Myanmar ra tòa quốc tế nhưng vẫn xử 100 người Rohingya

Myanmar ra tòa quốc tế nhưng vẫn xử 100 người Rohingya

Aung San Suu Kyi: vì sao biểu tượng hòa bình tới phiên tòa diệt chủng?

Trong khi bà Aung San Suu Kyi bào chữa cho chính quyền Myanmar tại Tòa quốc tế ở Hà Lan, Myanmar đem gần 100 người Rohingya ra xử hôm 11/12/2019.

Họ bị bắt vì bỏ trốn khỏi quốc gia Đông Nam Á hiện đang bị cáo buộc “diệt chủng” và phải ra tòa ở Pathein, miền Tây của Myanmar.

‘Bác bỏ và phủ nhận’

Trước Tòa Công lý Quốc tế (ICJ) ở The Hague, Hà Lan, lãnh đạo Myanmar, bà Aung San Suu Kyi đã lên tiếng bảo vệ cho quân đội nước này.

Trong bài phát biểu gần 30 phút, bà Suu Kyi, người nhận giải Nobel Hòa bình vì đóng góp cho công cuộc cải cách dân chủ ở Myanmanr, đã bác bỏ bác bỏ các cáo buộc về tội diệt chủng xảy ra ở nước bà, nhằm vào cộng đồng Rohingya theo đạo Hồi.

Theo bà Suu Kyi, những cáo buộc đó “là không đầy đủ và không chính xác” (incomplete and incorrect).

Myanmar's leader Aung San Suu Kyi speaks at the International Court of Justice in The Hague
Image captionAung San Suu Kyi bào chữa cho chính quyền Myanmar tại Tòa quốc tế ở Hà Lan hôm 11/12. Tòa sẽ có phiên xử cuối ngày 12.

Bà thừa nhận bất ổn ở bang Rakhine, nơi đa số người Rohingya sinh sống, “đã có từ nhiều thế kỷ”.

Bà cũng cho rằng đáng ra không nên có phiên xét xử này ở tòa án tối cao của Liên Hiệp Quốc nhằm vào Myanmar, vì không thể có chuyện “diệt chủng” khi nhà chức trách nước này cũng đang điều tra các vi phạm của một số quân nhân.

Nước châu Phi là Gambia, với sự ủng hộ của 57 nước trong Tổ chức Hợp tác Hồi giáo, nộp đơn kiện lên Tòa Công lý Quốc tế, nêu cáo buộc Myanmar phạm tội diệt chủng vì chiến dịch chống người Hồi giáo Rohingya.

Hàng nghìn người Rohingya bị giết, thiêu sống, hãm hiếp và chừng 700 nghìn đã bỏ nước chạy sang Bangladesh sau các chiến dịch của quân đội Myanmar, quốc gia có đa số theo Phật giáo, bắt đầu năm 2017.

Các cáo buộc diệt chủng là không đầy đủ và không chính xácBà Suu Kyi

Chính quyền Myanmar từng cho xử tù 10 quân nhân của họ vì giết thường dân tại Rakhine nhưng chỉ ra bản án nhẹ.

Aung San Suu Kyi supporter Pho phyu Thant pictured outside court
Image captionPho phyu Thant đến Hà Lan để ủng hộ bà Aung San Suu Kyi

Myanmar nói rằng việc “chống lại các phần tử cực đoan” là cần thiết, và giải thích rằng tình trạng bạo lực ở Rakhine “là vấn đề của cuộc xung đột vũ trang nội bộ”.

Theo chính quyền, thì một lực lượng dân quân Rohingya đã tấn công các cơ sở của quân đội và công an Myanmar, gây ra các cuộc phản kích.

Nhưng các điều tra quốc tế lại cho thấy quân đội Myanmar đốt phá làng mạc của dân Rohingya và nay dùng các vùng đất đó là nơi xây cất cơ sở quân sự, nhà cửa của chính quyền.

