Thượng đỉnh NATO tại Vilnius, với việc Thổ Nhĩ Kỳ bật đèn xanh để Thụy Điển gia nhập và viễn cảnh kết nạp Ukraina gây tranh cãi, dĩ nhiên là chủ đề quốc tế nổi bật trên các báo Pháp hôm nay, 12/07/2023. Tuy nhiên, một chủ đề thời sự khác đã phần nào át đi thượng đỉnh NATO: Nghị Viện Châu Âu bỏ phiếu về đề xuất bác bỏ dự luật khôi phục đa dạng sinh học, một trong các nội dung chủ chốt của ‘‘Green Deal’’ (kế hoạch chuyển sang Kinh tế Xanh) của khối 27 nước.
Đăng ngày: 12/07/2023
Libération dành hồ sơ trang nhất cho ‘‘Cuộc bỏ phiếu quyết định tại Nghị Viện Châu Âu : Hôm nay sẽ là ngày xanh nhất (hoặc không)’’. Nhật báo thiên tả cảnh báo : Luật phục hồi thiên nhiên, văn bản chủ chốt của Green Deal, có thể bị cánh hữu và các đồng minh cực hữu liên minh các lobby công nghiệp thực phẩm chôn vùi’’.
Thủ phạm chính: ‘‘sự bất lực’’ của giới cầm quyền
Bài xã luận ‘‘Thảm họa’’ vạch rõ hàng loạt hiện tượng thời tiết cực đoan đang dồn dập diễn ra, từ nóng kỷ lục, đến bão lớn, cháy rừng kinh hoàng, mạch nước ngầm cạn kiệt, côn trùng diệt vong, hay băng hà tan chảy… đều liên quan đến một nguyên nhân gốc : ‘‘sự bất lực của giới cầm quyền trước nạn khai thác kiệt quệ thiên nhiên’’.
Theo Libération, văn bản dự luật về ‘‘phục hồi thiên nhiên’’, được đưa ra bỏ phiếu hôm nay tại Nghị Viện Châu Âu, trên thực tế chỉ là ‘‘một văn bản có tác động tối thiểu, bởi nhiều điều luật bị coi là nghiêm ngặt, với các thời hạn bị coi là quá bó buộc’’ đã bị gạt ra ngoài. Vậy mà, một nhóm nhỏ chính trị gia cánh hữu và cực hữu, cùng toàn bộ dân biểu cánh hữu Pháp đảng LR đã vận động bác bỏ hoàn toàn dự luật này. Khép lại bài xã luận, Libération dẫn lại phát biểu của ủy viên Môi Trường châu Âu, Virginijus Sinkevicius : ‘‘Thế giới đang nhìn chúng ta’’. Tình hình sẽ ra sao nếu luật này bị bác bỏ ? Các thương lượng giữa Liên Âu và Trung Quốc, giữa Liên Âu và Mỹ về môi trường sẽ đi về đâu ?
Hồ sơ chính của Libération nhận định : Chưa bao giờ một văn bản trong Thỏa thuận xanh châu Âu lại gây căng thẳng chính trị đến như vậy. Dự luật đã bị Ủy Ban Ngư nghiệp và Nông nghiệp, và Ủy Ban Môi Trường của Nghị Viện Châu Âu ngăn chặn. Điều gì đã khiến dự luật bị phản đối dữ dội ?
‘‘Cơ hội lịch sử’’ cho phép ‘‘hòa giải kinh tế với môi trường’’
Dù đã bỏ bớt nhiều đòi hỏi, dự luật phục hồi thiên nhiên (Nature Restoration Law) vẫn chứa đựng những mục tiêu rõ ràng và mạnh : ‘‘phục hồi ít nhất 20%’’ các vùng đất và biển của Liên Âu trước 2030. Với một số vùng đặc biệt (như ven biển, vùng đất ngập, vùng đồi cát, hay vùng đồng cỏ…), tỉ lệ phục hồi dự kiến lên đến 30%. Các vùng đầm than, vốn là giếng hút khí thải hiệu quả, dự kiến phải phục hồi đến 70% vào năm 2050. Ít nhất 25.000 km dòng chảy tự nhiên phải được khôi phục trước 2030. 10% diện tích đất nông nghiệp phải được che phủ bởi các hệ sinh thái đa dạng, như cây to, cây bụi, rặng cây, hồ nhỏ, tường lũy, hoặc đơn giản là để tự nhiên, không khai thác….
