Tướng Lê Văn Hưng Và Những Sự Thực Ở Chiến Trường An Lộc Trong Mùa Hè 1972 [KỲ 2]

Tướng Lê Văn Hưng Và Những Sự Thực Ở Chiến Trường An Lộc Trong Mùa Hè 1972 [KỲ 2]

3. TƯỚNG LÊ VĂN HƯNG VÀ SƯ ĐOÀN 5 BỘ BINH

 Chỉ một thời gian làm việc với Đại tá Lê văn Hưng, tôi hiểu rõ khả năng của ông hơn và thành thực khen ngợi ông là người chí công vô tư. Về khả năng, tôi có thể nói ông quyết đoán chính xác và nhanh chóng. Tôi sẽ đề cập đến sau. Trước tiên, xin nói về bản tính và cách cư xử của ông đối với mọi người. Ông rất thẳng thắn, cương nghị, nhưng là người mang trong trong lòng thứ tình cảm đậm đà –với hai thí dụ điển hình là sự đối xử của ông với Trung tá Lê Thọ Trung và với tôi.

Nhìn dáng dấp bên ngoài, thuộc cấp có thể nghĩ ông là người khó đến gần hoặc nghiêm khắc, vì tướng người cao, rắn rỏi, nghiêm nghị, nhất là ít nói. Kỳ thực ông rất thương yêu binh sĩ, hạ sĩ quan và sĩ quan cấp uý. Ông chọn rất kỹ hạ sĩ quan và sĩ quan cấp thiếu úy và trung úy để đặt vào các chức vụ tiểu đội trưởng, trung đội trưởng và đại đội trưởng. Ở cấp tiểu đoàn trưởng, ông thường chọn những đại uý hay thiếu tá trẻ dày dạn trận mạc, can trường, đánh trận hay và nhất là biết suy nghĩ, lo lắng và thương yêu binh sĩ. Ông thường nói với tôi rằng các cấp chỉ huy nầy biết thương yêu, lo lắng cho binh sĩ thì mình sẽ đỡ lo hơn và an tâm hơn. Vì vậy ông tỏ ra thân mật với cấp chỉ huy ở cấp tiểu, trung, đại đội, và các tiểu đoàn. Đôi khi ông nhớ rõ tên một hạ sĩ quan tiểu đội trưởng hay trung đội trưởng của một đại đội hay tiểu đoàn nào đó mà tôi nghĩ là ít vị tư lệnh sư đoàn nào để ý đến. Tuy nhiên ở cấp Trung đoàn trưởng, Tư lệnh Sư đoàn không quyết định được, thường là do Tư lệnh Quân đoàn hoặc cấp cao hơn bổ nhậm.

SĐ5BB có 3 Trung đoàn Bộ binh 7, 8, và 9, Thiết đoàn 1 Kỵ binh, 4 tiểu đoàn Pháo binh gồm Tiểu đoàn 50 đại bác 155 ly, các Tiểu đoàn 51, 52, và 53 đại bác 105 ly. Ngoài ra còn các Tiểu đoàn chuyên biệt khác như Công binh, Truyền tin, Tiếp vận và Quân y. Tổng cộng quân số trên 11,000 người. Trung đoàn 7 Bộ binh do Trung tá Lý Đức Quân chỉ huy (sau đó thăng Đại tá và tử trận thăng cố Chuẩn tướng). Ông Quân gốc dân tộc Nùng cũng như đại đa số sĩ quan, hạ sĩ quan và binh sĩ đều thuộc sắc tộc này từ khi được thành lập với danh hiệu là Sư đoàn 4 Dã chiến. Sau chuyển thành SĐ5BB. Dần dà khi QLVNCH phát triển thì số binh sĩ sắc tộc Nùng gần như hoàn toàn tập trung vào Trung đoàn 7. Trung tá Quân là một sĩ quan mẫu mực, đạo đức, khả năng và kinh nghiệm tác chiến cao nên Đại tá Hưng rất hài lòng. Trung đoàn 8 Bộ binh được Tướng Minh giao cho Trung tá Mạch văn Trường chỉ huy (Ông Trường xuất thân Khóa 12 Võ bị Dalat. Khi tốt nghiệp, toàn khóa được đưa sang một Trường Bộ binh Hoa Kỳ để học chỉ huy cấp đại đội bộ binh. Nhưng chính bản thân ông chưa hề chỉ huy một đại đội bộ binh trong QLVNCH, mà là một sĩ quan Quân Báo. Làm Trung đoàn trưởng nghĩa là sẽ thăng cấp Đại tá). Biết Trung tá MVT chưa từng cầm quân nên Tướng Hưng đưa Thiếu tá Huỳnh văn Tâm là một

sĩ quan rất trẻ nhưng đã từng là Tiểu đoàn trưởng cừ khôi, làm Trung đoàn phó. Trung đoàn trưởng Trung Đoàn 9 là Đại tá Nguyễn Công Vĩnh, lớn tuổi, ốm yếu, mà lần đầu gặp lại sau nhiều năm, tôi tự nghĩ là ông nên xin về làm việc ở một nha sở nào ở Trung ương hơn là đi đánh giặc. Tuy nhiên dưới quyền ông có hai sĩ quan lỗi lạc là Thiếu tá Trần Đăng Khoa Trung đoàn phó và Thiếu tá Võ Trung Thứ, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1/9, xuất thân Thủ khoa Khóa 15 Võ bị Dalat. Thiết đoàn trưởng Thiết đoàn 1 Kỵ binh là Trung tá Nguyễn Đức Dương.

Đầu tháng 3, 1972 nhân ngày kỷ niệm thành lập Sư đoàn, Đại tá Lê văn Hưng thăng Chuẩn tướng nhiệm chức và Trung tá Mạch văn Trường, với chức vụ Trung đoàn trưởng, cũng thăng Đại tá nhiệm chức. Người bị Tướng Nguyễn văn Minh bỏ quên, không đề nghị thăng cấp, là Trung tá Lê Thọ Trung, Tham mưu trưởng Sư đoàn, rất thâm niên trong cấp bậc.

Đối với các sĩ quan cấp tá thì Tướng Hưng rất nghiêm minh, nhất là các sĩ quan tham mưu. Đó là lý do tại sao Đại tá Lê Nguyên Vỹ, Tư lệnh phó Sư đoàn và các sĩ quan cấp tá khác thường bị ông Hưng “nẹt” khá nhiều lần ngay trong các buổi họp ở Trung tâm Hành quân. Và một buổi chiều, sau khi ông V. bị nự, không nhớ lần thứ mấy, hết buổi họp, tôi theo Tướng Hưng vào văn phòng tư lệnh. Lúc ông đang chưa hết cơn giận, thấy tôi bước vào, ông ngạc nhiên nhưng không nóí gì thì chính tôi nói: -“Xin… cho tôi được trình bày.” Tướng Hưng chưa kịp nói gì thì tôi đã tiếp. -“Tôi nghĩ là anh xử sự quá đáng với Đại tá V. Ông ta cứ bị “nự” hoài, làm sao chịu nổi. Đại tá V., hay chúng tôi cấp trưởng phòng, đều có trách nhiệm trình bày ý kiến của mình, dù đúng hay sai… Bị nự hoài ai dám nói nữa… nhất là trước mặt thuộc cấp.” Tướng Hưng nổi cáu, lớn tiếng: -“Không phải việc của mày!” Tôi nói một câu trước khi chào và bước ra: -“Xin lỗi Thiếu tướng, nếu không phải thì… tôi đi.” Đó là lần đầu tiên và cuối cùng Tướng Hưng gọi tôi bằng “mày”, mà tôi nghĩ là xuất phát từ thâm tâm ông coi tôi là một bạn đồng khoá ngày xưa hơn là một thuộc cấp. Từ đó chữ này biến mất. Và chắc chắn ông hiểu rõ chữ “Thiếu tướng” mà tôi dùng trong buổi chiều đó là mang theo sự bất bình của tôi. Thường nhật trước mặt mọi người tôi gọi ông là Thiếu tướng, vào những lúc khác chỉ riêng có hai người, hoặc trước mặt vợ ông, tôi gọi là “anh’, vì ông Hưng lớn hơn tôi. Ông sinh tháng 3, năm 1933. Tôi sinh tháng 1, năm 1934, mặc dù cùng năm Quí Dậu. Ông thường gọi tôi bằng tên: “Dưỡng à”, hoặc “này Dưỡng”, không thêm một chữ nào nữa. Không “toi”, không “cậu”, không “mày”…

