Nghị sĩ Mỹ kêu gọi trừng phạt TQ về vụ Tân Cương

Nghị sĩ Mỹ kêu gọi trừng phạt TQ về vụ Tân Cương
14 tháng 11 2018
Chia sẻ trên Facebook Chia sẻ trên Messenger Chia sẻ trên Twitter Chia sẻ trên Email Chia sẻ
Các nhà lập pháp Hoa Kỳ trình dự luật hôm 14/11 kêu gọi chính quyền Trump có biện pháp mạnh mẽ hơn về việc Trung Quốc đàn áp người Hồi giáo thiểu số.
Người Uighur chủ yếu theo Hồi giáo
Việc chế tài có thể gồm các biện pháp trừng phạt đối với người đứng đầu Tân Cương và các quan chức khác bị cáo buộc lạm dụng nhân quyền.
Theo Reuters, dự luật cũng sẽ yêu cầu tổng thống Trump lên án các hành động của Trung Quốc ở Tân Cương, kêu gọi có một “điều phối viên đặc biệt” của Mỹ về vấn đề này và gây sức ép về việc cấm xuất khẩu công nghệ của Mỹ mà Bắc Kinh có thể lợi dụng để giám sát và giam giữ hàng loạt người dân tộc Uighur.
Các nhà lập pháp muốn chính quyền Trump cân nhắc các biện pháp trừng phạt liên quan đến quyền con người đối với Bí thư Tân Cương Trần Toàn Quốc, người cũng là ủy viên Bộ Chính trị và các quan chức khác bị cáo buộc chịu trách nhiệm cho cuộc đàn áp an ninh, dự luật viết.
Bắc Kinh luôn bác bỏ cáo buộc về Tân Cương, kêu gọi Hoa Kỳ và các nước khác tránh xa các “vấn đề nội bộ” của họ
“Các quan chức chính phủ Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về tội đồng lõa trong tội ác này và cần ngăn các doanh nghiệp Mỹ góp phần giúp Trung Quốc hình thành chế độ cảnh sát công nghệ cao ở Tân Cương”, dân biểu Cộng hòa Chris Smith, một trong những người đề xướng dự luật tại Thượng viện và Hạ viện.
Nhà Trắng và sứ quán Trung Quốc tại Washington không bình luận về dự luật, cũng được Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio và Thượng nghị sĩ Dân chủ Bob Menendez đề xướng.
Các trợ lý cấp cao của Trump gần đây cũng mạnh mẽ hơn khi chỉ trích Trung Quốc về chuyện Tân Cương.
Tuy nhiên, bất kỳ biện pháp chế tài nào, sẽ là động thái hiếm hoi dựa trên cơ sở nhân quyền của chính quyền Trump chống lại Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng cuộc chiến thương mại vẫn đang tiếp diễn.
Bắc Kinh luôn bác bỏ cáo buộc về Tân Cương, kêu gọi Hoa Kỳ và các nước khác tránh xa các “vấn đề nội bộ” của họ.
Trung Quốc bị cáo buộc giam giữ rất nhiều người Uighurs và nhiều người thuộc các sắc tộc thiểu số khác theo Hồi giáo tại Tân Cương
Trước đó, tin cho hay Trung Quốc tăng mạnh chi tiêu an ninh trong năm 2017 tại khu vực Tân Cương ở miền viễn tây, nơi có hàng trăm ngàn người Hồi giáo bị cho là đang bị giam giữ, theo nội dung một bản phúc trình mới.
Chi tiêu cho các khu vực ”có các công trình cơ sở xây dựng liên quan đến an ninh” của Trung Quốc tăng lên 213% trong thời gian từ 2016 đến 2017, Quỹ Jamestown có trụ sở tại Mỹ nói.
Dữ liệu từ vệ tinh cũng chỉ ra có sự tăng đột biến về các cơ sở an ninh mới trong năm 2017.
Trung Quốc nói đó chỉ là những trung tâm đào tạo nghề.
Tuy nhiên, theo dữ liệu về ngân sách mà tác giả bản phúc trình, Andrian Zenz, một nhà nghiên cứu người Đức, rà soát, thì chi tiêu cho đào tạo nghề tại Tân Cương trên thực tế là giảm 7% trong năm 2017.
