Zimbabwe ‘tịch thu tài sản’ nếu không giải trình được nguồn gốc

Zimbabwe ‘tịch thu tài sản’ nếu không giải trình được nguồn gốc

  • 21 tháng 6 2020
Briefcase full of dollars
Image captionGiới chức có quyền tịch thu nếu chủ sở hữu không giải thích được nguồn gốc tài sản của mình từ đâu mà có

Giới chức Zimbabwe nói những người không giải trình được nguồn gốc tài sản của mình từ đâu ra sẽ có thể bị tịch thu của cải, kể cả khi tòa tuyên họ trắng án đối với các cáo buộc tham nhũng.

Chiến dịch mới này là “một cuộc kiểm toán mạnh mẽ về lối sống” của người giàu, chủ tịch ủy ban phòng chống tham nhũng Zimbabwe, ông Loyce Matanda-Moyo nói.

Nước này đang đối diện với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất từ hơn một thập niên qua.

Sự tức giận trong dân chúng tăng cao quanh tình trạng các dịch vụ công có chất lượng tồi tệ và nạn tham nhũng.

“Đây là một cuộc kiểm toán mạnh mẽ về lối sống của một số những người giàu. Họ phải xuất trình được các hóa đơn hàng hóa, dịch vụ của họ, và những thứ này phải khớp với giá trị của các bất động sản họ mua. Chúng tôi cũng sẽ kiểm tra xem những người này và các công ty của họ có trả đủ thuế không,” thẩm phán Loyce Matanda-Moyo nói với tờ Sunday News của Zimbabwe.

Chiến dịch này dùng quyền lực mà ủy ban phòng chống tham nhũng Zimbabwe đã đạt được hồi tháng 7/2019, theo đó ủy ban có quyền đòi mọi người giải thích lý do vì sao họ kiếm được khối tài sản của mình.

Zimbabwe từng nổi tiếng với các đồn điền màu mỡ thời thuộc địa Anh, nay bên bờ suy tàn.

Những người bị điều tra cần tới Tòa Thượng thẩm để trình bày về khối tài sản của mình, nếu không sẽ bị tự động tịch thu.

Zimbabwe không phải là quốc gia đầu tiên đòi các cá nhân phải giải trình nguồn gốc tài sản.

Ireland và Anh đều đã thay đổi luật để áp dụng chính sách tương tự từ 2017.

Minh bạch Quốc tế, tổ chức chuyên theo dõi tình trạng tham nhũng trên thế giới, gần đây đã nêu việc mua thiết bị y tế để phòng chống virus corona của Zimbabwe là đáng ngờ.

Tổ chức này nói rằng giá mua thiết bị y tế đã bị thổi phồng lên quá cao, và có thể là đã xảy ra tình trạng tham nhũng.

Sau đó, trong hôm thứ Bảy vừa rồi, Bộ trưởng Y tế Obadiah Moyo của nước này đã bị cáo buộc lạm dụng chức vụ, liên quan tới hợp đồng mua vật tư, thiết bị y tế.

Ông được trông đợi sẽ ra hầu tòa vào tháng Bảy.

Bài Liên Quan