Sáng hôm sau, tôi tạt qua văn phòng Tham mưu trưởng, nạp lá đơn xin thuyên chuyển, trước khi ra sân bay trực thăng chờ tháp tùng Tướng Hưng đi thăm các đơn vị. Khi bước xuống xe jeep, trước khi lên trực thăng chỉ huy của mình, Tướng Hưng bắt tay Trung tá Trịnh Đình Đăng, Trưởng Phòng 3, và tôi. Đến khi bắt tay tôi, ông Hưng cười, không nói gì. Buổi trưa, trở về Lai Khê, khoảng chừng 2 giờ chiều Trung tá Trung, Tham Mưu Trưởng, gọi tôi lên văn phòng cho biết là ông đã gặp Tướng Hưng về việc của tôi và lập lại lời Tướng Hưng nói với ông: “Dưỡng nó làm nư, bỏ lá đơn đi.” Tôi thực tình không làm nư với ông Hưng, mà định xin thuyên chuyển thật. Tôi cũng không ngượng ngùng gì khi gặp ông buổi chiều trước giờ họp. Tuy nhiên mấy ngày sau, Tướng Hưng khi gặp riêng tôi, nói rằng Đại tá Lê Nguyên Vỹ và ông không hợp tính với nhau. Chỉ một tuần sau Tướng Nguyễn văn Minh điều Đại tá V. về làm Phụ tá Hành quân ở Bộ Tư lệnh QĐIII & V3CT. Chức vụ Tư lệnh phó SĐ5BB không có người thay thế. Có một đại tá khác thuyên chuyển về Sư đoàn là Đại tá Bùi Đức Điềm, nguyên Tỉnh trưởng Long Khánh, Tướng Minh không tín nhiệm, bãi chức. Khi về Sư đoàn Đại tá Điềm cũng chỉ giữ chức Tham mưu trưởng Hành quân mà không phải là tư lệnh phó hay phụ tá hành quân cho Tướng Hưng. Ông Điềm là một đại tá kỳ cựu, người có công rất lớn trong cuộc chiến An Lộc diễn ra một tháng sau đó. Ông ta bị bỏ quên như một gốc cổ thụ già cằn cỗi trong một xó rừng nào đó của Bình Long. Mãi đến gần cuối năm 1972 Sư đoàn mới có vị tư lệnh phó là Đại tá Nguyễn Bá Long, tự Thìn, nguyên Tỉnh trưởng Kontum, và là người có công rất lớn trong việc giữ vững thành phố tỉnh lỵ này; ở đó hình như cũng có… bất công diễn ra liên quan đến vị đại tá này.

Tôi sẽ nói riêng về những sự bất công của cuộc chiến An Lộc đúng như sự thực, khác hơn nhiều người viết thêm bớt, dù tôi biết là những gì tôi đề cập đến sẽ làm nhiều người không hài lòng và sẽ đem đến cho tôi những ̣điều không tốt lành nào đó. Tôi chấp nhận, khi tôi nói sự thực, và chỉ là sự thực, trước đây có rất nhiều người biết mà không thể nói. Tôi cũng muốn quên đi từ hơn mấy chục năm qua. Nhưng không thể quên được. Nhiều lần tôi tự hỏi phải chăng hào quang của những vị anh hùng trong QLVNCH đã bị số ít người lãnh đạo bất xứng với những vầng mây u ám, nhưng quá to lớn của họ, che lấp mất rồi chăng? Tôi đã đắn đo nhiều lắm. Tôi đã câm nín quá lâu khi không nói nỗi oan mà Tướng Hưng hay Đại tá Bùi Đức Điềm, hoặc ai đó nữa, bị trù dập bởi thượng cấp. Đến nay một vài vị còn bị những người ngoại cuộc, không hiểu tường tận, bôi biếm. Nay nghĩ lại, nếu tôi biết mà không nói thì ai sẽ nói… Tôi là chứng nhân, là người trong cuộc, dù sự hiểu biết của tôi chỉ cho phép tôi nói lên những gì ít nhất và lễ độ nhất. Hôm nay, tôi viết vì những người còn sống nhất là hai cháu Hải và Hà, con của Tướng Hưng, lúc đó mới chỉ là hai đứa trẻ thơ đã mồ côi cha. Nay đã lớn, các cháu cần biết rõ hơn về cuộc đời nhiều sóng gió và khổ tâm của người cha anh hùng của các cháu. Tôi cũng viết gửi về chị Hưng, PKH, hiện cư ngụ ở đâu đó trên đất nước Hoa Kỳ, là tôi hãnh diện có những thời kỳ sống và chịu nhiều gian khổ, hiểm nguy, với một vị Thần mà lúc đó chúng tôi không hề biết. Thần và người chỉ khác nhau ở mực thước làm người. Những con người tham quyền, cố vị, vinh quang thì muốn hưởng, khi hiểm nguy thì tránh né, vận nước đảo điên thì trốn chạy, buông quân, bỏ cờ, dù là tướng, thì cũng chỉ là những con người tầm thường như mọi người tầm thường khác. Tướng mà coi mạng sống của bản thân và của gia đình mình quá nặng thì làm sao có thể thành anh hùng hay thành Thần được. Còn làm Tướng mang sinh mệnh đền ơn tổ quốc, chết theo thành, thì thiên cổ đã ghi “Sinh vi Tướng, tử vi Thần.” Lịch sử Việt Nam còn đó, gương kim cổ mãi mãi sẽ còn được rọi soi. Năm vị tướng lãnh của miền Nam Việt Nam tuẫn tiết trong ngày cuối “Tháng Tư Đen” sẽ lưu danh thiên cổ.

4. CHIẾN CUỘC Ở BÌNH LONG MÙA HÈ NĂM 1972: TIN TỨC VÀ CÁC ƯỚC TÍNH TÌNH BÁO

Sau khi nhận chức Tư lệnh SĐ5BB thay Thiếu tướng Nguyễn văn Hiếu đầu tháng 6, năm 1971, Tướng Lê văn Hưng củng cố lại các đơn vị trực thuộc và mở những cuộc hành quân cấp Chiến đoàn (thường là một Trung đoàn Bộ binh cộng thêm Thiết kỵ và Pháo binh) vào các mật khu Việt Cộng trong khu vực trách nhiệm của Sư đoàn gồm các tỉnh Bình Dương, Bình Long và Phước Long như các mật khu Tam giác Sắt, Long Nguyên, Bến Than cặp theo sông Sàigòn và Chiến khu D vùng hữu ngạn Sông Bé, phía nam Đồng Xoài, là những địa danh nổi tiếng với những trận đánh đẫm máu giữa liên quân Hoa Kỳ & QLVNCH và quân xâm nhập CSBV & VC giữa thập niên 1960. Bộ Tư lệnh SĐ5BB đóng tại đồn điền cao-su Lai Khê, quận Bến Cát, tỉnh Bình Dương.

