Sợ FaceApp đánh cắp dữ liệu: có lo cũng bằng thừa
TTO – Cả “làng Facebook” mới hôm trước còn tràn ngập ảnh “khi chúng ta già” do ứng dụng di động FaceApp tạo ra thì hôm sau lại bắt đầu đầy những tiếng kêu thảng thốt “trời ơi app này ăn cắp thông tin”. Lo như thế là hơi thừa.
FaceApp “phù phép” ảnh người trẻ thành già – Ảnh: FaceApp
Có thể bạn đã thấy ít nhất một người quen của mình đăng lên Facebook hình ảnh của họ khi già thêm vài chục tuổi.
Đó là sản phẩm của FaceApp, ứng dụng yêu cầu người dùng tải một bức ảnh chân dung của mình lên và dùng công nghệ “phù phép” để biến nó thành phiên bản “niên lão”, tha hồ cho người dùng “khoe phây”.
FaceApp gây sốt khắp mạng xã hội, chứ không chỉ riêng ở Việt Nam. Chỉ trong vòng chưa đến 10 ngày kể từ ngày 10-7, ứng dụng do một công ty Nga có trụ sở ở thành phố Saint Petersburg này phát triển đã có thêm 12,7 triệu người dùng mới, theo báo Business Insider.
Vì là của Nga nên cần cẩn thận?
Xen lẫn với trào lưu hăng hái xem thử ta già đi sẽ như thế nào là những lời cảnh báo về tính an toàn của ứng dụng này.
“Ứng dụng mà quý vị sẵn sàng dâng hiến dữ liệu gương mặt mình cho nó đóng ở Saint Petersburg, Nga đấy” – nhà báo Charlie Warzel, cây bút của tờ New York Times, viết trên Twitter.
Một lời cảnh báo khác đến từ Joshua Nozzi, lập trình viên phần mềm, cũng trên Twitter: “Hãy cẩn thận với FaceApp… Nó tự động tải tất cả hình ảnh của bạn (lên máy chủ FaceApp) mà không xin phép”.
Lãnh đạo thiểu số tại Thượng viện Mỹ, thượng nghị sĩ Chuck Schumer, cũng cho rằng việc FaceApp buộc người dùng phải cấp “quyền truy cập đầy đủ và không thay đổi đối với dữ liệu và hình ảnh cá nhân” cho FaceApp sẽ tạo ra “mối đe dọa tới an ninh quốc gia và quyền riêng tư cho hàng triệu công dân Mỹ”.
Rồi Ủy ban Quốc gia Dân chủ Mỹ ngày 18-7 cũng cảnh báo các ứng viên tổng thống của cuộc bầu cử 2020 về việc sử dụng ứng dụng này, với lưu ý đây là sản phẩm có nguồn gốc từ Nga.
Ta thấy gì qua những cảnh báo trên?
Không phải ngẫu nhiên mà những hồi chuông cảnh báo về sự nguy hiểm của FaceApp lại gióng lên từ nước Mỹ.
Mỹ vẫn luôn đặt vấn đề Matxcơva có liên quan đến các âm mưu trên không gian số, nhất là bóng ma của các cáo buộc Nga can thiệp cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 vẫn còn hiển hiện.
Với người dùng ở các nước khác hoảng hốt khi thấy người Mỹ cảnh báo một ứng dụng là nguy hiểm chỉ vì nó là của Nga, có phải là quá vội vàng?
Quan điểm của một tờ báo Anh, dẫn lời chuyên gia Pháp, hẳn sẽ mang lại cái nhìn khách quan hơn về vấn đề này.
Một bức ảnh tạo bằng FaceApp – Ảnh: FaceApp
Theo báo The Guardian, chuyên gia an ninh mạng Elliot Alderson (đề nghị dùng tên giả) đã kiểm tra FaceApp và xác nhận ứng dụng này không tải toàn bộ ảnh có trong máy của người dùng lên đám mây như cáo buộc của Joshua Nozzi. FaceApp chỉ “xử” đúng tấm ảnh chân dung mà người dùng muốn “già hóa”.
Alderson cũng khẳng định với The Guardian rằng ông không tìm ra bằng chứng nào cho thấy app này đang đánh cắp toàn bộ dữ liệu của người dùng, mà chỉ thu thập thông tin về thiết bị di động của họ.
Chuyện này thì gần như ứng dụng di động nào cũng làm. Chuyên gia này cho rằng tất cả lo ngại về FaceApp có thể đến từ “nỗi sợ Nga” của Mỹ.
Đương nhiên trước các ý kiến cáo buộc nhằm vào mình, FaceApp không giữ im lặng. Trao đổi với trang 9to5Mac hôm 17-7, đại diện FaceApp cho biết ứng dụng “có thể sẽ lưu trữ” một số ảnh do người dùng tải lên trên đám mây và khẳng định “dù nhóm nghiên cứu phát triển làm việc tại Nga, nhưng dữ liệu người dùng không được chuyển về Nga”.
Điều bất ngờ là lập trình viên Nozzi và cây bút công nghệ Warzel, những người đã “rung chuông cảnh báo” về FaceApp, đều đã xóa các dòng tweet của mình, theo The Guardian.
Đâu phải mình FaceApp lấy thông tin
Loại bỏ yếu tố Mỹ – Nga trong câu chuyện FaceApp, người dùng nên chú ý đến vấn đề quan trọng hơn: dữ liệu của ta từ lâu không còn là của ta, mà chính ta đã vô tư “tặng” cho các nền tảng Internet.
FaceApp không “đáng nguy hiểm” chỉ vì nó là một ứng dụng của Nga, mà vì nó cũng như vô vàn ứng dụng và dịch vụ Internet khác, đang thu thập và làm giàu dữ liệu do chúng ta tình nguyện “dâng hiến”.
Nhiều ý kiến quan ngại cho rằng phần “Điều khoản sử dụng” của FaceApp có đoạn yêu cầu người dùng cho phép FaceApp toàn quyền sử dụng hình ảnh và dữ liệu của mình, nghĩa là người dùng đã biếu không quyền riêng tư của mình chỉ để đổi lấy một tấm ảnh hay ho.
Trên thực tế, như tạp chí WIRED chỉ ra: dù khác nhau về từ ngữ, điều khoản này cũng không khác gì của mạng xã hội Facebook, nghĩa là ta từ lâu cũng đã cho Facebook làm mọi thứ với dữ liệu của mình.
Dữ liệu FaceApp có được từ hàng chục triệu người dùng khắp thế giới có thể sẽ chỉ được họ sử dụng vào mục đích bán quảng cáo, cũng như rất nhiều ứng dụng và nền tảng Internet khác.
Nếu lo lắng về FaceApp thì cũng nên nghĩ lại việc chúng ta đang hằng ngày hằng giờ miệt mài trao tặng thông tin cá nhân cho các gã khổng lồ công nghệ khác, mà đa số đến từ nước Mỹ như Google và Facebook, nhiều như thế nào.
Nếu ta đang ung dung tải ảnh của mình lên khắp nơi, chia sẻ thông tin cá nhân công khai, thì lo lắng vì ứng dụng FaceApp cũng bằng thừa.
Nếu lo ngại về quyền riêng tư dữ liệu thì nên thay đổi thói quen dùng mạng, thay vì hoảng hốt vì lỡ “dâng” dữ liệu cho một ứng dụng từ Nga.