Covid-19 : Các hãng hàng không ra sức trấn an hành khách

Covid-19 : Các hãng hàng không ra sức trấn an hành khách

Đăng ngày: 07/05/2020

Tuân thủ "giãn cách xã hội" một bài toán khó cho các hãng hàng không.
Tuân thủ “giãn cách xã hội” một bài toán khó cho các hãng hàng không. REUTERS – Jim Urquhart

Thanh Phương

Đại dịch Covid-19 đã khiến giao thông hàng không trên toàn thế giới gần như tê liệt trong nhiều ngày, khiến nhiều hãng hàng không đang đối diện với nguy cơ phá sản, nếu không có sự trợ giúp của các Nhà nước.

Nay những hãng này còn phải tuân thủ những quy định mới về an toàn dịch tễ do nhân loại sẽ phải « sống chung » với virus corona trong một thời gian dài. Nhưng so với những phương tiện giao thông công cộng khác, các hãng hàng không khó mà tuân thủ được quy định về « giãn cách xã hội ».

Cũng giống như hệ thống metro và xe lửa, các công ty hàng không được yêu cầu phải bảo đảm giãn cách xã hội trên các máy bay, ví dụ như hàng ghế có 3 chỗ thì phải để trống ghế ở giữa, để cho giữa hai hành khách có một khoảng cách toàn.

Nhưng hôm thứ Ba, 05/05/2020, Hiệp hội Giao thông Hàng thông Quốc tế (IATA), một tổ chức tập hợp 290 hãng hàng không, cho biết là các công ty trong ngành này không chấp nhận quy định đó. Theo IATA, nếu yêu cầu các hãng hàng không để trống ghế ở giữa, thì tỷ lệ lắp đầy tối đa máy bay sẽ rơi xuống còn 62%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 77%,  tức là mức tối thiểu để một chuyến bay có lãi.

Hiện giờ ngành giao thông hàng không đã gặp rất nhiều khó khăn. Theo Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế, so với một năm bình thường, dịch Covid-19 có thể sẽ làm giảm đi 1,2 tỷ hành khách trên thế giới từ đây đến tháng 9.

Riêng tại Hoa Kỳ, theo tờ Air Journal (10/04/2020), số hành khách đi máy bay sụt giảm đến mức giao thông hàng không coi như đã lùi lại 70 năm. Ví dụ như ngày 07/04 vừa qua, chỉ có chưa tới 100.000 hành khách đăng ký ở các sân bay, giảm đến 95% so với cùng thời kỳ năm 2019, tức là bằng của mức của năm 1954, năm mà tổng số hành khách đi máy bay ở Mỹ là vào khoảng 97 000 người. Trước tình hình đó, vào đầu tháng 4, các hãng không của Hoa Kỳ cũng đã xin chính phủ liên bang trợ giúp 50 tỷ đô la để có tiền trả lương cho các nhân viên, tránh phải sa thải hàng loạt từ đây đến cuối tháng 9.

Tại Pháp, theo AFP, Air France – KLM hôm 07/5 vừa thông báo bị lỗ 1,8 tỷ euro trong quý 1/2020 do tác động của dịch bệnh. Mặc dù được Nhà nước hứa cho vay 7 tỷ, tập đoàn cho biết sẽ thảo luận với các công đoàn về khả năng cắt giảm nhiều việc làm.

IATA cảnh báo rằng, đã gặp khó khăn như vậy rồi mà còn phải tuân thủ « giãn cách xã hội » thì rất nhiều hãng hàng không sẽ bị phá sản. Một lý do khác để IATA không thể tuân thủ giãn cách xã hội đó là, theo dự báo của tổ chức này, giá vé máy bay có thể sẽ tăng thêm từ 43 đến 54% tùy theo vùng, và mức tăng này cũng sẽ chỉ vừa đủ để bù đắp cho các chi phí vận hành phát sinh thêm từ việc tuân thủ giãn cách xã hội.

Đeo khẩu trang trên máy bay

Để tạm thời bảo đảm an toàn dịch tễ khi giao thông hàng không được phục hồi, thay cho giãn cách xã hội, IATA đề nghị là toàn bộ các hành khách và nhân viên phi hành đoàn phải đeo khẩu trang bảo hộ y tế. Đối với IATA, biện pháp này sẽ giảm bớt « nguy cơ vốn đã rất thấp » của sự lây nhiễm Covid-19 trên máy bay. 

Ngoài ra, IATA đề nghị đo thân nhiệt hành khách đi máy bay, sắp xếp lại các thủ tục lên máy bay để tránh các tiếp xúc, hạn chế di chuyển trong khi bay, đơn giản hóa việc phục vụ ăn uống, và tẩy rửa khoang máy bay thường xuyên hơn và kỹ lưỡng hơn. Về lâu dài, IATA dự kiến là các hành khách sẽ phải được chích ngừa Covid-19, hoặc phải mang theo « hộ chiếu y tế », một loại giấy chứng nhận không nhiễm virus corona, hoặc sẽ được xét nghiệm nhanh để phát hiện ngay tại chỗ các ca nhiễm bệnh.

Riêng tại Pháp, chính phủ đã quyết định là trong vòng ít nhất là 3 tuần sau khi hết phong tỏa ngày 11/05, việc đeo khẩu trang là bắt buộc trong mọi phương tiện giao thông công cộng, kể cả trong máy bay.