Hai sư đoàn khác của QĐIII & V3CT là SĐ18BB và SĐ25BB. Ngoài ra Quân đoàn còn một Lữ đoàn Thiết kỵ và một Liên đoàn Biệt Động quân là lực lượng trừ bị và xung kích trong các cuộc hành quân ngoại biên trong thời kỳ của Tướng ĐỗCao Trí, chưa kể đến các đơn vị Pháo binh, Công binh, Biệt Động quân Biên phòng và Địa phương quân, một sư đoàn Không quân và các đơn vị Hải quân. Riêng các đại đơn vị cấp sư đoàn bộ binh thì SĐ18BB phụ trách khu vực hành quân chiến thuât gồm 4 tỉnh Biên Hòa, Long Khánh, Phước Tuy, Bình Tuy và Thị xã Vũng Tàu. Bộ Tư lệnh đóng ở Thị trấn Xuân Lộc, Tỉnh Long Khánh. SĐ25BB phụ trách khu vực hành quân chiến thuật gồm 3 tỉnh Tây Ninh, Hậu Nghĩa, và Long An. Bộ Tư lệnh đóng ở Củ Chi. Biệt khu Thủ đô –sau đó đổi danh thành Quân khu Thủ đô gồm Đô thành Saigòn, Chợ Lớn, tỉnh Gia Định cũng thuộc lãnh thổ và trách nhiệm bảo vệ cuả BTL/ĐQIII & V3CT.

Khi Trung tướng Nguyễn văn Minh thay thế Tướng Đỗ Cao Trí –tử nạn trực thăng tháng 2, 1971– không hiểu vì lý do gì không sử dụng nhân tài mà Tướng Trí đã rất tin tưởng như trường hợp thuyên chuyển Đại tá Lê Đạt Công, Trưởng Phòng 2 QĐIII & V3CT về SĐ21BB, và không sử dụng Chuẩn tướng Trần Quang Khôi, Tư lệnh Lữ đoàn 3 Thiết kỵ (the 3rd Armored Cavalry Brigade) vừa mới ở Hoa Kỳ về sau khi học một khóa quân sự cao cấp. Tướng Minh đã giải thể và phân tán Lữ đoàn Thiết kỵ và Lực lượng Xung Kích của Quân Đoàn (III Corps Assault Force –IIICAF) trước đó do Tướng Trí thành lập và Tướng Khôi là tư lệnh. Quan niệm hành quân của Tướng Minh cũng thay đổi theo cục diện chiến trường. Tướng Minh lần lượt rút hết các cánh quân ở Miên về phòng thủ vùng lãnh thổ trách nhiệm. QĐIII & V3CT lâm vào thế bị động. Tuy vậy, trong ba tháng cuối năm 1971, với sự tăng viện của các đơn vị cấp lữ đoàn Dù và Thủy quân Lục chiến, Tướng Minh đã tổ chức những cuộc hành quân sâu vào lãnh thổ Miên trên trục lộ 7 để giải tỏa áp lực của các sư đoàn CSBV đang bao vây và có ý định dứt điểm cứ điểm hỗn hợp cuối cùng cấp chiến đoàn Việt-Mỹ ở Krek trên đất Miên, phía bắc biên giới Tây Ninh, gây thiệt hại nặng cho các đơn vị địch. Đó là lần cuối cùng chiến thắng trên đất Miên. Sau đó, đến cuối năm, ông ra lệnh triệt thoáibỏ luôn căn cứ nầy rút lực lượng về tăng cường các căn cứ trên trục lộ 22, phía bắc tỉnh lỵ Tây Ninh và tái phối trí lại lực lượng Quân đoàn III trong Vùng Chiết Thuật trách nhiệm.

Khu vực lãnh thổ trách nhiệm hành quân chiến thuật của SĐ5BB gồm ba tỉnh Bình Dương, Tỉnh trưởng là Đại tá Nguyễn văn Của; Bình Long, Tỉnh trưởng Đại tá Trần văn Nhựt; Phước Long, Tỉnh trưởng Đại tá Lưu Yểm. Lực lượng của Sư đoàn được tái phối trí như sau: Chiến Đoàn 9, do Đại tá Nguyễn Công Vĩnh chỉ huy, gồm Trung đoàn 9 Bộ binh với Tiểu đoàn 1/9, 2/9 và 3/9, Tiểu đoàn 53 Pháo binh gồm 14 khẩu đại bác 105 ly được tăng cường 4 khẩu 155 ly (của Tiểu đoàn 50 Pháo binh), và Thiết đoàn 1 Kỵ binh (-), phụ trách hành quân ở vùng tây bắc biên giới tỉnh Bình Long từ căn cứ Alpha ở biên giới Việt-Miên trên Quốc lộ 13, về hướng đông qua Ngã ba Lộc Tấn, giao điểm của Quốc lộ 13 và Liên tỉnh lộ 14, đến Quận Bố Đức thuộc Tỉnh Phước Long.

Bộ Chỉ huy Chiến Đoàn 9 đóng tại căn cứ chính của Tiểu đoàn 74 Biệt động quân Biên phòng (TĐ74/BĐQ/BP) nằm cuối sân bay Quận Lộc Ninh, phía tây con đường từ Chợ chạy cặp theo sân bay đến ven rừng cao su phía tây thị xã. TĐ74/BĐQ/BP lúc đó trấn giữ Căn cứ Alpha ở biên giới Việt-Miên, với 4 khẩu đại bác 105 ly cơ hữu, được đặt dưới quyền phối hợp chỉ huy hành quân của Trung tá Nguyễn Đức Dương, Thiết đoàn trưởng Thiết đoàn 1 Kỵ binh (TĐ1KB). Bộ Chỉ huy Thiết đoàn đóng ở Ngã ba Lộc Tấn, giao điểm của hai trục lộ 13 và 14, được tăng cường 4 khẩu đại bác 105 ly, với Chi đoàn 3/1 Thiết kỵ và Chi đoàn 1/1 Chiến xa; tính chung 40 chiến xa, trong đó có 14 M-41, 26 Thiết quân vận đủ loại, chưa kể các xe kéo pháo, GMC và Jeep. Hai chi đoàn này hoạt động trên các trục lộ 13 và 14 bắc Lộc Ninh. Toàn bộ Tiểu đoàn 1/9 đóng ở Quận Bố Đức trên lộ 13, tả ngạn Sông Bé thuộc Tỉnh Phước Long, giáp ranh với Tỉnh Bình Long. Tiểu đoàn 2/9 (-) hoạt động trong vùng tây bắc Lộc Tấn, phối hợp và yểm trợ cho TĐ74/BĐQ/BP và TĐ1KB. Tiểu đoàn 3/9 (-) hoạt động lưu động trong vùng từ 3 đến 5 cây số tây nam Thị xã Lộc Ninh. Mỗi Tiểu đoàn để lại một đại đội bảo vệ Bộ Chỉ huy Chiến Đoàn 9, trong khi Đại đội Trinh sát 9 hoạt động vùng ranh giới Bình Long–Tây Ninh, phía bắc Căn cứ Tống Lê Chân, do Tiểu đoàn 92 BĐQ/BP trấn đóng trên Sông Saigòn vùng phía bắc Bến Than, tây bắc Quận Chơn Thành, Tỉnh Bình Long. Bộ Chỉ huy Tiểu đoàn 53 Pháo binh của Trung tá Hoàng … Thông ̣̣(chữ lót không nhớ) và các vị trí pháo đóng trong một căn cứ cũng nằm trên con đường chạy cặp theo sân bay, cách Bộ Chỉ huy Chiến Đoàn chừng 400 thước và cách Bộ Chỉ huy Quận và Chi Khu Lộc Ninh chừng 200 thước. Thiếu tá Nguyễn văn Thịnh, Quận trưởng kiêm Chi khu trưởng có hai đại đội Địa Phương quân và hai Trung đội Nghĩa quân để lo an ninh cho Bộ chỉ huy của mình, không kể 4 đại đội Địa phương quân và các Trung đội Dân vệ khác trong toàn quận và chừng một Trung đội cảnh sát của Chi Cảnh sát Quận đóng ở khu vực Chợ Lộc Ninh.

