Châu Âu khó đạt đồng thuận về Thổ Nhĩ Kỳ

Châu Âu khó đạt đồng thuận về Thổ Nhĩ Kỳ

July 13, 2020

27 ngoại trưởng Liên Hiệp Châu Âu đến họp hôm nay, 13/07/2020, tại Bruxelles, với trọng tâm là mối quan hệ khó khăn với Thổ Nhĩ Kỳ.

Cho đến nay các thành viên Liên Âu vẫn không đạt được một quan điểm chung để đối phó với Ankara và nhất là để đưa ra được biện pháp thích ứng trước những tranh chấp ngày càng nhiều, từ vấn đề đảo Sýp, di dân, cho đến Libya. Đây là chủ đề khiến Pháp rất bực tức vì Thổ Nhĩ Kỳ đã vi phạm lệnh cấm vận vũ khí đối với Libya. Chính Paris đã đề xuất cuộc họp và cho rằng có thể trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ.

Chủ đề tranh chấp gay gắt cuối cùng là thánh đường Hagia Sophia ở Istanbul sẽ được biến thành đền thờ Hồi Giáo. Đây là lần thứ 2 trong lịch sử của thánh đường này.

Thông tín viên RFI tại Bruxelles, Pierre Bénazet cho biết thêm chi tiết:

Lãnh đạo ngành ngoại giao Liên Âu Joseph Borrell đã cố khẳng định một cách chính thức là quyết định biến nhà thờ Hagia Sophia thành đền thờ Hồi Giáo là điều rất đáng tiếc. Đây không hẳn là một lời lên án và đó có lẽ không phải là mối quan tâm lớn lao của châu Âu về Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng Hy Lạp rất xem trọng vấn đề này.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục khoan khí đốt ngoài khơi đảo Sýp đã khiến châu Âu ban hành biện pháp trừng phạt kinh tế cách đây 9 tháng, nhưng trước mắt vẫn chưa có đồng thuận về những trừng phạt mới liên quan đến vấn đề Libya.

Vấn đề Libya được Ý xem là mấu chốt, nhưng những ưu tiên của Ý tại Libya lại khác với ưu tiên của Pháp. Và trong sự cố liên quan đến tàu Courbet, thì Pháp chỉ được hậu thuẫn của 8 nước trong NATO, trong lúc có đến 22 quốc gia Liên Âu là thành viên của NATO.

Hơn nữa, Đức, Hà Lan và Bỉ là các nước có một cộng đồng đông đảo người Thổ Nhĩ Kỳ, cho nên không mấy hứng thú trong việc trừng phạt Ankara, trong lúc mà Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa mở cửa cho hàng chục ngàn người di dân đang là mối đau đầu của châu Âu.

Theo RFI

Bài Liên Quan