Phan Điệp và những chuyện về Cảnh Sát Dã Chiến
Lâm Hoài Thạch/Người Việt
WESTMINSTER, California (NV) – Cảnh Sát Dã Chiến thuộc Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia VNCH. Đây là một lực lượng võ trang được trang bị vũ khí như những đơn vị tác chiến. Nhiệm vụ của đơn vị Cảnh Sát Dã Chiến là tiêu diệt hạ tầng cơ sở Cộng Sản, họ còn được trang bị thêm các dụng cụ cần thiết khác để trấn áp các cuộc bạo động, biểu tình gây náo loạn trong quần chúng.
Những Sinh Viên Sĩ Quan Cảnh Sát Dã Chiến được huấn luyện tại Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia. Sau khi tốt nghiệp, họ còn được gởi theo học khóa quân sự đào tạo sĩ quan tại trường Bộ Binh Thủ Ðức. Song song đó, các sĩ quan và hạ sĩ quan Cảnh Sát Dã Chiến có một số cũng được đưa đi thụ huấn các khóa về trấn áp bạo động, tác chiến rừng rậm, và tình báo tác chiến tại Mã Lai và Phi Luật Tân.
Những nhân viên Cảnh Sát Dã Chiến được học qua khóa Cảnh Sát Căn Bản tại Rạch Dừa, Vũng Tàu. Sau khi tốt nghiệp, họ còn được huấn luyện thêm về quân sự và chuyên môn Cảnh Sát Dã Chiến tại Trung Tâm Huấn Luyện Cảnh Sát Dã Chiến Ðà Lạt, một trung tâm huấn luyện rộng lớn, và chuyên huấn luyện phần căn bản Cảnh Sát Dã Chiến cho các nhân viên cảnh sát sắc phục được chuyển sang ngành Cảnh Sát Dã Chiến.
Có một số nhân viên của đơn vị Cảnh Sát Dã Chiến cũng được chọn vào thành viên chính yếu trong chiến dịch Phượng Hoàng. Trước năm 1975, Cảnh Sát Dã Chiến có cấp số trên lý thuyết là 16,500 quân, và được phối trí hoạt động từ thành thị cho tới nông thôn.
Phan Điệp, Sinh Viên Sĩ Quan tình nguyện thi vào Khóa 2 Biên Tập Viên Cảnh Sát Quốc Gia, 1967. Ông nhập khóa Tháng Giêng, 1967, và ra trường Tháng Mười, 1967. Sau khi tốt nghiệp, ông được về phục vụ trong ngành Cảnh Sát Dã Chiến Quốc Gia.
Ông Phan Điệp kể: “Theo sự hiểu biết của tôi thì trong ngành cảnh sát có nhiều bộ phận, như Cảnh Sát Sắc Phục, Cảnh Sát Tư Pháp, Cảnh Sát Đặc Biệt, Biệt Đội Thiên Nga (nhóm nữ tình báo đặc biệt của Cảnh Sát Quốc Gia)… Mỗi ban ngành thì có nhiệm vụ riêng của họ. Riêng tôi thì trong ngành Cảnh Sát Dã Chiến. Nói về Cảnh Sát Dã Chiến thì có nhiệm vụ giống như một chiến sĩ của quân đội tại địa phương nơi đóng quân. Ngoài ra, có một số Cảnh Sát Dã Chiến cũng được nằm trong chiến dịch Phượng Hoàng, phối hợp chung với nhiều cơ quan đội khác để lo về phần tình báo đặc biệt của quốc gia.”
Cũng theo ông kể, lúc bấy giờ Bộ Chỉ Huy Khối Cảnh Sát Dã Chiến trực thuộc Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia. Khối Cảnh Sát Dã Chiến ngoài các phòng chuyên môn còn có Ðại Ðội Tổng Hành Dinh và một Chi Ðội Thiết Giáp gồm tám chiến xa AM8, với nhiệm vụ phòng thủ an ninh Ngân Hàng Quốc Gia và an ninh vòng đai Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia.