Xa hơn về phía nam Lộc Ninh, khoảng 15 cây số là Sông Cần Lê nối liền Sông Sàigòn và Sông Bé, với chiếc cầu Cần Lê béton cốt sắt vững chãi. Tại đây được phối trí một đại đội của Tiểu đoàn 2/9, một Pháo đội hỗn hợp 155 ly và 105 ly, một đại đội Công binh Chiến đấu và hai đại đội Địa Phương quân. Tất cả do Trung tá Nguyễn văn Hoà chỉ huy. Phía bắc cầu Cần Lê, chừng bốn cây số, bên trái Quốc lộ 13 là Tỉnh lộ 17, bắt đầu từ Quốc lộ 13 chạy về hướng tây vào lãnh thổ Tây Ninh. Con đường nầy dài chừng 20 cây số. Khoảng hơn hai cây số từ lộ 13 đi về hướng Tây Ninh là Căn cứ Hùng Tâm gồm hai căn cứ nhỏ cấp tiếu đoàn nằm ở hai bên lề bắc và nam của Tỉnh lộ 17. Theo tin tức và theo yêu cầu của Tướng Hưng. Trung tướng Minh tăng phái cho SĐ5BB Chiến Đoàn 52 của SĐ18BB trong ngày 28 tháng 3, 1972, đóng ở hai căn cứ Hùng Tâm này. Chiến đoàn nầy gồm Tiểu đoàn 2 của Trung đoàn 52 , Tiểu đoàn 1 của Trung đoàn 48 thuộc SĐ18BB, Đại đội Trinh sát của sư đoàn với bốn khẩu pháo 105 ly, hai khẩu 155 ly, và một Đại đội Công binh.

Phía nam Cầu Cần Lê chừng 9 cây số là Thị xã An Lộc, tỉnh lỵ của Tỉnh và Tiểu khu Bình Long. Đại tá Trần văn Nhựt, Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng, là một cấp chỉ huy giàu kinh nghiệm tác chiến của Thủy quân Lục chiến, từng là Trung đoàn trưởng các Trung đoàn 43 và 48 của SĐ18BB. Cá nhân ông là một sĩ quan can trường, nhưng khiêm tốn, tế nhị, rất khéo xử thế và được sự mến chuộng của thượng cấp và thuộc cấp. Cố vấn Hoa Kỳ rất khen ngợi ông, có lẽ cũng vì sự khéo léo của ông. Tại An Lộc, Đại tá Nhựt có khoảng hai Tiểu đoàn Địa phương quân và nhiều Trung đội Nghĩa quân và Dân vệ. Quân số tổng cộng dưới 2,000 người nhưng chia đóng ở nhiều nơi trong tỉnh. Tại tỉnh lỵ và vùng xã ấp phụ cận, vùng Đồi Gió và Đồi 169 ở đông nam tỉnh lỵ, chỉ có chừng 800 người, với vài chiếc thiết giáp cũ loại V-100 và mấy Pháo đội hỗn hợ̣p đại bác 105 ly và 155 ly.

Tướng Hưng đặt Bộ Tư lệnh Hành quân nhẹ của SĐ5BB trong thị xã. Bên ngoài, cách thị xã về hướng tây bắc là căn cứ Charlie, nơi đóng Bộ chỉ huy Trung đoàn 7 của Sư đoàn. Hai Tiểu đoàn 2/7 và 3/7 với Đại đội Trinh sát 7 hoạt động xung quanh thị xã và khu vực tây bắc. Hai đại đội của Tiểu đoàn 1/7 hoạt động hướng đông bắc và hai đại đội khác của tiểu đoàn nầy đóng ở căn cứ Quản Lợi, cách thị xã An Lộc chừng 7 cây số về hướng đông bắc. Tại đây còn có một đại đội Địa Phương quân và một đơn vị Lôi Hổ cấp đại đội. Căn cứ chính của Trung đoàn 7 vẫn còn ở Quận Phú Giáo, Tỉnh Bình Dương với một số ít binh sĩ bảo vệ. Quận và Chi Khu Chơn Thành của Tỉnh Bình Long, ở phía nam An Lộc, chừng 30 cây số có hai đại đội Địa phương quân bảo vệ. Nam Chơn Thành chừng 30 cây số là Căn cứ Lai Khê, nơi đặt Bộ Tư lệnh chính của SĐ5BB, trong địa phận Quận Bến Cát của Tỉnh Bình Dương, cách tỉnh lỵ Bình Dương chừng 20 cây số.

Trung đoàn khác của SĐ5BB là Trung đoàn 8, với Bộ Chỉ huy Trung đoàn, một tiểu đoàn và Đại đội Trinh sát bảo vệ Căn cứ Lai Khê. Một tiểu đoàn đang thụ huấn tại Trung tâm Huấn luyện của Sư đoàn ở Bình Dương và một tiểu đoàn thứ ba đang hành quân ở Quận Dầu Tiếng, Tỉnh Bình Dương, nằm ở tả ngạn Sông Saigòn.

Từ đầu tháng 2, 1972, trong khu vực trách nhiệm của Chiến đoàn 9, các đơn vị của Chiến đoàn nhiều lần chạm súng với cấp tiểu đội hay trung đội quân CSBV ở vùng biên giới tây bắc, gần các mật khu của chúng vùng Lưỡi Câu ở vùng biên giới, hoặc dọc theo hành lang Sông Saigòn –ranh giới giữa Bình Long và Tây Ninh– và bên ngoài mật khu Bến Than phía tây Chơn Thành, đã hạ một số cán binh của chúng, phần lớn là thành phần cán binh trinh sát của hầu hết các Sư Đoàn chính qui CSBV & TWC/MN 5, 7, 9. Một số tài liệu tịch thu được trên các xác chết là các tài liệu học tập về “tấn công hợp đồng bộ binh, pháo binh và chiến xa vào thành phố”. Chúng tôi cũng phát hiện được một đơn vị cấp sư đoàn do Trung Ương Cục Miền Nam –TWC/MN (Bộ Tư lệnh MACV Hoa Kỳ thường gọi tổ chức này là COSVN, Central Office of South Vietnam) mới thành lập cho chiến trường Tây Ninh và Bình Long, đó là Sư đoàn Bình Long hay Sư đoàn C30B gồm Trung đoàn 271 -lấy cán bộ khung của Trung đoàn 271 Sư đoàn 9 chuyển qua- và các Trung đoàn 24, 205 và 207, hầu hết là cán binh từ Tây nguyên và miền Trung đưa vào. Từ các tin tức ở các tài liệu này, tôi trình Tướng Hưng trước tiên nên mở một cuộc hành quân vào Mật khu Bến Than, vùng phía bắc Liên Tỉnh lộ 13, nối Chơn Thành và Tây Ninh, cách Quận lỵ Chơn Thành về hướng tây chừng hơn 15 cây số. Lữ đoàn 1 Nhảy Dù được tăng phái cho SĐ5BB mở cuộc hành quân vào Bến Than trong tuần lễ thứ hai tháng 2, 1972. Kết quả tịch thu và phá hủy hơn 100 tấn g̣ạo và lương thực, tịch thu hơn 1,000 vũ khí cá nhân và phá hủy nhiều tấn đạn dược của CSBV mới được chuyển từ các mật khu biên giới Miên vào tồn trữ ở đó.

