Chuyện gì xảy ra nếu Mỹ công bố tình trạng khẩn cấp quốc gia vì corona?
13/03/2020
- VOA
Không lâu sau khi Tổ chức Y tế Thế giới WHO gọi đợt bùng phát COVID-19 là đại dịch, Tổng thống Mỹ Donald Trump tối ngày 11/3 loan báo một loạt các biện pháp khẩn cấp trong đó có lệnh đình chỉ trong 30 ngày tất cả các chuyến bay tới Mỹ từ Châu Âu.
Tuy nhiên, ông Trump không dùng tới một biện pháp mạnh tay hơn mà một số nghị sĩ Quốc hội đang thúc đẩy: đó là công bố tình trạng khẩn cấp quốc gia theo Luật Khẩn cấp Quốc gia 1976 mặc dù chính quyền Trump đã công bố dịch COVID-19 là tình trạng khẩn cấp y tế công cộng, cho phép giới chức y tế địa phương có sự linh động hơn để đáp ứng cuộc khủng hoảng.
“Khi Tổng thống công bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, lúc đó ông có quyền tiếp cận tất cả các luật lệ quy định những gì Tổng thống có thể làm trong tình trạng khẩn cấp quốc gia, cho dù các quyền đó có liên hệ tới tình trạng khẩn cấp ngay lúc đó hay không,” Elizabeth Goitein, giám đốc Chương trình An ninh Quốc gia và Tự do thuộc Trung tâm Công lý Brennan, cho biết.
Cùng lúc đó, công bố tình trạng khẩn cấp quốc gia cũng cho Tổng thống quyền có các biện pháp mạnh nhân danh an ninh quốc gia, chẳng hạn như đóng internet hay thậm chí là phong tỏa tài khoản ngân hàng của người dân.
Năm ngoái, ông Trump bị chỉ trích vì đã công bố tình trạng khẩn cấp quốc gia nhằm chuyển ngân quỹ của quân đội qua tài trợ xây dựng tường biên giới với Mexico.
Một khi Tổng thống đã công bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, chỉ có Quốc hội mới có thể đảo ngược. Hơn 30 lần công bố tình trạng khẩn cấp quốc gia trong 40 năm qua tại Mỹ, chưa lần nào bị đảo ngược làm vô hiệu.
Dù Tổng thống Mỹ thường có nhu cầu chính đang để thực hành quyền khẩn cấp, họ vẫn hay bị chỉ trích rằng các quyền lực khẩn cấp này hạn chế các quyền dân sự hay tự do của công dân.
Ngoài việc thực hành các quyền khẩn cấp, Tổng thống Trump cũng có các quyền phi khẩn cấp nhất định mà ông đã dùng trong cuộc khủng hoảng COVID-19, chẳng hạn như thu hồi một đạo luật năm 1952 khi đình chỉ du hành từ Châu Âu.
Phong tỏa các cộng đồng hoặc giới hạn di chuyển của các nhóm dân có thể đi ngược lại với quyền hiến định của công dân, theo các học giả về pháp lý.
Một khi Tổng thống công bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, nhà chức trách cấp liên bang và tiểu bang có thể thực thi một loạt các biện pháp ‘cách ly xã hội’ như hạn chế du hành, ra lệnh giới nghiêm, bãi trường, hạn chế tụ tập đông người và thực thi cách ly.
Dù cách ly các cá nhân hay các nhóm tình nghi phơi nhiễm với virus corona là chuyện hợp hiến, nhưng tạo ra việc phong tỏa các nhóm cộng đồng bên trong hoặc bên ngoài ‘các vùng nóng’ là chuyện vi hiến, theo các nhà phân tích.