OPEC+ : Hòa ước mong manh trên mặt trận dầu hỏa

OPEC+ : Hòa ước mong manh trên mặt trận dầu hỏa

Đăng ngày: 13/04/2020

OPEC+ : Hòa ước mong manh trên mặt trận dầu hỏa. Ảnh minh họa.
OPEC+ : Hòa ước mong manh trên mặt trận dầu hỏa. Ảnh minh họa. AFP/Archivos

Thanh Hà

Sau nhiều tuần lễ căng thẳng và ba ngày đàm phán gay go, 23 quốc gia trong nhóm OPEC + mới đạt đồng thuận “lịch sử” cắt giảm 10 % mức cung cấp cho toàn thế giới để giữ giá dầu. Trong ba tháng đầu 2020, virus corona làm tê liệt một phần lớn các hoạt động kinh tế của thế giới, giá dầu hỏa qua đó tuột dốc không phanh.

14 thành viên Tổ Chức các Quốc Gia Xuất Khẩu Dầu Hỏa (OPEC) và 9 đối tác, được gọi tắt là nhóm OPEC+ đã không dễ dàng đồng ý với nhau về hai điểm: Thứ nhất là kể từ ngày 01/05 cho đến cuối tháng 06/2020, nhóm này sẽ giảm 9,7 triệu thùng dầu cung cấp cho thế giới mỗi ngày. Cụ thể, Nga và Ả Rập Xê Út mỗi bên cam kết giảm sản lượng 2,5 triệu thùng mỗi ngày. Các quốc gia còn lại mà đứng đầu là Mỹ và Canada phải cắt giảm gần 5 triệu thùng mỗi ngày. Thứ hai, OPEC+ cũng đồng ý duy trì khuynh hướng giảm, khóa bớt van dầu cho tới mùa xuân 2022.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và nguyên thủ Nga Vladimir Putin cùng đánh giá các bên vừa đạt được một “thỏa thuận có tầm mức quan trọng lớn“. Canada cũng xem đây là “một tin vui“. Giới trong ngành nói đến một thỏa thuận “lịch sử” vì từ khi được hình thành vào năm 1960 chưa bao giờ khối OPEC lại đưa ra một biện pháp triệt để như lần này và chủ trương cắt giảm sản lượng trong vòng 2 năm là thời gian dài chưa từng có.

Để đạt được thỏa thuận này các bên đã phải vượt qua được nhiều hiềm khích.

Hiềm khích thứ nhất nảy sinh giữa Ả Rập Xê Út, thành viên quan trọng nhất trong khối OPEC, và Nga, một trong ba đại cường trong lĩnh vực dầu hỏa. Tại cuộc họp ở Vienna hôm 06/03/2020, Matxcơva và Riyad đã khai mào chiến tranh dầu hỏa: Nga từ chối giảm mức xuất khẩu, Ả Rập Xê Út phản công bằng cách mở thêm van dầu trong lúc thế giới đang dư thừa vàng đen.

Hơn một tháng sau, hai quốc gia dầu hỏa này phải làm hòa với nhau vì cả tổng thống Putin lẫn hoàng thái tử Ben Salman, nhân vật chính nắm giữ chiến lược dầu hỏa của Ả Rập Xê Út, khi đó đã không ngờ là dịch Covid-19 có thể lan rộng ra toàn thế giới và lây nhiễm cho cả cỗ máy kinh tế toàn cầu. Virus corona đã buộc Nga và Ả Rập Xê Út phải trở lại bàn đàm phán.

Trở ngại thứ nhì xuất phát từ Mêhicô: Chính quyền của tổng thống Andrés Manuel Lopez Obrador cương quyết từ chối giảm sản lượng 400.000 thùng dầu mỗi ngày như yêu cầu của OPEC.

Cuối cùng Mỹ đã phải can thiệp: Tổng thống Trump một mặt thuyết phục Nga và Ả Rập Xê Út nhẹ tay hơn với Mêhicô, cùng lúc cam kết với đồng nhiệm Lopez Obrado là Hoa Kỳ sẽ cắt giảm thêm trong phần của mình để hỗ trợ Mêhicô. Chung cuộc, Mêhicô sẽ phải giảm 100.000 thùng dầu sản xuất mỗi ngày thay vì 400.000 thùng như đòi hỏi ban đầu.

Giới trong ngành đồng thanh đánh giá đây là một thỏa thuận “đầy tham vọng” nhưng đồng thời lo ngại “hiệu quả mong đợi” sẽ không bền. The Wall Street Journal cho rằng không có gì bảo đảm là giá dầu sẽ tăng lên trở lại trong những tuần lễ sắp tới nếu như các hoạt động kinh tế vẫn bị phong tỏa ở nhiều nơi trên thế giới và nhu cầu tiêu thụ xăng dầu vẫn đóng băng.

Theo Stephen Innes thuộc trung tâm tài chính Axicorp, trụ sở tại Sydney, nhóm OPEC+ đưa ra một quyết định “quá trễ” và việc cắt giảm 10 % sản lượng là “quá ít” so với nhu cầu tiêu thụ của thế giới hiện nay.

Chuyên gia về năng lượng Bjornar Tonhauger của cơ quan tư vấn Rystad Energy trụ sở tại Oslo cũng đưa ra nhận xét tương tự và cho rằng trong bối cảnh hiện tại, để có hiệu quả, các nhà cung cấp phải cắt giảm đến 30 triệu thùng dầu một ngày.

Đó là chưa kể nhiều dự báo kinh tế cho rằng cỗ máy sản xuất của thế giới khó có thể nhanh chóng được khởi động lại. Báo cáo gần đây của ngân hàng Pháp BNP “không trông thấy viễn cảnh kinh tế chóng khởi sắc trở lại và điều đó có nghĩa là thị trường dầu hỏa khó có thể nhanh chóng được ổn định”.

Một điểm khác nữa khiến giới phân tích thận trọng đó là cả ba nhà cung cấp hàng đầu thế giới là Mỹ, Ả Rập Xê Út và Nga thường xuyên thay đổi chiến lược bất thường.

Nga và Ả Rập Xê Út chọn giải pháp tình thế và chỉ tạm thời buông vũ khí. Không có gì bảo đảm là ba đại cường dầu hỏa này lại lao vào một cuộc chiến “tranh giành thị phần” như ghi nhận của hãng tin Bloomberg, nhất là trong bối cảnh Donald Trump đang vận động tái tranh cử, khó có thể bỏ rơi các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ vốn đã dồn phiếu cho ông hồi 2016.

Bài Liên Quan