Trong khi đó, chi tiêu cho những công trình liên quan đến mục đích an ninh tăng 2,9 tỷ đô la.
tập trung trên sa mạc ở Tân Cương đang được xây dựng với tốc độ đáng kinh ngạc (ảnh chụp vệ tinh)
Các số liệu về ngân sách Tân Cương “phản ánh hạng mục chi tiêu tương ứng với việc xây dựng và vận hành các trại cải tạo chính trị, được thiết kế để giam giữ hàng trăm nghìn người Uighur với quy trình tối giản,” ông nói.
Dựa trên tài liệu về đấu thầu của chính quyền địa phương, ông Zenz trước đó đã nhận định “ít nhất hàng trăm ngàn người, mà có thể là lên tới hơn một triệu người Uighur cùng với các sắc tộc thiểu số khác theo Hồi giáo có thể đang bị giam giữ tại Tân Cương”.
Những ước tính trên cũng đã được trích dẫn tại Ủy ban nhân quyền của Liên Hiệp Quốc hồi đầu năm nay.
Trung Quốc bác bỏ việc gọi các cơ sở này là trại giam giữ.
Quan chức đứng đầu khu vực nói rằng “chương trình giáo dục và đào tạo nghề” giúp mọi người “nhận ra những sai lầm của mình , thấy rõ được bản chất và tác hại của chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan trong tôn giáo”.
Theo các quan chức địa phương, các lớp học tập trung giảng về lịch sử, ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc.
Các cựu tù nhân người Uighur hiện đang sống ở nước ngoài nói với BBC rằng họ phải hát những bài hát của Đảng Cộng sản trong các trại cải tạo, và học thuộc lòng những điều luật, nếu không sẽ bị đánh đập.
Một người đàn ông cho hay ông đã bị giam giữ vào năm 2015 sau khi cảnh sát tìm thấy bức ảnh người phụ nữ đeo mạng che mặt trong điện thoại của ông.
Ông Zenz, một nhà nhân chủng học và là chuyên gia về chính sách dân tộc Trung Quốc ở Trường Văn hóa và Thần học Châu Âu ở Đức, cũng phát hiện ra rằng các trại cải tạo được xây dựng bởi cùng một tổ chức vốn chuyên theo dõi hệ thống lao cải của Trung Quốc, là hệ thống nay đã bị bãi bỏ.
Trong một diễn biến riêng rẽ, hôm thứ Ba (06/11), hồ sơ về nhân quyền của Trung Quốc được đưa ra xem xét tại Hội đồng Nhân quyền LHQ ở Geneva.
Để đáp trả mối quan ngại của Anh, Pháp, Đức và Mỹ về những vụ nghi là bắt giữ hàng loạt, đại diện Trung Quốc Lạc Ngọc Thành cho biết nước ông “sẽ không chấp nhận những cáo buộc mang động cơ chính trị từ một số quốc gia đầy thành kiến”.
Ông nói Trung Quốc cần phải được tự do “lựa chọn con đường của riêng mình” trong vấn đề nhân quyền.
Mỹ nói sẽ cân nhắc việc áp lệnh trừng phạt lên Trung Quốc do các chính sách của Bắc Kinh, điều mà Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói đã vi phạ quyền tự do biểu đạt, tự do tín ngưỡng và quyền riêng tư.
Người Uighur là ai?
Người Uighur chủ yếu theo Hồi giáo, là cộng đồng có khoảng 11 triệu người sinh sống tại vùng Tân Cương của Trung Quốc, chiếm khoảng 45% dân số nơi đây.
Họ tự coi mình gần gũi với các quốc gia Trung Á về mặt văn hóa và sắc tộc. Ngôn ngữ của họ giống với tiếng Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, trong những thập niên gần đây, đã có tình trạng di cư ồ ạt của người Hán tới Tân Cương, và người Uighur cảm thấy văn hóa, đời sống của họ bị đe dọa.
Tân Cương được chính thức coi là một vùng tự trị trong Trung Quốc, giống như Tây Tạng.

Bài Khác