày: 11/07/2023

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan bắt tay thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersso bên lề thượng đỉnh của NATO tại Litva, ngày 10/07/2023.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan bắt tay thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersso bên lề thượng đỉnh của NATO tại Litva, ngày 10/07/2023. AP – Yves Herman

Anh Vũ

Tối qua (10/07) tổng thư ký khối NATO Jen Stoltenberg vui mừng thông báo tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, sau nhiều tháng ngăn cản, cuối cùng đã đồng ý ủng hộ tiến trình gia nhập Liên Minh Bắc Đại Tây Dương. Thông tin ngay lập tức đã khiến Hoa Kỳ, Anh Quốc và Liên Hiệp Châu Âu thở phảo nhẹ nhõm, hy vọng Thụy Điển sớm trở thành thành viên thứ 32 của NATO, cho dù chưa có lịch trình nào được ấn định cụ thể.

Tín hiệu đèn xanh của tổng thống Erdogan mới chỉ là sự chấp thuận về nguyên tắc, còn phải chờ những lá phiếu ở Quốc Hội Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn nhưng dù gì thì đây cũng là dấu hiệu tích cực cho những mong đợi của Thụy Điển. Đối với Ankara, đây có lẽ là kết quả của một quá trình gây áp lực với Stockholm cũng như cuộc đọ sức với phương Tây kể từ khi Thụy Điển, do những lo ngại về an ninh từ cuộc chiến tranh do Nga phát động tại Ukraina, đã phá vỡ truyền thống trung lập, nộp đơn xin gia nhập Liên minh quân Bắc Đại Tây Dương hồi tháng 5/2022. Ngay lập tức Thổ Nhĩ Kỳ là nước duy nhất đặt điều kiện cho Thụy Điển nếu muốn trở thành thành viên của NATO.

Trước hết bởi Thổ Nhĩ Kỳ có những bất đồng lớn với Thụy Điển xung quanh vấn đề người Kurdistan. Ankara yêu cầu chính quyền Stockholm chấm dứt hậu thuẫn cho Đảng Công nhân người Kurdistan (PKK) lưu vong tại Thụy Điển mà chính quyền của tổng thống Erdogan vẫn coi là khủng bố. Stockholm phải cấm đảng này biểu tình, kết nạp thành viên, quyên góp quỹ hoặc dẫn độ các cá nhân của PKK bị truy nã về Thổ Nhĩ Kỳ.  Thụy Điển  sau nhiều lần thương lượng đã lần lượt chấp nhận một loạt nhượng bộ như điều chỉnh luật pháp, cam kết nỗ lực hợp tác liên quan đến chống khủng bố nhằm đối phó với đảng PKK.  Về những đòi hỏi dẫn độ, Tư pháp Thụy Điển hứa sẽ nghiên cứu từng trường hợp cụ thể, tuy nhiên hồ sơ các đối tượng mà Ankara cung cấp không mấy thuyết phục Stockholm.

Thụy Điển cũng đồng ý sẽ khởi động lại việc xuất khẩu vũ khí sang Thổ Nhĩ Kỳ vốn đã bị đình chỉ vào năm 2019 sau khi Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân sang Syria để tấn công lực lượng dân quân người Kurdistan.

Thêm vào đó, Thụy Điển với tư cánh là một thành viên của Liên Hiệp Châu Âu, hứa sẽ ủng hộ tích cực nguyện vọng của Tổng thống Erdogan muốn Bruxelles mở lại các cuộc đàm phán về việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Liên Âu.

Cuộc dàn xếp, mặc cả của Thổ Nhĩ Kỳ

Theo giới phân tích, bên cạnh việc thanh toán những bất đồng với Thụy Điển về vấn đề người Kurdistan, tổng thống Erdogan còn muốn dùng hồ sơ gia nhập NATO của Thụy Điển để mặc cả với phương Tây, chẳng hạn như việc mua sắm vũ khí. Chuyên gia Soner Cagaptay, lãnh đạo các nghiên cứu về Thổ Nhĩ Kỳ tại Viện Washington nhận định « Erdogan là một nhà lãnh đạo đã quen với các vụ mặc cả dàn xếp trong quan hệ với phương Tây ».

Hồ sơ xuất khẩu chiến đấu cơ Mỹ sang Thổ Nhĩ Kỳ vẫn được giới quan sát nhắc tới như một hướng giải pháp cho hồ sơ Thụy Điển gia nhập NATO. Sau thương vụ Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của NATO, đơn phương mua tên lửa đất đối không S-400 của Nga, Mỹ đã ngừng bán chiến đấu cơ F-35 và F-16 cho Ankara. Hôm qua, ngay sau những chuyển hướng tích cực trong tiến trình Thụy Điển vào NATO, phát ngôn viên Ngoại Giao Mỹ Matthew Miller cho biết Washington ủng hộ việc cung cấp F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ cũng như ủng hộ nguyện vọng gia nhập Liên Hiệp Châu Âu của Ankara. Tổng thống Mỹ Joe Biden trước cuộc gặp đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ vào hôm nay 11/07, đã tuyên bố « sẵn sàng hợp tác với Tổng thống Erdogan ».

Tối qua, sau cuộc họp với tổng thư ký NATO và thủ tướng Thụy Điển, tổng thống Recep Erdogan đã có cuộc thảo luận với chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel. Lãnh đạo Châu Âu cho biết, trong cuộc họp hai bên đã nhất trí « tạo lại động lực » cho quan hệ  giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Âu. Cũng cần nhắc lại là từ năm 1987 Thổ Nhĩ Kỳ đã nộp đơn xin gia nhập Cộng Đồng Kinh Tế Châu Âu và năm 1999 xin gia nhập Liên Hiệp Châu Âu, nhưng các cuộc đàm phán về việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU khởi động từ năm 2005 đã bị bỏ lửng từ nhiều năm nay.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã biết tận dụng một hồ sơ mang tính chiến lược để có được nhượng bộ của Thụy Điển và của các cường quốc phương Tây. Trong quá khứ gần đây, đã có không ít các cuộc đọ sức giữa Thổ Nhĩ Kỳ với phương Tây, cuối cùng hầu như phần thắng đều nghiêng về Ankara. 

Bài Liên Quan