Khí hậu: Nỗi tức giận của Greta và thông điệp ‘‘lạnh gáy’’ của giới khoa học

Khí hậu: Nỗi tức giận của Greta và thông điệp ‘‘lạnh gáy’’ của giới khoa học

Trọng ThànhĐăng ngày 26-09-2019 

media

Gương mặt Greta Thunberg, thiếu nữ Thụy Điển 16 tuổi, biến dạng vì xúc động và giận dữ, khi phát biểu tại Thượng đỉnh Khí hậu Liên Hiệp Quốc (Climate Action Summit), New York, ngày 23/09/2019@Reuters/Carlo Allegri

Hồi chuông báo động khẩn của chuyên gia LHQ về Đại dương, Khí hậu với vận mệnh nhân loại là tựa lớn trang nhất của đa số các nhật báo Pháp ra hôm nay : Khí hậu nóng lên khiến băng tan ồ ạt, nước biển dâng nhanh hơn nhiều so với dự kiến, các hiện tượng thời tiết cực đoan tăng vọt, đe dọa hàng tỉ dân cư ven biển và nhiều nơi khác, gây thiệt hại đến hàng trăm nghìn tỉ đô la một năm.

Hạ Viện Mỹ mở điều tra luận tội nhằm tiến tới phế truất tổng thống Donald Trump và chính trường Anh chao đảo sau quyết định của Tòa Án Tối Cao bác quyết định đình chỉ Nghị Viện của thủ tướng là các chủ đề chính khác.

« Gương mặt biến dạng vì giận dữ » và không khí bình lặng trong Bảo tàng Đại dương

Le Figaro có bài xã luận, mang tựa đề « « Cô gái nhỏ và các nhà khoa học », kêu gọi công chúng nhìn thẳng vào sự thật, để có cách hành xử thích đáng. « Cô gái nhỏ » ở đây là thiếu nữ Thụy Điển, Greta Thunberg – ngôi sao của phong trào Khí hậu của giới trẻ, đang có mặt tại nước Mỹ để gây áp lực lên chính quyền các nước. Le Figaro ghi nhận sự tương phản cao độ về mặt hình thức, giữa một bên là thông điệp của các nhà khoa học nhóm GIEC, « được công bố trong không khí bình lặng » của một bảo tàng về đại dương học sang trọng ở công quốc Monaco, và bên kia là thiếu nữ Thụy Điển trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc, « mặt biến dạng vì giận dữ ».

Theo Le Figaro, thái độ đầy bạo lực, « đe dọa », những lời lẽ « sỉ nhục », « công kích dữ dội » của cô gái nhắm vào thế hệ những người trưởng thành có thể gây phản cảm đối với những ai quen với cách ứng xử chừng mực. Và « những lời tiên tri gây kinh sợ » của cô, đồng điệu với những lời cảnh báo văn minh nhân loại đang trên đường sụp đổ, có thể khiến nhiều người lo sợ về việc « một nền độc tài kinh hoàng của chủ thuyết coi sinh thái là trên hết » sẽ lên ngôi.

Tuy nhiên, Le Figaro cũng nhấn mạnh là bất chấp sự tương phản về hình thức, điểm chung của hai thông điệp là nhân loại đang đối mặt với một tình thế khẩn cấp. Quá trình Trái đất bị hâm nóng đang tiếp tục diễn ra hoàn toàn phù hợp với các ghi nhận của các chuyên gia GIEC cách nay 29 năm, trong bản báo cáo đầu tiên. Cuộc khủng hoảng hiện nay là « nghiêm trọng » và cần « các phản ứng tương thích », cho dù các thảm họa sẽ không đến mức khiến toàn nhân loại diệt vong, và hủy diệt toàn bộ sự sống trên Trái đất. Nhưng tảng lờ các báo động mới này « sẽ là sai lầm ».

« Con người khó chịu, đứa trẻ bị nhồi sọ, cô bé quá xúc cảm…. »

Libération chạy tựa trang nhất : « Nước Pháp. Đại dương đe dọa nhấn chìm. Hơn một mét từ đây đến năm 2100 theo báo cáo GIEC. Từ Soulac đến Palavas (hai bãi biển tuyệt đẹp của nước Pháp ở bên bờ Đại Tây Dương và Địa Trung Hải), từ Dunkerque đến quần đảo Antilles, nước dâng cao đe dọa một phần rộng lớn vùng ven biển nước Pháp và dân cư sở tại ».

