Virus corona – Dầu mỏ : Thế giới trước nguy cơ suy thoái hơn cả 2008

Virus corona – Dầu mỏ : Thế giới trước nguy cơ suy thoái hơn cả 2008

Đăng ngày: 10/03/2020

Quảng trường San Marco, Venezia, Ý, không một bóng người vì lệnh cách ly do virus corona của chính phủ Ý, ngày 10/03/2020.
Quảng trường San Marco, Venezia, Ý, không một bóng người vì lệnh cách ly do virus corona của chính phủ Ý, ngày 10/03/2020. REUTERS/Manuel Silvestri

Thu Hằng

Viễn cảnh suy thoái không có gì là xa vời. Virus corona và giá dầu giảm mạnh, giảm 30%, là hai nguyên nhân chính. Tất cả các nhật báo Pháp (10/03/2020) đều đề cập đến hai chủ đề này.

Trang nhất của nhật báo Le Monde là hàng tựa : « Virus corona gây cú sốc thế giới ». Cụ thể, Pháp phải đưa ra những biện pháp chưa từng có để ngăn đà lây nhiễm, như cấm tập trung trên 1.000 người, nới lỏng quy định việc khám bệnh từ xa, nhân viên y tế có thể làm thêm giờ…

Nhật báo kinh tế Les Echos dành 10 trang để nói về nguy cơ suy thoái. Virus corona đã khiến sản xuất đình trệ, đặc biệt tại Trung Quốc, công xưởng của thế giới, hoạt động du lịch giảm dẫn đến thiệt hại trong tất cả các ngành liên quan, đặc biệt là hàng không.

Đối với Pháp, bộ trưởng Kinh Tế Bruno Le Maire cảnh báo về « tác động « nghiêm trọng » của virus corona đối với tăng trưởng ». Thay vì kỳ vọng tăng trưởng đạt 0,3% cho ba tháng đầu năm, Ngân hàng Trung ương Pháp điều chỉnh còn 0,1% và như vậy, tăng trưởng cả năm chỉ có thể đạt khoảng 0,7%, thay mức 1,3% được đề ra. Trong đợt khủng hoảng này, những doanh nghiệp nợ nhiều nhất có nguy cơ bị tác động mạnh nhất.

Trong khi đó, tình hình tại Ý được cho là nghiêm trọng hơn cả giai đoạn khủng hoảng tài chính năm 2008. Biện pháp cách ly toàn dân của thủ tướng Giuseppe Conte bị chủ tịch các vùng phản đối. Trả lời Les Echos, chủ tịch các doanh nghiệp Ý ở vùng Lombardia, không ủng hộ biện pháp cách ly triệt để này vì « không thể ngăn được đà lây lan của virus corona bằng cách đóng cửa các nhà máy ». Theo ông, giải pháp trên tác động nặng nề đến hoạt động sản xuất, làm mất uy tín của các doanh nghiệp Ý với các đối tác quốc tế.

Liên Hiệp Châu Âu không có giải pháp đồng bộ ?

Xã luận của Le Figaro cho rằng phải « ngừng cỗ máy dữ dội này lại ». Ngoài tình trạng khẩn cấp dịch tễ, chính phủ Pháp phải ưu tiên tránh để các công ty phá sản. Châu Âu và Ngân hàng Trung ương châu Âu phải chứng tỏ quyết tâm thúc đẩy phục hồi và trấn an người tiêu dùng, cũng như doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Libération lại nhận định : « Dịch Covid-19 : Các nước trong Liên Hiệp Châu Âu mạnh ai nấy làm phòng dịch ». Kể từ khi virus corona xuất hiện tại châu Âu, Liên Hiệp Châu Âu vẫn chỉ khoanh tay nhìn. Lý do, y tế chỉ là một « kỹ năng hỗ trợ » của các nước thành viên. Liên Hiệp Châu Âu sẽ không thể hành động nếu các thành viên không yêu cầu hỗ trợ. Ngay cả khi xảy ra dịch xuyên biên giới, Bruxelles cũng không thể tự đưa ra quyết định bảo vệ.

Toàn khối thiếu sự phối hợp đồng bộ, hiện mỗi nước tự xoay sở trong khả năng riêng. Trong khi đó, theo Libération, chi phí cho việc thiếu quản lý đồng bộ sẽ còn cao hơn. Trước tình trạng Ý cô lập toàn dân, lãnh đạo 27 nước sẽ họp qua phương tiện nghe nhìn vào ngày 10/03 để tìm giải pháp « chấm dứt tình trạng hỗn loạn này nhanh nhất có thể ». Theo phủ tổng thống Pháp, Liên Hiệp Châu Âu muốn « gửi đi thông điệp chính trị rằng châu Âu quyết tâm đoàn kết hành động ».

