Elaine To và Henry Tong: Cặp uyên ương của phong trào Dù vàng
07/08/2020
Trong mấy năm nay, giữa lúc Trung Quốc ngày càng siết chặt gọng kềm tại đặc khu Hong Kong, thế giới chứng kiến một phong trào đấu tranh quyết liệt để duy trì các quyền tự do dân chủ và nền tư pháp độc lập, di sản để lại sau khi người Anh trao trả quyền cai trị vùng đất này cho Bắc Kinh. Đáng nể hơn, phong trào này phần lớn do những người trẻ tuổi dẫn đầu, nhiều người mới ra đời hoặc hoặc có trường hợp, chưa ra đời khi vương quốc Anh chính thức làm lễ bàn giao quyền cai trị Hong Kong cho Trung Quốc vào năm 1997.
Từ khi ‘phong trào Dù Vàng’ được phát động ở Hong Kong vào năm 1994, một số nhà hoạt động trẻ tuổi đã nổi lên và được thế giới chú ý. Nhưng bên cạnh những Joshua Wong, Nathan Law, Agnes Chow…, còn có nhiều người khác, lớn tuổi hơn nhưng cũng hăng say bảo vệ tự do dân chủ không kém gì thế hệ đàn em. Trong số này phải kể đến một cặp uyên ương mà chuyện tình đẹp được lồng trong bối cảnh biểu tình và lựu đạn cay, dấn thân cho tự do dân chủ và đối mặt với nguy cơ tù tội khi bị truy tố ra tòa về tội ‘gây bạo loạn’.
Henry Tong, 39 tuổi, và Elaine To, 42 tuổi, gặp nhau khi cùng tham dự một khóa Muay Thai – Thái boxing. Quen nhau đã lâu nhưng họ chỉ bắt đầu hẹn hò cách đây 6 năm. Tâm đầu ý hợp, đam mê môn thể dục thẩm mỹ, họ sở hữu một phòng gym ở khu xóm Sheung Wah ở Hong Kong, nơi cả hai là huấn luyện viên thể lực.
Tình yêu lớn dần khi Elaine nâng đỡ Henry qua một cơn khủng hoảng, và nhận ra rằng hai người không thể sống thiếu vắng nhau nên đã lên kế hoạch để xây dựng tương lai chung, bất chấp dịch Covid-19 và tình hình bấp bênh ở Hong Kong với các cuộc biểu tình phản đối luật dẫn độ. Họ quyết định tổ chức một lễ cưới đơn giản, và theo đúng quy định giãn cách xã hội, ngay hai bên gia đình cũng không đuợc mời.
Suýt nữa kế hoạch đó đã bị phá hỏng vì 4 ngày trước lễ cưới vào tháng Bảy năm 2019, hai người bị cảnh sát Hong Kong bắt trong một con hẻm nhỏ khi đang giúp một thiếu nữ bị trúng đạn hơi cay trong một cuộc biểu tình. Họ bị đưa về một trạm cảnh sát, cáo buộc tội “gây bạo loạn”, và giữ tại đó trong suốt 50 giờ đồng hồ.
Elaine và Henry nói họ chỉ giúp sơ cứu người biểu tình trúng hơi cay mà thôi, chứ không làm điều gì bạo động hay bất hợp pháp.
Bị nhốt tại hai phòng khác nhau, ngăn cách bởi một hành lang dài và một bức tường lớn, bất an không biết liệu có được thả ra trước ngày cưới hay không, đôi tình nhân tìm cách trấn an nhau bằng cách la lớn để người kia có thể nghe được. Elaine To giải thích:
“Chúng tôi không được trông thấy nhau. Nhưng nếu la đủ lớn, chúng tôi có thể nghe được tiếng của nhau.”
Cuối cùng, họ được cho tại ngoại trong khi chờ ra tòa để bị xét xử về tội bạo loạn, một trong những tội danh vi phạm trật tự công cộng nghiêm trọng nhất ở Hong Kong, mà nếu bị kết tội, có thể đi kèm với án tù có thể lên tới 10 năm.