Xã luận Libération, mang tựa đề « Thiện chí », ví cô gái Thụy Điển với một nhân vật nữ trong bi kịch Hy Lạp cổ đại. Cassandra được thần Apollon ban cho khả năng biết được tương lai, nhưng đã không có ai tin vào những lời tiên tri của cô. Libération nhấn mạnh : Những ai từng cho Greta Thunberg là « một con người khó chịu, đứa trẻ bị nhồi sọ, một cô bé quá xúc cảm… », khi đọc bản báo cáo của GIEC mới, chỉ cần với « một chút thiện chí », cũng sẽ thay đổi thái độ ngay lập tức. « Không cần đến bằng cấp của một nhà khí hậu học », việc Khí hậu bị hâm nóng, do khí thải, dẫn đến băng tan, nước biển dâng cao không thể khác, là bài học của học sinh lớp Một. Mà Khí hậu bị hâm nóng không chỉ khiến nước biển dâng cao, mà còn gây nhiều hệ quả kinh hoàng khác, như đại dương bị axit hóa, bão tố nhiều hơn.

« Thảm họa đã nhãn tiền, nhưng thà thế còn hơn ! »

« Thảm họa đã nhãn tiền, nhưng thà thế còn hơn ! » là tựa bài xã luận La Croix. Nhật báo Công Giáo, khi nhắc lại thần thoại Hy Lạp về thiếu nữ Cassandra, thừa nhận « không một ai muốn nghe báo trước về các thảm họa, và thường là người ta thích tin rằng chúng sẽ không xảy ra ». Từ 30 năm nay, các cảnh báo mà GIEC liên tục đưa ra « đã không làm thay đổi gì nhiều ». Thượng đỉnh Khí hậu mới đây tại Liên Hiệp Quốc (Climate Action Summit) « gần như là một thất bại », ngoại trừ sự xuất hiện của Greta Thunberg.

Tuy nhiên, La Croix nhấn mạnh điểm khác biệt là : Lần này không còn là sự cảnh báo, mà thảm họa đã thực sự xẩy ra. Kể từ năm 2006 đến nay, mỗi năm trung bình 430 tỉ tấn băng hà tan chảy, khiến nước biển dâng nhanh hơn gấp 2,5 lần so với thế kỉ trước.

« Thảm họa đã nhãn tiền. Không ai có thể phủ nhận. Về một mặt nào đó, điều này có lẽ tốt hơn, bởi sẽ giúp cho mỗi người tăng tốc nhận thức về tính chất khẩn cấp của việc thay đổi triệt để lối sống, phương thức vận hành của nền kinh tế. Chính quyền các nước không còn có thể thoái thác, ẩn núp đằng sau lập luận cho là cần phải xem chừng công luận nữa. Vấn đề giờ đây không còn là cứu lấy hành tinh của chúng ta nữa, mà rất cụ thể là, làm thế nào để chăm sóc nó ».

« Trật tự sinh thái thế giới mới »

Les Echos hôm nay, tuy không lấy báo cáo GIEC làm tựa trang nhất, nhưng dành nhiều bài bên trong để nói về cuộc chiến bảo vệ Khí hậu. Theo Les Echos, đạt được các mục tiêu phát triển bền vững trước năm 2030 của Liên Hiệp Quốc là cơ hội duy nhất cho phép thoát được các thảm họa do khí hậu bị hâm nóng và môi trường suy thoái. Mà để làm được điều này các nước đang phát triển cần phải có thêm đầu tư, ước tính nhiều hơn 12% hàng năm so với hiện nay. Lấy tiền đâu ra ?

Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD / CNUCED) khuyến nghị xây dựng dựng một « Trật tự sinh thái thế giới mới ». Để có thêm tiền cho môi trường, CNUCED đề nghị tăng cường chống lại việc các đại tập đoàn lậu thuế, ước tính có thể thu về từ 50 đến 200 tỉ đô la/năm. Bên cạnh đó, các khoản thuế mới nhắm vào ngành công nghệ kỹ thuật số đang trỗi dậy cũng có thể là một nguồn thu bổ sung.

Cũng Les Echos cho biết một số đại tập đoàn xa xỉ phẩm Pháp bắt đầu chuyển mạnh sang các cam kết môi trường, vốn không phải là ưu tiên. LVMH hôm qua, công bố lộ trình từ đây đến 2025, thực hiện việc 100% nguyên liệu có nguồn gốc động vật phải ghi rõ nguồn gốc.

Bài Liên Quan