Vụ Rohingya: Một ủy ban điều tra Miến Điện bác bỏ cáo buộc diệt chủng

Vụ Rohingya: Một ủy ban điều tra Miến Điện bác bỏ cáo buộc diệt chủng

Đăng ngày: 21/01/2020

Ảnh tư liệu chụp ngày 22/09/2017 cho thấy trẻ em Rohingya ở trại tị nạn Kutupalong đang xếp hàng chờ lãnh thực phẩm cứu trợ.
Ảnh tư liệu chụp ngày 22/09/2017 cho thấy trẻ em Rohingya ở trại tị nạn Kutupalong đang xếp hàng chờ lãnh thực phẩm cứu trợ. AFP/Dominique Faget

Mai Vân

Miến Điện vào hôm qua, 20/01/2020 đã công bố kết luận bản báo cáo của một ủy ban do chính quyền thành lập cách nay một năm để điều tra về tình trạng bạo lực tại bang Arakan vào năm 2017, với các chiến dịch đàn áp của Quân Đội Miến Điện đã khiến hơn 750.000 người Rohingya phải chạy sang Bangladesh lánh nạn.

Ủy ban điều tra này đã khẳng định, dù đã có những trường hợp phạm tội ác chiến tranh, nhưng không có bằng chứng về tội ác diệt chủng người Rohingya mà quốc tế quy cho Quân Đội Miến Điện.

Thông tín viên RFI tại Miến Điện, Sarah Bakaloglou nói rõ thêm về bản báo cáo :

“Toàn văn bản báo cáo dài hơn 400 trang đã không được công bố vào hôm qua, mà chỉ có một thông cáo báo chí với các kết luận rõ ràng. Đúng là ủy ban điều tra công nhận có những trường hợp phạm tội ác chiến tranh và vi phạm quyền con người, do nhiều phần tử tiến hành trong đó có lính Miến Điện.

Tuy nhiên, và đây là điểm quan trọng, không có đủ bằng chứng để xác nhận một ý chí diệt chủng nhắm vào người Rohingya, một từ ngữ không hề xuất hiện trong tài liệu này.

Nhiều tổ chức phi chính phủ đã kêu gọi chính quyền cho công bố toàn văn bản báo cáo. Tính minh bạch và độc lập của ủy ban điều tra này cũng từng bị chỉ trích nhiều lần. Một trong những thành viên của ủy ban, một nhà ngoại giao Philippines, đã xác định ngay từ đầu là họ không tham gia ủy ban để trách cứ chính quyền Miến Điện.

Thế nhưng đối với bà Aung San Suu Kyi, ủy ban này là dấu hiệu chứng tỏ là Miến Điện không cần đến tư pháp quốc tế. Bản báo cáo được đưa ra cùng thời điểm với một quyết định rất quan trọng : Thứ Năm 23/01 tới đây, Tòa Án Công Lý Quốc Tế sẽ cho biết là những biện pháp khẩn cấp có sẽ được yêu cầu áp dụng hay không đối với Miến Điện bị cáo buộc về tội diệt chủng.”

Bài Liên Quan