Vào trung tuần tháng hai năm 1972, trong một cuộc hành quân thám sát ở vùng đồi thấp cách phía bắc Lộc Ninh chừng 5 cây số và ở hướng tây Quốc lộ 13 chừng hơn 3 cây số, Đại đội Trinh sát của Chiến đoàn 9 chạm súng với một tiểu đội quân Công sản Bắc Việt, bắn hạ 4 tên và bắt một cán binh mang súng ngắn và hai cán binh khác. Các cán binh này được đưa về Biệt đội Quân báo Sư đoàn thẩm vấn. Chính tôi, lúc đó là Trưởng Phòng 2 Sư đoàn cũng trực tiếp tiếp xúc với các cán binh nầy. Được biết người cán binh mang súng ngắn là một sĩ quan của Bộ đội Bắc Việt, đã xâm nhập vào miền Nam trong hai năm trước, đầu tiên được bổ sung cho Sư đoàn 7 CSVB, sau cùng được chuyển sang Tiểu đoàn Trinh Sát của Sư đoàn 69 hay 70 Pháo, trực thuộc TWC/MN.

Người sĩ quan trinh sát pháo binh Cộng sản này, cấp bậc Trung uý, khai rằng anh tháp tùng tên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Trinh Sát Sư đoàn 69 Pháo của TWC/MN và hai sĩ quan khác với một tiểu đội cận vệ hôm đó đến vùng đồi phía tây lộ 13 là để điều nghiên các vị trí đặt pháo tiêu diệt căn cứ của Bộ Chỉ huy Chiến đoàn 9 Bộ binh đóng ở cuối sân bay Lộc Ninh, Bộ Chỉ huy Chi Khu Quận Lộc Ninh gần đó, và tiêu diệt căn cứ của Thiết đoàn I Kỵ binh thuộc Sư đoàn 5 Bộ binh và Tiểu đoàn 74 Biệt Động Quân biên phòng ở Ngã ba Lộc Tấn, và Căn cứ A, hay Alpha, trên Quốc lộ 13, nối liền với Quốc lộ 14A ở phía bắc Lộc Ninh, trong trận Tổng Công Kích sắp diễn ra. Trận Tổng Công Kích này sẽ lớn lao vì đơn vị của anh được học tập là sẽ hợp đồng tác chiến giữa “bộ binh, pháo binh và chiến xa vào thành phố.”

 Người tù binh trinh sát này tỏ ra thành khẩn trong những lần tiếp xúc với tôi và khai báo cặn kẽvề những gì tôi hỏi nhờ ở sự đối đãi nhẹ nhàng, cho ăn ngon, cà phê thuốc lá, và nhất là để ý thăm hỏi gia đình anh ở miền Bắc. Anh cho biết là Sư đoàn 69 Pháo TWC/MN đổi danh thành Sư đoàn 70 Pháo và từ cuối năm 1971 đã tiếp nhận thêm rất nhiều loại đại bác lớn với khối đạn dược lớn lao được chuyển từ Bắc Việt vào. Tuy nhiên, có hai câu hỏi quan trọng mà anh không thể trả lời là ngày khai diễn chiến dịch qui mô của TWC/MN và các đơn vị chiến xa Bắc Việt sẽ tham chiến. Anh nói rằng theo kinh nghiệm thì sau khi đơn vị Trinh sát Pháo điều nghiên xong trận địa, thiết lập xong sa-bàn và nếu sa-bàn phối trí pháo được thông qua thì trận chiến sẽ khai diễn độ một tuần sau đó. Nhưng nay Tiểu đoàn trưởng Trinh sát Pháo của anh vừa chết và anh bị bắt nên không rõ TWC/MN sẽ có thay đổi gì hay không. Còn về các đơn vị chiến xa, thì anh không được biết và không nhìn thấy trong khu vực đóng quân của đơn vị anh hay vùng phụ cận, mà chỉ được biết qua học tập.

Không thể khai thác gì hơn và theo lệnh, tôi cho chuyển anh nầy về Trung tâm Thẩm vấn Tù binh Vùng III Chiến thuật. Sau đó anh này được đổi sang diện “hồi chánh”. Khi trận chiến An Lộc khai diễn được một tuần, anh Trung uý Trinh sát Pháo này mặc quân phục binh sĩ VNCH, mang súng lục, theo một cố vấn Hoa Kỳ từ Biên Hòa đến gặp thăm tôi ở Bộ Chi huy Hành quân của Sư đoàn tại An Lộc. Tôi kể rõ chuyện trên đây để chứng minh rằng chúng tôi không hề bị bất ngờ về cuộc Tổng Công Kích Mùa Hè của lực lượng CSBV. Sự thực thì sự hiểu biết của người tù binh thành hồi chánh nầy rất hạn hẹp so với cục diện chiến trường diễn ra ở miền Nam trong “Mùa Hè Đỏ Lửa” 1972, vì tri quyền của một sĩ quan cấp nhỏ như anh không thể biết nhiều hơn.

Với vai trò phụ trách tình báo chiến trường của một đại đơn vị cấp sư đoàn, chẳng phải riêng tôi mà tất cả các Trưởng Phòng 2 các Sư đoàn Bộ binh của QLVNCH có trách nhiệm rất lớn đối với đơn vị và vị tư lệnh của mình. Riêng trách nhiệm của tôi đối với Tướng Hưng có phần nặng nề hơn, nhưng sự liên hệ gắn bó hơn, vì lý do ông vừa là một thượng cấp đối xử với tôi nghiêm minh nhưng không thiếu thân thiện như một người bạn. Từ sau cuộc hành quân của Lữ đoàn 1 Nhảy Dù vào Bến Than phá hủy các kho hậu cần quan trọng của TUW/MN trong nội địa tỉnh Bình Long, căn cứ vào lời khai của anh trung uý kể trên và hai tù binh khác cuả Sư đoàn 69 Pháo, cộng với những tài liệu tịch thu trước đó, trong tuần lễ thứ ba của tháng 3, tôi đã trình Tướng Hưng bản ước tính về chủ trương và khả năng của TUW/MN trong thời gian sắp tới của CSVN nhắm vào lãnh thổ trách nhiệm chiến thuật của SĐ5BB và QĐIII & V3CT. Về chủ trương, có 3 điểm cần được đặc biệt lưu ý:

1. Chắc chắn CSBV sẽ mở chiến dịch rất lớn vào QĐIII & V3CT, không rõ ngày giờ chính xác nhưng ước tính là đầu mùa hè. Đây là yếu tố quan trọng cần nỗ lực tìm hiểu thêm.