Về việc phòng thủ an ninh cho đô thành, khối này còn có hai biệt đoàn, thứ nhất là Biệt Ðoàn 5 Cảnh Sát Dã Chiến có 12 đại đội tác chiến, được tung ra hoạt động trong khắp các quận của đô thành Sài Gòn và tỉnh Gia Ðịnh. Thứ hai là Biệt Đoàn 222 Cảnh Sát Dã Chiến, đây là biệt đoàn tổng trừ bị của Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia, nhiệm vụ của biệt đoàn này là lúc nào cũng sẵn sàng tăng cường yểm trợ mọi hoạt động cho tất cả các Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia ở cấp địa phương trên khắp lãnh thổ tại Miền Nam lúc bấy giờ. Tổng quân số của Biệt Ðoàn 5 Cảnh Sát Dã Chiến và Biệt Đoàn 222 Cảnh Sát Dã Chiến có trên 5,000 người.
Vì tình hình an ninh lãnh thổ, nên khối này được cải tổ để phù hợp với trọng trách an ninh và phòng thủ. Vì thế, Khối Cảnh Sát Dã Chiến nhiều lần đã được đổi tên theo nhiều thời điểm như: Năm 1969, Khối Cảnh Sát Dã Chiến được đổi tên là Khối Yểm Trợ Võ Trang, có trách nhiệm quản trị và điều hành hai lực lượng Cảnh Sát Dã Chiến và Giang Cảnh. Năm 1972, Khối Yểm Trợ Võ Trang được đổi tên thành Khối Ðiều Hành, và điều hành ba lực lượng võ trang gồm lực lượng Cảnh Sát Dã Chiến, lực lượng Giang Cảnh và lực lượng Thám Sát Tỉnh. Ðến năm 1973, Khối Ðiều Hành được đổi tên thành Khối Hành Quân.
Nhiệm vụ đầu tiên
Nền Đệ Nhị Cộng Hòa Việt Nam (1967-1975) là chính thể dân sự của Việt Nam Cộng Hòa thành lập trên cơ sở của bản Hiến Pháp: Tháng Tư, 1967, và cuộc bầu cử vào Tháng Chín, 1967. Ngày 1 Tháng Mười Một, 1967, được xem là ngày chính thức thành lập nền Đệ Nhị Cộng Hòa, vị tổng thống đầu tiên là Nguyễn Văn Thiệu.
Vừa mới ra trường, ông Phan Điệp được Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia cử vào Dinh Độc Lập để làm Lễ Quốc Khánh đầu tiên của thời Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu vào ngày 1 Tháng Mười Một, 1967. Trong đại lễ này, có nhiều phái đoàn từ những quốc gia trên thế giới đến dự, và Phan Điệp là một trong những sĩ quan Cảnh Sát có nhiệm vụ đi đón tiếp và hướng dẫn những phái đoàn đó khi họ đến Việt Nam.
“Trong thời gian đưa đón phái đoàn của thế giới đến dự Lễ Quốc Khánh, Việt Cộng cũng có pháo kích lẻ tẻ vào thủ đô Sài Gòn nhằm để phá hoại ngày Quốc Khánh đầu tiên của nền Đệ Nhị Cộng Hòa tại miền Nam. Nhưng cũng không gây ảnh hưởng đến đại lễ này. Những ổ pháo kích của Cộng Sản ven đô thành Sài Gòn đều bị Quân Lực VNCH và Cảnh Sát Dã Chiến tiêu diệt,” ông Điệp cho biết.
Ông kể thêm. “Một thời gian sau, tôi được bổ nhiệm về Khối Cảnh Sát Dã Chiến nằm trong Bộ Tư Lệnh Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia ở đường Cộng Hòa, Sài Gòn. Chức vụ của tôi lúc bấy giờ là Phó Phòng 5 Tâm Lý Chiến của Cảnh Sát Dã Chiến. Không bao lâu thì lại nổ ra vụ Tết Mậu Thân, 1968. Lúc đó có Biệt Đoàn 5 Cảnh Sát Dã Chiến ở Khu Tăng Răng Trưởng tại Quận 8, chuyên lo về những an ninh vòng đai của Đô Thành Sài Gòn trong lãnh vực quân sự. Ngoài ra còn có lực lượng quân đội rất mạnh để chịu trách nhiệm an ninh của thủ đô miền Nam này.”