Ả Rập Xê Út đổ thêm dầu vào lửa

Ngoài virus corona, trên trang nhất, Le Figaro nhận định dầu lửa cũng khiến các thị trường sụp đổ. Trong khi thế giới bắt đầu cảm cúm, Ả Rập Xê Út đổ thêm dầu vào lửa khi tuyên bố sản xuất dầu không giới hạn, phá giá khiến vàng đen mất giá 30%. Thị trường chứng khoán thế giới đồng loạt đỏ trong ngày thứ Hai 09/03 đen tối, mất từ 7,8 đến 11%.

Chưa bao giờ, kể từ cuộc khủng hoảng năm 2008, hành tinh lại mong manh đến như vậy, theo nhận định trong bài xã luận của Le Figaro. Tác giả bài viết chỉ trích thái độ vô trách nhiệm khi mở cuộc chiến vàng đen vào thời điểm này vì chỉ khiến các nhà đầu tư thêm lo lắng, tạo thêm một cuộc khủng hoảng mới trong khi khủng hoảng dịch tễ Covid-19 vẫn chưa được giải quyết.

Tình hình bi đát của thị trường chứng khoán được nhật báo Libération mô phỏng trên trang nhất với hình ảnh một người đeo khẩu trang đi qua bảng chỉ số chứng khoán toàn một mầu đỏ đậm, như muốn cảnh báo « Virus xâm nhập thị trường chứng khoán ».

Trong bài « Virus corona : báo động đỏ và thứ Hai đen », Libération phân tích nguyên nhân khiến Ả Rập Xê Út thả nổi giá vàng đen. Trong cuộc họp của khối OPEP +, Riyad đề xuất giảm 1,5 triệu thùng dầu mỗi ngày để ngăn việc giá dầu rớt thê thảm : 14 nước thành viên OPEP đồng ý gánh một triệu thùng, trong khi đó Nga, Kazakhstan, Azerbaidjan và 7 nước ngoài OPEP sẽ giảm phần còn lại là 500.000 thùng. Nga không chấp nhận và cuộc chiến giá cả bắt đầu. Hoàng thái tử Mohammed ben Salmane quyết định hạ giá chưa từng có kể từ 20 năm qua.

Cuộc chiến vàng đen : Nga bắn một mũi tên nhắm hai đích ?

Vẫn theo Libération, nhiều nhà phân tích tài chính cho rằng « khi tấn công Ả Rập Xê Út, Nga chủ yếu nhắm đến Mỹ. Putin ngày càng khó chịu về liên minh Washington và Riyad. Hơn nữa, một nhánh của tập đoàn dầu lửa Nga Rosneft, đóng tại Geneve, bị Mỹ trừng phạt từ ngày 18/02. Bộ Ngân Khố Mỹ cáo buộc chi nhánh này đã bán dầu cho công ty Nhà nước Venezuela PDVSA, cũng bị Washington trừng phạt ».

Nước bị ảnh hưởng đầu tiên là Ả Rập Xê Út. Theo phân tích của ông Philippe Chalmin, giáo sư kinh tế tại đại học Paris-Dauphine, « đúng là giá sản xuất mỗi thùng dầu chỉ là 7 đô la. Nhưng để cân đối chi phí ngân sách (của Ả Rập Xê Út), hoàn toàn phụ thuộc vào xuất khẩu dầu, thì mỗi thùng dầu phải được bán với giá khoảng 80 đô la ».

Nước thứ hai bị Nga nhắm đến là Mỹ. Giá dầu giảm, ngành khai thác khí đá phiến của Mỹ cũng sẽ bị tác động nặng nề, do chi phí khai thác cao hơn và nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đã đầu tư rất nhiều và gánh nợ cũng nhiều. « Nếu dầu ở dưới ngưỡng 40 đô la/thùng, các công ty Mỹ không còn lời nữa ». Các thị trường chứng khoán sẽ hình dung ra kịch bản tồi tệ nhất, và như vậy sẽ bán cổ phiếu của các công ty đó, với nguy cơ khiến nền kinh tế thế giới xấu thêm, theo nhận dịnh của ông Patrick Artus, giám đốc nghiên cứu tại Natixis.

Bài Liên Quan