Theo hãng tin AFP, hôm thứ Hai 04/5, hãng Air France vừa thông báo là kể từ ngày 11/05, toàn bộ các hành khách của hãng này đều phải mang khẩu trang tự mang theo trước khi lên máy bay. Toàn bộ nhân viên phi hành đoàn và nhân viên làm việc ở sân bay cũng đều phải đeo khẩu trang. Việc phục vụ ăn uống trên máy bay cũng sẽ thay đổi để thích ứng với yêu cầu phòng ngừa dịch Covid-19.

Air France cũng trấn an hành khách là sẽ cố gắng bảo đảm giãn cách xã hội trên máy bay mỗi khi có thể. Trước mắt, trên phần lớn các chuyến bay, do tỷ lệ lấp đầy khoang còn thấp, cho nên hãng có thể bảo đảm khoảng cách an toàn giữa các hành khách. Hãng hàng không Pháp còn trấn an hành khách là sẽ tăng cường tẩy rửa máy bay mỗi ngày và sẽ phun định kỳ một chất diệt virus với tác dụng kéo dài đến 10 ngày. Không khí trong khoang máy bay cứ mỗi 3 phút sẽ được lọc sạch một lần, bằng một bộ lọc « tương tự như loại sử dụng trong các phòng phẫu thuật, virus không thể lọt qua được ».    

Trong khi đó một hãng hàng không của Mỹ Frontier đề nghị hành khách nào muốn được « giãn cách xã hội » thì đóng thêm 39 đôla cho dịch vụ « More Room (Thêm chỗ), có nghĩa là bảo đảm ghế kế bên sẽ không có ai ngồi. 

Đi máy bay dễ bị lây nhiễm?

Virus corona thường lây lan qua các hạt nước li ti bắn ra khi người bệnh hắt hơi, ho hoặc nói chuyện. Như vậy trong không gian chật hẹp của khoang máy bay, hành khách có dễ bị lây nhiễm hay không?

IATA khẳng định virus corona không lan truyền trên máy bay nhiều hơn những môi trường khác. Lập luận của IATA là trên máy bay, hành khách thường nhìn về phía trước, ít có dịp đối mặt với nhau, hơn nữa các hàng ghế coi như là những vật chắn, hệ thống thông gió thì thổi từ trên xuống dưới, cho nên làm giảm đi khả năng virus lan truyền từ phía trước ra phía sau máy bay. Đồng thời, trên những máy bay đời mới nhất, các bộ lọc không khí có chất lượng không kém gì trong phòng giải phẫu của bệnh viện.

Nhưng những lập luận của AITA có đủ cơ sở khoa học để làm an lòng các hành khách tương lai hay không? Không thể nào khẳng định có 100%, vì cho tới nay virus corona chủng mới gây bệnh Covid-19 vẫn còn nhiều bí ẩn đối với các nhà khoa học.

Bình thường các khoang máy bay đã là nơi chứa nhiều nguy cơ lây lan đủ loại vi khuẩn, do việc hành khách ngồi sát cạnh nhau trong một không gian chật hẹp, trong một thời gian dài có khi lên đến hơn 10 tiếng. Một cách lôgic, trong mùa dịch Covid-19, nguy cơ lây nhiễm đương nhiên càng lớn hơn.

Một nghiên cứu của Mỹ được thực hiện trên một chiếc Boeing 767, cho thấy không nên xem thường nguy cơ lây nhiễm virus corona trên máy bay. Trong nghiên cứu này, Qingyan Chen, giáo sư kỹ thuật cơ khí đại học Purdue, Hoa Kỳ, đã chứng minh khi một hành khách ho trong một máy bay thì sẽ có hậu quả như thế nào đối với các hành khách khác.

Phối hợp với các kỹ sư của Boeing, vị giáo sư này đã nghiên cứu xem việc điều chỉnh hệ thống thông gió của máy bay có giúp giảm bớt nguy cơ lây nhiễm Covid-19 hay không. Cuối cùng, họ phát hiện rằng, các hành khách ngồi cách một bệnh nhân 7 hàng ghế trong một chiếc Boeing 767 có một phần ba nguy cơ bị lây nhiễm sau 5 giờ bay.

Tuy nhiên, họ cũng thấy rằng nếu điều chỉnh hệ thống thông gió sao cho không khí được thổi dưới sàn máy bay hơn là từ trên cao, thì sẽ giúp giảm phân nửa nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Nhưng điều chỉnh hệ thống thông gió của toàn bộ máy bay sẽ rất tốn kém đối với các hãng hàng không, hiện đang đứng trước nguy cơ phá sản do hậu quả của dịch virus corona.

Đó là cái vòng luẩn quẩn mà các hãng hàng không đang cố thoát ra : Làm sao trấn an hành khách để họ yên tâm sử dụng trở lại phương tiện máy bay, mà không làm gia tăng gánh nặng tài chính ?

Trước mắt, theo một điều tra của IATA, trong số những hành khách cuối cùng đi máy bay, chỉ có 60% cho biết họ sẽ trở lại với phương tiện vận chuyển này trong khoảng 1 đến 2 tháng sau khi lệnh phong tỏa ở nước họ được dỡ bỏ. Nhưng 40% thì nói là họ sẽ chờ ít nhất là 6 tháng mới leo trở lại lên máy bay.

Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (OACI) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hiện đang thảo luận với IATA và Tổ chức các sân bay (ACI) để quyết định các biện pháp phòng ngừa Covid-19 trong giao thông hàng không trên thế giới.

Bài Liên Quan