Biểu tình ở Thái Lan: Chín nhà hoạt động bị bắt
3 giờ trước
Cảnh sát Thái Lan đã bắt giữ 9 người trong một cuộc truy quét nhắm vào các nhà hoạt động liên quan đến những cuộc biểu tình chống chính phủ gần đây.
Trong số chín người có luật sư Anon Nampa, người bị buộc tội liên quan tới một cuộc biểu tình trong đó ông đã kêu gọi cải cách chế độ quân chủ.
Chế độ quân chủ của Thái Lan từ lâu đã được bảo vệ trước chỉ trích vốn bị xử theo luật tội khi quân và các luật hà khắc khác.
Nhưng trong những tuần qua, sinh viên và các nhà hoạt động khác đã xuống đường kêu gọi cải cách thể chế.
Ông Anon, 36 tuổi, là người đầu tiên công khai phá bỏ lệ cấm kỵ vào đầu tháng này và kêu gọi cải cách tại một cuộc biểu tình ở Bangkok vốn lấy nguồn cảm ứng từ Harry Potter.
Trong số những người khác bị bắt giữ sau khi ông Anon bị bắt gồm có các nhà hoạt động Baramee Chairat, Suwanna Tarnlek và Korakot Saengyenpanm, và một rapper nổi tiếng, Dechatorn Bamroongmuang từ nhóm Rap vì Dân chủ, vốn đã biểu diễn tại cuộc biểu tình hồi tháng Bảy tại Đài tưởng niệm Dân chủ ở Bangkok.
Họ đã bị buộc tội gây rối, kích động chống chế độ và có thể phải đối mặt với án tù tới bảy năm. Các nhà hoạt động cho biết họ đã nhìn thấy danh sách của cảnh sát có tên 20 người nữa có thể bị bắt giữ trong tương lai gần.
Những người biểu tình đang yêu cầu giải thể chính phủ do Thủ tướng Prayuth Chan-ocha đứng đầu.
Ông Prayuth Chan-ocha là cựu tư lệnh quân đội và đã nắm quyền trong cuộc đảo chính quân sự năm 2014 và trở lại làm thủ tướng dân sự của đất nước sau một cuộc bầu cử gây tranh cãi vào năm ngoái.
Chuyển hướng bất thường
Các cuộc biểu tình chống chính phủ đã có bước ngoặt chưa có tiền lệ vào đầu tháng này khi người biểu tình kêu gọi cải cách chế độ quân chủ.
Người Thái được dạy phải tôn trọng, tôn kính và yêu mến Hoàng gia, nhưng họ cũng sợ hậu quả khi nói về chế độ quân chủ.
Xúc phạm Hoàng gia ở Thái Lan có thể phải ngồi tù 15 năm theo luật xử tội khi quân tại vương quốc này.
Việc sử dụng luật này đã chững lại trong những năm gần đây do Quốc vương Thái Lan Vajiralongkorn đã thông báo rằng ông không còn muốn luật này được sử dụng rộng rãi nữa.
Nhưng các nhà quan sát nói rằng chính phủ đã sử dụng các công cụ pháp lý khác để nhắm vào những người bất đồng chính kiến, trong đó có luật gây rối, kích động chống chế độ.
Vụ bắt giữ ông Anon hôm thứ Tư khiến ông bị buộc tội gây rối, kích động chống chế độ lần thứ hai trong tháng này. Trước đó ông đã bị bắt trong cuộc biểu tình hồi tháng Bảy cùng với một nhà hoạt động khác là Panupong Jaadnok.
Vụ bắt giữ mới nhất này diễn ra sau cuộc biểu tình theo chủ đề Harry Potter diễn ra ở Bangkok vào ngày 3 tháng 8, khi ông Anon nhấn mạnh nhu cầu ông muốn cải cách, không lật đổ, chế độ quân chủ lập hiến.
Ông đặc biệt nói tới khối tài sản khổng lồ của Cục Tài sản Hoàng gia, nơi mà dưới thời cố Quốc vương Bhumibol, trên danh nghĩa được tin tưởng vì lợi ích của người dân Thái Lan, nhưng hiện đã được công bố là tài sản cá nhân của nhà vua, kể như biến ông là người giàu có nhất ở Thái Lan.
Ông Anon cũng đặt câu hỏi về quyết định của Quốc vương Vajiralongkorn trong việc nắm quyền chỉ huy cá nhân đối với tất cả các đơn vị quân đội đồn trú tại Bangkok, điều mà ông tin rằng không tương thích với một chế độ quân chủ lập hiến dân chủ.
‘Đàn áp các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ’
Những bình luận của ông Anon là hết sức hi hữu ở một đất nước mà ít người dám công khai thảo luận về thể chế. Trong những năm gần đây, những người chỉ trích chế độ quân chủ của Thái Lan bỏ chạy sang các nước láng giềng đã bị bắt cóc và sát hại.
Việc cảnh sát Thái Lan đang trấn áp phong trào do sinh viên lãnh đạo đã làm dấy lên các cuộc biểu tình lớn nhất tại đất nước kể từ cuộc đảo chính sáu năm trước.
Những người biểu tình yêu cầu chính phủ được quân đội hậu thuẫn từ chức, chấm dứt sự quấy rối của những người chỉ trích chính phủ, đòi có hiến pháp mới và các cuộc bầu cử mới.
Brad Adams, Giám đốc khu vực châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) cho biết: “Những cam kết lặp đi lặp lại của Chính phủ Thái Lan là họ lắng nghe những tiếng nói bất đồng chính kiến là vô nghĩa khi cuộc đàn áp đối với các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ vẫn không hề suy giảm”.