Để mặc Hồng Kông chao đảo, Bắc Kinh khen thưởng Macao

Để mặc Hồng Kông chao đảo, Bắc Kinh khen thưởng Macao

Đăng ngày: 19/12/2019

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm qua 18/12/2019 sang thăm Macao nhân dịp 20 năm cựu thuộc địa Bồ Đào Nha được trả cho Trung Quốc.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm qua 18/12/2019 sang thăm Macao nhân dịp 20 năm cựu thuộc địa Bồ Đào Nha được trả cho Trung Quốc. REUTERS/Jason Lee

Thùy Dương

Nhìn sang châu Á, nhân dịp tròn 20 năm cựu thuộc địa của Bồ Đào Nha trở lại thuộc Trung Quốc, báo Libération giới thiệu bài phóng sự thông tín viên Anne-Sophie Labadie tại Macao: “Để mặc Hồng Kông chao đảo, Bắc Kinh “khen thưởng” cho Macao”.

Trái ngược với những cuộc trấn áp ở Hồng Kông là không khí lễ hội ở Macao. Một giáo sư xã hội học thuộc đại học Macao ca ngợi “chính phủ trung ương ban tặng nhiều cơ may vàng cho thanh niên. Các mối liên hệ với Trung Hoa Đại Lục rất chặt chẽ”. Macao vốn nổi tiếng là “học sinh ngoan” của Bắc Kinh.

Đến Macao hôm qua 18/12 để dự lễ kỷ niệm 20 năm vùng đất này được trao trả lại cho Trung Quốc, hôm nay chủ tịch Tập Cận Bình công bố hàng loạt biện pháp kinh tế, vừa để ban thưởng cho sự trung thành của Macao, vừa nhằm chỉ trích Hồng Kông về phong trào phản kháng xã hội. Ngay khi vừa đến Macao, ông Tập đã phát biểu “Nhân dân chính quốc và chính quyền trung ương rất tự hào” về những thành quả mà Macao đã đạt được từ năm 1999 khi áp dụng nguyên tắc “một đất nước, hai chế độ”.

Macao và Hồng Kông là hai vùng duy nhất được quản lý theo nguyên tắc mà trên lý thuyết là “có một mức độ tự chủ cao”, với các quyền tự do ngôn luận và một hệ thống luật định còn chặt chẽ hơn cả ở Trung Hoa đại lục. Tuy nhiên, hai đặc khu “hàng xóm, láng giềng” lại không có cùng cách hiểu về khái niệm “hai chế độ”.

Tại Hồng Kông, nơi người dân luôn đòi hỏi và gắn bó với bản sắc riêng của họ, từ hồi tháng 06 đã nổi lên phong trào ngờ vực chế độ cộng sản Bắc Kinh. Còn Macao thì có thái độ hòa giải và dễ thích nghi hơn, toàn tâm toàn ý hướng về Trung Quốc. Hơn 50% tổng số 667.000 dân Macao sinh ra tại đại lục và hơn 70% trong tổng số 36 triệu du khách đến Macao hàng năm cũng là dân đại lục. Macao đã trở thành “Trung Quốc hơn cả Trung Hoa đại lục”. Tại các cảng biển ở cả Hồng Kông và Macao, lực lượng an ninh dày đặc bất thường được triển khai để ngăn cản người Hồng Kông đến Macao.

Trong vòng 20 năm, kinh tế Macao phát triển mạnh nhờ ngành công nghiệp sòng bạc và mở cửa thị trường vào năm 2002. Nhưng đại diện một tổ chức công giáo thiện nguyện ở Macao cho biết cho dù tỉ lệ thất nghiệp chỉ ở mức dưới 2%, các khoản trợ cấp xã hội rất cao và mức lương tăng 5-6 lần so với 20 năm trước, nhưng giá cả sinh hoạt tăng gấp 20 lần, chi phí chăm sóc y tế cũng tăng mạnh.

Trên thực tế, có rất ít người Macao không ca ngợi sự thành công của nguyên tắc “một đất nước, hai chế độ”. Cách đây nhiều tháng, nhiều người đã tìm cách tổ chức các cuộc biểu tình ủng hộ phong trào phản kháng tại Hồng Kông, nhưng cảnh sát đã kịp ngăn cản không để xảy ra biểu tình. Sulu Sou, một dân biểu trẻ của đảng đối lập phát biểu “nhiều người ủng hộ tự do nhưng không biết làm thế nào để thể hiện, cũng có nhiều người sợ không dám làm (…) Bắc Kinh đang lo sợ Macao sẽ phản kháng giống như Hồng Kông (…) nhưng việc kiểm soát xã hội và chính trị, truyền thông và trường học rất sâu đậm”.

Nhưng tại sao phe đối lập ở Macao không thúc đẩy các đòi hỏi, yêu sách về dân chủ như ở Hồng Kông?Dân biểu Sulu Sou giải thích là hiện họ có quá nhiều hồ sơ cần tập trung giải quyết, nhất là các vấn đề riêng của Macao, chẳng hạn chống sự phát triển của phương pháp nhận diện gương mặt. Nhiều người thuộc phe đối lập cũng không hiểu nổi cuộc tranh đấu ở Hồng Kông, thậm chí một số người còn sợ là nếu được bầu cử theo lối phổ thông đầu phiếu, cuộc sống của họ sẽ bị đảo lộn như ở Hồng Kông. Dân biểu Sulu Sou nhấn mạnh sự thay đổi có thể làm một số người lo sợ, vì thế “cần hành động từng bước”.

Bài Liên Quan