Mục tiêu là bảo vệ các hệ sinh thái, bảo vệ đất, vốn đã bị nền nông nghiệp thâm canh và các hoạt động kinh tế khác làm kiệt quả. Đối với Libération, bộ luật nói trên là một ‘‘cơ hội lịch sử, cho phép hòa giải kinh tế với môi trường, bởi kinh tế cần đến môi trường’’. Hiểm họa lớn với nông nghiệp hiện nay là ‘‘sự sụp đổ của các hệ sinh thái’’.
Đòn trắc nghiệm của cánh hữu trước bầu cử 2024 ?
Vì lý do gì cánh hữu nổi lên chống dự luật này ?Theo nghị sĩ đảng Renew châu Âu, Pascal Canfin, cũng là chủ tịch ủy ban Môi Trường của Nghị Viện Châu Âu, cánh hữu châu Âu đứng đầu là chính trị gia Đức Manfred Weber, đang chọn một chiến lược tương tự với cựu tổng thống Mỹ Donald Trump, coi chống lại việc siết chặt các quy định về môi trường’’ như một cách hành xử để khẳng định liên minh cánh hữu và cực hữu, vấn đề thuộc về bản sắc.
Đối với Libération, cuộc tấn công triệt để vào bộ luật khôi phục thiên nhiên nói trên của cánh hữu châu Âu cần được coi như một cuộc trắc nghiệm của cánh hữu, để chuẩn bị cho cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu năm tới.
Quy định quá nhiều: Khẩu hiệu ‘‘xanh’’ biến thành khẩu hiệu ‘‘đỏ’’
Le Figaro chạy tựa lớn trang nhất : ‘‘Cuộc phản kháng chống lại ‘‘Thỏa ước Xanh’’ của Liên Âu’, cho biết dự luật ‘‘phục hồi thiên nhiên’’ gây lo ngại cho cánh hữu và giới nông nghiệp, do ‘‘áp đặt các quy định mới về sinh thái’’. Le Figaro thừa nhận dự luật này là một phần quan trọng của Thỏa ước Xanh của châu Âu. Lý do chính được ra để giải thích việc dự luật bị phản đối dữ dội là ‘‘Quá đà về các quy định’’ (Overdose normative), nhan đề bài xã luận Le Figaro. Nhật báo thiên hữu trước hết nhấn mạnh là ‘‘tất cả, hoặc gần như tất cả’’ những người chống lại dự luật nói trên đều là ‘‘những người lo lắng tìm cách cứu nguy hành tinh’’. Le Figaro châm biếm: vấn đề là các đòi hỏi ‘‘quá nhanh, quá mạnh, quá cao’’… của giới môi trường triệt để nhất đã biến các khẩu hiệu ‘‘xanh’’, mà họ cổ vũ, thành các khẩu hiệu ‘‘đỏ’’.
Theo Le Figaro, trong cuộc thay đổi hiện nay, khối 27 nước cần tìm được ‘‘sự cân bằng giữa tốc độ thay đổi và khả năng chấp nhận được của doanh nghiệp và công dân’’. Nhật báo thiên hữu nhấn mạnh: điều chủ yếu hiện nay là cần chuyển hướng sang ưu tiên ‘‘đề cao trách nhiệm của mọi tác nhân’’ hơn là bóp nghẹt họ với đủ thứ quy định ‘‘quá mức cứng nhắc’’, như các đòi hỏi về ‘‘chiều dài dòng nước chảy tự do, việc khôi phục các đầm than bùn, hay số lượng gỗ cần để mục trong rừng…’’.