Khi đến tòa, họ ngạc nhiên khi thấy một đám đông đang chờ, đa số là những người không quen biết. Trông thấy họ, đám đông reo mừng. Có người mang theo biểu ngữ, có tấm viết: “Không có người gây bạo loạn, mà chỉ có độc tài”… Đám đông hô lớn: “Giải phóng Hong Kong! Cách mạng trong thời đại chúng ta!”
Bất chấp bão đang ập tới, hàng trăm người ủng hộ mặc áo mưa, một số người chỉ che thân bằng một tấm nhựa, đứng dưới cơn mưa trút để tỏ tình đoàn kết. Đám đông đó chờ cho tới khi Elaine và Henry cùng tất cả 44 người bị câu lưu trong ngày hôm đó được cho phép tại ngoại vào buổi chiều.
Kể từ tháng Sáu năm 2019, 9000 người Hong Kong đã bị bắt giữ trong các cuộc biểu tình kéo dài nhiều tháng khi hàng triệu người liên tục rầm rộ xuống đường chống Bắc Kinh và đưa ra 5 đòi hỏi, trong đó có rút lại tội danh ‘gây bạo loạn’ đối với những người tham gia biểu tình đòi dân chủ cho Hong Kong. Trong số 9000 người bị bắt, hơn 650 bị buộc tội ‘gây bạo loạn’, và dưới mắt của các đám đông, họ tự động được coi như những ‘anh hùng’.
Mối tình được thử lửa
Elaine và Henry nằm trong số những người đầu tiên bị cáo buộc tội bạo loạn trong các cuộc biểu tình hồi năm ngoái. Họ bị bắt cùng với một thiếu nữ 17 tuổi tên Natalie Lee, mà họ nói họ gặp trong một ngõ hẻm, trong tình trạng khó thở và không mở được mắt vì trúng hơi cay.
Elaine và Henry giúp Natalie rửa mắt bằng nước muối, sau đó ba người tìm cách rời khỏi hiện trường. Cả 3 bị cảnh sát chống bạo động bắt giữ và bị truy tố về tội bạo loạn.
Trong các cuộc biểu tình, Henry được gọi là Fu Tong, có nghĩa là “vượt qua nước” và Elaine được tặng biệt danh Dou Fo, có nghĩa là “vượt qua lửa”. Hai biệt danh đó mang ý nghĩa cặp đôi sẽ cùng nhau vượt qua được mọi thử thách, lửa và nước.
Thời gian bị câu lưu tại trạm cảnh sát là thời gian khó khăn nhất, Elaine và Henry chia sẻ với Reuters. Elaine cho biết từ khi bắt đầu hẹn hò vào năm 2014, khi những người biểu tình làm tê liệt các trục lộ chính tại trung tâm tài chính Hong Kong trong suốt 79 ngày để đòi dân chủ toàn diện cho Hong Kong. Tâm đầu ý hợp, cùng lý tưởng, hai người khắng khít như bóng với hình.
Kể lại với Reuters một năm sau, Elaine vẫn không cầm được nước mắt vì xúc động khi nhớ lại nỗi âu lo phải chia tay người yêu, không biết ngày nào gặp lại.
Đây lần đầu tiên trong đời họ phải ra hầu tòa. Henry nói anh và Elaine “không bao giờ tưởng tượng” được là có ngày mình sẽ bị bắt, hoặc ngay cả cần đến một luật sư.
“Đối với tôi, điều đáng sợ nhất khi bị bắt giữ là tôi và Elaine không được lấy nhau như chúng tôi đã định. Lúc đó cảnh sát liên tục nói họ không có ý định cho chúng tôi được tại ngoại hầu tra. Điều đầu tiên tôi nói với luật sư là hãy bảo đảm chúng tôi được tại ngoại để có thể làm đám cưới”.
