Quốc hội Thái Lan sẽ mở cuộc bầu chọn tân thủ tướng lần nữa vào tuần tới, sau các diễn biến kịch tính khiến lãnh đạo trẻ của Đảng Move Forward bị loại khỏi nghị trường.
Không chỉ bị tước quyền tái ứng cử vào chức thủ tướng, ông Pita Limjaroenrat, 42 tuổi, còn có nguy cơ bị tù nếu toà án tiếp tục kết luận quy tội cho ông.
Nhưng đảng này vẫn kiên trì muốn ủng hộ ông làm thủ tướng, bất chấp các cản trở.
Trong ngày 19/07, sau khi Nghị viện Thái Lan bỏ phiếu lần hai, sau lần một hôm 14/07, ngăn không cho ông Pita đứng ra lập chính phủ, hàng trăm người ủng hộ ông Pita đã biểu tình ở Bangkok, bày tỏ sự thất vọng.
Dự kiến ngày 29/07, lưỡng viện Quốc hội sẽ lại nhóm họp để chọn ra người lập nội các.
Tin mới nhất cho hay đảng Move Forward nói họ sẽ lại ủy nhiệm
ông Pita ra lãnh trách nhiệm lập chính phủ, bất chấp cản trở tuần này từ Tòa Hiến pháp và Thượng viện.
Tờ Bangkok Post hôm 20/07 trích lãnh đạo đảng về nhì, Pheu Thái nói họ sẽ xem xét việc ủng hộ ông Pita một lần nữa.
Loại Pita làm giới trẻ thất vọng
Hàng triệu người trẻ Thái Lan cảm thấy bị tước đi quyền chọn lãnh đạo cho thế hệ của họ sau khi ông Pita bị “treo quyền dân biểu” tuần này, theo một số bình luận.
Các hãng thông tấn quốc tế đánh giá rằng dù đảng của ông thắng cử, nỗ lực của Pita Limjaroenrat cố gắng lập liên minh cầm quyền, thực sự đã bị Hiến pháp 2017 do quân đội soạn ra ngăn cản “từ trong trứng nước”.
Theo hiến pháp này, các nhân vật thuộc phe bảo hoàng, do quân đội bổ nhiệm vào Thượng viện, có vai trò trọng yếu trong thủ tục bầu chọn thủ tướng từ các dân biểu trong Hạ viện.
Bản thân ông Pita không chỉ bị loại khỏi Quốc hội sau khi toà Hiến pháp coi ông “vi phạm luật bầu cử vì có cổ phiếu trong một công ty truyền thông”, ông có thể bị xử tù nếu toà tiếp tục nhắm vào ông.
“Điều đã rõ là hệ thống này không cho phép sự ủng hộ của cử tri biến thành quyền lãnh đạo đất nước,” ông đăng lời bình luận trên Instagram.
Còn ông Jacob Ricks, GS chính trị học tại ĐH Singapore Management University thì nói với Reuters:
“Hiến pháp 2017 được soạn để bảo vệ quyền lợi các nhóm bảo thủ trong chính trị Thái, và nay chúng ta thấy Hiến pháp này được đưa vào hành động ra sao. Số phận của ông Pita đã được định đoạt trước cả cuộc bầu cử.”
Tuy thế, ông Pita tin rằng sau cuộc đầu phiếu 14/05, Thái Lan “đã thay đổi và nhân dân đã thắng được một nửa”.
Pheu Thái hay quân đội chia bài?
Trước cuộc bỏ phiếu trong Quốc hội về chức thủ tướng vào ngày 19/07 vừa qua, có tên tuổi hai ứng viên đảng Pheu Thái, bà Paetongtarn Shinawatra (con gái cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra) và ông Srettha Thavisin, một triệu phú, được nêu ra.
Ông Chaikasem Nitisiri, 74 tuổi, chiến lược gia của Pheu Thái, cũng có tên trong danh sách ứng viên thủ tướng tiềm năng của đảng này.
Cho đến ngày 20/07, Pheu Thái nói họ chờ xem quan điểm của Move Forward cuối tuần này ra sao trước cuộc bỏ phiếu chọn thủ tướng vào thứ Năm tuần tới.
Tất nhiên, phương án nào của hai đảng này cũng phải được Thượng viện do phe bảo thủ nắm, ủng hộ thì mới thành.
Phương án thứ ba, không nhiều cơ hội, là Thái Lan sẽ có chính phủ thiểu số lập bởi lãnh đạo đảng Bhumjaithai, ông Anutin Charnvirakul hoặc một nhân vật thuộc phe do quân đội bảo trợ, theo tờ Bangkok Post.
Tuy vậy, tờ báo này cho rằng khả năng đó khó thành hiện thực vì phe dân chủ, cấp tiến sẽ hợp sức chống lại.
Thái Lan cần sự tin tưởng của các nhà đầu tư nước ngoài và ổn định chính trị là điều kiện tiên quyết cho niềm tin này.