Sự thay đổi 180° của thủ tướng Đức

Sự thay đổi 180° của thủ tướng Đức

Tại châu Âu, Le Monde cho rằng « Ở cuối con đường, bà Angela Merkel đã làm những gì phải làm ». Được Paris thúc giục, Berlin đã thay đổi ý kiến về quỹ tái thiết châu Âu, thấy rằng lợi ích cho châu Âu cũng là lợi ích của nước Đức.

Tờ báo nhắc lại, cách đây 9 năm, cựu thủ tướng Đức Helmut Schmidt ở tuổi 93 đã đọc bài diễn văn cuối cùng của mình trong đại hội đảng Dân chủ Xã hội (SPD). Ông nhấn mạnh, sức mạnh của Đức không thể thành hiện thực nếu không có kế hoạch Marshall, cộng đồng châu Âu và NATO, « không có sự giúp đỡ của các nước láng giềng và sự sụp đổ của khối Đông Âu ». Như vậy nước Đức phải đáp lại khi các láng giềng cần giúp đỡ, hội nhập vào châu Âu cũng là để bảo vệ chính mình.

Thủ tướng Schmidt đã qua đời năm 2015, nhưng thông điệp của ông vẫn mang tính thời sự. Hôm thứ Hai 18/05, một thủ tướng Dân chủ Xã hội khác, chưa từng sống qua hai cuộc đại chiến thế giới như ông nhưng trải qua chiến tranh lạnh, đã nối gót. Là người quản lý giỏi hơn là có tầm nhìn xa, ít dùng những lời hoa mỹ, bà Angela Merkel đã tìm được những từ đơn giản để giải thích cho sự thay đổi 180 độ của bà về ngân sách châu Âu ; phá vỡ cấm kỵ xưa nay về việc châu Âu cùng vay nợ để giúp những nước bị đại dịch tàn phá có thể hồi phục.

Hồi tháng Ba, bà Merkel từng tỏ ra lạnh lùng trước tình trạng của Ý và Tây Ban Nha, nhưng nay bà đã hiểu « cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất trong lịch sử Liên Hiệp Châu Âu » đe dọa châu lục, đồng thời cũng đe dọa nước Đức. Thực dụng, bà Merkel đồng thời là nhà chiến thuật. Quyết định của Tòa bảo hiến Karlsruhe hôm 05/05 có tác dụng như một quả bom trong giới thân châu Âu kể cả ở Đức. Angela Merkel thấy rằng không thể để đại dịch nhấn chìm cả châu Âu, và rốt cuộc thỏa hiệp được với Paris.

Ngày 01/07 tới, Đức sẽ trở thành chủ tịch luân phiên EU trong sáu tháng. Đây sẽ là nhiệm vụ châu Âu cuối cùng của thủ tướng Merkel, vốn sẽ rời chính trường năm tới, sau 15 năm lãnh đạo nước Đức. Bà chỉ còn vài tuần lễ để thuyết phục các nước Bắc Âu cứng rắn vẫn chống lại việc gánh nợ chung. 

Bài Liên Quan