Với quốc tế, bà Aung San Suu Kyi từng là một biểu tượng nhân quyền nhưng ngày càng mờ nhạt và hiện bị Phương Tây chỉ trích gay gắt vì cuộc khủng hoảng Rohingya.

Cùng lúc, tại Myanmar, bà Aung San Suu Kyi được số đông người Myanmar cùng sắc tộc với bà coi là nạn nhân của một chiến dịch bôi nhọ quốc tế.

Một số người Myanmar đã đến The Hague tuần này để ủng hộ bà, và cuộc biểu tình của họ trước Cung Hòa bình, nơi diễn ra phiên tòa của ICJ,

Inn Dinn
Image captionLàng Inn Din nay không còn dấu vết gì của người Rohingya sau các vụ tàn sát. Quân đội Myanmar thừa nhận đã giết người tại đây, và nay cho xây cất thành cơ sở của họ – theo điều tra của BBC News

ASEAN im lặng như thường lệ?

Cho đến nay có vẻ như khối ASEAN không lên tiếng gì về chuyện bà Aung San Suu Kyi ra trước tòa ở Hà Lan để bào chữa cho quân đội Myanmar.

Trong ASEAN chỉ có Malaysia và Indonesia, hai quốc gia Hồi giáo, là nghiêng về hướng muốn nói đến các vụ việc ở Rakhine.

Tuy thế, báo chí khu vực cũng có bài về vấn đề này.

Cây bút Kornelius Purba trên báo Indonesia, tờ The Jakarta Post (10/12) đặt câu hỏi liệu Tổng thống Joko Widodo nên làm mạnh mẽ hơn để Myanmar chấm dứt việc đàn áp người Rohingya.

“Tổng thống Jokowi phải thuyết phục bà Suu Kyi thừa nhận các vụ giết chóc, tàn sát là có thật, và phải làm việc thực sự để chấm dứt các tội ác đó, vì chính quốc gia của bà.”

Còn ở Việt Nam, Phạm Lữ, trên báo Thanh Niên ở Việt Nam cùng ngày thì viết:

“Myanmar phải chủ động ứng phó và nhanh chóng xử lý dứt điểm…

…Nếu để bảo vệ Myanmar trước những cáo buộc như vậy ở bên ngoài, thì bà Aung San Suu Kyi là người hứa hẹn thành công nhất.”

Báo Tuổi Trẻ hôm 11/12 thì gọi chuyến đến Hà Lan của bà Aung San Suu Kyi là “chuyến đi minh oan”.

Cho đến nay Hà Nội không lên tiếng như Indonesia và Malaysia về vấn đề Rohingya.

Rohingya woman looking at camera

Tuy nhiên, hồi đầu năm 2019, báo chí quốc tế đưa tin trong chuyến thăm tới Bangladesh, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng đã tuyên bố Việt Nam sẽ hỗ trợ 50.000 đô la và đóng góp cho Chương trình Thực phẩm Liên Hiệp Quốc thêm 50 nghìn nữa để giúp việc cứu trợ nhân đạo đối với người “di cư từ bang Rakhine, Myanmar” sang Bangladesh.

Được biết Việt Nam sẽ làm chủ tịch luân phiên của ASEAN vào năm 2020 và vấn đề Rohingya sẽ không biến mất đi nhanh chóng.

Các bình luận quốc tế tin rằng dù Myanmar có bị phán quyết không ràng buộc của ICJ về “tội diệt chủng” hay không, thì vết đen cho chính quyền vẫn chịu ảnh hưởng của phe quân đội tại Myanmar vẫn còn đó.

Dự kiến ICJ sẽ ra phán quyết chung thẩm sau phiên tòa tuần này ở The Hague nhưng việc thực hiện, áp dụng thế nào còn là cả một thủ tục pháp lý lâu dài.

A poster of Aung San Suu Kyi and military leaders in Karen state saying "We stand with you"
Image captionAung San Suu Kyi được nhiều người sắc tộc Buma là đa số ở Myanmar ủng hộ, một năm trước bầu cử

Bài Liên Quan