Anh bác bỏ trưng cầu dân ý độc lập lần hai của Scotland

Anh bác bỏ trưng cầu dân ý độc lập lần hai của Scotland

Nicola Sturgeon
Image captionBà Nicola Sturgeon, lãnh đạo đảng SNP, đại diện cho xu thế đòi độc lập cho Scotland

Chính phủ Boris Johnson bác bỏ yêu cầu của chính quyền Scotland muốn mở trưng cầu dân ý độc lập lần hai.

Yêu cầu này, do Bộ trưởng thứ nhất, tức thủ hiến Scotland, xứ sở thành viên của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, bà Nicola Sturgeon nêu ra.

Trong ngày 14/01/2020, văn phòng thủ tướng Anh trích lời ông Johnson nói, một cuộc trưng cầu dân ý lần hai “sẽ chỉ kéo dài thêm việc trì trệ mà Scotland trải qua một thập niên qua”.

Lá thư của Thủ tướng Anh Boris Johnson gửi thủ hiến Scotland, bà Nicola Sturgeon:

Boris Johnson's letter

Bà Sturgeon, lãnh đạo Đảng Quốc gia Scotland (SNP) nói đảng của bà, nay nắm chính phủ địa phương xứ Scotland, muốn tổ chức trưng cầu dân ý lần hai cuối năm nay.

Lần trước, vào năm 2014, cử tri Scotland đã bỏ phiếu không đồng ý tách khỏi Liên hiệp Vương quốc Anh.

Nhưng từ đó đến nay lại có trưng cầu dân ý Brexit đưa Anh ra khỏi Liên hiệp châu Âu (EU), vào 2016.

Quá bán cử tri ở Scotland đã bỏ phiếu ở lại EU, nhưng vì phiếu đa số tại xứ Anh (England), và Wales, Anh Quốc bắt đầu tiến trình Brexit.

SNP lập luận rằng Scotland không thể bị “kéo ra khỏi EU trái ý đa số cử tri địa phương” nên cần độc lập để tái gia nhập EU.

Trong bầu cử toàn quốc cuối 2019, SNP giành được đa số áp đảo, 48 trên 59 ghế nghị sĩ dành cho Scotland, tạo một uy thế lớn cho phái đòi độc lập.

Tuy vậy, theo hiến pháp không thành văn của Anh thì để mở trưng cầu dân ý độc lập, Scotland phải được chính phủ trung ương ở London chuẩn thuận.

Tuyên bố hôm nay của chính phủ do đảng Bảo thủ của ông Boris Johnson đã bác bỏ thẳng thừng yêu cầu của chính phủ xứ Scotland.

Tuy thế, nhiều bình luận cho hay quyết định của ông Johnson chỉ làm hoãn lại chứ không khiến ý tưởng “Scotland độc lập” biến đi trong những năm tới.

James VI
Image captionJames VI làm vua Scotland, rồi lên nắm ngai vàng Anh với danh hiệu James I từ 1603, khi hai vương quốc lần đầu có chung một vua. Cạnh ông là Hoàng hậu Anne, người Đan Mạch. Hình trên tranh khắc.

Lịch sử quan hệ Anh – Scotland: Nhà báo Nguyễn Giang ở London viết:

Năm 1543, vua Anh đưa các xứ Wales và Cornwall nhập vào vương triều England do London quản trị.

Nhưng Scotland, xứ đông dân hơn Wales, và có truyền thống chính trị riêng, vẫn là một vương quốc riêng.

Tiếng của đa số người dân Scotland tuy thế gần với tiếng Anh hơn Wales và Bắc Ireland, vì cùng gốc Anh cổ (Old English), thuộc nhóm tiếng Đức phía Tây (West Germanic).

Tiếng Anh tuy thế đã xâm nhập Scotland ít nhất từ thế kỷ 11 và được dùng trong giới doanh thương đô thị.

Nhu cầu liên kết với Anh cũng đến từ giới kinh doanh Scotland, muốn bành trướng xuống thị trường to lớn ở phía Nam và ra thế giới.

Ban đầu, hai xứ chỉ gắn kết nhờ hôn nhân của vua chúa, hoặc nhờ một vua nắm hai ngai vàng Anh và Scotland (regal union).

Năm 1603, vua James VI của Scotland, nhận cả ngai vàng England với James I, và như thế, hai vương quốc lần đầu có chung một vua.

Đến 1707 Anh và Scotland có chung nghị viện (parliamentary union) và hiệp ước lập liên minh chính trị (Treaty of Union) đã được ký kết.

Tuy vậy, hai bên giữ khác biệt về tôn giáo.

Cùng theo Tin Lành nhưng Giáo hội Scotland thuộc phái Calvinist và tách biệt hoàn toàn với chính quyền.

Còn Giáo hội Anh (Anglican Church) thuộc hệ phái khác, có vua hoặc nữ hoàng đứng đầu, và giới tăng lữ có ghế trong Thượng viện.

Ngoài ra, Scotland giữ hệ thống pháp luật và giáo dục riêng, khác Anh cho đến ngày nay.

Sturgeon conference
Image captionTrong bầu cử toàn quốc cuối 2019, SNP giành được đa số áp đảo, 48 trên 59 ghế nghị sĩ. Câu hỏi về độc lập của Scotland có thể tạm lắng nhưng sẽ không mất đi, theo bình luận của truyền thông Anh

Bài Liên Quan