Trịnh Tư Luật: ‘Trung Quốc không cải tổ, Hong Kong không hy vọng’

Trịnh Tư Luật: ‘Trung Quốc không cải tổ, Hong Kong không hy vọng’

Bùi ThưBBC News Tiếng Việt

  • 9 tháng 6 2020
Nhà nghiên cứu Cheng Sze Lut, từng làm phó chủ tịch Công đảng, ông cũng là thành viên chủ chốt của liên minh gồm 50 nhóm đấu tranh nhân quyền tại Hong Kong.
Image captionNhà nghiên cứu Trịnh Tư Luật, từng làm phó chủ tịch Công đảng, ông cũng là thành viên chủ chốt của liên minh gồm 50 nhóm đấu tranh nhân quyền tại Hong Kong.

Nhà nghiên cứu chính sách, nhà hoạt động người Hong Kong nói cơ chế “một quốc gia, hai chế độ” đã bị kết liễu và người Hong Kong cần học Đài Loan, không được thỏa hiệp với Trung Quốc.

“Không riêng gì hệ thống chính trị và pháp lý của chúng tôi bị điều khiển bởi một chính quyền bù nhìn, nền kinh tế, hệ thống giáo dục, xã hội và môi trường cũng bị khai thác”, nhà nghiên cứu Trịnh Tư Luật chia sẻ với BBC News Tiếng Việt hôm 4/6.

Ông Trịnh Tư Luật (Cheng Sze Lut), sinh năm 1988, là một gương mặt nổi bật trong phong trào đấu tranh dân chủ tại Hong Kong những năm gần đây. Ông đồng thời cũng là nhà nghiên cứu chính sách, từng làm phó chủ tịch Công đảng và cũng là thành viên chủ chốt của liên minh gồm 50 nhóm đấu tranh nhân quyền tại Hong Kong.

Trung Quốc gia tăng kiểm soát

Sau khi nhận chuyển giao Hong Kong từ Anh vào năm 1997, Trung Quốc liên tục gia tăng các biện pháp để kiểm soát đặc khu này dù bên ngoài vẫn tuyên bố sẽ thực thi cơ chế “một quốc gia, hai chế độ”.

Những bước đi mới nhất của Trung Quốc, đặc biệt là việc thúc đẩy các luật hạn chế quyền tự trị của Hong Kong, khiến giới ủng hộ dân chủ tại đặc khu lo ngại. Nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra để phản đối Bắc Kinh cũng như để bảo vệ quyền tự do cho người dân Hong Kong.

Mới đây, Quốc hội Trung Quốc thông qua luật An ninh Quốc gia và dự kiến sẽ đưa vào phụ lục Luật cơ bản Hong Kong ngay trong tháng Sáu.

Vào ngày 4/6, Hội đồng Lập pháp Hong Kong cũng đã bỏ phiếu (vòng 3) do dự luật Quốc ca, dự kiến sẽ được ban hành thành luật cũng trong tháng Sáu này.

Một khi luật Quốc ca có hiệu lực tại Hong Kong, các hành động xúc phạm quốc ca có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị phạt tiền và phạt tù.

Với các nhà đấu tranh dân chủ, đây là những bước đi đánh dấu “sự cáo chung của Hong Kong” trong tư cách là một đặc khu với các quyền tự do được đảm bảo.

Chính trị gia Tanya Chan (Trần Thục Trang) (giữa) nói rằng đây là "ngày buồn thảm nhất trong lịch sử Hong Kong"
Image captionChính trị gia Tanya Chan (Trần Thục Trang) (giữa) nói rằng đây là “ngày buồn thảm nhất trong lịch sử Hong Kong”

“Người dân Hong Kong lo ngại các luật do Bắc Kinh áp đặt một khi được ban hành sẽ kéo theo hoạt động tư pháp theo kiểu Trung Quốc”, ông Trịnh Tư Luật nhận định.

