RFI: Silicon Valley bất lực trước đạo quân tin tặc

Twitter, Facebook đều đau đầu trước những tài khoản giả hiệu được lập ra để bóp méo thông tin.. (Ảnh: REUTERS/Dado Ruvic/File Photo)

Facebook, Twitter hay Microsoft đang nỗ lực vô hiệu hóa các âm mưu đánh cắp thông tin và khuynh đảo công luận xuất phát từ Nga hay Iran. Tuy nhiên, các biện pháp của Silicon Valley đương đầu với đạo quân tin tặc khó có thể ngăn chận được một chiến dịch mới can thiệp vào bầu cử Mỹ 2018. Đó là nhận định bi quan của giới chuyên gia.
Chỉ còn đầy ba tháng là tới ngày bầu lại Quốc Hội Mỹ, một cuộc đầu phiếu quan trọng giữa nhiệm kỳ tổng thống, theo truyền thống chính trị Hoa Kỳ. Một công ty an ninh mạng là Look Out, có cơ sở tại San Francisco cho biết đã phá vỡ một mưu toan tấn công hệ thống điện toán của đảng Dân Chủ, trong đó có dữ liệu liên quan đến hàng chục triệu cử tri. Tin tặc dựng lên một trang chủ giả dạng của đảng Dân Chủ để đánh lừa người sử dụng internet, chiếm mật mã và tên người sử dụng.
Mưu toan này, làm người ta nhớ lại vụ việc tương tự vào mùa tranh cử tổng thống 2016 mà nạn nhân là bà Hillary Clinton. Tháng Bảy vừa qua, có 12 điệp viên Nga đã bị tòa án Mỹ truy tố về trọng tội này.
Trong mưu toan hôm thứ Tư 22/08/2018 , danh tính của tin tặc chưa được xác định nhưng cùng ngày, Microsoft tố cáo nhóm tin tặc Nga « Fancy Bear », theo lệnh của điện Kremlin, nhắm vào trang mạng của một số trung tâm nghiên cứu chiến lược của đảng Cộng Hòa.
Đạo binh tin tặc của Nga và Iran
Một ngày trước, Facebook thông báo đóng cửa hàng trăm trang, nhóm và tài khoản « giả hiệu » được quản lý từ Iran và từ Nga. Hồi tháng Bảy, Facebook xóa 32 trang và tài khoản bị xem là đáng ngờ có « hoạt động phối hợp » gần đến ngày bầu cử.
Trong thời gian này, Twitter cũng đình chỉ 284 tài khoản tham gia vào chiến dịch « tuyên truyền », phần lớn đến từ Iran.
Theo AFP, cả ba công ty trên đã cam kết hợp tác với các cơ quan chức năng để chống tin tặc phá bầu cử.
Tuy nhiên, theo Alex Stamos, nguyên là chuyên gia an ninh mạng của Facebook, nếu để bảo vệ bầu cử 2018 thì đến lúc này là quá muộn. Các hoạt động tin tặc bị phát hiện trên đây chứng tỏ là « chính quyền Nga bất chấp và Iran nối gót theo sau ».
Lý do là Hoa Kỳ làm cho thế giới hiểu rằng người Mỹ không xem vấn đề tin tặc là nghiêm trọng và mọi thủ phạm, nếu có bị bắt quả tang, thì cùng lắm là bị khẻ tay mà thôi. Chuyên gia Mỹ thúc giục « chính phủ, công dân và các công ty » tỉnh thức để bảo vệ cuộc tuyển cử năm 2020.
Hãy tự trách mình thiếu ý thức
Cũng cùng nhận định, chuyên gia Olga Polischuk của công ty chuyên môn về an ninh mạng LookingGlass thẩm định là các biện pháp chống trả của Facebook và Twitter có lẽ không đủ hiệu năng để đương đầu với những tin tặc cao tay : Matxcơva sử dụng một « đạo binh tin tặc » biết rõ văn hóa Mỹ và được trả rất nhiều tiền. Những nhóm này hoạt động ngày đêm, tung tin thất thiệt hoặc mơ hồ một cách tài tình. Chống lại những đối thủ quyết tâm tranh đấu cho quyền lợi đất nước họ bằng mọi giá, thì những bản án tù hay kỹ thuật chống tin đồn chẳng có tác dụng gì.
Theo AFP, các hệ thống mạng xã hội của Silicon Valley, chiếc nôi điện tử, điện toán của Mỹ thường xuyên bị chỉ trích là thiếu ý thức, thiếu phản ứng trước các chiến dịch tuyên truyền bóp méo thông tin, nhất là trong vụ Nga can thiệp vào cuộc bầu cử 2016.
Giờ đây, tin tặc ngày càng đông, ngày càng nguy hiểm, những công ty như Facebook, Twitter không có thời gian suy nghĩ, dự kiến trước thủ đoạn tấn công của đối phương. Giáo sư Jennifer Grygiel, đại học Syracus, nhận định thẳng thừng : mô hình kinh tế của các mạng xã hội đã phạm sai lầm ngay lúc hình thành, không được tổ chức đầy đủ để quản lý nội dung. Thật là điều bất hạnh cho xã hội và nền dân chủ.
Nguồn: Tú Anh / RFI

Liên Quan