Pháp tiếp tục tê liệt vì làn sóng chống cải cách hưu bổng

Pháp tiếp tục tê liệt vì làn sóng chống cải cách hưu bổng

Anh Vũ Đăng ngày 10-12-2019 

media

Đoàn người biểu tình chống cải cách chế độ hưu trí tại thành phố Marseille, miền nam Pháp, ngày 10/12/2019.REUTERS/Jean-Paul Pelissier

Thời sự chiếm trang nhất của các báo Pháp ngày 10/12/2019 vẫn là cải cách hưu bổng và các cuộc đình công biểu tình tiếp tục phong tỏa cả nước Pháp trước khi dự luật được thủ tướng chính thức công bố ngày 11/12. Nước Pháp tiếp tục bị tê liệt kéo dài bởi phong trào biểu tình đình công chống dự án cải cách hưu bổng.

Báo La Croix đến với đối tượng giáo viên, những người đang lo ngại sẽ bị thiết thòi nhất trong chương trình cải cách hưu bổng. Tờ báo dành nhiều bài viết để giải thích giáo viên thực sự là những người sẽ bị thiệt trong cách tính lương hưu theo dự án cải cách của chính phủ. Đó cũng lý do để họ huy động tham gia đông đảo vào phong trào phản đối cải cách hưu bổng.

Nhật báo Libération có phóng sự dài trong các cuộc xuống đường chống cải cách hưu bổng ở khắp mọi miền đất nước để tìm hiểu căn nguyên nỗi phẫn nộ của phong trào phản kháng. Tờ báo cảnh báo sẽ có hàng trăm nghìn người trên khắp nước Pháp xuống đường ngày 10/12, trong bối cảnh mà nỗi bất bình dấy từ phong trào Áo Vàng vẫn còn đó.

Nhật báo Le Monde chạy tựa chính : « Hưu bổng : Chính phủ tới giờ lựa chọn ». Le Monde gọi đây là « tuần đầy nguy hiểm của hành pháp ». Tờ báo cho biết : Ngày thứ 5 đình công, các cuộc họp liên tiếp ở phủ tổng thống và thủ tướng để có được quyết định mấu chốt trước khi trình toàn bộ cuộc cải cách ngày 11/12. Các tổ chức công đoàn vẫn không chịu lùi bước trong khi chính phủ vẫn quyết tâm thực hiện bằng được chương trình cải cách bị phản đối rộng khắp.

Trong khi đó, Le Figaro ngắn gọn bằng hàng tựa lớn trang nhất : « Phong tỏa lớn ». Tờ báo dành tới 6 trang báo cho sự kiện. Trong bài xã luận, Le Figaro nhấn mạnh vấn đề cốt lõi của cuộc cải cách hưu bổng : « Đó là hệ thống hưu trí của chúng ta không thể chịu được về mặt tài chính. Ở đất nước của chúng ta cũng như nhiều nơi khác, mọi người giờ ngày càng sống lâu hơn, tức là thời gian không làm việc cũng kéo dài hơn. Không tính đến thực tế hiển nhiên này tức là để lại cho thế hệ tương lai gánh nặng không chịu nổi. Các nước trên thế giới đều hành động, quyết định kéo dài tuổi về hưu, thường là 65 tuổi, muộn hơn Pháp 3 năm. Vậy thì phải đợi đến bao giờ chúng ta mới hành động cho có trách nhiệm ».

Một trong những điểm gai góc nhất của cuộc cải cách này là chính phủ muốn xóa bỏ một số chế độ đặc biệt về hưu bổng, những ưu đãi có từ thế kỷ trước mà chỉ có nhân viên đường sắt và một số ngành nghề hay ngạch công chức được hưởng. Đây cũng là điểm mà các công đoàn quyết giữ bằng được.

Le Figaro cũng cho biết thêm, theo một thăm dò dư luận của Viện Elabe, 43% người dân Pháp cho rằng phong trào đình công hiện nay trước hết là cuộc huy động chống lại chính sách của tổng thống Emmanuel Macron trước khi phản đối cải cách hưu bổng. Người ta đang chờ đợi chính phủ sẽ nhượng bộ đến đâu để chèo lái con thuyền cải cách rất cần phải có đi trong trong bão tố xã hội.

Bài Liên Quan