Nhiều nước lo ngại luật an ninh Hong Kong ( Việt cộng: không có Dân, không Đồng Minh khi TQ xâm lấn )
Thứ Ba, 30 Tháng Sáu 20208:38 SA
EU đang cân nhắc phản ứng với việc Trung Quốc thông qua luật an ninh Hong Kong, trong khi Anh muốn khẩn trương biết nội dung đầy đủ của luật.
“Chúng tôi lấy làm tiếc vì quyết định của Trung Quốc. Đạo luật này có nguy cơ gây suy yếu nghiêm trọng mức độ tự trị cao của Hong Kong, đồng thời tác động tiêu cực đến sự độc lập tư pháp và pháp trị tại đặc khu”, Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) Charles Michel hôm nay phát biểu trong họp báo, sau khi Trung Quốc thông qua luật an ninh Hong Kong.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cũng cho biết họ “sẽ chú ý kỹ lưỡng về cách phản ứng” với sự việc, nói thêm rằng EU đang thảo luận với “các đối tác quốc tế” về những biện pháp đối phó, nhưng không cung cấp thêm chi tiết. Tuần trước, Nghị viện châu Âu kêu gọi EU đưa Bắc Kinh ra Tòa Công lý Quốc tế ở The Hague, cơ quan pháp lý cao nhất của Liên Hợp Quốc, nếu họ không chịu dừng việc ban hành luật an ninh Hong Kong.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm nay ký phê chuẩn Đạo luật Bảo vệ An ninh Quốc gia ở Hong Kong, nhằm cấm các hành vi ly khai, lật đổ, khủng bố và cấu kết với nước ngoài gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia, sau khi nó được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước này thông qua.
Đạo luật gồm 6 chương, 66 điều, quy định về trách nhiệm của những tổ chức làm nhiệm vụ duy trì an ninh quốc gia tại Hong Kong, đồng thời xác định 4 tội danh xâm phạm an ninh quốc gia. Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc cũng thông qua quyết định đưa đạo luật vào Phụ lục III của Luật Cơ bản, đóng vai trò như tiểu hiến pháp của Hong Kong.
“Bất chấp lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế, Bắc Kinh vẫn không từ bỏ việc áp đặt đạo luật, phớt lờ các nghĩa vụ quốc tế của họ với Hong Kong. Chúng tôi cần khẩn trương xem nội dung đầy đủ của đạo luật, nhằm xác định nó có vi phạm tuyên bố chung hay không, từ đó đưa ra các bước phản ứng tiếp theo”, phát ngôn viên của Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết, đề cập tới Tuyên bố chung Trung – Anh năm 1984 về phương án quản lý Hong Kong.
Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cũng tham gia vào phản ứng của cộng đồng quốc tế đối với Trung Quốc, khi nói rằng Bắc Kinh “rõ ràng không có chung các giá trị” với họ. “Đó là dân chủ, tự do và thượng tôn pháp luật. Chúng tôi nhận thấy những điều đó xuất hiện ở Hong Kong, nơi luật an ninh mới đã làm suy yếu quyền tự trị”, ông cho hay.
Chính quyền Đài Loan cũng lo ngại luật mới sẽ “tác động nghiêm trọng” đến tự do, nhân quyền và sự ổn định của Hong Kong, đồng thời nhắc lại sự ủng hộ đối với người dân tại đặc khu. “Chúng tôi hy vọng người dân Hong Kong tiếp tục gắn bó với các quyền tự do, dân chủ và nhân quyền mà họ trân trọng”, lãnh đạo Thái Anh Văn phát biểu, nói thêm rằng bà “vô cùng thất vọng” với động thái của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam khẳng định luật an ninh mới không làm suy yếu quyền tự trị của đặc khu, mà chỉ “nhắm vào một nhóm rất nhỏ những người vi phạm pháp luật”. Văn phòng các vấn đề Hong Kong và Macao của Trung Quốc đại lục cũng ra tuyên bố tương tự.
“Đối với nhóm thiểu số gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia, luật này sẽ trở thành lưỡi kiếm treo trên đầu họ. Tuy nhiên, với đại đa số cư dân Hong Kong và người nước ngoài tại đặc khu, đạo luật đóng vai trò bảo vệ các quyền tự do của họ”, văn phòng cho hay.Chính quyền Hong Kong cho hay họ sẽ khẩn trương tiến hành các bước để đăng công báo đạo luật trong hôm nay. “Tôi tin rằng sau khi luật được thi hành, bất ổn xã hội đã gây rắc rối cho người Hong Kong gần một năm qua sẽ lắng xuống và ổn định sẽ được khôi phục, giúp Hong Kong có một khởi đầu mới, tập trung vào phát triển kinh tế và cải thiện đời sống người dân”, bà Lam tuyên bố