Quy định nặng nề, nguy cơ cử tri ngả theo chính trị gia mỵ dân
Libération, trong một bài viết khác, cũng thừa nhận tâm lý ‘‘chán ngán’’ trước tình trạng quá nhiều quy định được áp đặt trong lĩnh vực môi trường với một bộ phận dân cư, có thể khiến gậy ông đập lưng ông. Nguy cơ là ‘‘các thế lực dân túy, và giới hoài nghi về thực tại biến đổi khí hậu’’ sẽ trỗi dậy mạnh.Nhật báo thiên tả thừa nhận vấn đề ‘‘quá đà trong ban hành quy định’’ cũng là một vấn đề lớn của Liên Âu.
Đặc biệt kể từ năm 2019, bà Ursula von der Leyn khi lên làm chủ tịch Ủy Ban, đã đưa vấn đề môi trường khí hậu trở thành một trục chính với thỏa thuận Green Deal, được coi là một nhân nhượng với cánh tả và giới môi trường, cần thiết để giúp cho bà có được đa số tại Nghị Viện. Một đại sứ thừa nhận với Libération là việc số lượng luật được Nghị Viện ban hành lên đến mức ‘‘chưa từng có’’, gây mệt mỏi trước hết cho giới nông nghiệp cũng như giới doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Một bằng chứng được Libération đưa ra là sự trỗi dậy của đảng BBB, chống lại Geen Deal của châu Âu, trở thành đảng chính trị số một tại Hà Lan, chỉ sau vài tháng xuất hiện. Tình hình có nhiều điểm tương tự tại nhiều nước châu Âu khác. Với lý do đó, theo Libération, ngoài vấn đề dự luật về phục hồi thiên nhiên nói trên có được thông qua hay không, không thể nhắm mắt trước thực tế đáng sợ là các công dân ‘‘không nhận thấy các hiểm họa của biến đổi khí hậu’’ có thể dễ dàng bị các đảng phái cánh hữu, cực hữu, hoài nghi biến đổi khí hậu mua chuộc, lôi kéo.
‘‘Hàng rào cây gây bất hòa’’: Quan điểm của một nông dân Pháp
‘‘Những hàng rào cây gây bất hòa’’ là hồ sơ trang nhất của La Croix. Hàng rào cây, tức những rặng cây ngăn cách các cánh đồng, đã bị phá hủy ồ ạt trong thời kỳ canh tác nông nghiệp quy mô lớn. Giờ đây các rặng cây này sẽ phải được khôi phục lại, theo dự luật về phục hồi thiên nhiên của Nghị Viện Châu Âu. Nước Pháp mất đi tổng cộng đến hơn 20.000 km số rặng cây như vậy hàng năm, trong nhiều năm qua. Kể từ năm 1945, 70% diện tích rặng cây như vậy đã bị biến mất. Theo dự luật được đưa ra bỏ phiếu hôm nay, 10% diện tích đất nông nghiệp sẽ phải dành cho các hàng rào cây, cùng các hệ sinh thái khác, trước 2030.
Các rặng cây ngăn đồng là môi trường sống quan trọng với các côn trùng cần cho nông nghiệp, và nơi hấp thu khí thái. Phóng sự của nhật báo Công giáo đưa độc giả đến với tỉnh miền tây Mayenne, nơi người nông dân Philippe Gruau, quản lý 50 hecta đất, nhận được đầu tư của chính phủ từ nhiều năm nay để thúc đẩy tiến trình chuyển sang kinh tế xanh. Ông Philippe Gruau đã đạt được ít nhất 7% diện tích đất nông nghiệp dành cho ‘‘các cơ sở hạ tầng sinh thái’’, bao gồm các rặng cây, tức gần đạt mục tiêu 10% theo dự luật của Nghị Viện Châu Âu. Về cuộc bỏ phiếu tại Nghị Viện Châu Âu hôm nay, ông Philippe Gruau cho biết, nếu dự luật được thông qua, thì đây là điều tốt, ông sẽ có thêm tiền đầu tư cho cuộc chuyển đổi này, nhưng nếu không, mọi việc sẽ vẫn được tiếp tục. Philippe Gruau chuẩn bị bàn giao trang trại của ông cho hai con trai. Ông tự hào về công việc của mình.