Món quà bất ngờ ngày cưới
4 ngày sau, cô dâu Elaine trong chiếc áo đầm ngắn màu trắng, và chú rể Henry dắt tay nhau tới Văn phòng đăng ký Hôn nhân Cotton Tree. Gia đình không được mời một phần vì dịch Covid, nhưng cũng vì cặp đôi đã nhận nhiều lời đe dọa trên mạng rằng lễ cưới sẽ bị phá hoại, và những ai tham dự sẽ bị công khai. Họ chỉ trông đợi có 4 người, kể cả hai nhân chứng.
Nhưng họ kinh ngạc khi thấy hàng chục người thân trong gia đình, bạn bè và cả những người họ chưa từng quen biết đều không hẹn mà đến chia vui. Nhiều nhà báo cũng có mặt và lễ cưới được tường trình trực tuyến, như thể đây là một đám cưới hoàng gia, chứ không phải đám cưới của hai người bị cáo buộc tội hình sự.
Henry nói anh và Elaine rất xúc động trước tình cảm của nhiều người.
“Thông thường dân Hong Kong thường tránh né những kẻ bị coi là phạm tội hình sự, thế mà họ đã rủ nhau tới chung vui với chúng tôi. Điều đó thể hiện tình yêu của người dân Hong Kong. Chúng tôi vô cùng cảm kích và cảm thấy tự hào.”
Sáng tạo, đầy tự tin, không bị bó buộc bởi truyền thống, đám cưới của Elaine và Henry giản dị và tập trung vào điều quan trọng nhất: tình yêu họ dành cho nhau và lời nguyền sẽ cùng nhau đi hết quãng đời còn lại, bất chấp tương lai bất trắc và Luật an ninh Hong Kong.
Henry Tong tuyên bố “dù cho có có một vụ nổ hạt nhân đi nữa, tôi cũng vẫn làm đám cưới với Elaine.”
Sau khi ký giấy hôn thú, cặp vợ chồng mới cưới trao đổi vài lời trước những người hiện diện.
“Mặc dù gặp một số trở ngại, rốt cuộc em đã trở thành ‘Mrs. Tong’. Em sẽ cùng anh vượt qua mọi thăng trầm”, cô dâu Elaine To noi trong giờ phút trọng đại của mình.
Henry Tong nói anh vô cùng may mắn đã gặp được một người bạn đời chia chung các giá trị với anh.
“Trong đời, không dễ gì gặp được một người bạn đời chia sẻ lý tưởng và các giá trị của mình, sẵn sàng chung vai sát cánh với mình trong những thăng trầm của cuộc đời. Anh sẽ yêu em mãi mãi…”.“ngay cả một vụ nổ hạt nhân cũng không ngăn cách được chúng tôi”.Chú rể Henry Tong
Thay vì trao nhẫn, cô dâu và chú rể mỗi người đã xâm trên cánh tay một chiếc găng đánh bốc có vẽ hình cô dâu /chú rể và hai sợi dây liên kết với nhau dẫn đến chiếc nhẫn cưới xâm trên ngón tay đeo nhẫn. Hình xâm có ý nghĩa đặc biệt, gợi lại lần đầu tiên gặp gỡ tại một lớp dạy quyền Thái, biểu tượng cho một sự kết nối không dễ gì xóa bỏ.
Chuẩn bị cho phiên xét xử
Lo lắng về nguy cơ bị kết án tù, từ đầu năm Henry đã bỏ ra hơn 1 tháng để làm một cuốn album vào những lúc hiếm hoi khi hai người không ở bên nhau. Anh muốn Elaine có trong tay một cái gì đó để gợi nhớ tình yêu của hai người, trong trường hợp cả hai bị tuyên án tù dài hạn.
