Lý Quang Diệu mong VNCH trụ vững và muốn giúp tái thiết hai nước VN
Sang thăm Hoa Kỳ năm 1973, Thủ tướng Singapore khi đó, ông Lý Quang Diệu bày tỏ sự e ngại về Bắc Kinh nhưng sẵn sàng giúp cả hai nước Việt Nam ‘tái thiết, phục hồi’.
Hội kiến Tổng thống Richard Nixon ngày 10/04/1973 tại Phòng Bầu Dục, tòa Bạch Ốc, với sự có mặt của cả tiến sĩ Henry Kissinger, Lý thủ tướng đã bàn nhiều với nước chủ nhà về tình hình châu Á.
Tổng thống Nixon không chỉ chúc mừng ông Lý Quang Diệu vừa có thắng lợi trong cuộc bầu cử ở Singapore mà còn hỏi ý kiến ông về chính sách của Mỹ, theo tài liệu giải mật của Hoa Kỳ.
Họ đã dành nhiều thời gian cho chiến sự hậu hòa đàm Paris và tình hình VNCH.
Khi được hỏi ‘Hoa Kỳ cần làm gì?’, ông Lý Quang Diệu đã nói với ông Nixon, với khá nhiều tình cảm dành cho Sài Gòn:
“Các ngài phải tạo ra cảm giác là vẫn làm chủ tình hình. Việc rút (quân đội Mỹ) đi trong danh dự là để cho Nam Việt Nam một cơ hội, cơ hội lớn hơn trước. VNCH vẫn có một cơ hội nếu họ không chỉ dựa vào giải pháp quân sự.
Chiến lược đúng đắn là thuyết phục để tách phái cộng sản miền Nam ra khỏi Bắc Việt. Hãy cho họ chia sẻ quyền lực ở cấp địa phương. Vào lúc này hẳn đang có thảo luận ở Hà Nội về hai vấn đề phục hồi hay là xâm nhập tiếp.”
Viện trợ tái thiết ồ ạt cho hai miền VN
Về việc phục hồi, tái thiết (rehabilitation) của hai miền Việt Nam, một vấn đề nêu ra tại Hòa đàm Paris, ông Lý Quang Diệu cho hay, Singapore ủng hộ công tác đó.
Ông cho hay ít ra, Singapore đã sẵn sàng tìm cách trợ giúp về mặt kỹ thuật để đóng góp vào “tái thiết diện rộng” cho cả hai nước Việt Nam.
Tuy nhiên, vào thời điểm đó, cuộc chiến Việt Nam vẫn chưa chấm dứt dù có ký kết tại Paris.
Lý Quang Diệu bày tỏ quan điểm trong chuyến thăm Hoa Kỳ, kể cả với báo giới, rằng ông không tin là phe cộng sản “sẽ tấn công ồ ạt” trong thời gian tới.
Theo ông, họ đang xem xét tình hình, xem việc duy trì các điều khoản của Hòa đàm Paris ra sao, và tìm giải pháp chính trị.
Nếu không đạt mục tiêu thì họ mới tổ chức tấn công du kích diện rộng.
Ông Lý Quang Diệu tin rằng “nếu VNCH trụ được, thì chính sách của Hoa Kỳ sẽ được đón nhận tích cực hơn”, và ông khuyên người Mỹ không nên cứ tự chỉ trích.
Riêng về Trung Quốc, ông Lý Quang Diệu cho các quan chức Mỹ hay, nước ông chưa muốn công nhận CHND Trung Hoa.
Ông Lý e ngại rằng một khi quan hệ ngoại giao được thiết lập, Bắc Kinh sẽ kích động nhóm dân gốc Hoa tại Singapore, gây ra phản loạn (nguyên văn: fearing Peking would use diplomatic ties to try to subvert Singapore’s Chinese population).
Bản thân là người gốc Hoa, nhưng ông lo ngại rằng “nhóm cư dân cao tuổi gốc Hoa ở Singapore vẫn còn gắn bó với Trung Quốc lục địa”, và dễ bị lôi kéo.
Ngài là mỏ neo cho thế giới phi cộng sảnÔng Lý Quang Diệu nói với lãnh đạo Mỹ
Vào năm 1973, Singapore vẫn giữ quan hệ ngoại giao với Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) và ông Lý muốn trì hoãn việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc “càng lâu càng tốt”, theo ghi nhận của phía Mỹ.
Về vai trò của Hoa Kỳ trong vùng, ông Lý Quang Diệu muốn nước Mỹ “tiếp tục sự hiện diện quân sự” sau chiến tranh Việt Nam.
Khi nghe TT Nixon than phiền rằng lời đề nghị Hoa Kỳ rút quân đến cả từ các đồng minh châu Âu là Anh và Pháp, ông Lý nói với ông Nixon:
“Ngài là mỏ neo cho thế giới phi cộng sản.”
(You are the anchor-man of the non-Communist world).
Lý thủ tướng cũng chia sẻ những gì ông nghe được từ lãnh đạo Trung Quốc về Liên Xô.
Theo ông, người Trung Quốc “biết người Mỹ có lương tâm, còn người Nga thì không nên họ e ngại không muốn làm Moscow bực mình”