Belarus: Ông Lukashenko “đi dây” và làm khó chính mình?

Belarus: Ông Lukashenko “đi dây” và làm khó chính mình?

4 giờ trước

People attend a funeral ceremony on Saturday
Chụp lại hình ảnh,Biểu tình chống Lukashenko ở Minsk

Tình hình chính trị tại Belarus đang hết sức nóng bỏng với nhiều áp lực, thách thức được cho là hết sức khó khăn đối với Tổng thống Alexander Lukashenko, sau khi kết quả bầu cử tổng thống 2020 giúp ông tái đắc cử với 80% số phiếu bị phe đối lập và công luận phản đối và bác bỏ.

Từ Đại học Tổng hợp St. Petersburg, nhà quan sát và phân tích chính trị người Nga, Giáo sư Vladimir Kolotov chia sẻ quan điểm riêng của mình với BBC News Tiếng Việt về điều mà ông tin là những lý do chính yếu dẫn đến vị thế chính trị của tổng thống ‘đắc cử’ Lukashenko bị thách thức mạnh như hiện nay.

“Theo tôi diễn biến chính trị hiện nay ở Belarus là do chính phủ của Lukashenko tự diễn biến, tự phá hoại, tự mục nát, tự dẫn tình hình đến khủng hoảng như bây giờ.

“Tại vì Lukashenko cố gắng cùng một lúc ‘ngồi mấy ghế’ và đồng thời dọa Nga là phương Tây có thể lật đổ Belarus nếu Nga không ủng hộ và đồng thời dọa phương Tây là nếu phương Tây không ủng hộ thì Nga sẽ lật đổ.

“Đấy là cùng một lúc mâu thuẫn như thế và ‘xoay theo chiều gió’ thường xuyên và cuối cùng là làm mất lòng tin trong nước và nước ngoài.”

16/08/2020 Reuters

Sai lầm lớn nhất?

Gọi đây là sai lầm lớn nhất có thể được hiểu về mặt chiến lược của chính trị gia, Tổng thống Lukashenko và chế độ do ông đang cầm quyền tại Belarus, Giáo sư Vladimir Kolotov bình luận tiếp với BBC:

“Đó là sai lầm lớn nhất của chế độ Lukashenko… và chế độ dần dần mất khả năng phân tích tình hình xung quanh, cũng như trong nước và trở thành nạn nhân của mật vụ nước ngoài khiêu khích ngay trên lãnh thổ của Belarus. Và đấy là điều hết sức nguy hiểm.”

Trước câu hỏi những gì đang xảy ra ở Belarus có phải là hệ quả của thay đổi mang tính thế hệ sau 30 năm Chủ nghĩa Cộng sản ở Liên Xô (trước đây) và Đông Âu sụp đổ và liệu mô hình Xô Viết của ông Lukashenko khó trụ được với thời gian, nhà bình luận từ Đại học Tổng hợp St. Petersburg, Nga, nêu quan điểm:

“Về một phần nào đó thì ý kiến này là đúng. Tuy nhiên, Cộng hòa Belarus khá nhỏ, dân số chỉ gần 9 triệu thôi, nhưng Lukashenko theo đuổi một số ý tưởng cộng sản như là phúc lợi cho dân.

“Chính vì thế thế hệ mới lớn lên trong vòng tay 26 năm qua thì chỉ biết một tổng thống là Lukashenko, cho nên nhiều thứ về phúc lợi xã hội như là bảo hiểm y tế miễn phí, việc làm cho đại đa số, với công dân Belarus, người ta tưởng như thế là chuyện bình thường, nước nào cũng có.

“Cho nên về một mặt nào đó, người ta không biết giá trị của những điều đó. Và tất nhiên để đạt được những kết quả về mặt kinh tế như thế, thì chính quyền Belarus phải cùng một lúc ‘ngồi nhiều ghế’.

“Chính vì thế đường lối chính sách đối ngoại không ổn định, chính vì thế tình hình này cũng phải kết thúc. Hơn nữa, tình hình này phần lớn là do Tổng thống Lukashenko tự tạo ra.”

“Nghĩa là tự phá hoại chế độ của mình, tại vì trong vòng nhiều năm ông lên cầm quyền, những người xung quanh báo cáo những điều lãnh đạo muốn nghe, chứ không phải là tình hình trên thực tế như thế nào.

“Chính vì thế có những điều rất là chủ quan, không phân tích đúng tình hình trong nước, bên ngoài và sớm muộn tình hình như thế này sẽ dẫn đến khủng hoảng và bên ngoài dễ can thiệp, đó là tình hình chúng ta có thể quan sát thấy ngay bây giờ ở Cộng hòa Belarus,” ông Kolotov nói với BBC hôm 21/8/2020 từ St.Petersburg.

Bài Liên Quan