Hầu hết tù nhân tôn giáo sắc tộc thiểu số không có luật sư trợ giúp pháp lý

RFA
2023.08.11

Hầu hết tù nhân tôn giáo sắc tộc thiểu số không có luật sư trợ giúp pháp lý

Nhà hoạt động về quyền tự do tôn giáo Y Krếc Byă

 Bộ Công an

Hầu hết tù nhân tôn giáo sắc tộc thiểu số không có luật sư trợ giúp pháp lý

Nhiều nhà hoạt động nhân quyền và luật sư cho biết hầu hết tù nhân tôn giáo thuộc các sắc tộc thiểu số ở Việt Nam không có luật sư trợ giúp pháp lý trong vụ án của họ.

Trong vài thập niên qua, có hàng trăm người thuộc các sắc tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc hoặc Tây Nguyên bị án tù vì thực thi quyền tự do tôn giáo. Họ bị kết án theo tội danh “phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc” theo Điều 87 của Bộ luật Hình sự 1999 hoặc Điều 116 của Bộ luật Hình sự 2015, với những bản án nặng nề từ ba năm đến 18 năm tù giam.

Gần đây, một số người hoạt động về tự do tôn giáo bị bắt giữ hoặc kết án về tội danh “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự 2015.

Tuy nhiên, số người dân tộc thiểu số nhận được sự trợ giúp pháp lý từ luật sư mà gia đình họ thuê chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Năm 2022, luật sư Nguyễn Văn Miếng bào chữa cho ông Y Wo Nie trong vụ án mà ông này bị kết án bốn năm tù giam về tội danh “lợi dụng quyền tự do dân chủ.”

Năm nay, luật sư Hà Huy Sơn đã ký hợp đồng bào chữa cho ông Y Krếc Byă- người bị bắt trong tháng tư vừa qua với cáo buộc “Phá hoại chính sách đoàn kết” và ông Nay Y Blang- người bị bắt giam một tháng sau đó với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ.” Vị luật sư của Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội đã được nhà chức trách tỉnh Đắk Lắk cấp giấy bào chữa cho ông Y Krếc Byă, và đã tham dự một buổi hỏi cung ông Nay Y Blang trong Trại tạm giam của Công an tỉnh Phú Yên. Cả hai ông là thành viên của Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên, một nhóm tôn giáo chưa được nhà nước công nhận.

Theo mục sư Aga, người sáng lập Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên và hiện đang sống tị nạn ở Hoa Kỳ, năm 2016, mục sư A Đảo bị bắt sau khi tham dự một hội nghị về tự do tôn giáo Đông Nam Á ở Indonesia về Việt Nam. Gia đình ông thuê luật sư cho ông nhưng sau đó ông bị buộc phải từ chối trợ giúp pháp lý.

Năm 2017, toà án tỉnh Gia Lai đã kết án ông với bản án năm năm tù về tội nhiều lần tổ chức đưa người Thượng đi Thái Lan trái phép.

Theo các nhà hoạt động, việc người dân tộc thiểu số không có sự trợ giúp pháp lý có các nguyên nhân chính là phí luật sư cao, khả năng tiếp cận luật sư kém, và sự ép buộc từ chối luật sư đến từ các cơ quan tiến hành tố tụng.

Mục sư Aga cho biết ông nắm vững tình trạng người hoạt động về tự do tôn giáo ở các sắc dân thiểu số bị cầm tù trong hơn hai thập niên qua vì tham gia viết báo cáo về tình trạng đàn áp tôn giáo ở Việt Nam và gửi cho Liên Hiệp quốc từ 2015.

Các cộng đồng tôn giáo bị bách hại và được ông báo cáo cho quốc tế bao gồm Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên, Hội thánh Tin lành Miền Nam Việt Nam, Đạo Hà Mòn…

Ông đã thu thập thông tin về hơn 100 người bị bắt vì lý do tôn giáo từ 2001 cho đến ngày nay.

Ông chỉ ra nguyên nhân mà hầu hết trong số họ không có luật sư trong các vụ án của mình:

Đối với người Kinh thì cái chuyện thuê luật sư đó là cái chuyện quá bình thường nhưng đối với người đồng bào (dân tộc thiểu số- PV) thì đó là cả một vấn đề.

Người đồng bào cơm ăn áo mặc lúc có lúc không và rất là thiếu thốn. Cho nên nói đến luật sư họ không có hiểu luôn và không có khả năng: thứ nhất là họ không biết tìm luật sư, thứ hai họ không có khả năng để chi trả số tiền lớn.”

Ông nói về hậu quả của việc không có luật sư:

Bao nhiêu người, đặc biệt là người ở Hội thánh Tin lành Dega, họ đi tù oan chỉ vì cái lý do là cho rằng có liên lạc bên nước ngoài hoặc là cái này khác, bắt họ ghép vào tội này tội khác.

Vì không có luật sư thì phải chấp nhận để cái chính quyền họ nói sao thì phải chấp nhận vậy, không có cách nào để mà cãi lại tòa án được với chính quyền.”

