Anh quốc chuẩn bị đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hong Kong

Anh quốc chuẩn bị đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hong Kong

20 tháng 7 2020

Cảnh sát bắt giữ người biểu tình ở Hồng Kông trong một cuộc tuần hành phản đối luật an ninh quốc gia mới
Chụp lại hình ảnh,Cảnh sát bắt giữ người biểu tình ở Hong Kong trong một cuộc tuần hành phản đối luật an ninh quốc gia mới

Ngoại trưởng Dominic Raab dự kiến sẽ đình chỉ hiệp ước dẫn độ của Anh với Hong Kong trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa London và Bắc Kinh.

Điều này diễn ra sau khi luật an ninh quốc gia gây tranh cãi được áp đặt tại Hong Kong và quyết định cấm sử dụng công nghệ Huawei trong hệ thống hạ tầng kỹ thuật mạng 5G của Anh.

Vương quốc Anh cũng đề nghị cấp quyền cư trú cho ba triệu người Hong Kong.

Trong khi đó, Trung Quốc cáo buộc Vương quốc Anh can thiệp vào các vấn đề nội bộ của mình.

Bắc Kinh khẳng định họ cam kết duy trì luật pháp quốc tế đồng thời cáo buộc Vương quốc Anh và Hoa Kỳ tìm cách gây bất ổn tại Hong Kong.

Ông Raab dự định sẽ thông báo trước Quốc hội về “các thỏa thuận dẫn độ của chúng ta và một loạt các biện pháp khác mà chúng ta có thể muốn thực hiện” đối với thuộc địa cũ của Anh.

Những thỏa thuận trên đã được áp dụng trong suốt hơn 30 năm.

Hiệp ước dẫn độ là gì?

Thỏa thuận hiện tại đặt ra cơ sở pháp lý để những người bị cáo buộc phạm tội ở Hong Kong có thể bị bắt nếu họ ở Anh và trả về để xét xử theo thủ tục pháp lý và sự chấp thuận của các bộ trưởng.

Nhưng quan hệ chính trị và kinh tế giữa hai quốc gia đã trở nên căng thẳng trong những tháng gần đây, với việc Anh đảo ngược quyết định trao cho công ty Huawei của Trung Quốc vai trò then chốt trong cơ sở hạ tầng 5G của Anh.

Vương quốc Anh lên án luật an ninh mới được áp đặt tại Hong Kong là “cực kỳ gây quan ngại”, ngoại trưởng nước này gọi việc ban hành luật trên là “một bước đi nguy hiểm”.

Presentational grey line
Nick Eardley, phóng viên chính trị

Đã xuất hiện dấu hiệu rõ ràng nhất từ trước đến nay từ Ngoại trưởng về việc Vương quốc Anh sẽ hủy bỏ hiệp ước dẫn độ với Hong Kong để đáp trả các hành động của Trung Quốc tại vùng lãnh thổ này.

Đó là một quyết định chính trị được thiết kế để gửi một thông điệp nữa đến Bắc Kinh.

Các biện pháp trừng phạt – có thể nhắm vào các quan chức cấp cao Trung Quốc – cũng là một lựa chọn. Nhưng chúng phức tạp hơn và có thể mất nhiều thời gian hơn.

Đồng thời, căng thẳng với Nga cũng đang lại nổi lên về vấn đề tin tặc và can thiệp vào hệ thống chính trị của Anh.

Vào thứ Ba hoặc thứ Tư, báo cáo về vấn đề nước Nga có thể được công bố, trong đó có lẽ sẽ bao gồm đánh giá toàn diện về những phương cách mà Nga bị cáo buộc đã tìm cách sử dụng để gây ảnh hưởng tới hệ thống chính trị Anh, bao gồm cuộc trưng cầu dân ý về Brexit và trưng cầu dân ý về độc lập Scotland năm 2014. Tuần trước, các bộ trưởng đã cáo buộc Nga tìm cách ăn cắp nghiên cứu vaccine của Vương quốc Anh.

