Ký CPTPP, Bộ trưởng Anh tránh nói về quy chế thành viên cho Trung Quốc

Reuters
Chụp lại hình ảnh,Bà Kemi Badenoch (thứ hai từ phải sang) ký thỏa thuận tại New Zealand vào hôm Chủ Nhật 16/7/2023

  • Tác giả,Nick Edser
  • Vai trò,Phóng viên kinh doanh
  • 16 tháng 7 2023

Anh quốc sẽ chỉ đạt được toàn bộ lợi ích từ thỏa thuận thương mại mới với 11 quốc gia châu Á và Thái Bình Dương nếu sử dụng thỏa thuận đó, Bộ trưởng Kinh doanh nước này nói với BBC.

Những bình luận của bà Kemi Badenoch được đưa ra sau khi bà ký Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), quy định các hoạt động ở một khu vực thương mại có chừng 500 triệu dân.

Thỏa thuận được dự đoán sẽ chỉ mang lại lợi ích không đáng kể cho nền kinh tế Anh.

Tuy nhiên, bà Badenoch nói với chương trình ‘Chủ Nhật với Laura Kuenssberg’ rằng điều then chốt ở đây là cách thức các doanh nghiệp Anh “sử dụng thỏa thuận này”.

CPTPP được thành lập năm 2018, với các thành viên gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.

CPTPP nới lỏng hạn chế trong hoạt động thương mại giữa các thành viên và giảm thuế quan – một dạng thuế xuyên biên giới – đối với hàng hóa.

Người ta hy vọng rằng việc gia nhập nhóm sẽ thúc đẩy xuất khẩu của Anh quốc nhờ việc cắt giảm thuế đối với hàng hóa như sữa và sản phẩm thịt, xe hơi, rượu gin và rượu whisky.

Tính tổng cộng thì 11 thành viên tham gia CPTPP chiếm khoảng 13% thu nhập của thế giới, và Anh đã trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên tham gia hiệp định này.

Tuy vậy, các ước tính của chính phủ cho thấy việc gia nhập khối này sẽ chỉ giúp nền kinh tế Anh tăng thêm 0,08% trong thời gian 10 năm.

Văn phòng Ngân sách (OBR), cơ quan cung cấp dự báo cho chính phủ, trước đó cho biết Brexit sẽ làm giảm khoảng 4% tiềm năng tăng trưởng kinh tế của Anh quốc trong dài hạn.

Tuy nhiên, bà Badenoch nói rằng ước tính của chính phủ về tác động của CPTPP “không xem xét tới tốc độ tăng trưởng sắp tới trong tương lai và cũng không xem xét cách chúng ta sử dụng hiệp định này ra sao”.

Bà Badenoch cho biết có “rất nhiều tiềm năng” khi Anh tham gia nhóm.

“Đây là khu vực phát triển nhanh nhất. Châu Á Thái Bình Dương sẽ chịu trách nhiệm cho ít nhất 50% tăng trưởng toàn cầu mà chúng tôi kỳ vọng từ nay đến năm 2035.”

Vào lúc công bố việc ký kết thỏa thuận, chính phủ cho biết các doanh nghiệp thuộc đối tượng chịu sự điều chỉnh của CPTPP đã tuyển dụng khoảng 400.000 người trên khắp nước Anh.

Chính phủ cũng nói rằng các công ty CPTPP “đẩy mạnh hơn về mặt kinh tế”, vì mặc dù họ chỉ chiếm 0,3% tổng số doanh nghiệp ở Anh, nhưng các công ty này tạo ra 6,1% tổng doanh thu cả nước.

Phòng Thương mại Anh (BCC) cho biết thỏa thuận này là “tin tốt cho các doanh nghiệp Anh tham gia hoặc nâng cấp thương mại của họ tại các thị trường này”.

William Bain, người đứng đầu chính sách thương mại của BCC cho biết: “Chúng tôi nhận thấy hiệp định này rất phù hợp để các doanh nghiệp vừa và nhỏ giảm chi phí nhập khẩu linh kiện từ các nước thành viên, là những thành phần dùng để sản xuất các mặt hàng xuất khẩu”.

Tuy nhiên, một số người tỏ ý nghi ngại. Paul Nowak, tổng thư ký của tổ chức nghiệp đoàn TUC, cho biết hiệp ước này là “tệ đối với người lao động ở trong và ngoài nước”.

“Một lần nữa, các quan chức đảng Bảo thủ đã nhắm mắt làm ngơ trước những hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền con người và quyền của người lao động trong quá trình theo đuổi các thỏa thuận thương mại,” ông nói.

Cũng có những quan ngại về cách Anh quốc định đảm bảo để các tiêu chuẩn về môi trường và quyền lợi của động vật được đáp ứng.

Chủ tịch của John Lewis Partnership, Dame Sharon White, nói với người dẫn chương trình Laura Kuenssberg của BBC rằng bà muốn được giải thích thêm về tác động của hiệp định này đối với các nhà nông Anh.

Bà nói rằng bà muốn chắc chắn rằng “chúng ta sẽ không cắt xén quyền lợi của các nhà nông Anh, chúng ta sẽ không cắt xén các tiêu chuẩn phúc lợi động vật tuyệt vời ở đất nước này, điều mà chúng ta đã có trong nhiều năm”.

“Tôi nghĩ rằng điều đó quan trọng với nhiều người.”

Nhìn chung, bà nói rằng mặc dù việc ký kết CPTPP “rõ ràng là một điều tích cực… nhưng tôi không nghĩ đó sẽ là một sự thay đổi đáng kể”.

Về vấn đề liệu Trung Quốc có nên được phép tham gia CPTPP hay không, bà Badenoch nói rằng đó là “một trong những điều mà chúng tôi đã và đang thảo luận”.

Tuy nhiên, khi được hỏi liệu Anh có nên phủ quyết việc Trung Quốc gia nhập hay không, như một số người đã gợi ý, bà nói: “Khi bạn tham gia một câu lạc bộ, điều đầu tiên bạn không làm, đó là nói với các thành viên khác của câu lạc bộ rằng ai nên hoặc không nên được phép tham gia.”

Bài Liên Quan