Anh Quốc muốn gia nhập CPTPP của vùng châu Á – Thái Bình Dương

Anh Quốc muốn gia nhập CPTPP của vùng châu Á – Thái Bình Dương

Nhiều người Việt mong có việc làm, thu nhập tốt
Image captionNhiều người Việt mong có việc làm, thu nhập tốt

Chính phủ Anh vừa công bố tài liệu nói họ có ý định ký Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương gọi tắt là Hiệp định CPTPP.

Trong lúc đàm phán với EU về thỏa thuận chung cuộc cho Brexit sắp tăng tốc, chính phủ Anh hôm 17/06/2020 công bố văn bản chính thức nói họ có ba lý do để tham gia đàm phán về CPTPP.

Lý do đầu tiên là nhằm đảm bảo có các cơ hội thương mại và đầu tư gia tăng, giúp kinh tế Anh “khắc phục thách thức chưa từng có do virus corona gây ra.

Lý do thứ nhì là nhằm giúp Anh “đa dạng hóa các quan hệ thương mại và chuỗi cung ứng, tăng an ninh kinh tế trong thời kỳ bất an trên thế giới”.

Và lý do thứ ba là để Anh, qua việc gia nhập CPTPP, “có chỗ đứng trung tâm trong mạng lưới thỏa thuận thương mại với các nền kinh tế năng động”.

Chính phủ Anh cũng muốn gửi ra thông điệp về tiến trình trở thành thành viên của CPTPP trong tương lai tới đây.

Theo đó, Anh Quốc muốn trở thành ‘quán quân’ (champion) về tự do mậu dịch ở mọi nơi mọi lúc.

Chính phủ Anh cũng nói từ tháng 7/2018, Anh Quốc đã bắt đầu trao đổi với 11 nước thành viên CPTPP ở cấp bộ và dưới bộ nhằm tìm hiểu quy chế thành viên.

Đầm sen ở Hà Nội
Image captionĐầm sen ở Hà Nội

Anh Quốc nói tất cả các nước thành viên hiện nay của CPTPP “đều hoan nghênh Anh gia nhập”.

Cũng liên quan đến ngoại giao của Anh, đầu tuần này, Thủ tướng Boris Johnson công bố kế hoạch đã có từ một thời gian qua, xóa Bộ Phát triển Hải ngoại (Dfid) và nhập nó vào Bộ Ngoại giao (Foreign and Commonwealth Office).

Bộ mới sẽ có tên là ;Bộ Ngoại giao, Khối Thịnh vượng và Phát triển’ (Foreign, Commonwealth and Development Office-FCDO), do ông Dominic Raab làm Bộ trưởng.

Ngân khoản cũ của Dfid gồm 14 tỷ bảng Anh một năm sẽ được chuyển sang bộ mới này.

Bán hàng trên phố ở Hà Nội
Image captionBán hàng trên phố ở Hà Nội

Chính phủ của ông Johnson từng nói việc cấp viện trợ phát triển của Anh cho các nước trên thế giới thông quan hoạt động của Dfid “không hiệu quả” và nay cần được gắn liền với chính sách ngoại giao chung.

Hôm thứ Hai tuần này, họp với Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen, thủ tướng Johnson đã khẳng định hai bên sẽ “không gia hạn thời kỳ chuyển tiếp” cho quy chế thành viên đang ra đi của Anh với EU quá tháng 1/2021.

Như thế, việc Anh và EU có được thỏa thuận chung cuộc hay không về thương mại, kiểm soát biên giới, lưu thông người và hàng hóa từ nay tới cuối 2020, sẽ không bị tác động bởi một hạn chót nào cả.

Nếu không đạt được thỏa thuận, Anh sẽ hoàn toàn chấm dứt quan hệ như hiện nay với EU từ tháng 2/2021.

Cuộc sống ở Việt Nam đang trở lại bình thường, ảnh ngày 9/6, tỉnh Bắc Giang
Image captionCuộc sống ở Việt Nam đang trở lại bình thường, ảnh ngày 9/6, tỉnh Bắc Giang

Việt Nam đã thông qua Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), sau New Zealand, Canada, Australia, Nhật Bản, Mexico và Singapore.

Ngay sau khi CPTPP có hiệu lực, hầu hết hàng hóa từ 10 thị trường thành viên nhập khẩu vào Việt Nam được hưởng thuế nhập khẩu 0%.

Ngược lại hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu vào 10 thị trường đối tác cũng được hưởng thuế suất này.

Tuy vậy, Việt Nam sẽ phải điều chỉnh, sửa đổi một số quy định pháp luật về thương mại, hải quan, sở hữu trí tuệ, lao động…

Ban đầu lẽ ra sẽ có Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) là Hiệp định thương mại tự do được đàm phán từ tháng 3/2010, bao gồm 12 nước thành viên là Hoa Kỳ, Canada, Mexico, Peru, Chile, New Zealand, Australia, Nhật Bản, Singapore, Brunei, Malaysia và Việt Nam.

TPP đã ký ngày 4/2/2016 và được dự kiến sẽ có hiệu lực từ 2018.

Tuy nhiên, đến tháng 1/2017, Hoa Kỳ tuyên bố rút khỏi TPP.

Tháng 11/2017, 11 nước thành viên TPP ra Tuyên bố chung thống nhất đổi tên TPP thành Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

CPTPP được chính thức ký kết vào tháng 3/2018 bởi 11 nước thành viên còn lại của TPP (không bao gồm Hoa Kỳ).

Hiệp định CPTPP đã được 7 nước thành viên phê chuẩn, bao gồm Australia, Canada, Nhật Bản, Mexico, Singapore, New Zealand, Việt Nam và đã chính thức có hiệu lực vào ngày 30/12/2018.

CPTPP có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 14/1/2019.

Bài Liên Quan