Thượng Đỉnh Mỹ-Nhật-Hàn đánh dấu thành công của TT Biden trong nỗ lực hòa giải giữa Tokyo và Seoul?

Ba ngày trước hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nhật-Hàn mở ra tại Camp David vào ngày 18/08/2023 dưới quyền chủ tọa của tổng thống Mỹ Joe Biden, ngoại trưởng Hoa Kỳ hôm 15/08 không ngần ngại tuyên bố rằng sự kiện đó sẽ đánh dấu “một kỷ nguyên mới trong hợp tác ba bên” giữa Washington, Tokyo và Seoul. Theo giới quan sát, hội nghị Camp David quả là một thành công của chính quyền Biden, nhưng câu hỏi đặt ra là kết quả đó có lâu bền hay không.

Đăng ngày: 16/08/2023

Tổng thống Mỹ Joe Biden (T) nói chuyện với thủ tướng Nhật Fumio Kishida và tổng thống Hàn QuốcYoon Suk Yeol, trong cuộc gặp ba bên nhân thượng đỉnh G7 tại Hiroshima, Nhật, ngày 21/05/2023.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (T) nói chuyện với thủ tướng Nhật Fumio Kishida và tổng thống Hàn QuốcYoon Suk Yeol, trong cuộc gặp ba bên nhân thượng đỉnh G7 tại Hiroshima, Nhật, ngày 21/05/2023. AP – Susan Walsh

Trọng Nghĩa

Theo hãng tin Pháp AFP, muốn nói gì thì nói, đối với tổng thống Joe Biden, người tự hào là một tay lão làng trong lĩnh vực ngoại giao, cuộc họp sắp diễn ra là một thành công không thể phủ nhận: Ông đã lôi kéo được Hàn Quốc và Nhật Bản, hai nước có quan hệ lịch sử khó khăn, cùng nhau tham gia một hôi nghị chưa từng thấy trong lịch sử.

Thượng đỉnh lịch sử thực thụ

Dĩ nhiên, đây không phải là lần đầu tiên mà lãnh đạo ba nước họp chung với nhau. Họ đã có nhiều cuộc gặp bên lề các hội nghị quốc tế hay khu vực. Thế nhưng Thượng Đỉnh Camp David là hội nghị ba bên riêng biệt và long trọng đầu tiên được tổ chức từ trước đến nay.

Và như để nêu bật ý nghĩa lịch sử của cuộc gặp, theo AFP, Joe Biden đã chọn một khung cảnh cụ thể: ông sẽ tiếp thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tại Camp David, một địa điểm gắn liền với lịch sử ngoại giao Hoa Kỳ. Một ví dụ: Chính tại nơi này mà hiệp định hòa bình lịch sử giữa Ai Cập và Israel đã được ký kết vào tháng 9 năm 1978.

Đối với chính quyền Mỹ của tổng thống Biden, một trong những ưu tiên hàng đầu là đối phó với tham vọng của Trung Quốc, đặc biệt là tại Châu Á. Để làm được điều này, Washington cần đến sự trợ giúp của hai đồng minh lớn của mình là Tokyo và Seoul, và tạo ra được một “khối đoàn kết” càng chặt chẽ càng tốt.

Vấn đề là cho đến gần đây, dù là đồng minh của Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản lại duy trì một quan hệ hiềm khích, bắt nguồn từ việc Nhật Bản chiếm đóng bán đảo Triều Tiên một cách tàn bạo từ năm 1910 đến năm 1945, khiến cho việc thành lập một mặt trận thống nhất ba bên rất khó khăn.

Biden gặp may

Trong bối cảnh đó, ngay từ ngày đầu tiên lên cầm quyền, tổng thống Biden đã nỗ lực thúc đẩy hai đồng minh hòa giải với nhau và những cố gắng này như đã gặt hái kết quả khả quan, nhờ thừa hưởng được một số diễn biến thuận lợi.

Trước hết là thay đổi thái độ từ phía Hàn Quốc, vốn cứng rắn hơn Nhật Bản trên vấn đề hòa giải, một thay đổi bắt nguôn từ sự kiện cánh hữu – vốn thân Mỹ hơn – trở lại nắm quyền tại Seoul.

Kể từ khi đắc cử vào năm ngoái (2022), tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã liên tiếp có những quyết định mang tính chất hòa giải hướng về phía Nhật Bản, mà tiêu biểu là chuyến thăm Nhật Bản vào tháng 5, chuyến thăm đầu tiên của một tổng thống Hàn Quốc sau 12 năm.

Bên cạnh đó, bối cảnh quốc tế cũng hỗ trợ cho tiến trình cải thiện quan hệ Nhật Hàn.

Cả Tokyo lẫn Seoul đều có chung mối quan ngại về Bắc Triều Tiên cũng như về Trung Quốc. Theo AFP, một cuộc điều tra do trung tâm nghiên cứu Mỹ Pew Research Center thực hiện vào năm ngoái cho thấy ít nhất 80% người trưởng thành ở Hàn Quốc và Nhật Bản có cái nhìn tiêu cực về Trung Quốc,.

Tokyo và Seoul cũng kiên quyết liên minh với Washington trong việc lên án cuộc xâm lược Ukraina của Nga.

Liệu có lâu bền?

Giới phân tích tuy nhiên vẫn thận trọng, tự hỏi rằng liệu sự hòa thuận giữa Nhật Bản và Hàn Quốc có lâu bền hay không.

Theo hãng tin Anh Reuters, ông Christopher Johnstone, cựu quan chức Nhà Trắng hiện làm việc cho Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS tại Washington cho rằng những bước tiến đặt được vẫn còn mong manh: “Ở Hàn Quốc, những nỗ lực của tổng thống Yoon vẫn chưa lòng dân một cách rộng rãi, trong lúc ở Nhật Bản, người ta thường xuyên hoài nghi về tính bền vững của sự cải thiện quan hệ, cho rằng một tổng thống (Hàn Quốc) tương lai có thể lật ngược tình thế một lần nữa”.

Dẫu sao thì theo chuyên gia Johnstone, Hoa Kỳ cũng hiểu rõ điều đó và Thượng Đỉnh Camp David nhằm “thể chế hóa những tiến bộ đã đạt được, để các nhà lãnh đạo tương lai khó lùi bước”. 

Bài Liên Quan