2. Cung từ của các tù binh Trinh sát Pháo của SĐ 69 Pháo TWC/MN và tài liệu học tập của các đại đơn vị CSBV thu được trên xác cán binh cuả chúng, đều nói rõ chiến dịch mới của TWC/MN là sẽ tấn công vào thành phố với lực lượng phối hợp bộ binh, pháo binh và chiến xa. Chúng tôi biết rõ về các đơn vị bộ binh của CSVN, trừ đơn vị mới thành lập là Sư đoàn Bình Long. Sư đoàn 69 Pháo đổi danh thành SĐ70 Pháo, được tăng cường trọng pháo và phòng không, tiếp nhận thêm đạn dược từ miền Bắc chuyển vào theo lộ trình đường thủy từ phía nam Thác Khone trên Sông Mékong thuộc Tỉnh Stung Treng và chuyển vào Sông Chllong thuộc Tỉnh Kratié trên lãnh thổ Miên. Đặc biệt về các đơn vị chiến xa thì chúng tôi hoàn toàn không biết gì. Tù binh bắt được cũng không khai báo một chi tiết nào đáng kể, ngoài việc TWC/MN ra lệnh nghiêm nhặt cho tất cả đơn vị CSBV phải giữ đúng qui luật và giờ giấc tiếp nhận thiết bị, quân dụng và đạn dược được chở bằng các loại phà di chuyển theo sông Mékong trên lãnh thổ Miên đến các bến đổ hàng trên con sông Chllong nầy. Tất cả đại pháo, đạn dược và quân dụng pháo binh của Sư đoàn 69 Pháo binh TWC/MN đều nhận ở các bến đổ hàng trên bờ Sông Chllong vào giờ giấc được ấn định cho mỗi đêm. Ban ngày tuyệt đối không có bất cứ hoạt động nào ở các bến đổ hàng đó và cũng không lưu lại dấu tích nào của hoạt động trong đêm trước. Với chi tiết này tôi nghĩ có lẽ CSBV đưa chiến xa từ Bắc vào Nam theo Đường mòn Hồ Chí Minh qua Thác Khone rồi mới dùng phà ngụy trang, từng chiếc một, theo Sông Mékong vào cập ở các bến trên Sông Chllong mỗi đêm trong một thời gian ít nhất là hai ba tháng trước “ngày D” của chúng và ém giấu trong các hầm đào dọc theo con sông này. Vì vậy, nên trong suốt thời gian hơn một tháng sau khi thẩm vấn các tù binh SĐ 69 Pháo, tôi đã vận dụng tất cả phương tiện sưu tầm để tìm chiến xa của CSVN, hay ít nhất những chỉ dấu nào đó về sư hiện của chiến xa, như ống dẫn dầu, hay vết xe lăn, trên lãnh thổ Miên gần biên giới, như không thám, không ảnh, hoặc thả các toán viễn thám ngụy trang như cán binh trinh sát địch nhiều lần trên bờ Sông Chllong, kể cả sử dụng nhân viên mật và mật báo viên theo các xe be khai thác các gỗ quí ở các khu rừng trên lãnh thổ Tỉnh Kratié của Miên để sưu tập các loại tin tức đó, nhưng đều vô ích. Không tìm được dấu vết nào. Biên giới Việt-Miên trong vùng rừng núi cuối dãy Trường Sơn phía bắc hai tỉnh Phước Long và Bình Long thông lên Kratié có rất nhiều đường rừng và nhiều chiếc cầu do các chủ xe be kéo gỗ bắcqua ngạch, ngòi, suối nhỏ trong rừng. Xe be kéo gỗ súc qua lại được thì chiến xa loại nặng cũng di chuyển được. Điều này làm tôi rất bận tâm, nhưng tôi không còn cách nào hơn. Tuy vậy, tôi vẫn tin vào giả thuyết của tôi là chiến xa CSBV được chở bằng phà từng chiếc trong nhiều đêm vả đổ vào vùng Sông Chllong trong lãnh thổ Tỉnh Kratié và ém quân cất giấu trong vùng này. Lúc đó, chúng tôi không còn được sử dụng Không quân đánh bom trên lãnh thổ Miên. Tuy nhiên tôi đánh dấu tất cả các cầu xe be bắc qua suối, rạch, ngòi trong rừng từ biên giới đổ lên Kratié để khi cần sẽ đánh bom triệt cầu khi cuộc chiến diễn ra.

3. Tuy không rõ ngày giờ CSVN khai diễn chiến dịch rộng lớn vào lãnh thổ QĐIII & V3CT và không tìm được dấu vết chiến xa, nhưng tôi vẫn tin tưởng một chiến dịch như vậy sẽ cỏ thể bắt đầu vào cuối mùa xuân đầu mùa hè, 1972. Phòng 2 QĐIII cũng ước tính như vậy. Phòng II/BTTM cũng cho biết ở khắp cả bốnVùng Chiến Thuật đều có những chỉ dấu của một cuộc tấn công toàn diện và cũng không rõ ngày N, giờ G, tức là ngày giờ chính xác của chiến dịch rộng lớn sắp diễn ra. Riêng tại QĐIII & V3CT, tôi trình Tướng Hưng là CSVN sẽ mở chiến dịch qui mô với ý định chiếm một trong hai tỉnh Bình Long hoặc Tây Ninh để ra mắt Chính Phủ Lâm Thời Miền Nam Việt Nam –CPLT/MN/VN (Provisional Revolutionary Government of South Vietnam -PRG hoặc PRGSV)– của nhóm Nguyễn Hữu Thọ, Trịnh Đình Thảo, Huỳnh Tấn Phát v.v…) do Hồ Chí Minh và Đảng CSVN dựng lên ở miền Nam trước đây. Sự ra mắ́t cuả CPLT/MNVN là cần thiết cho CSVN trong Hội Nghị giải quyết chiến cuộc Việt Nam và cuộc “mật đàm” giữa Kissinger và Lê Đức Thọ, đang diễn ra ở Paris. Về vấn đề này, câu hỏi được đặt ra là giữa hai tỉnh Bình Long và Tây Ninh, tỉnh nào là “điểm” và tỉnh nào là “diện” trong chiến dịch sắp tới của chúng?

Theo ước tính của tôi, căn cứ trên các yếu tố địa lý nhân văn, Bình Long sẽ là mục tiêu chính mà CSVN muốn chiếm để cho ra mắt CPLT/MN/VN. Vì vậy Bình Long sẽ là “điểm” của trận chiến sẽ diễn ra. Tây Ninh sẽ chỉ là “diện”. Lý do chính là thành phần quần chúng, tức cư dân của mỗi tỉnh có sự chênh lệch rõ rệt về văn hóa và tôn giáo. Tỉnh Bình Long là tỉnh mới được thành lập sau này dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa. Tỉnh gồm có 3 quận: Lộc Ninh ở phía bắc, An Lộc ở giữa và Chơn Thành ở phía nam. Tổng số cư dân chừng trên dưới 60,000 người, đa số là dân từ tứ phương đến, trừ một số chừng 4%, hay 5,000 người, thuộc sắc tộc thiểu số Stiêng. Hơn 75% là công nhân làm cho các đồn điền cao-su của người Pháp ở Lộc Ninh, Quản Lợi, Xa Cam, Xa Cát, và Xa Trạch. Chừng 10% là dân buôn bán. Số còn lại là quân nhân, công chức chính phủ và gia đình họ. Về địa thế, tỉnh Bình Long nằm trên trục lộ giao thông chính là Quốc lộ 13. Trên lãnh thổ Miên, QL-13 giao điểm với lộ 7 ở Snoul, từ đó trổ về hướng nam qua biên giới, đổ vào thị trấn Lộc Ninh, qua thành phố tỉnh lỵ An Lộc, xuống thị trấn Chơn Thành, kéo dài qua quận lỵ Bến Cát của tỉnh Bình Dương và chấm dứt ở thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh lỵ của tỉnh nầy. Trong lãnh thổ Viêt Nam, QL-13 nằm giữa hai dòng sông khá rộng là Sông Saigòn ở hướng tây và Sông Bé ở hướng đông; cách khoảng chừng 15 đến 18 cây số ở mỗi hướng, xuyên suốt từ biên giới đến lãnh thổ Bình Dương. Những đồn điền lớn kể trên nằm giữa hai dòng sông và trên trục lộ giao thông chính nầy. Phía tây bắc và đông bắc thị trấn Lộc Ninh là vùng rừng có nhiều loại gỗ quí, thân cây gốc khá to và mọc cách khoảng nhau từ 4, 5 thước. Như vậy, chiến xa cũng di chuyển dễ dàng và cũng dễ ẩn nấp tránh được quan sát không thám. Kratié, một tỉnh Miên nằm ở phía bắc hai tỉnh Phước Long và Bình Long là sào huyệt chính của TWC/MN sẽ đặc biệt trực tiếp chỉ huy chiến dịch sắp đến. Nếu CSBV chọn Bình Long làm “điểm” thì sự chỉ huy và yểm trợ hậu cần cho chiến trường của TWC/MN sẽ thuận lợi và dễ dàng hơn.

