Liên Âu đưa ra kế hoạch 750 tỷ euro khắc phục hậu quả Covid-19

Liên Âu đưa ra kế hoạch 750 tỷ euro khắc phục hậu quả Covid-19

Đăng ngày: 27/05/2020

Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, Ursula von der Leyen, phát biểu qua hội nghị truyền hình với các thành viên về kế hoạch phục hồi kinh tế sau khủng hoảng Covid-19, tháng 5/2020.
Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, Ursula von der Leyen, phát biểu qua hội nghị truyền hình với các thành viên về kế hoạch phục hồi kinh tế sau khủng hoảng Covid-19, tháng 5/2020. Olivier Hoslet/Pool via REUTERS

Thanh Hà

Trong khuôn khổ kế hoạch ngân sách cho giai đoạn 2021-2027, ngày 27/05/2020 chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen công bố kế hoạch chấn hưng kinh tế sau khủng hoảng Covid-19. Tới nay, 27 thành viên còn nhiều bất đồng về các biện pháp hỗ trợ những quốc gia bị virus corona tàn phá nghiêm trọng nhất.  

Ngân sách chung châu Âu cho giai đoạn 7 năm sắp tới liên tục là đề tài gây chia rẽ Liên Hiệp Châu Âu. Với khủng hoảng y tế do virus corona gây nên, Ủy Ban Châu Âu chủ trương ngân sách phải bao gồm luôn cả kế hoạch vực dậy kinh tế Liên Âu sau đại dịch Covid-19. Một lần nữa đây lại là đề tài gây nhiều tranh cãi.

Theo báo Le Monde, Bruxelles thông báo kế hoạch 750 tỷ euro chấn hưng kinh tế. Câu hỏi đặt ra là số tiền nói trên trên sẽ được cấp dưới hình thức nào ? Đó sẽ là khoản trợ cấp trực tiếp hay các khoản tín dụng cấp cho các thành viên trong Liên Hiệp Châu Âu ? Hôm 18/05/2020, hai thành viên quan trọng nhất của Liên Âu là Đức và Pháp lần đầu tiên cùng đề nghị Liên Âu chia sẻ gánh nặng nợ nần liên quan đến 500 tỷ euro.

Theo giới quan sát, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu đang chuẩn bị đề xuất một số biện pháp mang tính “lịch sử” như phân tích của thông tín viên Pierre Bénazet từ Bruxelles :

Nếu không là thời điểm lịch sử, thì ít nhất đây cũng là một thời khắc then chốt đối với Liên Hiệp Châu Âu. Các đề xuất mà Ủy Ban Châu Âu đưa ra vào hôm nay để thúc đẩy trở lại kinh tế có khuynh hướng đi theo hướng mà Đức và Pháp đã đưa ra.

Có khả năng kế hoạch của Ủy Ban Châu Âu bao gồm hàng trăm tỷ euro tín dụng như điều một số thành viên chặt chẽ trong việc chi tiêu mong muốn. Bên cạnh đó sẽ có cả các biện pháp trợ cấp trực tiếp như sáng kiến của Đức và Pháp.

Để thực hiện được kế hoạch này, đích thân Ủy Ban Châu Âu sẽ phải đi vay tín dụng trên các thị trường tài chính. Đây là một bước đầu tiên hết sức quan trọng. Khả năng này trong tương lai sẽ mở ra viễn cảnh ngân sách của Liên Âu sau này sẽ ngày càng trông chờ vào những nguồn vốn tự có, chẳng hạn như tìm nguồn thu nhập từ thuế các- bon áp dụng tại các cửa khẩu. Đây là một giả thuyết vẫn thường được nêu lên.

Ủy Ban Châu Âu có tham vọng đưa kế hoạch thúc đẩy kinh tế này vào ngân sách chung của Liên Hiệp Châu Âu cho giai đoạn 7 năm sắp tới. Như vậy ngân sách chung châu Âu sẽ được nhân lên gấp đôi, đạt 2000 tỷ euro. Trong khi mà cho đến nay, những kế hoạch vài chục triệu euro cũng đủ để các bên không thể tìm ra đồng thuận”.

Bài Liên Quan