Tham chiến trận Tết Mậu Thân 1968
Cũng theo ông Điệp, trong trận Tết Mậu Thân 1968, lúc Việt Cộng tấn công vào thủ đô Sài Gòn, tại đồn Tăng Răng Trưởng cũng bị Việt Cộng tấn công, bên Cảnh Sát Dã Chiến có năm người bị hy sinh. Phòng 5 Cảnh Sát Dã Chiến nhờ trực thăng của Mỹ, thuộc cơ quan cố vấn Cảnh Sát Dã Chiến tới bốc năm thi hài này về Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát để lo về hậu sự. Ông Phan Điệp được cử sang để tiếp nhận năm thi hài đó. Lúc đó, họ chưa biết lý lịch của năm Cảnh Sát Dã Chiến đã hy sinh, nên ông Điệp phải tự lục soát vào túi quần áo của họ để lấy tên họ, và thông báo về cấp chỉ huy cùng gia đình của họ.
“Trong lúc Việt Cộng tổng tấn công vào miền Nam vào Tết Mậu Thân, thủ đô Sài Gòn lúc đó nhiều nơi bị địch quân tấn công, thì nhiệm vụ của tôi lúc đó còn phải lo về ma chay cho những chiến sĩ Cảnh Sát Dã Chiến đã hy sinh, và còn phải lo xin tiền trợ cấp ứng trước khi họ nhận được tiền tử để làm những đám tang đó. Có lúc gặp phải những tên Việt Cộng nằm vùng thì chúng tôi cũng phải chiến đấu với bọn chúng,” ông nhớ lại.
Trong những ngày Tết Mậu Thân, tại thủ đô Sài Gòn rất náo loạn, vì xem như chiến tranh đã xảy ra tại thủ đô này. Khi Cộng Sản tràn vào thủ đô Sài Gòn thì lực lượng Cảnh Sát Dã Chiến có nhiệm vụ hợp tác với quân đội để tiêu diệt những tên nằm vùng và quân của Việt Cộng tấn công vào thủ đô, nên bên lực lượng Cảnh Sát Dã Chiến cũng bị thương tích rất nhiều, và nhiệm vụ Phòng 5 Tâm Lý Chiến của Cảnh Sát Dã Chiến cũng phải vào bệnh viện để làm những công tác thăm nom và ủy lạo các chiến sĩ Cảnh Sát Dã Chiến đang được chữa trị vết thương.
Ông Điệp kể: “Tôi còn nhớ rõ một sự kiện cũng trong biến cố Mậu Thân, nếu không nhờ đồng bào yểm trợ về việc điềm chỉ nơi đóng quân của Việt Cộng thì đoàn cứu trợ của chúng tôi đã gặp khó khăn với Cộng Quân. Lúc đó, đoàn xe cứu trợ chúng tôi được lệnh của cấp chỉ huy là phải vào bệnh viện Chợ Rẫy để cứu trợ và xem tình hình các chiến sĩ Cảnh Sát Dã Chiến đã đụng độ với Cộng Quân nhiều nơi.”
“Đoàn xe cứu trợ của tôi trương cờ hồng thập tự đi từ đường Trần Hoàng Quân để chạy đến bệnh viện Chợ Rẫy. Khi đến gần bệnh viện Chợ Rẫy thì dân chúng gần đó chận xe của chúng tôi lại và cho biết Việt Cộng đã tràn vào bệnh viện Chợ Rẫy, đang tập trung rất nhiều tại Trại Hòm Vạn Thọ gần bệnh viện Chợ Rẫy. Vì thế, đoàn xe chúng tôi phải ngừng lại và phải trở về ngay, nếu không thì Việt Cộng sẽ tràn tới để tấn công chúng tôi. Trong trận Tết Mậu Thân, nhờ dân chúng điềm chỉ, nếu không thì chúng tôi đã mất mạng trong mặt trận này rồi, vì Việt Công bao vây khu này rất đông,” ông kể tiếp.