Ngược lại, Tây Ninh cùng biên giới với tỉnh Sway-Riêng của Miên ở khu Mỏ Vẹt, trước tháng 4, năm 1970, là vùng căn cứ địa quan trọng của CSBV, nơi tồn trữ hậu cần với các kho tàng tiếp liệu vũ khí của CSBV chuyển từ miền Bắc vào trong nhiều năm trước, nhưng sau những cuộc hành quân ngoại biên qui mô thời Trung tướng Đỗ Cao Trí làm Tư lênh QĐIII & V3CT cho đến tháng 2, 1971, những căn cứ địa nầy đã bị hoàn toàn phá hủy, chúng chưa đủ thời gian tái lập ngoại trừ những căn cứ trên lộ 7, vùng ngoài biên giới trên lãnh thổ Miên, phía bắc xa tỉnh lỵ Tây Ninh. Nếu tấn công lớn với chiến xa thì quân CSBV chỉ tiến từ hướng nầy đến trên trục lộ 22 vào tỉnh lỵ, còn hướng tây và tây nam vào mùa hè đồng cỏ khô, hoặc đầm lầy, địa thế trống trải khó tránh tổn thất lớn bởi các cuộc không tập của KQVN. Nhưng quan trọng nhất là yếu tố nhân văn với thành phần quần chúng đông gấp bốn lần so với Bình Long, với hơn 70% cư dân là tín đồ Cao Đài đã từng có một lực lượng võ trang lớn chống Cộng Sản từ những thập niên 1940 và 1950. Quần chúng ở đây, theo truyền thống, vẫn còn chống CS mạnh mẽ. Vả lại, cư dân lập nghiệp và sinh sống ở vùng đất lịch sử nầy từ nhiều thế hệ trước, khi Tây Ninh còn là vùng đất Trấn Biên từ thời Chúa Nguyễn khai phá đất đai miền Nam và bình phục đất Chùa Tháp. Giả sử CSBV đánh chiếm được Tây Ninh thì cũng không chiếm được lòng người dân. Hơn nữa, nếu đánh nhau lớn sẽ không tránh khỏi sự tàn phá Thánh thất Cao Đài, sẽ gieo niềm oán hận lớn trong đa số quần chúng tín đồ Cao Đài. Vậy, trong chiến dịch lớn tới của CSBV, Tây Ninh chỉ là “diện”. Bình Long sẽ là “điểm”, là mục tiêu chính mà CSVN sẽ tấn chiếm.

Trung tướng Nguyễn văn Minh, Tư lệnh QĐIII & V3CT, tin tưởng và dựa trên ước tính nầy phối trí lại lực lượng, chú trọng vào việc tăng cường lưc lượng cho SĐ5BB của Tướng Lê văn Hưng. Lữ đoàn 1 Nhảy Dù được tăng phái phối trí ở Quận Chơn Thành và mở cuộc hành quân vàomật khu Bến Than. Chiến đoàn 52 của SĐ18BB tăng cường và phối trí ở hai căn cứ Hùng Tâm, tây bắc cầu Cần Lê ở An Lộc, như trình bày ở phần trên.

Một nhầm lẫn mà đến nay còn chưa giải tỏa là khi trận chiến An Lộc diễn ra, tác giả của một số tài liệu báo chí, tập san Việt ngữ ở Hoa Kỳ đều cho rằng Đại tá Lê Nguyên Vỹ là Tư lệnh phó của Tướng Lê văn Hưng. Điều này không đúng. Thực ra Đại tá LNV (sau này lên cấp Chuẩn tướng, Tư lệnh SĐ5BB, tuẫn tiết ngày 30/4/1975) lúc đó là Phụ tá Hành quân của Trung tướng Nguyễn văn Minh. Như tôi đã trình bày, vì không hợp tính với Tướng Hưng nên Đại tá V. đã được Tướng Minh đưa về Bộ Tư lệnh QĐIII & V3CT từ mấy tháng trước. Đến khi chấp nhận ước tính của Trung tá Trần văn Bình, Trưởng Phòng 2 QĐIII & V3CT và của tôi là CSBV sẽ chọn Bình Long làm “điểm” tấn chiếm trong chiến dịch lớn sắp diễn ra, Trung tướng Nguyễn văn Minh dự định dời Bộ Tư lệnh Hành Quân (hay Bộ Tư lệnh Tiền phương) của Quân Đoàn, lúc đó đang đóng ở tỉnh lỵ Tây Ninh lên An Lộc, nên đưa Đại tá LNV và toán tiền thám –quân đội Pháp thường gọi là “élément précurseur”- và một Trung đội Công binh lên thị xã An Lộc để chuẩn bị cơ sở chỉ huy, tức Bộ Tư lệnh Tiền phương của Tướng Minh sẽ dời từ thị xã Tây Ninh sang thị xã An Lộc, Bình Long.

Nơi mà Đại tá V. cho tu bổ và chỉnh đốn trong thị xã tỉnh lỵ An Lộc là một dãy nhà ngói tường đúc xoay mặt ra đại lộ Nguyễn Huệ, một biệt thự nhỏ nằm phía sau dãy nhà này và một địa đạo ngầm, khá rộng, bên dưới sân sau biệt thự. Kiến trúc nổi và khu hầm ngầm này nằm trong khuôn viên của mảnh đất rộng rào kẽm gai, trong khu vực hành chánh của thị xã, sát cạnh Toà Hành Chánh của Tỉnh Bình Long. Cơ sở này trước đó là nơi trú đóng bộ chỉ huy của một đơn vị Lưc lượng Đặc biệt.

Khi trận An Lộc diễn ra thì Bộ Tư lệnh Hành Quân của Tướng Minh chưa dời vào An Lộc. Đại tá LNV còn bị kẹt ở lại đó. (Và khi Bộ Tư lệnh Hành Quân nhẹ của SĐ5BB, ở một địa điểm khác trong thi xã, bị pháo kích dồn dập trong ngày khởi đầu của trận chiến, thì chính Đại tá V. và Bộ Tham mưu của Sư đoàn đề nghị với Tướng Hưng dời Bộ Tư lệnh của ông sang địa đạo ngầm nói trên. Và vì vậy, suốt trận chiến, CSBV không biết được Bộ Tham mưu của Tướng Hưng ở đâu trong thị xã. Có lần cả một tiểu đoàn quân của chúng chỉ cách bộ chỉ huy mới nầy có một con đường, tấn công dữ dội, nhưng chúng không biết đã tấn công vào đơn vị nào của quân phòng thủ. Hai xe tăng loại T. 54 cũng chạy qua Bộ Tư lệnh Hành Quân mới và khi quay trở ra, bị Đại tá Vỹ bắn một chiếc. Pháo thì suốt ba tháng phá nát cơ sở của bộ tư lệnh hành quân cũ, ngang dinh Tỉnh trưởng, và gần như san bằng thành phố nhưng không một quả nào rót đúng hầm ngầm cơ sở chỉ huy mới của Tướng Hưng.)

Cũng trong ước tính trình Tướng Hưng, sau khi biết rõ trận liệt về lực lượng CSBV ở bên ngoài biên giới có thể sử dụng trong chiến dịch sắp đến gồm các đại đơn vị cũ như Sư đoàn 5, 7, và 9, kể cả Trung đoàn 429 Đặc công, cũng như sự cải biến của Sư đoàn 69 Pháo và sự thành lập Sư đoàn Bình Long. Mặc dù không tìm được dấu vết về các đơn vị chiến xa, tôi cho rằng TWC/MN có hai khả năng chiến thuật tấn công tỉnh Bình Long vì tổng số lực lượng của chúng ước lượng từ 40,000 đến 45,000 quân tác chiến, cả bộ lẫn pháo.