“Chính quyền đặc khu cũng có thể tự ban hành các luật hạn chế tự do của công dân, chẳng hạn Luật Trật tự công cộng. Tuy nhiên, dù thế thì các luật này cũng dựa trên các nguyên tắc luật pháp của hệ thống thông luật Anh mà các nước khối Thịnh vượng chung còn áp dụng”.

“Còn với các luật do Trung Quốc áp đặt, thật khó để đảm bảo một người được xét xử công bằng trước các tòa án do đại lục kiểm soát”, ông nói thêm.

Không chỉ là việc ban hành luật, Bắc Kinh còn hạn chế quyền tự trị của Hong Kong và gia tăng kiểm soát đặc khu này theo nhiều phương cách khác.

“Các giáo viên đăng tải thông tin hoặc hình ảnh chống chính phủ lên Facebook, ngay lập tức họ sẽ bị phòng giáo dục cảnh cáo”.Cheng Sze LutCheng Sze LutNgười Hong Kong đủ thực tế. Chúng tôi biết rõ rằng nếu không có tự do và cải tổ thực sự ở Trung Quốc thì không thể đảm bảo được quyền tự trị tại Hong KongCheng Sze Lut
Cựu phó chủ tịch Công đảng

Mới đây, chính quyền Hong Kong còn cấm người dân tập trung tưởng niệm vụ thảm sát Thiên An Môn. Tuy nhiên, sau đó hàng chục ngàn người đã bất chấp lệnh cấm, vẫn thực hiện cuộc tưởng niệm vào đêm 4/6.

“Hành động của chính phủ là một sự khiêu khích nghiêm trọng trong lịch sử của chúng tôi. Cuộc tập trung tưởng niệm ngày 4/6 là một sự kiện quan trọng. Tôi cho rằng việc cấm đoán tạo ra tiền lệ nguy hiểm cho tương lai”, ông Trịnh Tư Luật đánh giá.

“Cơ chế ‘một quốc gia, hai chế độ’ đã cáo chung hoàn toàn rồi”, ông Trịnh đúc kết.

‘Trung Quốc không cải tổ, Hong Kong không hy vọng’

Giáo dục lòng “ái quốc” đối với học sinh và các biện pháp tuyên truyền khác cũng được Trung Quốc triển khai sâu rộng trong nhiều năm qua.

Ông Trịnh đánh giá các chương trình tuyên truyền và lối giáo dục tẩy não đó không phát huy tác dụng.

Dù thừa nhận trong giai đoạn 2000-2010, nhiều người dân Hong Kong trở nên ủng hộ Bắc Kinh vì ngưỡng mộ thành tựu kinh tế của Trung Quốc, nhưng ông nói thêm:

“Nhiều người mong chờ Bắc Kinh sẽ cải tổ chính trị và truyền thông vào thời điểm 20 năm kể từ năm 1989. Tuy nhiên, tất cả những gì đã xảy ra thì chúng ta đều đã thấy: Chính quyền Tập Cận Bình đàn áp xã hội dân sự và truyền thông, thúc đẩy ý thức hệ yêu nước đơn nhất vốn đe dọa tự do”.

“Người Hong Kong đủ thực tế. Chúng tôi biết rõ rằng nếu không có tự do và cải tổ thực sự ở Trung Quốc thì làm sao đảm bảo được quyền tự trị tại Hong Kong”, nhà nghiên cứu họ Trịnh nhận định.

Người biểu tình ở quận Mong Kok của thành phố
Image captionNgười biểu tình ở quận Mong Kok của thành phố

Nhà nghiên cứu này cũng bày tỏ lo ngại trước xu hướng ngả về Bắc Kinh của chính giới.

“Có thể là việc chia sẻ quyền lực hoặc các món lợi trở nên quá hấp dẫn đối với họ”, ông nói. “Nhưng tôi đặc biệt lo ngại là xu hướng các doanh nhân Hong Kong hoặc các tập đoàn đa quốc gia đang hoạt động tại đặc khu trở nên thân Bắc Kinh hơn”.