Sau đó thì lực lượng Biệt Động Quân và Thủy Quân Lục Chiến của Quân Lực VNCH đến tấn công “ổ” đóng quân của địch tại Trại Hòm Vạn Thọ. “Ổ” Việt Cộng đóng quân nơi này bị tiêu diệt. Quân đội VNCH tiếp tục tấn công và giải vây được bệnh viện Chợ Rẫy, và Việt Cộng bị chết rất nhiều tại đây, vì chúng không có đường nào để rút quân cả. Khi quân đội tiêu diệt được Việt Cộng tại bệnh viện Chợ Rẫy thì đoàn ủy lạo của Cảnh Sát Dã Chiến tiếp tục lên đường đến nơi này để ủy lạo cho các thương binh Cảnh Sát Dã Chiến.
Ông Điệp nhớ lại: “Sau khi địch quân bị Quân Lực VNCH tiêu diệt trong trận Mậu Thân tại thủ đô Sài Gòn thì toán của chúng tôi phải làm việc cực lực để giải quyết nhiều vấn đề ủy lạo cho gia đình thương binh, làm mai táng cho những chiến sĩ đã hy sinh, và làm thủ tục để cho gia đình vợ con của họ nhận tiền tử.”
“Lúc đó, bên Cảnh Sát Quốc Gia có quỹ đóng góp tương trợ cho những thân nhân của nhân viên cảnh sát đã hy sinh. Nếu khi có nhân viên cảnh sát nào đã hy sinh thì tất cả những nhân viên còn lại đóng góp cho quỹ tương trợ mỗi người là 2 đồng, tiền Việt Nam thời đó. Số tiền của mỗi người đóng tuy ít, nhưng tổng cộng lực lượng Cảnh Sát tại đô thành lên đến mấy chục ngàn người, nên số tiền quỹ tương trợ cho những thân nhân của người quá cố nhận được rất nhiều,” ông cho hay.
Đi ủy lạo nạn lụt miền Trung
Cuối năm 1969, đoàn ủy lạo Phòng 5 Cảnh Sát Dã Chiến được lệnh đi ủy lạo cho vụ bão lụt miền Trung của các tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam, và một số quận hạt tại Huế và Đà Nẵng cũng bị lũ lụt . Trận bảo lụt này rất khủng khiếp, vì có nhiều nơi nước đã dâng lên đến đầu của dân chúng. Vì thế, có nhiều cư dân phải ngồi trên nóc nhà để chờ đoàn cứu hộ đến cứu giúp. Thật ra, công việc cứu trợ cho dân chúng không phải nhiệm vụ của Cảnh Sát Dã Chiến, nhưng vì tình quân dân, nên đoàn ủy lạo cũng chia sẻ ít nhiều cho những dân nghèo trong hoàn cảnh bị lũ lụt.
Lúc đó chức vụ của ông Phan Điệp là trưởng Phòng 5 Cảnh Sát Dã Chiến, được Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát cử đi thăm những đại đội hoặc trung đội Cảnh Sát Dã Chiến đang đóng quân tại những vùng bị bão lụt, và cũng có nhiều đồn bót trong tình trạng bị ngập lụt.
Ông Điệp kể: “Vì bão lụt nên phương tiện đường bộ đều bị ngập nước, đoàn của chúng tôi phải di chuyển bằng trực thăng, do các cơ quan của cố vấn Mỹ họ giúp mình. Tôi còn nhớ ông cố vấn Mỹ của đơn vị chúng tôi là Đại Úy White. Vì trên đường đi ủy lạo lúc đó trời đang mưa gió, đoàn của chúng tôi đi chung với Đại Úy White và chở nhiều quà để ủy lạo. Có một kỷ niệm mà tôi không bao giờ quên được là chúng tôi suýt chết trên đường đi ủy lạo bằng trực thăng. Vì lúc trên đường bay đến các đồn bót của Cảnh Sát Dã Chiến thì không biết vì lý do gió bão như thế nào mà hai chiếc trực thăng trên không xém phải chạm vào nhau, và đoàn của chúng tôi là một trong hai chiếc trực thăng này. Nhưng cũng may mắn là các phi công họ nhanh nhẹn lòn lách được nên mới không gây tai nạn trên không.”
Sau đó, đoàn của ủy lạo của ông Phan Điệp đã bay đến nhiều đồn bót của Cảnh Sát Dã Chiến tại miền Trung đang bị lũ lụt. (Lâm Hoài Thạch)