Giả thuyết về khả năng thứ nhất là chiến thuật “Tập Tấn”, có nghĩa là tập trung lực lượng lớn đánh chiếm tuần tự các trọng điểm nằm trên trục lộ 13 ở phía bắc tỉnh Bình Long trước, sau đó sẽ tập trung lực lượng dứt điểm chiếm tỉnh lỵ hay thành phố An Lộc. Nếu áp dụng chiến thuật này, CSBV sẽ dùng một sư đoàn bộ binh tấn công các lực lượng của SĐ5BB trên đoạn phía bắc trục lộ 13 như Tiểu đoàn 74 Biệt động quân Biên phòng và Thiết đoàn 1 Kỵ binh ở căn cứ A, hay Alpha, và Ngã ba Lộc Tấn đồng thời tấn công Tiểu đoàn 1/9 ở Quận lỵ Bố Đức trên trục lộ 14A. Trong lúc đó, dùng một sư đoàn bộ binh và chiến xa tấn công Bộ Chỉ huy Chiến đoàn 9, Tiểu đoàn 53 Pháo binh và Bộ Chi huy Chi khu Lộc Ninh đóng dọc treo con đường cặp theo sân bay trong quận lỵ Lộc Ninh. Các đơn vị CSBV nầy sẽ được Sư đoàn 70 Pháo cải danh yểm trợ dập pháo vào các đơn vị của SĐ5BB nói trên trước khi tấn công như lối đánh sở trường “tiền pháo hậu xung” của chúng. Một sư đoàn bộ binh thứ ba sẽ phục kích chận viện trên trục lộ 13, đoạn phía bắc Cầu Cần Lê và phía nam thị xã Lộc Ninh, và một trung đoàn khác phục trên trục lộ 14A giữa Ngã ba Lộc Tấn và quận lỵ Bộ Đức, đồng thời kềm chế bằng pháo binh hay tấn công bằng đặc công vào sân bay Quản Lợi để cắt tuyệt đường tiếp viện không vận từ Sàigon lên Bình Long. Sư đoàn 70 Pháo cũng sẽ yểm trợ các đơn vị pháo phòng không cho các đại đơn vị bộ binh của chúng và bắn pháo vào An Lộc để kềm chế hoạt động của SĐ5BB. Việc tấn công có phối hợp chiến xa không đủ yếu tố xác định nhưng có thể có vì tất cả tài liệu của chúng bắt được và cung từ tù binh đều nói đến. Sau khi dứt điểm xong quận Lộc Ninh, TWC/MN sẽ dồn hai sư đoàn bộ binh, đơn vị Đặc Công và Sư đoàn Pháo tấn công chiếm An Lộc trong khi một sư đoàn khác sẽ phục kích chận viện trên trục lộ 13, phía nam đồn điền cao su Xa Trạch và bắc Chơn Thành. Lai Khê cũng sẽ bị tấn công đặc công và pháo kích.

Giả thuyết về khả năng thứ hai là, TWC/MN có thể áp dụng chiến thuật “Tản Tấn”, hoặc phân tán lực lượng tấn công cùng một lúc ba nơi chính là Lộc Ninh, An Lộc và Lai Khê. Mũi tấn công thứ nhất vào Lộc Ninh gồm một sư đoàn bộ binh tăng cường pháo binh nặng, phòng không và một tiểu đoàn đặc công chia làm hai cánh quân, một tấn công Bộ Chỉ huy Chiến đoàn 9, Tiểu đoàn 53 Pháo binh và Bộ Chi huy Chi Khu và chiếm thị trấn Lộc Ninh. Cánh thứ hai tấn công Thiết đoàn 1 Kỵ binh và Tiểu đoàn 74 Biệt Động quân Biên phòng ở Căn cứ A và Nga ba Lộc Tấn. Các căn cứ này, kể cả Tiểu đoàn 1/9 ởquận lỵ Bố Đức sẽ bị pháo giập nát trước khi bị tấn công bằng bộ binh. Mũi tấn công thứ hai vào thị xã An Lộc, cũng là tỉnh lỵ Bình Long, lúc đó chỉ có hai tiểu đoàn của Trung đoàn 7 của SĐ5BB hành quân bên ngoài thi xã. Lực lượng Tiểu khu chỉ có hai đại đội Địa phương quân trấn đóng trên Đồi Gió và Đồi 169 ở đông nam thị xã và chừng hai đại đội khác ở bên trong thị xã, giữ Bộ Chi huy Tiểu khu. Mũi tấn công nầy của quân CSBV có thể gồm một sư đoàn bộ binh tăng cường thêm một trung đoàn của sư đoàn bộ binh khác, hai trung đoàn pháo nặng, phòng không và hai tiểu đoàn đặc công. Một cánh quân nhỏ chừng cấp tiểu đoàn tấn công hay phục kích các đơn vị VNCH đóng ở sân bay và đồn điền Quản Lợ̣i. Thị xã An Lộc có thể bị pháo giập nát trước khi bị tấn công bằng bộ binh. Mũi tấn công thứ ba nhắm vào căn cứ chính của SĐ5BB ở Lai Khê. CSBV chỉ cần một tiểu đoàn đặc công đánh phá hủy các kho tàng tiếp liệu và đạn dược đồng thời một đơn vị Pháo tấn kích dữ dội vào căn cứ. Một đơn vị cấp trung đoàn bộ binh tăng cường pháo phòng không đóng chốt chận viện ở trên trục lộ 13, đoạn phía bắc Chơn Thành. Pháo kích vào Bộ Tư lệnh QĐIII & V3CT ở Biên Hoà và phi trường chiến lược Biên Hoà.

May mắn là khi chiến dịch Nguyễn Huệ của CSBV khai triển vào lãnh thổ QĐIII & V3CT với mục đích đánh chiếm Bình Long chúng đã không dùng chiến thuật “Tản Tấn” trái lại chúng chọn chiến thuật “Tập Tấn” vào Lộc Ninh trước rồi mới tập trung bôn tập xuống tấn công An Lộc, thị xã tỉnh lỵ của Bình Long.

Nếu chúng chọn khả năng thứ hai, hay chiến thuật “đánh tản” phối hợp chiến thuật “dương đông kích tây”(tức là tấn công với cường độ vừa phải vào Tây Ninh và cùng một lúc tấn công dứt điểm vào An Lộc) liên tục trong ba ngày đêm liền, nhất là khi chúng có thêm chiến xa, chắc chắn lực lượng VNCH ở QĐIII & V3CT sẽ rối loạn, không điều quân kịp, đến ngày thứ ba chúng sẽ chiếm được An Lộc như mong muốn. Lúc đó ván đã đóng thuyền, QLVNCH muốn tái chiếm cũng không còn đủ lực lượng, và nếu kéo tất cả đại đơn vị trừ bị Dù, Thủy quân Lục chiến và Biệt Động Quân từ các nơi khác về để bảo vệ Thủ đô Saigòn đang rúng động, thì sẽ mất luôn Kontum và Quảng Trị. Nếu QLVNCH đem hai sư đoàn từ miền đồng bằng Sông Cửu Long lên, miền Tây sẽ rối loạn. Yếu tố “tốc chiến tốc thắng”, lúc đó, các tướng lãnh CSBV đã không nghĩ đến, dù là Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng hay Trần văn Trà kể cả Quân Uỷ Trung ương hay Bộ Chính Trị của Đảng Cộng Sản Việt Nam (Đảng Lao Động). Lý do duy nhất để giải thích có lẽ vì các tướng Bắc Việt quá tin tưởng vào khả năng phòng không với các loại hỏa tiễn mang vai SA-7 và các loại súng phòng không tối tân, sự tàn phá kinh khủng của đại pháo hủy diệt tầm xa và di động và sự xung kích dữ dội của chiến xa tối tân như T-54 và PT-76 của Liên xô nên bỏ lối “đánh tản” sở trường mà xoay ra dùng chiến thuật “đánh tập”, như lối đánh thí quân “biển người” cuả Trung Cộng, nên đã chuốc lấy thất bại ở An Lộc. Từ đó chúng đã hoàn toàn thất bại trong chiến dịch mùa Hè năm 1972. Đáng lẽ các tướng Bắc Việt phải biết hỏa lực của Không Quân Hoa Kỳ rất hùng hậu và QLVNCH đã trưởng thành, rất kiên cường. Dùng chiến thuật đánh “thí thân” là thua…

Văn Nguyên Dưỡng

Theo Việt Thức
***********

Bài Liên Quan