Trong bối cảnh Bắc Kinh gia tăng ảnh hưởng, Hội đồng Lập pháp (Legco) của đặc khu cũng khó duy trì được tính độc lập.

“Phân nửa số ghế trong Legco được bầu bởi ‘các nhóm chức năng’ gồm nhiều ngành nghề khác nhau. Chúng tôi đang nỗ lực hết mình để lấy lại đa số trong Legco, nhưng thật khó làm được điều này”, ông Trịnh Tư Luật nói.

“Mà ngay cả khi chúng tôi chiếm đa số trong hội đồng, Bắc Kinh cũng có thể sử dụng quyền lực để tước tư cách các vị tân cử sau cuộc bầu cử vào tháng chín”.

‘Tôi là người Hong Kong’

Duy trì một “căn cước” riêng cũng nằm trong sự quan tâm của nhiều người Hong Kong. Thăm dò trên trang Pori cho thấy từ năm 1997-2019, xu hướng người dân tại vùng đặc khu nhận mình là người Trung Quốc (Trung Quốc nhân, Chinese) giảm dần, trong khi xu hướng người nhận mình là người Hong Kong (Hương Cảng nhân, Hongkongers) tăng lên.

“Tất nhiên tôi là một người Hong Kong. Tôi cũng là một người thiểu số Trung Quốc. Nhưng có một điều rõ ràng, tôi không phải là một người đại lục, hoặc là một người Trung Quốc theo những điều kiện hiện nay của Bắc Kinh”, ông Trịnh nói.

Ông cho biết thêm, lớp người lớn tuổi thường có xu hướng coi mình là người Trung Quốc.

“Bởi trải nghiệm sống của họ liên quan tới Quảng Đông hoặc các nguyên quán khác của họ. Nhưng những căn cước này không dựa trên lòng trung thành về chính trị, mà chủ yếu là gốc rễ văn hóa và bản quán”.

“Ngược lại, hầu hết người trẻ đều tin rằng họ là người Hong Kong và không liên quan gì với Trung Quốc cả”, nghiên cứu gia họ Trịnh chia sẻ.

Cảnh sát ở Hong Kong hôm 27/5.
Image captionCảnh sát ở Hong Kong hôm 27/5.

Sự khác biệt giữa các thế hệ cũng thể hiện trong cách thức mà người Hong Kong phản ứng trước các chính sách của Trung Quốc.

“Phần lớn người cao tuổi nghiêng về các phương thức biểu tình truyền thống, chẳng hạn tuần hành ôn hòa, với hy vọng sẽ có câu trả lời thỏa đáng từ chính phủ”, ông Trịnh Tư Luật nhận xét. “Trong khi đó, người trẻ tin rằng không có cách nào để thỏa hiệp với chế độ hiện tại”.

“Người lớn tuổi cũng có xu hướng thoát ly tới các quốc gia khác để sống. Nhưng đó không phải là lựa chọn của người trẻ tuổi, vốn ít có quan hệ với thời thuộc địa Anh và cũng không đủ giàu có.”

Ông Trịnh nhận định một số người trẻ có thể cho rằng việc thoát ly ra nước ngoài là phản bội, là sự bỏ cuộc.

Nhưng ở lại Hong Kong để tiếp tục tranh đấu, tương lai sẽ như thế nào?

Ông Trịnh Tư Luật nói rằng tương lai rất khó đoán định, nhưng có thể học hỏi từ Đài Loan.

“Đó là phải vững vàng và từ chối bất kỳ đề nghị thỏa hiệp nào với Bắc Kinh”.

Ông cũng cho rằng sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với đòi hỏi dân chủ của Hong Kong là quan trọng, “dù đó không phải là chiến tuyến chủ lực của chúng tôi”.

“Tôi mong rằng Liên minh châu Âu và nhiều quốc gia khác tiếp bước Mỹ trừng phạt Trung Quốc càng sớm càng tốt”.

Bài Liên Quan