Economist Intelligence Unit xếp Việt Nam 136/167 quốc gia về chỉ số dân chủ năm 2019

Economist Intelligence Unit xếp Việt Nam 136/167 quốc gia về chỉ số dân chủ năm 2019

  • 22 tháng 1 2020
Theo báo cáo Chỉ số Dân chủ 2019, Việt Nam vẫn là một trong những nước kém dân chủ trên thế giới.
Image captionTheo báo cáo Chỉ số Dân chủ 2019, Việt Nam tuy có cải thiện vị thứ nhưng vẫn trong nhóm Chuyên chế.

Theo xếp hạng của The Economist Intelligence Unit, công bố hôm 22/1, Việt Nam có cải thiện nhẹ về vị thứ nhưng vẫn nằm trong nhóm các quốc gia Chuyên chế.

Với 3.08 điểm, xếp thứ 136 trong tổng số 167 quốc gia được xếp hạng trong báo cáo Chỉ số Dân chủ 2019, thứ hạng của Việt Nam về dân chủ năm 2019 có cải thiện nhẹ so với thứ hạng 139 của năm 2018, nhưng điểm số không thay đổi.

Năm nay, ở khu vực châu Á, Việt Nam đã đứng trên Trung Quốc, Lào, Bắc Hàn và Afghanistan về vị thứ, nhưng vẫn thuộc nhóm các nước “Chuyên chế” – thể chế kém dân chủ nhất trong số bốn thể chế chính trị theo phân loại của The Economist Intelligence Unit (các thể chế còn lại là Hỗn hợp, Dân chủ khiếm khuyết và Dân chủ đầy đủ).

Việt Nam vẫn nhận điểm 0 trong hạng mục đánh giá về tiến trình bầu cử và thể chế đa nguyên – một trong năm hạng mục được tính trong chỉ số dân chủ.

Nhìn từ năm 2006, kể từ khi lần đầu tiến hành xếp loại Chỉ số dân chủ, điểm số của dân chủ của Việt Nam tăng trong 4 năm từ 2013-2016. Tuy nhiên, trong ba năm trở lại đây, điểm số này ổn định ở mức thấp là 3.08 dù vị trí có thay đổi do sự tăng/giảm của các quốc gia khác.

Bắc Hàn đội sổ

Đội sổ trong danh sách này vẫn là Bắc Hàn với 1.08 điểm, vị thứ 167/167. Tiếp đó, lần lượt từ dưới lên là Cộng hòa Dân chủ nhân dân Congo, Cộng hòa Trung Phi và Syria.

Trung Quốc với 2.26 điểm xếp thứ 153, sau cả Cuba (2.84 điểm, thứ 143), Iran (2.38 điểm, thứ 151).

Trong khi đó, với điểm 9.87, Na Uy một lần nữa đứng đầu bảng xếp hạng; tiếp đó là Iceland, Thụy Điển và New Zealand.

Với 7.96 điểm, Hoa Kỳ xếp thứ 25.

Năm u ám của dân chủ toàn cầu

Theo báo cáo nói trên, năm 2019, điểm trung bình về dân chủ toàn cầu đã giảm từ 5,48 năm 2018 xuống còn 5,44 (theo thang điểm 10). Báo cáo đánh giá, đây là kết quả “tồi tệ nhất kể từ năm 2006”.

Chỉ số dân chủ 2019, xếp theo bốn nhóm thể chế. Việt Nam vẫn trong nhóm 'Độc tài'
Image captionChỉ số dân chủ 2019, xếp theo bốn nhóm thể chế. Việt Nam vẫn trong nhóm ‘Độc tài’

Nguyên nhân của sự suy giảm về chỉ số dân chủ toàn cầu được báo cáo cho là, do sự giảm sút chỉ số này ở khu vực châu Mỹ Latinh, cận Sahara ở châu Phi, cũng như việc điểm số khu vực Trung Đông – Bắc Phi (MENA) giảm nhẹ. Trên bình diện toàn cầu, chỉ có khu vực Bắc Mỹ có sự cải thiện về điểm trung bình, do sự gia tăng về điểm của Canada.

Báo cáo đánh giá rằng, bốn trong số năm yếu tố góp vào chỉ số dân chủ là tiến trình bầu cử và thể chế đa nguyên, sự vận hành của chính phủ, văn hóa chính trị, và các quyền tự do dân sự cũng suy giảm trên bình diện toàn cầu trong năm 2019. Chỉ có yếu tố về sự tham gia chính trị tăng.

Trung Quốc xuống sát đáy

Theo đánh giá của báo cáo, các nước châu Á đã có nhiều tiến bộ trong việc cải thiện vị thế trong bảng xếp hạng toàn cầu hơn so với bất kỳ khu vực nào khác. Tuy nhiên, khu vực này vẫn tụt hậu nếu so với Bắc Mỹ, Tây Âu và Mỹ Latinh.

Tại châu Á, Singapore, Hong Kong và Ấn Độ đều tụt hạng; trong khi Đài Loan dẫu vẫn được xếp vào nhóm ‘nền dân chủ không hoàn hảo’ nhưng ở vị trí thứ năm châu Á, chỉ sau New Zealand, Úc, Hàn Quốc và Nhật Bản và xếp thứ 31 trên thế giới.

Năm nay, điểm số của Trung Quốc giảm còn 2,26 và hiện xếp thứ 153, tức gần sát đáy trong xếp hạng.

Theo báo cáo, sự sụt giảm này được lý giải là do nước này “gia tăng phân biệt đối xử đối với tộc người thiểu số… cũng như các hành vi xâm phạm các quyền tự do dân sự khác”.

Đặc biệt, việc năm 2019, Trung Quốc sử dụng kỹ thuật số để giám sát và xếp hạng công dân “cho thấy nước này vẫn tiếp tục thúc đẩy hạn chế các quyền tự do cá nhân; trong khi sự tham gia chính trị ở Trung Quốc vẫn rất yếu”, theo báo cáo.

Khác biệt trong quan điểm

Việt Nam luôn cho rằng, việc dùng tiêu chí dân chủ, nhân quyền của phương Tây để xem xét, đánh giá chế độ dân chủ của Việt Nam là một sai lầm về chính trị và thiếu sót về phương pháp luận.

Trong bài viết “Không thể phủ nhận thành quả dân chủ và quyền con người của Việt Nam” đăng trên tờ Quân đội nhân dân, TS Cao Đức Thái (Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia HCM) cho rằng, “không phủ nhận rằng trong quá trình quản lý xã hội, Việt Nam còn có những khiếm khuyết, trong đó có việc bảo đảm quyền dân chủ của người dân… Tuy nhiên, cần nhận thức đúng, về mặt nguyên tắc, nền dân chủ của Việt Nam là một nền dân chủ có kỷ cương, có tổ chức, có hệ thống. Trong xã hội Việt Nam, bảo đảm quyền dân chủ, nhưng phải bảo đảm đúng pháp luật và giữ vững sự ổn định xã hội”.

Trung Quốc lâu nay cũng luôn bác bỏ các chỉ trích về thành tích nhân quyền của nước này.

Hồi tháng 9/2019, Trung Quốc cũng đã công bố Sách trắng Nhân quyền của nước này, cho rằng quốc gia này đang ngày càng hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo đảm nhân quyền nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân, xây dựng nền tảng xã hội vững chắc cho công tác pháp trị hóa bảo đảm nhân quyền.

Bài Liên Quan