Kể lại câu chuyện này, hãng tin Reuters cho biết Henry đã trao món quà đó cho Elaine vào ngày lễ tình nhân 2020: một album với những tấm ảnh đầy ắp kỷ niệm: cuộc hẹn hò đầu tiên cách đây 6 năm, nụ hôn đầu tiên trước bức tường dân chủ “Lennon”, ảnh xâm nhẫn cưới ở ngón tay đeo nhẫn và hình ảnh chan hòa hạnh phúc trong ngày cưới vào cuối năm 2019.
Lo âu trước phiên xét xử
Phiên tòa xét xử lẽ ra bắt đầu từ tháng Ba nhưng bị hoãn lại vì đại dịch Covid-19.
Vụ án đã tác động tới công việc làm ăn của hai vợ chồng. Họ cho biết đã mất đi 2/3 thu nhập do những bất đồng chính kiến với khách hàng. Nhưng những khách hàng còn lại ủng hộ họ hết mình.
Khi nào xuống tinh thần, hai vợ chồng thường mang những tấm thiệp chúc mừng đám cưới ra xem lại. Tấm thiệp họ thích nhất là của 3 đứa trẻ, vẽ cô dâu mặc áo cưới và chú rể mặc bộ vét đầu đội một cái mũ màu vàng, biểu tương của phong trào dù vang. Họ treo tấm thiệp đó trước cửa phòng gym.
Thiệp có dòng chữ này:
“Xin cảm ơn cô chú đã đấu tranh cho công lý cho các thế hệ trẻ, cô chú không cô đơn, chúng con sẽ sát cánh cùng cô chú. Xin chúc mừng đám cưới cô chú! Rất tự hào về ông bà Tống!”
“Các em nhỏ đó nhắc nhở chúng tôi phải tiếp tục đường đi của mình.” Henry nói. Nói về Luật an ninh Hong Kong do Bắc Kinh áp đặt, Henry nói: “Mặc dù Hong Kong không còn tương lai nữa, tôi vẫn hy vọng. Chúng tôi không cô đơn.”
Elaine và Henry ra hầu tòa vài tuần lễ sau khi Bắc Kinh áp đặt Luật an ninh mới, tăng hình phạt đối với các tội hình sự, một số tội chính trị có thể bị tuyên án tù chung thân.
Hôm thứ Sáu 31/7, họ đến dự phiên xét xử trong trạng thái âu lo, sợ sắp phải xa nhau. Nhưng một lần nữa họ lại kinh ngạc khi thấy một đám đông khoảng 100 người tụ tập bên ngoài tòa án. Theo dõi vụ án này, Reuters nói Elaine khóc, trong khi Henry ngồi yên, lặng nhìn bức tường. Tất cả những âu lo đó tức khắc tan biến khi thẩm phán ra phán quyết tha trắng án cặp vợ chồng về tội bạo loạn, họ bị tuyên phạt về tội sở hữu một máy phát thanh mà không có giấy phép. Họ phải trả tiền phạt 1.300 đôla mỗi người. Và được tra tự do.
‘Không hối tiếc’
Elaine nói cô tin rằng đứng lên để bảo vệ tương lai của Hong Kong là trách nhiệm của mỗi người.
“Khi ngoảnh nhìn lại cuộc đời mình, điều gì làm chúng ta cảm thấy tự hào? Tôi tin rằng dù bị bắt giữ, tôi vẫn không hối tiếc là đã đứng dậy. Dù rất sợ đi tù, nhưng tôi không hối tiếc gì.”
Henry bày tỏ sự biết ơn về sự ủng hộ tinh thần của nhiều người dân Hong Kong trong giai đoạn khó khăn nhất của vợ chồng anh.
“Họ không có liên can gì, thế mà họ có mặt và chờ chúng tôi, ngay cả dưới mưa bão”, Henry ứa nước mắt.
“Quang cảnh đó thật quá sức tưởng tượng của chúng tôi. Nhờ sự hỗ trợ tinh thần đó, chúng tôi bớt âu lo khi ra hầu tòa”.