Tập Cận Bình và Joe Biden cảnh báo lẫn nhau về Đài Loan

29 tháng 7 2022

Joe Biden and Xi Jinping (file photo)
Chụp lại hình ảnh,Tổng thống Mỹ Joe Biden nói chuyện trực tuyến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước đó

Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc đã cảnh báo lẫn nhau về vấn đề Đài Loan trong cuộc điện đàm kéo dài hơn hai giờ.

Tổng thống Joe Biden nói với người đồng cấp Trung Quốc, Tập Cận Bình, rằng Mỹ phản đối mạnh mẽ bất kỳ động thái đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng của hòn đảo tự trị.

Nhưng ông Biden nói thêm rằng chính sách của Mỹ về vấn đề Đài Loan không thay đổi.

Bắc Kinh cho biết Chủ tịch Tập Cận Bình đã yêu cầu Tổng thống Biden tuân thủ nguyên tắc “một Trung Quốc”, đồng thời cảnh báo Mỹ ‘đừng đùa với lửa’.

Căng thẳng đã gia tăng trong bối cảnh có tin đồn Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi sẽ đến thăm Đài Loan.

Bộ ngoại giao Mỹ cho biết bà Pelosi chưa ra thông báo về chuyến đi nào, nhưng Trung Quốc đã cảnh báo về “hậu quả nghiêm trọng” nếu bà tiến hành một chuyến thăm như vậy.

Tuần trước, Tổng thống Joe Biden nói với các phóng viên rằng “quân đội cho rằng đó không phải là một ý kiến hay”, nhưng Nhà Trắng cũng gọi việc Trung Quốc phản đối chuyến đi của bà Pelosi là “vô ích và không cần thiết”.

Là người đứng thứ hai trong danh sách kế nhiệm tổng thống, bà Pelosi sẽ là chính trị gia cấp cao nhất của Mỹ đi đến hòn đảo dân chủ tự quản kể từ năm 1997.

Trong cuộc điện đàm hôm 28/7, hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về việc sắp xếp một cuộc gặp họp trực tiếp trong tương lai, một quan chức cấp cao của chính quyền Biden cho biết, mô tả hai bên trao đổi “thẳng thắn” và “trung thực”.

Khi còn là phó tổng thống Mỹ, ông Biden đã tiếp đón ông Tập Cận Bình trong chuyến thăm Mỹ của nhà lãnh đạo Trung Quốc vào năm 2015, nhưng họ chưa từng gặp mặt trực tiếp trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden.

Trung Quốc coi Đài Loan tự trị là một tỉnh ly khai, một phần lãnh thổ mà cuối cùng sẽ hợp nhất với đại lục – và không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để đạt được điều này.

Theo chính sách “một Trung Quốc”, Washington không công nhận Đài Bắc về mặt ngoại giao. Nhưng Mỹ bán vũ khí cho hòn đảo dân chủ tự trị để họ có thể tự vệ.

Sau cuộc gọi, Bộ Ngoại giao Đài Loan hôm 29/7 cho biết họ sẽ tiếp tục làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác an ninh chặt chẽ với Mỹ.

Nhà Trắng cho biết ngoài vấn đề Đài Loan, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về một loạt vấn đề khác, bao gồm biến đổi khí hậu và an ninh y tế.

Chính quyền Biden đang xem xét có nên dỡ bỏ thuế quan từ thời cựu Tổng thống Donald Trump đối với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc hay không, cho rằng động thái này có thể làm giảm lạm phát đang tăng vọt ở Mỹ. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ đã không thảo luận vấn đề này với Chủ tịch Trung Quốc hôm 28/7, quan chức cấp cao của Mỹ cho biết.

Các nhà phân tích tin rằng cả Joe Biden và Tập Cận Bình đều muốn tránh một cuộc xung đột mở, phóng viên ngoại giao Barbara Plett Usher của BBC đưa tin. Nhưng cả hai đều không thực hiện bất kỳ nỗ lực nào để thay đổi các bài toán cạnh tranh của họ, điều này đã được minh họa một lần nữa thông qua những tuyên bố trái ngược của họ về cuộc điện đàm hôm 28/7.

Trong một bản tóm tắt ngắn gọn, Nhà Trắng cho biết đây là một phần của nỗ lực “giải quyết sự khác biệt một cách có trách nhiệm” và làm việc cùng nhau khi “lợi ích phù hợp”.

Trong một bản thông báo dài hơn rất nhiều, Bắc Kinh cho biết hai bên tương đồng về mặt lợi ích. Nhưng Trung Quốc đổ lỗi cho Mỹ làm mối quan hệ xấu đi, chỉ trích quan điểm của chính quyền Biden coi Trung Quốc là “đối thủ chính” và là “thách thức lâu dài nghiêm trọng nhất” của Washington.

2px presentational grey line

Khó thấy điều tích cực

Phân tích của phóng viên Rupert Wingfield-Hayes, từ Đài Bắc

Nhiều điều được rút ra từ việc Chủ tịch Tập Cận Bình nói với Tổng thống Joe Biden rằng ‘đừng đùa với lửa’.

Đó là một lời cảnh báo mạnh mẽ đối với Mỹ – nhưng không phải là chưa từng có tiền lệ. Bộ ngoại giao Trung Quốc đã sử dụng chính xác cụm từ này khi một phái đoàn quốc hội Mỹ đến thăm Đài Loan vào đầu năm nay. Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng sử dụng cụm từ tương tự trong một cảnh báo đối với Đài Loan vào năm ngoái.

Thực tế là cụm từ này được Chủ tịch Tập Cận Bình sử dụng càng khiến nó có trọng lượng hơn.

Nhưng không có nghĩa là Trung Quốc đang chuẩn bị hành động quân sự chống lại Đài Loan, nếu – chẳng hạn – bà Nancy Pelosi đến hòn đảo vào tuần tới. Thay vào đó, họ nói với Mỹ rằng nếu nước này tiếp tục đi theo con đường hiện tại, cuối cùng sẽ dẫn đến xung đột.

Khó có thể thấy điều gì tích cực từ cuộc điện đàm này xét về mối quan hệ toàn diện giữa Mỹ và Trung Quốc.

Bài Liên Quan