Tất cả những điều này cho thấy căng thẳng leo thang với cả hai nước trong những tháng tới, đúng vào thời điểm Vương quốc Anh đang cố gắng thiết lập vị trí của mình trên trường quốc tế thời hậu Brexit.

Presentational grey line

Anh, Mỹ và EU đã cáo buộc Bắc Kinh phá hoại nguyên tắc “Một quốc gia, hai chế độ” vốn đảm bảo quyền tự trị cao cho Hong Kong dưới sự quản lý của Trung Quốc kể từ khi chuyển giao chủ quyền vào năm 1997.

Những nước này cho rằng luật an ninh mới có hiệu lực vào tháng trước – trong đó quy định các hành vi lật đổ bị trừng phạt bằng án chung thân – vi phạm các điều khoản của Tuyên bố chung năm 1984 bảo vệ các quyền tự do chính trị và kinh tế.

Trong một biện pháp đáp trả, Vương quốc Anh đã đồng ý cấp cho 350.000 cư dân Hong Kong đang mang hộ chiếu hải ngoại của Anh – và hơn 2,6 triệu người đủ điều kiện – quyền cư trú nếu họ muốn đến Vương quốc Anh và một lộ trình để có thể nhập tịch.

Nhưng Trung Quốc đã cảnh báo rằng họ sẽ trả đũa nếu Anh áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với bất kỳ quan chức hàng đầu nào liên quan đến các vi phạm nhân quyền và các cáo buộc về sự tàn bạo của cảnh sát ở Hong Kong.

Luật an ninh mới đã dẫn đến các cuộc biểu tình rộng rãi ở Hong Kong
Chụp lại hình ảnh,Luật an ninh mới đã dẫn đến các cuộc biểu tình rộng rãi ở Hong Kong

Đồn đoán về việc ngưng thỏa thuận dẫn độ đã dấy lên sau khi các thẩm phán cấp cao ở Anh bày tỏ lo ngại về tính độc lập của hệ thống tư pháp Hong Kong.

Nam tước Robert Reed, chủ tịch Tòa án Tối cao Vương quốc Anh, cảnh báo rằng các quy tắc làm việc của các thẩm phán Vương quốc Anh tại Tòa chung thẩm Hong Kong đang bị đe dọa và nhấn mạnh hoạt động của tòa này vẫn phải “tương thích với sự độc lập tư pháp và pháp quyền”.

Các đề xuất cho một hiệp ước dẫn độ giữa Hong Kong và Trung Quốc đã gây ra các cuộc biểu tình rộng rãi vào năm ngoái trong bối cảnh lo ngại về sự can thiệp chính trị vào hệ thống tư pháp Trung Quốc và quyền được xét xử công bằng.

Ngược đãi ‘thô bạo và nghiêm trọng’ với người Uighurs

Vương quốc Anh cũng gia tăng những chỉ trích nhằm vào hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc, cáo buộc Bắc Kinh ngược đãi “thô bạo và nghiêm trọng” với người dân Uighurs (Duy Ngô Nhĩ) ở Tân Cương.

Ông Raab nói với BBC rằng các báo cáo về triệt sản bắt buộc và đàn áp rộng rãi hơn đối với cộng đồng Hồi giáo ở đây là “sự gợi nhắc đến một thứ vốn tưởng như đã biến mất từ lâu”.

Đảng Lao động cũng đã kêu gọi áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc liên quan đến ngược đãi người Hồi giáo Uighur.

Các cảnh quay từ thiết bị bay không người lái được lưu hành rộng rãi cho thấy người Uighur bị bịt mắt và đưa lên tàu hỏa, và những hình ảnh này đã được cơ quan an ninh Úc kiểm tra tính xác thực.

Đại sứ Trung Quốc tại Vương quốc Anh, ông Lưu Hiểu Minh, nói rằng thông tin về các trại tập trung là “giả mạo

Bài Liên Quan