Về cuộc bỏ phiếu hôm nay tại Nghị Viện Châu Âu, La Croix đánh giá là quan trọng. Tương tự như Libération, La Croix khẳng định, nếu khối kinh tế giàu nhất thế giới từ bỏ dự luật này, thì ‘‘đây sẽ là một tín hiệu xấu gửi đến phần còn lại của thế giới’’ trong bối cảnh các hậu quả của biến đổi khí hậu ngày một thêm trầm trọng.
Thượng đỉnh NATO : Thụy Điển vào, Ukraina chờ
Cuộc thượng đỉnh khối NATO là chủ đề trang nhất của Le Monde, với tựa chính tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đặt mình vào trung tâm cuộc chơi. Sau một năm dai dẳng chống Thụy Điển gian nhập, hôm thứ Hai 10/07 vừa qua, tổng thống Erdogan bất ngờ chấp nhận để Thụy Điển vào liên minh NATO, với điều kiện Liên Âu mở lại đàm phán về việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập khối 27 nước. Khối NATO ‘‘trì hoãn yêu cầu gia nhập NATO của Ukraina’’ là một hồ sơ trang nhất của Le Figaro.
Báo động đỏ về kim loại hiếm
‘‘Báo động đỏ về kim loại hiếm’’ là hồ sơ trang nhất của Nhật báo kinh tế Les Echos. Cuộc chuyển đổi sang kinh tế xanh đòi hỏi rất nhiều kim loại hiếm. Tuy nhiên, theo cơ quan Năng lượng quốc tế, việc phi cac-bon hóa nền kinh tế, thế giới hiện tại quá phụ thuộc vào Trung Quốc. Việc tăng tốc đầu tư cho khai thác kim loại hiếm không đủ để đáp ứng nhu cầu của cuộc chuyển sang năng lượng tái tạo hiện nay.
Hoa Coquelicot trở lại: Dấu hiệu đúng hướng của kinh tế Xanh
Nhật báo kinh tế Les Echos hôm nay không có bài viết nào trực tiếp dành cho chủ đề dự luật khôi phục thiên nhiên của châu Âu. Nhưng độc giả nào khi đọc bài: ‘‘Những cây anh túc đỏ khiến trái tim ta rung động’’, khó lòng không nghĩ đến dự luật đang bị chống đối dữ dội ại Nghị Viện Châu Âu.
Những cây ‘‘anh túc đỏ’’ (coquelicot), loài hoa đồng nội mầu đỏ nổi tiếng của nông thôn nước Pháp) đang trở lại từ vài năm nay. Nhà triết học Gaspard Koenig, tác giả bài viết, nhân dịp này, nhắc lại các lợi ích với môi trường sinh thái của loài cây kiều diễm này. Thuốc trừ sâu ít đi, phân bón hữu cơ nhiều hơn là lý do chính khiến coquelicot trở lại. Đi liền với sự trở lại của coquelicot là sự gia tăng của phương thức canh tác bền vững : Hơn 14% trang trại tại Pháp đã chuyển sang ‘‘Bio’’.
Đối với nhà triết học Gaspard Koenig, ‘‘để thành công trong việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, và thuyết phục được người làm nông, cũng như người tiêu thụ, điều mấu chốt là ‘‘ngừng đối lập thiên nhiên với hiệu quả kinh tế’’. Hiện tại nước Pháp đã có những trang trại ‘‘nông nghiệp bền vững thâm canh’’ (Bio-intensives). Không gì có hiệu quả hơn là ‘‘đất đai đầy sức sống’’. Cần bảo tồn và chăm chút đất đai. Để thành công trong bước ngoặt chuyển sang kinh tế sinh thái, cần khẩn cấp xem xét lại hàng loạt lĩnh vực.
Tác giả khép lại với Coquelicot, loài hoa minh chứng cho sự thành công của cuộc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, cũng là loài cây giúp ta thư giãn. Hãy làm một ly trà thảo dược với coquelicot sấy khô, Gaspard Koenig gợi ý với độc giả !