Do được tiếp xúc nhiều người Kinh và tham gia lớp học dân sự trực tuyến từ năm 2015 do một số tổ chức xã hội dân sự tổ chức nên ông nhận thức được về vai trò của luật sư trong các vụ án. Vì vậy, khi hai thành viên của Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên bị bắt, ông đã thuyết phục gia đình họ về nhu cầu thuê luật sư.

Tôi bàn với gia đình của họ rằng mình phải cần có luật sư để mà bào chữa cho trường hợp về các vụ việc tự do tôn giáo… Gia đình họ thấy như vậy họ rất là mừng khi mà mình mình tìm được luật sư để mà bào chữa cho gia đình của họ.

Cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hải (Hải Điếu cày) cho biết ông gặp nhiều người Thượng trong 11 trại giam mà ông đã đi qua. Qua tiếp xúc với họ, ông được biết họ đều không có sự trợ giúp từ luật sư trong các vụ án của mình.

Theo ông, bên cạnh lý do tài chính eo hẹp, người Thượng còn bị cô lập dẫn tới việc gặp khó khăn trong việc tiếp cận luật sư. Ông nói với RFA trong ngày 11/8:

Không ai có luật sư. Ở Tây Nguyên đó xứ rừng núi và họ nghèo khổ thế sao mà thuê luật sư được. Với lại, họ bị bắt vào những năm 2000-2001, thời điểm đó làm gì có luật sư. Bản thân họ khi chưa bị bắt họ đã khổ rồi, những vùng dân tộc đó họ khổ lắm. Đất rẫy thì bị người Kinh lên mua dần lấn dần.

Họ hầu như bị cô lập, không có luật sư bào chữa cho họ, anh hỏi mấy người chả ai có luật sư cả.”

Nhà hoạt động công đoàn Đoàn Huy Chương, người bị tù hai lần tổng cộng tám năm sáu tháng, cho biết ông gặp nhiều người Thượng trong những trại giam mà ông đã đi qua. Ông nói về thủ đoạn của công an Việt Nam trong việc ép buộc người hoạt động từ chối luật sư, đặc biệt là người thuộc các sắc tộc thiểu số:

Những người tôi gặp không có luật sư đâu. Phía an ninh điều tra luôn ghi một bản nói họ không cần luật sư và tự bào chữa. Người Thượng đâu có đủ khả năng để họ hiểu nhiều tiếng Việt đâu mà để họ tự bào chữa, cho nên là muốn ghép họ vô cái gì thì ghép, vì vậy họ đi tù rất là nặng.”

Cựu tù nhân lương tâm Lê Anh Hùng thì cho biết trong thời gian gần hai năm thi hành án ở Trại giam Nam Hà, ông có bị giam cùng khu với nhiều tù nhân lương tâm Hmong và họ hầu như không có luật sư riêng mà chỉ có luật sư chỉ định, do điều kiện kinh tế cũng như do sự hạn chế về nhận thức của họ.

Nhiều luật sư hay tham gia vào các vụ án chính trị như Ngô Anh Tuấn và Đặng Đình Mạnh cho biết họ chưa từng bào chữa cho người dân tộc thiểu số nào vì không có ai liên hệ với họ.

Luật sư Nguyễn Văn Miếng, người tham gia bào chữa trong một vụ án duy nhất của người dân tộc thiểu số, đó là vụ án của ông Y Wo Nie, cho RFA biết về tác động của trợ giúp pháp lý đối với người hoạt động thuộc sắc tộc thiểu số:

Họ rất tin tưởng luật sư. Họ ý thức được quyền của họ theo lẽ tự nhiên, nhưng khi những ý thức mơ hồ ấy được củng cố bởi pháp luật và niềm tin tôn giáo, nó sẽ biến thành cuồng phong. Nên chính quyền cộng sản rất sợ khi họ tiếp cận được nguồn trợ giúp ấy.”

Mục sư Aga cho rằng nếu việc thuê luật sư trong hai vụ án của hai ông Y Krếc Byă và Nay Y Blang có hiệu quả thì trong tương lai, nhiều người hoạt động thuộc các sắc dân thiểu số, đặc biệt là người Thượng ở Tây Nguyên, sẽ tìm đến luật sư.

Về vai trò của luật sư trong các vụ án thuộc Chương An ninh quốc gia, luật sư Hà Huy Sơn cho rằng bên cạnh việc giúp công khai minh bạch về nội dung và bản chất của vụ án cho công chúng cũng như làm cầu nối thông tin giữa thân chủ và gia đình, thì luật sư còn có vai trò quan trọng khác. Ông nói:

Luật sư tham gia các cái vụ án này thì tránh được những cái tình trạng bức cung hoặc là nhục hình nếu mà nó có thể xảy ra thì cũng là một cái kênh có thể lên tiếng để ngăn chặn nguy cơ.

Luật sư có thể là cung cấp tư vấn và cái kiến thức pháp lý để cho người bị bắt hay là cho thân chủ có cái lựa chọn cách có lợi nhất hay là theo cái ý chí của họ.”

Theo ông Hà Huy Sơn, luật sư có nghĩa vụ đấu tranh để buộc các cơ quan tham gia tố tụng tuân thủ luật pháp và Bộ luật Tố tụng hình sự.

Bài Liên Quan